THƯƠNG HOÀI NGỌN GIÓ TU BÔNG – Tùy bút của Lê Khánh Mai


Ba má tôi thoát ly tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, năm 1954 gia đình tôi tập kết ra miền Bắc, lúc ấy tôi mới chỉ là đứa bé bảy tháng tuổi được má bồng bế trên tay. Hơn hai mươi năm sống trên đất Bắc, tôi được học hành khôn lớn trưởng thành, được nhân dân đùm bọc cưu mang. Tôi đã sống những ngày gian khổ khi đất nước bị chia cắt hai miền. Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội, tôi cùng bạn bè trường lớp sơ tán về những vùng quê nghèo, xa xôi hẻo lánh để tránh bom đạn kẻ thù và tiếp tục học tập. Người dân ở hậu phương vẫn kiên cường bám ruộng đồng sản xuất, chắt chiu từng hạt gạo gửi ra chiến trường. Bao người mẹ, người chị ăn khoai sắn, chuối xanh thay cơm vẫn nhường nhịn chia sẻ cho những đứa trẻ xa nhà như tôi phần no ấm. Tôi đã viết những câu thơ chân thành khi đang ngồi trên giảng đường đại học, bên lũy tre làng, chi chít giao thông hào, hầm hố: “Bát cơm Trung Du tôi nhớ suốt đời/ Lát chuối thơm bùi hạt cơm đỏ ngọt/ Đã nuôi tôi, đưa con miền Nam/ Hai mươi năm sống trên đất Bắc/ Với tấm lòng thơm thảo bao dung…” (Có một miền quê – Báo Văn nghệ).
Trái tim thơ trẻ của tôi luôn hướng về Tu Bông Khánh Hòa dù đó chỉ là vùng quê trong tưởng tượng vì mới sinh ra tôi đã phải xa quê. Tôi nhớ hình ảnh Ba tôi hồi ở miền Bắc, nỗi nhớ quê hương và niềm mong ước trở về ngày thống nhất đất nước khăc khoải trong ông. Chiều chiều sau giờ làm việc ông thường ngồi trước hiên nhà vừa gẩy đàn vừa lẩm nhẩm hát: Quê tôi ở miền Nam, có hàng dừa biếc xanh, bên dòng sông uốn quanh…” Nhưng thật buồn, Ba tôi không kịp trở về Tu Bông Khánh Hòa, ông đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất Bắc.
Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cũng là lúc tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi mang ý nguyện của Ba tôi trở về trong đoàn giáo viên chi viện cho miền Nam, tiếp quản và giảng dạy khóa học đầu tiên sau giải phóng. Chưa có tầu Thống nhất, đoàn chúng tôi phải tăng bo từng chặng đường, đi tầu từ Hà Nội đến ga Vinh rồi sang ô tô đi suốt.. Mệt, đói thì dừng nghỉ ngơi đôi chút rồi lại đi. Dường như ai cũng háo hức muốn đến nhanh với ngôi trường có những học sinh đang mong đợi.
Qua khung cửa ô tô, tôi nhìn thấy làng mạc nối nhau lùi dần, những cánh đồng cằn khô, những cồn cát mênh mông trắng lóa dưới nắng hè thiêu đốt. Đây đó ngổn ngang dây thép gai, xác ô tô, xe tăng gỉ sét dấu tích của chiến tranh. Tôi run lên sung sướng khi bất ngờ hiện ra mặt biển xanh hiền hòa với những đợt sóng vỗ nhịp nhàng, những con tàu đánh cá thong dong ra khơi, những đàn chim nhẩn nha về núi.
Sau hành trình xuyên ngày đêm, một buổi sáng ô tô lên đến đỉnh Đèo Cả. con đèo nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa, mọi người trong xe thốt lên “Đẹp quá!”. Anh trưởng đoàn đề nghị: “Dừng đi Bác Tài”, thế là tất cả mọi người ùa ra khỏi xe ngắm nhìn trời biển bao la, núi non hùng vĩ, không khỏi thốt lên trầm trồ rưng rưng. Tôi bỗng run lên vì những mạch máu trong cơ thể tôi căng phồng, trào dâng đến nghẹt thở. Vậy là tôi đã đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương sau hơn hai mươi năm xa cách.
