HOÀNG HÔN TRẮNG ( Chương VII )

HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯƠNG VII

(Tiếp theo kỳ trước)

Tấm bảng đen treo ở góc phòng Hội đồng, ngay lối rẽ vào toa-lét, thường được mọi người lưu ý. Vì đó là nơi duy nhất ghi dòng chữ: “Đã có lương  tháng…”, một thông báo hấp dẫn.

          Giáo viên ít ai công khai nhìn vào tấm bảng ấy. Họ làm ra vẻ thản nhiên, hoặc vô tình đọc được. Ai lại ngong ngóng chờ đồng lương thảm hại, không đủ cho một gia đình bốn miệng ăn sống thoi thóp được năm ngày. Mặc dù thực tế có đến 80 phần trăm giáo viên hoàn toàn trông cậy vào đồng lương.

          Phải tự giấu mình đi, che đậy lại cái nghèo khó, khốn đốn, như người ta che đậy những nốt ghẻ trên người. Dạy học, nghề vinh quang nhất trong những nghề vinh quang. Sứ mệnh của ông thầy cao cả lắm: Trồng người vì lợi ích trăm năm, kỹ sư tâm hồn, người gieo ánh sáng trí thức, dìu dắt thế hệ trẻ, người khẳng định tương lai dân tộc…

          Người thầy làm sao có thể hoàn thành sứ mệnh của mình khi đầu óc bận rộn với những chuyện áo cơm tẹp nhẹp.

          Đã có một thời cái  nghèo lên ngôi. Người ta đua nhau “khoe” nghèo. Nghèo là “mốt” thời đại. Ăn khoai sắn, mặc quần áo vá víu, nhăn nhúm, bẩn thỉu, được đánh giá là “giản dị”, là “có tác phong sinh hoạt quần chúng”. Cái nghèo đồng nghĩa với cái tốt, trong sạch, thành phần cơ bản, đáng tin cậy. Một sự ngộ nhận, đánh tráo khái niệm.

          Giờ thì ngược lại. Người ta truy tìm nguyên nhân của cái nghèo: Do chiến tranh, do cơ chế quan liêu bao cấp, do lười biếng, ngu dốt, và do… số phận. Chẳng biết do cái gì là chính, nhưng đã nghèo là nhục, là hèn, là đau xót, tủi hổ chứ chẳng có gì  đáng tự hào. Vậy phải giấu đi, che đậy lại.

          Nhưng cái nghèo biết giấu vào đâu?

          Trong ý thức xã hội, cái nghèo của người thầy giáo là dĩ nhiên. Một ông bố răn đe con: “Cái thứ mày lớn lên chỉ làm giáo viên là cùng. Rồi cũng đến húp cháo con ạ”.

          Đã là ngày 19 tháng 11. Trên tấm bảng đen chưa có cái thông báo hấp dẫn kia, nhưng lại có dòng chữ: “Mời các đồng chí giáo viên dự  toạ đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam”.

          Hội trường trang trí khá đẹp mắt. Bàn tay khéo léo của nữ sinh gom những bông hoa đơn lẻ vào những chiếc bình xinh xắn, tạo nên cá tính độc đáo cho loài hoa. Bánh kẹo được bày ra. Thứ bánh kẹo nội địa rẻ tiền. Chè đậu xanh do các cô giáo trổ tài gia chánh. Có được bữa liên hoan nhẹ, giản dị như thế là nhờ sự cố gắng của Hội cha mẹ học sinh. Thôi, như thế cũng mát lòng. Thầy giáo đạm bạc đã quen.

          Không khí buổi toạ đàm ban đầu hơi trầm, tẻ. Sau sôi nổi dần. Giáo viên các thế hệ già, trẻ nói lên những suy nghĩ, tâm tư về nghề. Họ băn khoăn trước tình hình chất  lượng văn hoá và đạo đức của học sinh ngày càng sút kém, xuống cấp. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” đang bị sói mòn. Họ nhắc đến những kỷ niệm sâu sắc trong đời dạy học, tình thầy trò, những thành công trong nghề nghiệp, và cả những chuyện đau lòng đã xảy ra trong nhà trường. Một bà giáo cấp một gõ thước vào tay cậu học trò lười biếng. Cậu về mách mẹ. Lập tức cha, anh, chị  của cậu bé chặn bà giáo tại cổng trường xỉ vả, hành hung. Bà giáo già 50 tuổi ngã xuống, ngất xỉu. Pháp luật không phân xử. Bà giáo phải làm bản kiểm điểm vì vi phạm qui chế giáo dục. Cú đòn cuối đời khiến bà suy sụp hoàn toàn về tinh thần và thể xác.

