HOÀNG HÔN TRẮNG ( Chương X )

HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯƠNG X

(Tiếp theo kỳ trước)

          Sáng sáng anh trở dậy, ra vườn tưới bạc hà. Những bẹ cây mập mạp, khoẻ khoắn, vươn lên xanh mát, nhìn đến no nê con mắt. Đối với dân xứ biển, món ăn quen thuộc nhất là canh cá nấu chua. Bạc hà lại là một thứ gia vị không thể thiếu trong nồi canh chua. Bởi vậy, một tháng hai lần, anh cắt bẹ bạc hà, sai con ra chợ bán. Thêm một nguồn thu nhập, bằng sức lao động chân chính của mình. Chứ cái đồng lương thiếu tá không quân của anh, mỗi lần đưa cho vợ, chẳng thấy  chị nở với anh một nụ cười.

          Đã từ lâu chị chán anh, chán ngôi nhà dột nát, ẩm thấp của khu tập thể quân đội, chán cuộc sống gia đình.

          Anh hiền lành, khờ khạo quá nên vợ con thua thiệt so với mọi người. Đã thế, anh lại lầm lì ít nói, không bè bạn giao du, cứ lặng lẽ đến phi trường rồi lặng lẽ về nhà.  Khả năng bộc lộ tình cảm của anh rất hạn chế, nên sau khi cưới nhau, chị lập tức thấy anh quá nhạt nhẽo, chị luôn tự trách mình, sao lại vội vàng lấy anh.

          Dạo ấy, Huệ, cô sinh viên Văn khoa năm thứ ba Đại học Sư phạm về nghỉ hè ở một huyện trung du. Trung, thiếu uý, bạn của chị  Hoa, chị ruột Huệ, thường tới nhà chơi. Co em gái bẽn lẽn pha trà rót nước mời khách của chị. Hoa giới thiệu với Trung:

          -Đây là Huệ, em gái Hoa, sinh viên Sư phạm đấy.

          -Nghe chị Hoa nói về em từ lâu, nay mới được gặp. Xin chào cô giáo.- Trung nói chậm chạp. Huệ nhận ra là anh diễn đạt có vẻ khó khăn.

          -Vâng, chào anh. Nhưng em  chưa phải là cô giáo đâu.

          -Thì tương lai rất gần em sẽ…

          Trung bỏ dở câu nói, ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt sâu, đen sậm của Huệ. Cô gái không lẩn tránh anh, trái lại, nhìn thẳng vào anh, cái nhìn hau háu, săm soi như muốn  hiểu hết mọi chân tơ, kẽ tóc về anh trong phút chốc. Trắng trẻo, thật thà, phúc hậu nhưng ứng xử vụng, Huệ thầm nhận xét Trung.

          Cô sinh viên lúc ấy đang buồn nẫu ruột. Suốt ba năm đại học,  cô trầy trật trong thi cử. Kỳ này cô phải thi lại hai môn. Kể ra, đầu óc Huệ không “đụt”, nhưng học tài, thi phận. Thêm nữa, Huệ đang cô đơn, mặc dù nhan sắc đạt “trung bình cộng”. Da tái, lấm chấm tàn nhang, nhưng bù lại là đôi mắt sậm đen, sắc như gươm, mũi thanh và thẳng, miệng nhỏ, răng đều và đặc biệt là ứng khẩu mau mắn. Mấy năm ở đại  học, trong khi nhiều cô bạn thay đổi người yêu ba, bốn lần thì Huệ vẫn chưa có lấy một mảnh tình vắt vai.

          Cái nhìn của Trung tuy chưa thể hiện rõ nội dung, cũng lấp đi một phần khoảng trống trong tâm hồn Huệ. Thế rồi bỗng dưng chàng thiếu uý không đến nhà nói chuyện với chị Hoa nữa, mà lén hẹn hò với Huệ. Hai người lẫn vào một bụi cây lấp xấp trên một qủa đồi.

          -Anh quen chị Hoa lâu chưa? – Huệ hỏi, khi chàng thiếu uý đặt bàn tay lên bờ vai rộng chắc của cô.

          -Vài ba tháng nay. Mà sao bây giờ anh mới được gặp em nhỉ? Lẽ ra…-Trung lại bỏ lửng câu nói.

-Anh bắc thang lên mà hỏi ông trời ấy.

Huệ nũng nịu ngước đôi mắt đen sậm tìm mắt Trung, gần đến nỗi cái mũi bướng bỉnh của cô chạm vào má anh và gặng hỏi:

-Hai người  đã đi với nhau như thế này bao giờ chưa?

-Chưa. Anh thề, anh chỉ thương em. Thật  đấy.

Tháng hè của hai người trôi đi nhanh chóng và êm đềm trên những quả đồi đỏ trung du. Huệ trở lại trường học trong niềm hạnh phúc của một cô gái lần đầu biết yêu. Nhìn những đôi trai gái dập dìu như bươm bướm, Huệ không còn ghen tỵ nữa.

Nửa năm sau họ cưới nhau. Bất ngờ đến nỗi gia đình, bè bạn ngỡ ngàng, khó tin.

-Con Huệ tuệch toạc chuyện gì, chứ chuyện tình nó giấu như mèo giấu cứt.

-Tẩm ngẩm tầm ngầm, đánh chết voi.

-Chàng hiền lành đấy chứ, nhưng hơi cù lần.

-Chồng hiền là tiên trong nhà. Còn cù lần thì đã có vợ khôn. Quy luật bù trừ mà lị

-Con Huệ có máu thống trị, lấy chồng ngoan ngoãn là phải lắm.

Mặc mọi người bàn tán. Một bữa liên hoan ngọt, pháo nổ đì đùng thế là xong.