Đèo Cả là một trong những ngọn đèo lớn uốn khúc quanh co, hiểm trở. Đèo cao 333 m, dài 12 km, vươn ra sát biển, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên (thị xã Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh). Người xưa truyền rằng, nơi đây vốn là rừng núi hoang vu, nhiều thú dữ và kẻ cướp. Những người khai thác rừng hay buôn bán làm ăn hay có việc phải qua Đèo Cả, thường phải đi thành nhóm, thành phường, trên vai người nào cũng có chiếc đòn gánh hai đầu bịt đồng có móc như sừng dê, vừa để gồng gánh vừa dùng làm vũ khí khi cần thiết. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Nghiêm: “Thời đó nếu chỉ hai, ba người mạo hiểm vượt Đèo Cả kể như chấm dứt cuộc đời. Có khi cọp hoành hành cả ban ngày. “Ổng” sục sạo vào tận xóm dân chài húc đổ nhà cửa khiến dân chài thấp thỏm lo sợ”.
Nhưng Khánh Hòa không chỉ có cọp dữ mà còn có cọp hiền. Dân gian kể rằng: Vào cái buổi con người sống cùng thiên nhiên hoang dã, có một người đàn bà trong đêm bỗng nghe tiếng rên rỉ cầu cứu của một con cọp cái. Khi tới gần bà thấy con cọp cái đang quằn quại vì đau đẻ, bà dã ra tay giúp nó vượt cạn an toàn. Để tạ ơn người cứu vợ mình, cọp đực đi săn được một con heo rừng nửa đêm đem đến đặt trước cửa nhà bà đỡ, ân nhân của nó.
Tôi còn được nghe nhiều câu chuyện rùng rợn về núi rừng Đèo Cả, Đại Lãnh. Chuyện rằng: Xưa có hai vợ chồng vào núi Đại Lãnh kiếm củi, người chồng không may bị một con trăn khổng lồ quấn chặt lấy người đến nghẹt thở, trợn trừng đôi mắt, tình thế vô cùng nguy hiểm. Người vợ đã bình tĩnh dùng con dao chặt củi, mũi dao quắm móc vào mình con trăn, rạch sâu vào da thịt khiến con trăn đau đớn rời bỏ con mồi. Người đàn bà dũng cảm ấy đã cứu được chồng mình thoát khỏi tử thần.
*
Phút đầu tiên nhìn thấy quê hương tôi không khỏi ngỡ ngàng xúc động rưng rưng trước vẻ đẹp thần tiên của Đại Lãnh, một vùng trời, vùng biển hữu tình, nên thơ, bình yên và sâu lắng. Núi Đại Lãnh đẹp nổi tiếng và hùng vĩ. Năm Minh Mạng thứ bảy (1836) Triều đình Huế đã cho chạm khắc hình núi Đại Lãnh vào một trong chín đỉnh đồng lớn đặt trước Thái Miếu tại Kinh đô Huế. Năm Tự Đức thứ sáu (1853), núi Đại Lãnh được ghi vào từ điển Danh Sơn của nước ta. Bãi biển Đại Lãnh hình bán nguyệt, cát trắng, nước trong, những con thuyền tấp vô bãi san sát, nhìn xa xa như những chíếc hài xinh xắn trong cổ tích.
Chúng tôi lên xe tiếp tục hành trình. Vừa xuống tới chân đèo, một vùng đồng bằng rộng lớn đã hiện ra. Con đường Quốc lộ 1A vạch giữa màu xanh trù phú của ruộng vườn. Phía Tây, dãy Trường Sơn tím mờ ẩn hiện trong làn mây bạc. Lúc này tôi càng nghe rõ hơn tiếng gió ù ù, lật phật bên tai. Tôi thốt lên: “Gió, gió Tu Bông”.
Vì sao vùng đất này được gọi tên là Tu Bông? Theo người dân địa phương thì có ba cách giải thích như sau:
Một là: Do gió đập mạnh vào vách núi phía tây rồi dội xuống thung lũng tạo thành tiếng vọng tu… oa, tu…oa. Người ta đọc chệch thành tu hoa. Người miền Nam gọi hoa là bông nên vùng đất mang tên Tu Bông.
Hai là: Vùng đất này từ xa xưa vốn là cái rốn gió nên gọi là tụ phong, có nghĩa là tích tụ gió. Khi người Pháp đô hộ họ phát âm là Tu – pong, vì vậy người dân địa phương theo đó gọi là Tu Bông.
Ba là: Cách đây trên 100 năm, Quan Toàn Quyền Đông Dương người Pháp đi thăm vùng núi Đại Lãnh. Thấy phong cảnh đẹp ông sang Hòn Nưa chơi. Người dân hỏi: “Quan Toàn quyền thấy vùng đất này thế nào?”. Ông đáp: “Tout est bon”, nghĩa là tất cả đều tốt. Có lẽ tên gọi Tu Bông bắt nguồn từ câu chuyện này chăng?
Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó là ba giả thiết để thâm khảo khi nghiên cứu về tên gọi Tu Bông.
Ông Nguyễn Văn Thức tuổi Qúy Hợi, sinh năm 1923, định cư ở thôn Tân Phước, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, cho biết: Huyện Vạn Ninh xưa chia làm hai tổng: Phước Tường Ngoại (từ Đèo Cả đến Lạc An) và Phước Tường Nội (từ Ninh Lâm đến Lạc An). Trước kia Tu Bông bao gồm 19 thôn thuộc Tổng Phước Tường Ngoại, trong đó có cả Đầm Môn, Khải Lương, Ninh Đảo. Ngày nay Tu Bông chỉ gồm 5 xã: Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Thọ và Đại Lãnh.
“Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”. Đó là câu thành ngữ truyền tụng ở Khánh Hòa, Phú Yên từ xa xưa. Trên đất nước Việt Nam, mỗi vùng quê đều có những cơn gió mang đặc tính riêng của nó: gió nồm nam, gió heo may, gió mùa đông bắc, gió chướng, gió Lào… nhưng có nơi nào ngọn gió lại mang chính cái tên
vùng đất đã sinh ra và cưu mang nó – Tu Bông. Ngọn gió đã thành danh, đã đi vào
đã đi vào dân giã, đã trở thành biểu tượng của quê hương.
Ông Lê Nhâm, tự là Hai Thông, tuổi Đinh Tỵ (1917), định cư ở xã Vạn Phước cùng nhiều người dân Tu Bông giải thích hiện tượng gió Tu Bông như sau: Gió từ hướng đông Bắc thổi dọc bờ biển, đến eo biển Vũng Rô gặp vách Đèo Cả bị chắn lại, gió luồn về hẻm núi phía tây gặp vách Trường Sơn, gió đổ về eo núi Hoa Sơn tạo nên vùng gió xoáy bao trùm cả vùng đất Tu Bông.
Hàng năm, mùa gió kéo dài khoảng bốn tháng, bắt đầu từ tháng tám âm lịch. Năm nào thuận thì tháng 11 là hết. Cũng có năm đến tết vẫn còn gió. Theo khí tượng thủy văn, gió Tu Bông khoảng cấp sáu, cấp bảy, có khi lên đến cấp chín, cấp mười, bạo liệt, hung dữ, quật đổ cây cối vườn tược, dỡ tung mái nhà, xô ngã người đi đường. Người ta kể rằng có lần gió hất cả xe ô tô xuống vực.
Gió Tu Bông không độc nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhưng cũng gây trở ngại cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những người đầu tiên đến đây sẽ không tránh khỏi bị say gió. Tôi đã từng nếm trải cơn say gió lạ lùng. Tháng 9 năm 1975 tôi từ Nha Trang về Tu Bông. Quê tôi đây, nơi chôn nhau cắt rốn của ba, má tôi và của bao người thân yêu ruột thịt. Cô bác, cậu dì, anh chị em tập trung trong căn nhà của chú tôi để nghe tôi nói giọng miền Bắc. Ai cũng bảo giọng tôi lạ nhưng hay và dễ nghe. Tôi đã bật khóc ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy chú tôi. Ông giống ba tôi như tạc. Bất giác tôi rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, nhưng tuyệt vời hạnh phúc như thể tôi đang gặp lại người cha thân yêu của mình.
Lần ấy tôi bị trúng gió, trong người khó ở, đầu óc váng vất âm u. Thím tôi bảo: “Con bị trúng gió rồi đó, để thím cạo gió cho”. Mùi dầu tràm sực nức cả căn nhà. Tôi nghe tiếng đồng tiền cổ trong tay thím cào lên lưng tôi sột sột, đau đớn nhưng tôi ráng chịu đựng với niềm tin bàn tay thần diệu của thím sẽ giúp tôi nhanh thoát khỏi trận cảm gió kinh hoàng này. Cô tôi nấu cháo dậu xanh, dì tôi nấu canh cá liệt với lá hẹ, em tôi đem cho cam chuối. Cậu tôi kêu y tá đến chích thuốc… Tôi rưng rưng nước mắt, thấy mình có lỗi nên buồn vô cùng. Sau lần ấy tôi càng thấm thía cái dữ dội khốc liệt của gió Tu Bông, càng thương đến nhói lòng người quê chất phát, hiền lành, nhân hậu.