          Một thầy giáo trẻ nghiêm khắc với học sinh trong lúc coi thi tốt nghiệp phổ thông. Ra khỏi phòng thi, một số nam sinh ngổ ngáo đón thầy ở quãng đường vắng đánh thầy thừa sống thiếu chết.

          Mới đây lại xảy ra một chuyện đáng buồn tương tự. Trường phổ thông trung học Đông Hải là một trường lớn của thành phố, có hơn ba ngàn học sinh và hàng trăm giáo viên. Giờ tan trường  để xảy ra tình trạng chen lấn, lộn xộn. Nhà trường qui định cổng phía tây cành riêng cho giáo viên. Thế mà vẫn có học sinh chen bật cả thầy cô giáo. Một cậu học trò khá bảnh trai húc xe cub vào xe đạp của thầy.

          -Em đã học nội qui học sinh chưa? Thầy hỏi.

-Dạ rồi.

          -Đây là cổng dành riêng cho giáo viên, em không biết sao?

          -Thưa thầy “Trái đất này là của chúng mình”. Lẽ nào lại có cổng riêng cho thầy?

          -A! Em là học sinh lớp nào? Biển tên đâu?

          -Một học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Cậu học trò dõng dạc trả lời, rồi nhấn ra vọt ra cổng. Thầy đứng chết trân một hồi rồi cúi xuống đỡ lấy chiếc xe đạp đã đổ kềnh. Bỗng thầy thấy “trái đất của chúng mình” quay cuồng, đảo lộn, biến thành trăm nghìn đốm màu xanh, đỏ, tím và đen. Bốn tiết dạy bổ túc văn hoá buổi tối, và năm tiết dạy chính khoá buổi sáng khiến đầu óc thầy căng thẳng. Gặp học trò hư, hỗn, chứng áp huyết cao của thầy được dịp hoành hành. Thầy  ngã vật ra đất, đứt mạch máu não, đưa lên bệnh viện, hai ngày sau thầy qua đời.

          Trò như vậy. Còn thầy ra sao?

          “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Thầy ra thầy”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

          Phải tâm niệm những điều ấy, như người tu hành tâm niệm kinh thánh.

          Xem ra buổi toạ đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam đã thành công. Ai cũng cảm  thấy nghề dạy học rất đẹp, dẫu còn những mặt trái. Nghề nào mà chả có mặt trái? Ai cũng được tiếp thêm nhiệt tình, sức mạnh, niềm tự hào vì đang gánh trách nhiệm nặng nề, vinh quang. Người thầy giáo gánh tương lai dân tộc trên đôi vai của mình. Họ cần có đôi vai khoẻ khoắn.

          Ôi! Những người chiến sĩ vô danh.

*

          Buổi toạ đàm kết thúc. Hà Trang vội về nhà. Các em lớp luyện thi đại học đang chờ cô.

          -Thưa cô! Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cô “thưởng” chúng em một buổi nghỉ học ạ.

          -Không. Trái lại, cô mong các em học tốt buổi học hôm nay, để chào mừng ngày 20 tháng 11. Nào, giở vở ra. – Tiếng sách vở loạt xoạt – Cô luyện đề số 15.

          Thực ra hôm nay Trang không được khoẻ, tâm trí bấn loạn bao nhiêu chuyện. Tiền hết. Gạo hết. Củi hết. Mắm hết. Lương chưa có. Bé Minh Dũng, đứa con thứ hai của Trang đã hơn bốn tuổi mà vẫn đau ốm, quặt quẹo. Nó đang sốt. Trang cần có tiền để mua thuốc và thức ăn bồi dưỡng cho con. Dạy xong, may ra có vài đứa học trò nộp học phí, cũng đỡ. Trang thầm an ủi, và cố gắng không để lộ những thắc thỏm lo âu.

          -Các em ghi đề. Mở ngoặc kép. Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ. Đóng ngoặc kép. Xuống hàng. Trăng sáng. Nam Cao. Xuống hàng. Hãy bình luận.

          Bao giờ cũng thế, khi trong tay là viên phấn trắng, sau lưng là tấm bảng đen, trước mặt là học trò, Trang lại “siêu thoát”. Tâm hồn trí não hoà nhập vào thế giới văn chương.

