Thơ Đường: Tiết phụ ngâm – Trương Tịch

TIẾT PHỤ NGÂM

Trương Tịch

Quân tri thiếp hữu phu

Tặng thiếp song minh châu,

Cảm quân triền miên ý,

Hệ tại hồng la nhu

Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi

Lương nhân chấp kích Minh Quang lý

Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt

Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử

Hoàn quân minh châu song lệ thùy

Hận bất tương phùng vị giá thì.


KHÚC NGÂM CỦA NGƯỜI THIẾU PHỤ TRINH TIẾT

Bản dịch của: Ngô Tất Tố
Chàng hay em có chồng rồi,

Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.

Vấn vương những mối cảm tình,

Em đeo trong áo lót mình màu sen.

Nhà em vườn ngự kề bên,

Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.

Như gương, vâng biết lòng chàng,

Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.

Trả ngọc chàng, lệ như mưa,

Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

BÀN CHO VUI:

       Đây là bài thơ tình hiếm thấy trong kho tàng đồ sộ Đường Thi. Hiếm và gần như duy nhất, là bài thơ tình thuộc và thể tài hay bậc nhất trong thơ tình: ngoại tình! Chàng trai không “ve vãn, tán tỉnh”, mà rất chân tình và… dại gái! Người thiếu phụ nhạy cảm, biết nhưng không lợi dụng, hay trách mắng kẻ đi yêu người có chồng, mà với Nho giáo thì họ có toàn quyền làm việc này. Nhận – cất giấu – rồi đem trả, điều này chứng tỏ người đàn bà cũng yêu và chân tình yêu chàng trai. Và dù không có một “cuộc tình”, nhưng giữa họ đã có một “mối tình”, rất có thể “đem xuống tuyền đài”!

Sau nhiều thế kỷ, thơ tình hiện đại có lẽ cũng chỉ đến thế là cùng. Bây giờ đọc mà vẫn thấy rưng rưng, và vẫn thấy những mối tình như thế diễn ra quanh ta.

         Cũng có người cho là tác giả (Trương Tịch) dùng bài thơ này để “nói bóng gió” đến việc có một lời mời gọi “lộn chúa” trên con đường công danh hay chính trị! Tôi không tin, bởi thiếu gì những nhà “tầm chương trích cú”, “vẽ rắn thêm chân” để chứng tỏ ta là người có công “phát hiện”. Hãy căn cứ vào văn bản.

         Nếu chỉ là ẩn ý, thì làm gì có được những hình ảnh “hệ tại hồng la nhu” (giấu trong áo lót màu hồng – nhớ là áo lót màu hồng, có gợi cảm không?). Hay là hình ảnh “song lệ thùy” (đôi dòng lệ chảy chứa chan), để rồi “hận” (hận chứ không phải tiếc) sao không biết nhau từ lúc còn son!

         Đích thị đây là bài thơ tình, oái oăm, trắc trở và rung động nhất!

         [Bài này tôi viết mấy năm trước, nhân “Đại hội thơ Đường” toàn cõi VN, tôi đọc được “nó” trong trang lưu trữ của anh Mang Viên Long, nên đưa lại đây.

Lưu ý rằng: Bài này không nằm trong thể “Đường Luật” như mọi người đang bàn (thất ngôn, bát cú) và coi nó là duy nhất trong thơ Đường (đời Đường). Eptusenko, nhà thơ nổi tiếng Liên Xô (và bây giờ là Nga) đã có nhận xét: (đại ý) “Thơ Đường như hồ Bai-can, sâu nhưng nhìn thấy đáy”. Những bài thơ bất hủ (như Tương Tiến tửu, Phong kiều dạ bạc, Thạch hào lại, Lương Châu từ, Tiết phụ ngâm…) lại không phải thể thất ngôn bát cú, đề thực, luận kết…

Riêng tôi coi thể thơ thất ngôn bát cú như một trò chơi xếp chữ. Không có cảm xúc vẫn làm được. Ai hay hơn ai là ở cái giỏi sắp xêp. Thế mới thấy người xưa đã nói có lý: Viết văn, làm thơ. Làm: công nghệ thao tác]

Đây là bản “dịch” của tôi (HĐQ)

Biết rằng em đã có chồng

Mà anh vẫn tặng đôi bông hột xoàn

Biết anh, tình rất đa mang

Giấu vào áo ngực an toàn anh ơi!

Nhà em phố lớn đông người

Chồng em súng lục đứng ngồi cũng mang

Biết anh chân thực, nồng nàn

Nhưng em đâu dám để mang tiếng đời

Thôi anh, cầm lấy anh ơi

Hận mình chẳng gặp nhau thời sinh viên!

HOÀNG ĐÌNH QUANG

http://hoangdinhquang.vnweblogs.com/post/28838/411150