“Gió Tu Bông” là bài thơ đầu tiên tôi viết khi trở về quê hương miền Nam sau ngày 30 tháng Tư lịch sử. Xin trích một đoạn trong bài thơ này:
Gió lộng bên tai, gió xoáy trên đầu
Vừa hào phóng lại vừa không khoan nhượng
Quấn vào không gian những vòng tay lớn
Tôi mỏng manh xiêu ngã giữa quê hương
Xa hai mươi năm giờ trở lại Tu Bông
Tôi đâu ngờ quê tôi nhiều gió thế
Gió đầy ắp trong căn nhà của mẹ
Giật mái tranh nghèo, giằng cây trái vẹo nghiêng
Lúa xác xơ, oặn rạp trên đồng
Con gái Tu Bông suốt ngày tóc rối…
(Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 12-2000)
Mặc dù một bên là núi bao bọc, một bên là biển uốn quanh, Tu Bông vẫn có nhiều vùng đất bằng phẳng màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với 70% dân cư sống bằng nghề nông. Trước đây mỗi năm làm hai vụ: vụ sáu và vụ mười hai (thu hoạch vào tháng 6 và tháng 12). Vụ cuối năm thường thất bát vì đúng vào mùa gió. Sau này cải thành vụ ba và vụ tám (thu hoạch vào tháng 3 và tháng 8 tránh được mùa gió nên năng suất cao hơn. Gạo Tu Bông hạt nhỏ, dài, thơm và dẻo, ngon có tiếng xua nay. Trong cơ chế thị trường có cơ man tên gạo. Gạo Tám, Gạo Tép, Gạo Tài Nguyên, Gạo Nàng Hương, Gạo Sài Gòn, Gạo Tuy Hòa, Gạo Đài Loan, Gạo Thái Lan…nhưng vẫn tồn tại bền vững thương hiệu Gạo Tu Bông.
Ngày mới giải phóng, chính quyền địa phương thực hiện chủ trương đưa nông dân vào hợp tác xã. Người nông dân chưa quen lối làm ăn tập thể “cha chung không ai khóc” nên sản xuất trì trệ. Từ khi có khoán 10, nông dân phấn khởi làm ăn, đời sống khấm khá hẳn lên. Những người đi xa về thấy quê ương đổi mới nhanh chóng, đường sá mở mang, nhà cửa mọc lên san sát thì cho rằng đó là nhờ Việt Kiều. Nhưng những ai bám lấy đất quê hương để làm ăn thì biết rất rõ. Cái chính là nhờ cơ chế mới thông thoáng, người lao động có điều kiện phát huy mọi tiềm năng vốn có. Không chỉ làm nông họ còn kết hợp làm nhiều nghề khác như: nghề mộc, rèn, buôn bán, nuôi trồng thủy sản… nhiều hộ gia đình mỗi năm tthu nhập vài trăm triệu đồng từ nghề nuôi tôm.
Tu Bông chỉ có duy nhất một con sông. Tên banh đầu của nó là Tô Giang, nay gọi là sông Tu Bông. Con sông này bắt nguồn từ núi Hoa Sơn chảy qua Tân Phước, Long Hòa rồi đỏ ra cửa biển Hải Triều, Đây là nguồn nước ngọt đẻ tưới cho đồng ruộng mùa màng. Xưa kia việc đắp đập phải làm thường xuyên, nay con đập đã được xây lên, chỉ cần mở cửa đập để tháo nước vào mùa lũ và đóng cửa đập vào mùa hạn là có thể đủ nước tưới cho đồng ruộng. Tuy nhiên người dân vẫn lo ngại một ngày nào đó dòng sông khô kiệt, mùa máng sẽ ra sao?
Từ xa xưa, đặc biệt là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ở Tu Bông rộ lên phong trào “đi địu”, tức là đi tìm trầm hương, kỳ nam, loại sản vật quý sinh ra từ cây dó bầu. Rừng ở Vạn Ninh có nhiều dó bầu mọc tự nhiên, nhưng không
phải cây dó nào cũng có trầm, kỳ. Những cây dó bầu mọc trong rừng sâu, núi thẳm bị gió bão quật cho tơi tả làm gãy cành, cụt ngọn, thân mình bong tróc đầy sẹo lồi lõm. Từ những vết thương đau đớn ấy, cây dó bầu ứa ra những dòng nhựa quý mà trải qua thời gian sẽ kết đọng thành trầm hương, kỳ nam là nguyên liệu để làm thuốc chữa bệnh và sàn xuất hương trầm. Đặc biệt, kỳ nam rất quý, có thể chữa được một số bệnh nan y và có giá trị xuất khẩu mang lại nguồn lợi lớn. Theo những người khai thác trầm kỳ, giá một kilogam kỳ nam có khi tương đương với ba, bốn lượng vàng. Thiên nhiên càng khắc nghiệt, càng nhiều gió bão thì cây dó bầu càng nhiều cơ hội để kết đọng trầm hương, kỳ nam. Vì thế, ca dao Khánh Hòa có câu rằng:
Dó lâu năm dó thành kỳ
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng
Đó là niềm tin mãnh liệt của nguời Khánh Hòa vào thời gian và những giá trị tốt đẹp.

