Một mình thao thức với vọng phu

MỘT MÌNH THAO THỨC VỚI VỌNG PHU

 

Nhà văn NGUYỄN QUANG HÀ

 

(Nhân đọc chùm thơ của Lê Khánh Mai

trên Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn, số 10 ngày 8/3/2008)i

Lê Khánh Mai và Lê Mai – chiều Thánh địa Mỹ Sơn

Chùm thơ Lê Khánh Mai gồm ba bài: “Chân trời màu lam”, “Kiếp vọng phu”“Cõi mưa”. Đọc xong tôi lặng người đi. Tôi bâng khuâng nhớ đến Lê Khánh Mai. Số là vào tháng 9 năm 2006 chúng tôi vào Nha Trang dự trại sáng tác do Báo Công an tổ chức. Vừa đến nơi bạn bè báo cho chúng tôi một tin đau lòng: “Chồng Lê Khánh Mai mới mất”. Tin sét đánh ấy làm chúng tôi giật mình và thương Khánh Mai quá. Tôi và nhà văn Hồng Nhu đến ngay nhà Lê Khánh Mai thắp hương cho chồng chị. Đứng bên bàn thờ nhìn chúng tôi thắp hương, Lê Khánh Mai rưng rưng nước mắt. Ảnh chồng Khánh Mai như đang nhìn chúng tôi, vẫn ánh mắt ấy mới hôm nào anh vui vẻ khoe với chúng tôi mấy tập sách nghiên cứu văn hóa của anh vừa in xong, vậy mà bây giờ anh đã là người thiên cổ. Hôm ấy chúng tôi thật mừng cho Lê Khánh Mai có một người chồng đồng điệu. Nghề văn chương có bạn đời là tri kỷ thì quý lắm. Còn hôm nay thật buồn. Nhớ chuyện cũ càng thương Khánh Mai đã mất đi một chỗ dựa tinh thần hết sức quan trọng cho từng trang viết của mình.

Đọc kỹ ba bài thơ của Mai, quả thật càng đọc, tôi càng không phân biệt được đâu là hình tượng thơ hay chính là Lê khánh Mai đó. Tôi như đang nhìn thấy một Lê Khánh Mai trước mắt mình cô đơn bước chông chênh trên cõi đời. Trong bài “kiếp vọng phu” Lê Khánh Mai viết:

Người đàn bà vọng chồng

nâng vũ trụ cô đơn trên đôi quang gánh lệch

bước chông chênh khuất lấp giữa  đời”

Tôi nhận ra Lê Khánh Mai cũng là một hòn vọng phu. Đời là vậy, mất ý trung nhân là mất mát lớn nhất không gì bù đắp được. Đồng cảm với người đàn bà vọng chồng đên hóa đá, Lê Khánh Mai thấu hiểu nỗi oan nghiệt mà người đàn bà mất chồng phải gánh chịu.

          Người về cõi chín tầng mây phủ

          Để lại trần gian nghiệt ngã một lời nguyền

Giờ đây, giống như kiếp vọng phu Lê Khánh Mai cũng đang nhớ thương, đau đớn, muốn hóa đá mà không thể được “cô đơn đến kiệt cùng có hóa đá được đâu”. Tôi như nghe thấy Lê Khánh Mai thao thức trong những đêm dài với  một “Nỗi đau của hình hài xương thịt”

Rất may ở Nha Trang, bên cạnh Lê Khánh Mai có những người bạn tốt. Thế hệ trước phải kể đến các nhà thơ, nhà văn: Giang Nam, Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Cao Linh Quân…Các bạn gái có Vân Hạ, Tô Hằng Thanh, Hồng Thị Vinh, Lê Thị Thanh Vân, Lê Mai…chia sẻ, xoa dịu bớt nỗi đau. Nhưng không ai có thể thay thế, gánh chịu nỗi đau này. Lê Khánh Mai dường như đã linh cảm, đã ý thức sâu sắc thân phận cô đơn của mình và chị đã chuẩn bị tâm thế chấp nhận “một mình” đi trong cuộc đời. Hai bài khác trong chùm thơ là  “Chân trời màu lam” và “Cõi Mưa” đã nói lên điều đó.

“Một mình

Trong vô cùng hành hương lặng lẽ

….

Một mình gắng gỏi với thời gian

Sứ mệnh nhọc nhằn đặt lên số phận

Đã giơ vai đón nhận

Có mong gì nhẹ vơi”

                   (Chân trời màu lam)

          Đau buồn mà không yếu đuối, cô đơn nhưng không gục ngã, Lê Khánh Mai đã gắng gỏi vượt lên số phận. Và, đêm đêm chị lại sống với một thế giới khác – thế giới tâm linh, lắng nghe trong sâu thẳm cõi mưa nỗi niềm người muôn kiếp:

          “Một mình lặng nghe đêm vỡ

Lạnh dùi tủy xương

Mưa mê man điệu buồn

Như tiếng người muôn kiếp”

                   (Cõi mưa)

Vẫn còn đó nỗi băn khoăn, day dứt không nguôi của Lê Khánh Mai và cũng là của kiếp người muôn thuở: “Về đâu an trú những vong hồn?”

Tôi đã không kìm được xúc động khi đọc chùm thơ này. Lê Khánh Mai đã nhập thân vào vọng phu, vào cõi mưa để nhận diện nỗi cô đơn. Lòng hướng về một nơi xa thẳm, nơi mà chị tin người thân yêu của mình đang tồn tại.

Có lẽ do thân thiết và hiểu Lê Khánh Mai nên tôi nhận thấy thơ chị, mỗi câu mỗi chữ như vận vào số phận mình. Đọc chị, cứ hiện lên lồng lộng một Lê Khánh Mai buồn đau và mạnh mẽ. Tôi chia sẻ với bạn bè văn chương cảm nhận này và mọi người rất đồng lòng với tôi, rằng thơ Lê Khánh Mai chính là cuộc đời của chị.