          Ông Nam Cao tài thật. Văn chương ông nhức nhối một nỗi đau nhân thế và đích thực văn chương. Dưới gầm trời này, ở đâu, thời nào mà chẳng có những con người khốn khổ. Trang thấy mủi lòng, sống mũi cay cay, mi mắt nằng nặng. Trang cũng là một kiếp “lầm than” chăng?

          -Thưa cô, cô vừa thưởng cho chúng em món quà vô giá – bài giảng đề số 15.

          -Cảm ơn các em đã khen cô.

          -Chào cô, em về.

          -Thưa cô, em về.

          -Cô ơi, ngày mai 20 tháng 11  chúng em đến chúc mừng cô. Cô ở nhà đừng đi đâu nhé.

          -Ừ, cô không đi đâu cả.

          Học trò lần lượt về hết,  để lại mình Trang với dãy bàn câm lặng.

          Trang ngồi trên băng ghế thở dốc. Mệt phờ. Cổ họng khô đắng, bỏng rát. Đôi cánh văn chương bay bổng đã đến lúc hạ xuống mặt đất trụi trần.

          Tiền hết. Gạo hết. Củi hết. Mắm hết. Con ốm. Đã quá kỳ hạn mà học trò vẫn quên chưa nộp học phí. Trang mong đợi những chiếc phong bì xinh xinh đựng những đồng tiền nhỏ nhoi mà Trang biết là quá rẻ mạt so với công sức của mình. Nhưng Trang đã thất vọng.

          Thể kỷ 20, con người hiện đại và thông minh lắm. Mọi giá trị đều được đo lường, tính toán, thẩm định bằng điện tử. Chính xác là sòng phẳng. Những khái niệm đạo đức “lá lành đùm lá rách”, “Mỗi người vì mọi người” dần dần phai lợt, thay thế bằng quan hệ đổi chác, bán mua, dưới nhiều hình thức tinh vi, lịch sự.

          Quan hệ thầy trò có lúc cũng “tiền trao cháo múc”. Thầy bán chữ. Trò mua chữ.

          Ngày xưa làm ông đồ dạy dăm ba cái chữ nho cũng nuôi được vợ con. Thầy cho chữ là cho thứ của cải quí nhất trên đời. Trò tạ ơn thầy bằng lúa gạo. Thầy  có phải Thánh đâu. Thầy cũng ăn cơm như tất cả mọi người. Vậy mà thầy vẫn được xã hội nể trọng, xếp vào vị trí dưới vua, nhưng trên cả cha: Quân, sư, phụ.

          Ngày nay, thầy có hàng bồ chữ cũng chẳng nuôi nổi bản thân. Dạy thêm, đó là cách kiếm tiền khả dĩ chấp nhận được. Còn hơn là phải bươn bả ngoài đời vì miếng cơm, manh áo.

          Thế là dạy thêm trở thành nạn dịch. Thầy nào cũng dạy thêm. Cấp nào cũng dạy thêm. Có học trò theo học thì sống. Không có học trò theo học thì ngắc ngoải. Bằng mọi cách lôi cho được học trò về nhà riêng để dạy. Việc này không khó. Trò nào mà chả thích điểm cao, sợ điểm xấu. Điểm quyết định việc lên lớp hay ở lại. Điểm – thước đo giá trị của người học sinh. Điểm – chiếc cầu nâng bước tuổi trẻ đi vào tương lai. Mà quyền cho điểm lại ở trong tay thầy.

          Đầu năm học, thầy kiểm tra chất lượng văn hoá. Đề ra không khó lắm nhưng có tính chất đánh đố. Học sinh sẽ bí. Thầy tha hồ cho điểm kém. Trò sẽ hoang mang. Thầy tổ chức dạy phụ đạo. Dần  dần chuyển lớp phụ đạo thành lớp dạy thêm. Học sinh đã mòn đít trên ghế nhà trường, lại mòn đít trên ghế nhà thầy mà dốt vẫn hoàn dốt.

          Việc thu học phí cũng phải có “nghệ thuật”. Nhắc nhở là biện pháp thông thường. Lạm phát, tiền mất giá từng giờ, từng phút mà trò thì nộp tiền “lai rai”.

          Khi con người bằng xương bằng thịt tồn tại cùng Rôbôt thì trái tim phải biết chai lì.

