Tôi sinh ra từ bùn-lời bình của Bùi Kim Anh

“Tôi sinh ra từ bùn” và lời bình của Bùi Kim Anh

http://vanvn.net/news/12/3631-toi-sinh-ra-tu-bun-va-loi-binh-cua-bui-kim-anh.html

TÔI SINH RA TỪ BÙN

LÊ KHÁNH MAI

Không kịp trở về nhà, sau buổi cấy
mẹ sinh tôi trên cánh đồng chiêm
bùn đón tôi bằng bàn tay bà đỡ dịu hiền
bùn tắm gội tôi sóng sánh
trong tiếng khóc đầu tiên
tôi đã nếm vị bùn chát mặn

như nhánh mạ non
mẹ gieo xuống ruộng lầy
chắt chiu từng hạt bùn màu mỡ
nuôi tôi thành cây lúa trĩu bông

Tôi lớn lên từ bầu sữa thơm ngon
ủ trong vạt áo nâu của mẹ
cái vạt áo giấu hương bùn oi ả
ám ảnh suốt đời một nỗi thương yêu.
tôi có niềm vui trẻ thơ đầy ắp trên lưng trâu
con trâu mộng đằm ao bùn lim dim mắt ướt
phe phẩy chiếc đuôi tinh nghịch
những vệt bùn tung toé cả trong mơ
tôi lớn lên không ngờ
bên những cánh đồng hoai hoai cày vỡ
líu ríu bước chân đường làng rơm rạ
cơm mới thơm nức nở ngày mùa
tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà
những cọng cỏ xanh, tái sinh từ bùn đất
và nụ hôn đầu đời trắng trong, ngây ngất
đẫm hương đồng đã tái sinh tôi.

 

Lời bình của Bùi Kim Anh:

Tôi sinh ra từ bùn, nhưng nói như Lê Khánh Mai (LKM)  ông cố, bà sơ của LKM đích thực là nông dân. LKM lại toàn sống ở thành phố, chẳng hiểu gì lắm nông thôn và ruộng đồng. Nơi chúng ta, có bao nhiêu người, nếu như không nói là tất cả, mặc dù sinh sống ở thành phố, tính từ xa xưa đều sinh ra từ bùn. Ai cũng biết nhưng mấy ai đều nhớ, hoặc có lúc cần phải nhớ đến cội nguồn, đến gốc gác của mình.

Bùn trong thơ Lê Khánh Mai là cụ thể trong chân lấm tay bùn, là hình tượng nghệ thuật của quê làng vất vả, lam lũ mà ấm áp trong lòng mỗi người. Bài thơ đầy ắp những sự việc, những hình ảnh và cả những ngôn từ của làng quê Việt Nam gần gũi thân thiết với mỗi chúng ta.

Sao được nhỉ, sao có thể gọi phố là quê khi ở đó không có líu ríu bước chân đường làng rơm rạ, không có niềm vui trẻ thơ đầy ắp trên lưng trâu,. không có cơm mới thơm nức nở ngày mùa … Làng, đó là cánh đồng với buổi cấy, là ruộng lầy với mạ non, là con trâu với ao làng…Chỉ có ở làng thôi, chỉ có gọi theo kiểu quê thôi, người giúp ta từ lòng mẹ vào đời là bà đỡ. Gọi bà đỡ – cách gọi đầy biểu cảm – không chỉ gọi động tác của việc làm mà còn tình cảm nâng niu, trân trọng của cả hai bên. Và xâu chuỗi tất cả hình ảnh, sự việc đó là bùn. Đây không là kiểu gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Đây là sự trĩu nặng của bùn đón, sự thấm tháp của vị bùn chát mặn, bùn màu mỡ, là khoái cảm khi bùn tắm gội tôi sóng sánh, khi những vệt bùn tung toé cả trong mơ

Hãy đọc ở đây những lời cảm động của bao bạn đọc với bài thơ Tôi sinh ra từ bùn của Lê Khánh Mai:

– dung dị trong tình cảm với quê hương và mẹ nơi ngai ngái hương bùn dấu trong hương sữa, vết bùn lấm láp  nhọc nhằn năm tháng để cho ta lớn dậy thành người. Ta cảm ơn mẹ và quê hương
Một nỗi ám ảnh đầy tình yêu thương, tri ân người đã sinh thành và cho ta cuộc sống…
Dung dị thế thôi – dung dị trong tình cảm khởi nguồn cho dung dị tứ thơ, ngôn từ, hình ảnh thơ. Chẳng vặn vẹo từ ngữ, chẳng sắp xếp thi tứ, ý thơ theo mạch cảm xúc để rồi tự nhiên đến lay động cảm xúc của người đọc.

Ta sinh ra từ quê – bùn đón, bùn đỡ
Ta tắm nước đồng quê – bùn tắm gội ta cùng con trâu mộng đằm ao bùn lim dim mắt ướt
Ta lớn lên – từ bầu sữa thơm ngon/ ủ trong vạt áo nâu của mẹ, lớn lên như nhánh mạ non… thành cây lúa trĩu bông… lớn lên không ngờ.
Tình cảm biết ơn đậm trong từng câu chữ. Đọc thơ Tôi sinh ra từ bùn mà ngẫm ngợi bao điều. Cảm động. Chạnh lòng. Chạnh người đời, cảnh đời. Nhẹ nhàng thôi mà rung động tình yêu với quê mà cụ thể là làng quê. Nhẹ nhàng thôi mà thấm tháp lòng biết ơn với mẹ mà khái quát là những người mẹ làng quê
Bài thơ Tôi sinh ra từ bùn của Lê Khánh Mai là như vậy. Đầy ắp yêu thương gắn bó, đầy ắp biết ơn sâu nặng. Chị nói tới người viết văn, làm thơ phải phấn đấu sống nhiều cuộc đời, nhiều cảnh ngộ và hơn nữa nhiều thời đại – phải chăng đó là sự trải nghiệm của không chỉ người cầm bút mà còn là của người đọc, của mỗi chúng ta trong cuộc sống này.