NHÀ THƠ ANH THƠ – “Mây đi vắng”

Nhà thơ Anh Thơ

Các nhà thơ (Trái qua): Ngô Minh, Đức Ban, Lê Khánh Mai, Nguyễn Khắc Thạch

NHÀ THƠ ANH THƠ “MÂY ĐI VẮNG

 

(Kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhà thơ Anh Thơ 14/03/2005 – 14/03/2011)

 

 

LÊ KHÁNH MAI

 

Nhà thơ Anh Thơ đã từ trần hồi 7 giờ ngày 14-3-2005 tại nhà riêng ở Khu tập thể Văn Chương Hà Nội.

            Tên thật của bà là Vương Kiều Ân. Sinh ngày 25-01-1921. Quê quán: thị xã bắc Giang; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ( 1957)

            Xuất hiện trong phong trào Thơ mới, được giải thưởng Thơ của Tự Lực Văn đoàn năm 1939 khi mới 18 tuổi. Bà tham gia cách mạng năm 1945. Từng là Thường vụ Tỉnh hội Phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang – Lạng Sơn; Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khoá I và II; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2001.

Tác phẩm chính của bà: “Bức tranh quê” (thơ 1941), “Kể chuyện Vũ Lăng” (truyện thơ 1957), “Quê chồng” (thơ 1979), “Từ bến sông Thương”(hồi ký 1986), “Tuyển tập Anh Thơ” (1986), “Lệ sương” (thơ 1995)…

         

          Tôi được gặp nhà thơ Anh Thơ lần đầu tiên vào mùa hè năm 2001, khi bà dự Trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam tại Nhà sáng tác Nha Trang. Tôi hơi ngỡ ngàng vì bà đã ngoài 80 mà vẫn tươi tắn, da trắng, gương mặt đầy đặn và nét cười hồn hậu. Khi nói chuyện bà rất vui vẻ, gần gũi với chúng tôi – những người cầm bút thuộc thế hệ con cháu của bà.

          Tôi mê thơ Anh Thơ từ hồi còn học phổ thông. Dạo ấy thơ, đặc biệt thơ của phong trào Thơ Mới không in và phát hành rộng rãi như bây giờ, chúng tôi truyền nhau những bài thơ của bà, chép vào sổ tay và thuộc lòng những câu: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi hay “ Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi”…

          Trong cuộc sống đôi khi vì một vài sơ suất nhỏ khiến ta ân hận mãi. Đó là tâm trạng của tôi khi nhận tin nhà thơ Anh Thơ từ trần.

          Hôm ấy kết thúc Trại sáng tác của Hội Nhà văn, tôi ra ga Nha Trang tiễn đoàn. Nhà văn Hà Khánh Linh về Huế, nhà thơ Anh Thơ và Phan Thị Thanh Nhàn về Hà Nội nên ngồi ở hai toa cách xa nhau. Vì Hà Khánh Linh có nhiều đồ đạc nên tôi xách đỡ lên tàu, rồi vội vàng chạy lại phía toa tàu của bà Anh Thơ và chị Thanh Nhàn, nhưng cánh cửa bậc lên xuống đã đóng chặt. Tôi căng mắt qua lớp kính mờ dưới ánh đèn vàng đục, giơ tay vẫy vẫy không biết hai nhà thơ có nhìn thấy tôi không. Tàu chuyển bánh tôi nhìn theo buồn mãi.

          Sau đó tôi và nhà thơ Anh Thơ thỉnh thoảng liên lạc với nhau bằng thư từ, điện thoại. Bà gửi tặng tôi “Tuyển tập Anh Thơ” và bảo tôi gửi cho bà các tập thơ của tôi để bà viết bài giới thiệu, nghiên cứu. Tôi đã làm theo ý bà nhưng rất tiếc cô Dương Mai thư ký của nhà thơ Anh Thơ do bận nhiều việc đã để thất lạc mất mấy tập thơ của tôi. Cô Dương Mai rất buồn vì đã bị bà trách móc, liền viết thư xin lỗi và khẩn khoản đề nghị tôi gửi tiếp mấy tập thơ vừa bị thất lạc. Tôi nghĩ chuyện đơn giản thế có gì mà không thực hiện được. Vậy mà tôi đã quên bẵng đi, quên một cách tàn nhẫn.

          Cuối năm 2004 nhà thơ Anh Thơ đau nặng phải vào bệnh viện Hữu Nghị. Tôi có gọi điện thoại về nhà riêng của bà nhiều lần nhưng hầu như không liên lạc được. Tôi đăng thơ của bà trên Tạp chí Nha Trang do tôi làm Tổng biên tập, bà rất vui. Cô Dương Mai viết thư cho tôi kể: “Tôi có đọc cho bà Anh Thơ nghe mấy bài thơ của bà (Anh Thơ) đăng trên Tạp chí Nha Trang. Bà Anh Thơ rất cảm động… Vì đau ốm không viết được bà dặn tôi viết thay bà bức thư này…Bà Anh Thơ chúc mừng bà (Lê Khánh Mai ) đã trúng cử Chủ tịch Hội Văn Nghệ Khánh Hoà…”

                   (Trích thư Dương Mai viết ngày 24 tháng 11 năm 2004)

Giờ đây đọc lại những dòng này tôi ân hận đau xót vô cùng. Nhà thơ Anh Thơ 84 tuổi, bằng tuổi mẹ tôi, khi nằm trên giường bệnh bị hành hạ bởi những cơn đau tim vẫn nhớ đến tôi, chia sẻ niềm vui và thành đạt của tôi, như tấm lòng của một người mẹ đã sinh ra tôi. Vậy mà tôi vô tâm quá!

Nhà thơ Anh Thơ đã ra đi đúng vào cái ngày Đại hội Nhà văn Việt Nam các tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa) tổ chức tại Nha Trang –  ngày 14-3-2005, để tiến tới Đại hội Nhà văn Việt  Nam lần thư VII, sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2005. Chiếc máy điện thoại di động của nhà thơ Hữu Thỉnh réo liên tục. Ông nói với chúng tôi giọng rưng rưng: “Chị Anh Thơ mất rồi”. Mấy ngày đại hội bận rộn và sôi động, tôi và các nhà văn miền Trung vẫn dành những khoảng lặng để tưởng nhớ nhà thơ Anh Thơ – nhà thơ nữ tiêu biểu của phong trào thơ mới. “Mây đi vắng” thật rồi, tiếc thương này không nguôi.