          Em cần học thêm ư? Nộp tiền học phí hai tháng liền rồi mới  được ghi tên vào lớp. Bằng không, miễn học.

          Có hình thức thu tiền khá lịch sự. Đầu khoá, thầy gửi mỗi em một chiếc phong bì đẹp, ghi sẵn họ tên học sinh. Em hãy bỏ tiền vào đó, rồi trao lại cho thầy. Tháng sau thầy lại gửi phong bì cho các em. Những chiếc phong bì trao qua đổi lại đều  đặn và đúng kỳ hạn. Những chiếc phong bì thật đáng yêu…

          Đừng trách ai. Chính ta cũng đang mong đợi những chiếc phong bì như thế. Ta đã trở nên tồi tệ rồi ư?

          Thời buổi của nền kinh tế hàng hoa, thị trường, văn chương ế ẩm như cá ươn. Mến mộ văn chương, tự nguyện gắn bó đời mình với văn chương, học sinh mới cắp sách đến tận nhà cô giáo để học thêm. Tâm hồn các em, những chiếc bình pha lê quí. Phải nâng niu cẩn thận, kẻo vỡ.

          Lẽ nào ta lại mở miệng đòi tiền?

          Hãy kiên nhẫn chờ đợi. Sự kiên nhẫn nào cũng sẽ được đền bù xứng đáng.

          Trang uống một ly nước trắng, nhạt thếch. Một lượng đường và nước của cơ thể đã tiêu hao trong quá trình giảng dạy. Trang cảm thấy sức lực, cân não đang mòn dần, mòn dần.

          Vừa lúc đó Cường về, vẻ mặt ủ rũ.

          -Có lương chưa anh?

          -Chưa. Nghe nói tài vụ đã đi  ngân hàng, anh chờ suốt buổi.

          -Kẹt quá. Bên em cũng chưa có lương.

          Những lúc như thế này, vợ chồng chỉ nên trao đổi ngắn gọn, có tính chất thông tin. Mọi lời nói hình tượng hoá đều dễ dẫn đến sự hiểu lầm.

          Cường dắt xe đạp vào nhà. Trang vác rá sang hàng xóm.

          -Chị cho em mượn đỡ hai lon gạo. Dạy xong, trễ quá, em không kịp chợ búa gì cả.

          Chị An, giáo viên cùng trường với Trang, nhìn Trang ái ngại, rồi sai con lấy gạo. Thằng con trai mười bốn tuổi lấy cái rá trên tay Trang đến góc nhà, vét thùng gạo rổn rảng.

          -Lỡ bữa, lấy gạo về ăn đỡ đi, vay mượn gì – Chị An nói.

          -Dạ, cảm ơn chị, thôi để mai em mua gởi lại chị.

          Cầm rá gạo về, bên tai Trang còn ám ảnh tiếng rổn rảng vét thùng gạo của thằng bé nhà chị An.

          Bữa cơm chiều dọn lên, độc một món dưa muối. Những cọng dưa cuối cùng vớt ra từ cái vại sành. Đôi vợ chồng nhà giáo cùng con cái lặng lẽ ngồi ăn. Họ không thể nói cười hả hê như đám thợ cày ăn cơm ngoài bờ ruộng, nhưng cũng chẳng suy tư nặng nề. Chuyện thường ngày ấy mà.

          Cơm xong, Lan Chi giúp mẹ dọn dẹp, Trang dỗ dành đút cho bé Minh Dũng từng thìa cháo, thằng bé vẫn sốt. Nó nhai trệu trạo, nuốt từng miếng khó nhọc. Cường ngồi vào bàn đọc tài liệu. Sau chiến thắng 1975 anh được xuất ngũ, trở về tiếp tục học đại học rồi trở thành cán bộ giảng dạy ở một trường đại học. Anh say mê nghiên cứu văn hoá Chàm và ngạc nhiên khi nhận thấy một dân tộc có bản sắc văn hoá đa dạng như vậy mà cho đến nay hầu như chưa có một công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh nào về nó. Những ngôi tháp trầm tư, những huyền thoại về bà mẹ xứ sở, những biểu tượng của sự phồn thực: Linga, Iôni… tiềm tàng ý nghĩa. Nền văn hoá xa xưa như một kho báu mà cánh cửa thời gian đang dần khép lại. Phải mở cánh cửa kho báu cho nhân loại chiêm ngưỡng. Cường ao ước khám phá những điều bí ẩn của dân tộc Chàm. Anh muốn làm một nhà Folklore chân chính.