*
Ông Nguyễn Văn Thức, vị lão làng từng sống lâu năm ở Tu Bông, dù đôi mắt đã lòa nhưng tâm trí ông còn ghi nhớ những huyền thoại về đất Chăm, veefkho báu trong những ngôi mộ cổ, về cây gỗ trầm trôi dạt trên biển Vạn Gĩa mang hồn của Thiên Y A Na, Mẹ Xứ sở cùng những ám ảnh về một thời hoang sơ nơi núi non và biển cả giao hòa.
Cùng với quá trình di dân mở đất về phương Nam của Chúa Nguyễn, Tu Bông cũng trở thành nơi gặp gỡ hội tụ cùa những người từ nhiều miền quê khác nhau. Những tên làng tên đất ở Tu Bông đã nói lên ý nghĩa đó, như: Hội Khánh (họi tụ niềm vui), Vạn Khánh (rất nhiều niềm vui), Vạn Phước (nhiều phước báu)…
Truyền thuyết kể lại câu chuyện cảm động về ông Cử Đậu. Vào năm thứ 13 dưới triều đinh Thành Thái có một người quê ở Thừa Thiên tên là Phạm Ngũ Giáo khỏe mạnh, học rộng nhưng lận đận về đường công danh. Khi đến Đại Lãnh thấy phong cảnh đẹp, cuộc sống yên bình, ông đã cùng gia đình định cư ở nơi này làm ăn sinh sống. Ông quy tụ những người tha hương lập làng ngày một đông vui, trù phú. Lúc ấy ở Tu Bông có dịch đậu mùa rất nguy hiểm, ông Cử Đậu đã dùng thuốc nam gia truyền chữa được căn bệnh nan y. Người dân vô cùng biết ơn và ghi nhớ công lao của ông.
Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, ở Tu Bông có ba ông: Phạm Chánh, Phạm Luông, Nguyễn Sum tụ tập nghĩa quân, xây dựng lực lượng thề
chiến đấu chống giặc đến cùng. Sau nhiều trận giao chiến, không may các ông sa vào tay giặc. Dù bị chúng mua chuộc dụ dỗ, ba ông vẫn giữ khí tiết trượng phu. Giặc Pháp đem xử tử ba ông ở Gò Đồn. Cảm phục và ghi nhớ công ơn của ba ông, nhân dân đã suy tôn ông là “Quảng Phước Tam Hùng”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân Tu Bông một lòng thủy chung với cách mạng. Năm 1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức ở Hội Khánh, Vạn Khánh đã tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng Sài Gòn để lên án chế độ bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Ngọn lửa của khát vọng tự do công lý đã cháy lên giữa thanh thiên bạch nhật trước sự chứng kiến của Giáo hội Phật giáo, các Hòa Thượng, Tăng ni Phật tử và nhân dân khiến những kẻ geo pháp nạn phải run sợ. Ngọn lửa đã thiêu trụi hình hài Hòa thượng Thích Quảng Đức nhưng kỳ lạ thay trái tim của ông vẫn nguyên vẹn, không cháy, không nát. Một trái tim Bồ Tát bất tử. Đài tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức được nhân dân dựng lên nơi ông tự thiêu. Tại quê hương Vạn Khánh Tu Bông ngôi nhà của ông được tu sửa, xây dựng thành nơi tưởng niệm ông, một con người cao cả.
Đất và người Tu Bông là thế. Dù có người định cư lâu đời ở nơi đây hay mới đến từ vùng quê khác đều cởi mở chan hòa đùm bọc lẫn nhau, cần cù chịu thương chịu khó, vật lộn với trời, với gió để làm ăn, đánh giặc xây dựng và bảo vệ quê hương.
Sau bao nhiêu năm bôn ba khắp nẻo đường đất nước trong hoàn cánh chiến tranh chia cắt, tôi đã được trở về sống và làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình. Điều tưởng như bình thường nhưng lại là khát vọng cháy bỏng của ba má tôi và của bao người. Lòng tôi thương hoài ngọn gió Tu Bông hào phóng và mãnh liệt đã kết đọng nên trầm hương, kỳ nam, làm nên vẻ đẹp độc đáo của đất và người Xứ Trầm Hương yêu dấu.
“Quê mình xứ sở quế trầm
Lặng vào giông bão âm thầm tỏa hương”