          Bỗng Cường ngồi thừ ra, mắt trân trân nhìn vào bức tường, đôi môi trễ xuống. Trang biết, đó là lúc anh  thèm thuốc lá. Giá còn đồng nào trong túi, Trang sẽ ra phố mua cho anh vài điếu.

          -Hồi chiều học sinh có nộp học phí không em? – Cường dè dặt hỏi vợ.

          -Không anh ạ. Nghĩ cũng tội bọn học trò. Nộp đủ thứ tiền. Tiền học chính khoá, tiền học thêm, tiền xây dựng trường, tiền Hội bảo trợ, tiền quĩ lớp, tiền sách vở, quần áo. Lại còn tiền đóng góp để mua quà cho các thầy cô giáo nhân ngày 20 tháng 11 nữa.

          Sau câu trả lời có tính “liệt kê” của Trang, Cường hiểu anh không nên nói thêm gì nữa. Anh  ngồi lặng lẽ uống trà. Giá có điều thuốc, nỗi buồn sẽ theo khói bay đi.

Sống khó thật. Sống cho ra con người càng khó. Dĩ nhiên. Sống mà dễ thì đã không có chiến tranh, chẳng có học thuyết này, chủ nghĩa nọ, con người sẽ không sát phạt lẫn nhau, giẫm đạp lên nhau, tranh nhau mà sống.

Nhìn vợ ôm đứa con nhỏ yếu trên chiếc giường ọp ẹp, Cường xót xa thương cảm. Vì chồng con, Trang phải vật lộn với đời thường. Rồi hồn thơ trong Trang sẽ chết yểu, mà anh là kẻ gây nên cái chết ấy. Chẳng có toà án nào xử anh, nhưng lương tâm anh sẽ bị tù đày. Lẽ nào anh cứ đắm mình mãi trong giấc mộng Folklore?

Rồi Cường ngả lưng xuống chiếc giường ọp ẹp.  Anh xoay người, đưa tay lên cổ, lên bả vai vợ. Những chiếc xương cổ mỗi ngày một trồi ra. Cường nói như một lời thú tội:

-Anh chỉ là một thằng đàn ông hèn kém, nên vợ con mới ra nông nỗi này.

-Anh và em, không ai có lỗi. Tất cả những người đang khổ như ta cũng không có lỗi – Trang an ủi chồng.

-Làm chồng mà vợ không có tiền đi chợ, anh thấy nhục. Anh muốn thay đổi cuộc sống này. Anh sẽ bỏ hết. Thôi giảng dạy, thôi nghiên cứu để đi đạp xích lô, làm thuê, làm mướn, làm bất cứ việc gì để kiếm tiền. Không tỉnh ngộ, con cái chúng ta sẽ lại khổ.

-Đừng nghĩ quẩn. Kiếm tiền đâu có dễ. Mà vợ chồng mình lại bắt đầu từ tay trắng. Không hiểu sao em cứ tin, một ngày nào đó sẽ khác, sẽ khác. Chúng mình làm gì nên tội mà phải khổ mãi hả anh?

Trang dụi mặt vào ngực chồng, chặn dòng nước mắt sắp trào ra.

Hôm sau, Trang dậy thật sớm, tần ngần trước cái giá sách hồi lâu. Trang lôi ra vài cuốn sách dày, lật giở mấy trang vẻ nghĩ ngợi rồi lại đặt lên giá. Suốt đêm qua Trang không ngủ. Bài toán cuộc đời xoáy trong đầu như giông bão. Phải bán cái gì, kiếm ít tiền sống qua vài ngày. Gia tài, ngoài mấy cuốn sách, chẳng có gì đáng giá. Định bán vài cuốn, lại tiếc, sợ chẳng bao giờ mua lại được. Nhiều cuốn sách còn tươi nguyên dòng lưu bút của học trò. Nỡ nào cạn tàu ráo máng. Thôi, bán cái áo dài vậy. Trang mở tủ lấy chiếc áo dài đẹp nhất, màu xanh nước biển, thêu những bông hoa cỏ mềm mại. Chiếc áo dài mà mỗi lần mặc đến trường Trang được nghe nữ sinh ríu rít: “Dễ thương quá cô ơi”. Đành vậy. Ta đang khó khăn, “dễ thương” mà làm gì. Trang lấy tờ báo, gói chiếc áo,  bỏ vào túi xách. Xong, cô đến bên giường lay gọi chồng:

-Anh, em đến chị  Huệ có chút việc. Cháo, em nấu rồi. Anh cho con ăn dùm em nhé.

-Ừ… ừ.

Cường làm như còn ngái ngủ, nhưng thực ra anh đã thức từ lâu. Anh biết Trang chuẩn bị đi bán cái gì đó. Đành làm ngơ. Anh không thể giúp gì cho vợ lúc này.

Trang phăm phăm xe đạp ra chợ. Hàng hoá nhiều vô kể. Đó là tính ưu việt của thị trường tự do. Có tiền là mua ngay được mọi thứ, từ chiếc Dream đời mới đến cuộn giấy vệ sinh.

Trang choáng ngợp trước một biển hàng hoá, loại thể phong phú, kiểu cách đa dạng, màu sắc linh hoạt. Hàng hoá phản ánh trình độ văn minh của con người. Từ chiếc lưỡi rìu bằng đá đến con tàu vũ trụ là cả một chặng dài lịch sử.

Văn minh đến cả xu chiêng, xi líp. Ngày nay người ta quan niệm đồ lót đóng vai trò quan trọng trong việc tôn lên vẻ đẹp, sức gợi cảm và giá trị của phái nữ. Những chiếc xu chiêng Hồng Kông, xi líp Thái Lan đủ các mốt, viền đăng ten, thêu kim tuyến, đính hạt cườm… kênh kiệu trong tủ kính, la liệt khắp vĩa hè. Ai mua, cứ thoải mái lựa chọn, căng ra, ướm thử ngay trước mũi bàn dân thiên hạ.

Một chiếc xu chiêng ngoại giá bốn chục ngàn đồng, bằng hai phần ba tháng lương của một giáo viên phổ thông trung học. Những thứ này đâu phải dành cho ta. Khách hàng là thượng đế, mà ta đang là kẻ bán hàng. Trang lủi  thủi đi về phía hàng quần áo cũ.

-Có gì bán không cô?

-Bán gì đấy chị?

-Này em ơi, bán gì chị mua cho.

-Lại đây? Nói này…

Mấy vị “thượng đế” phe phẩy săn đón, níu kéo Trang. Ngượng quá Trang chối đây đẩy.

-Không, tôi không bán gì cả.

Trang đi thật nhanh đến các sạp hàng, ở đó mua bán kín đáo,  đàng hoàng hơn. Nhìn quanh không thấy ai quen, Trang đến sạp hàng của một bà đứng tuổi, vẻ mặt phúc hậu.

-Mua áo không dì?

-Áo gì? Đưa coi.

Trang đưa cái bọc giấy, bà chủ mở bung ra, giơ áo lên săm soi từng đường chỉ, mặt vải.

-Áo dài xưa rồi. Bây giờ người ta mặc model không hà…- Bà chủ kéo dài giọng – Em bán bao nhiêu?

-Tùy dì trả.

-Thứ này khó bán, để lâu treo vốn. Mười ngàn được không em?

-Dì trả thêm, chứ rẻ quá, mới chỉ bằng công may.

-Mua dùm em thôi. Lời lãi gì đâu mà trả thêm.

Trang sợ giằng co lâu, gặp người quen bất tiện.

-Bán cho dì đấy.

Nhận tiền, Trang đi ngay. Được vài bước, bà chủ sạp gọi:

-Em ơi!

-Dạ – Trang ngoái lại.

-Tới đây, nói nè – Bà vẫy tay. Trang ngần ngại quay lại – Áo này của em đấy  chứ?

Trang tím mặt. Bà ta nghi ngờ Trang ăn cắp áo của người khác đem bán. Không thể phân bua giữa chợ, Trang chỉ khẽ nói:

-Dì yên tâm.

Trang cắm cổ đi ra khỏi những sạp hàng quần áo, đầu óc mụ mị, lơ mơ như người say rượu, không biết rẽ lối nào. Trời ơi, sao đời ta lại rơi vào tình cảnh trớ trêu, nhục nhã thế này. Vì túng thiếu, ta phải nhún mình trước kẻ có tiền khi họ xúc phạm đến ta. Cái nghèo đã đeo vào ta bộ mặt của kẻ tầm thường, hèn hạ, nên mới bị người đời xét đoán lầm lẫn, độc địa. Nỗi ê chề ứ nghẹn, mãi sau này, mỗi lần nhớ lại Trang vẫn còn nhói buốt.

(Còn nữa)