Nhưng mà có xong đâu. Huệ tiếc. Đời con gái chỉ có một thời kiêu hãnh, đầy quyền lực, có kẻ đưa, người đón, được yêu thương, chiều chuộng. Thời ấy đẹp nhưng ngắn ngủi lắm, sao ta không biết tận dụng?

Huệ chán Trung ngay sau khi cưới, lòng đinh ninh sẽ không sống đời, ở kiếp với anh. Tốt nghiệp đại học, đi dạy ở một trường huyện, trái tim chưa được yêu hết mình của Huệ bao lần rung lên thầm vụng với những đối tượng khác. Một cậu học trò cuối cấp to cao, lún phún hàng ria mép. Một giáo viên cùng trường đẹp trai, chưa vợ, biết chơi đàn…Nhưng trái tim bị giam khoá ấy chưa có cơ hội tháo cũi, sổ lồng.

Năm 1975, miền Nam giải phóng, để đứa con đầu lòng ở lại miền Bắc với Trung, Huệ hăm hở theo đoàn cán bộ giáo dục “ chi viện” miền Nam.

Chưa có tàu Thống Nhất, vượt hơn một ngàn cây số thật khó khăn, vất vả. Mấy chục con người cùng với hành lý cồng kềnh nhồi vào chiếc xe trung, thấp và chật.  Đã thế phải tăng bo từng chặng, cứ như trong thời chiến. Ngồi cạnh Huệ là một  người đàn ông trung niên, da mịn, mắt một mí, chiếc răng khểnh lấp ló một cách tinh ranh.  Loại người này thường lẳng lơ, hoa lá, Huệ thoáng nghĩ.

-Chị về đâu? – Người đàn ông hỏi.

-Nha Trang.

-Ồ, rất hân hạnh được làm bạn đường.

-Hình như anh cũng là người của ngành giáo dục?

-Rõ rồi. Ha ha. Chị cũng là giáo viên nhân dân hả? Thế thì ta còn là bạn đồng nghiệp cơ đấy.

Người đàn ông cười, liếc đuôi mắt dài nhìn Huệ.

-Xin lỗi, tôi nhận thấy chị còn rất trẻ.

-Em đi dạy được vài ba năm nay.

-Vài ba năm? Ha ha! Đứng về mặt thâm niên thì em thua anh xa đấy nhé.

Người đàn ông đổi cách xưng hô một cách bất ngờ, tự nhiên. Sau đó, hai người có vô khối chuyện để giết thời gian trên đường trường. Xe qua đèo, vượt dốc nghiêng ngả. Xe rơi vào ổ gà xốc nảy cả người lên. Huệ cứ ngã dúi về phía người đàn ông. Anh ta không né tránh mà dướn vai đỡ Huệ. Có lúc anh ta vùi đầu vào phần ngực trên của Huệ ngủ ngon lành như đứa trẻ. Bị chèn ép, Huệ tưng tức ở ngực, nhưng lại thấy dễ chịu bởi cái mùi đàn ông ngai ngái. Thật kỳ quặc. Người đàn ông xa lạ này sao bỗng dưng thành thân thuộc với Huệ.

Xe lại rơi xuống ổ gà đánh “rầm” một cái. Người đàn ông giật mình, tỉnh dậy:

-Xin lỗi. Anh có vẻ là một thằng cha mất lịch sự lắm phải không?

-Không sao

-Em chợp mắt một chút cho đỡ mệt. Tựa vào anh mà ngủ.

-Chút nữa đã. Ngủ lúc này thật lãng phí. Anh nhìn kìa: Đèo ngang. Em đã từng giảng cho học sinh hàng chục lần bài thơ của bà Huyện Thanh Quan, mà mãi đến bây giờ mới được “ qua Đèo Ngang”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật nói rất đúng: Bao nhiêu người làm thơ về Đèo Ngang, mà không biết con đèo chạy dọc.

Người đàn ông nhìn ra khung cửa. Những ngọn núi nối nhau lùi dần. Biển xanh chợt hiện. Làng nhỏ xa xa. Lèo tèo vài nếp nhà tranh.

-Đẹp quá! – Người đàn ông kêu to. –Đúng là “ trời, non, nước”. Tiếc rằng anh không phải là cô giáo dạy văn.

-Nhưng  anh có tâm hồn thi sĩ.

-Anh nghi ngờ ý kiến đó. Em căn cứ vào đâu?

-Mắt anh.-Huệ đáp.

-Em lại tư duy hình tượng rồi. Em nên nhớ rằng cái cửa sổ không bao giờ là toàn bộ ngôi nhà.

Huệ lấy làm thích thú trước kiểu đối đáp có duyên của người dàn ông mới quen. Cô ngầm so sánh anh ta với Trung. Lòng Huệ bỗng se lại. Chưa bao giờ Trung nói với Huệ  được một lời như thế.

Chạy được vài trăm cây số, xe dừng lại để hành khách thư giãn. Mỗi lần nghỉ có đến ba mươi phút, thời gian đủ cho Huệ và người đàn ông tách ra khỏi mọi người. Hai người đi sâu vào khe núi. Một con suối nhỏ, cạn lòng, nước trong, nhìn thấy cả lớp sạn nâu dưới đáy. Họ dùng chung khăn mặt, bàn chải đánh răng. Họ quan tâm, chăm sóc nhau tưng ly, từng tý như một đôi vợ chồng thực thụ.

-Nước mát quá! Em muốn tắm .- Huệ nói.

-Tắm đi.- Người đàn ông xem đồng hồ – Hai mươi phút nữa. Kịp đấy.

-Nhưng …

-Cứ tự nhiên. Anh quay mặt đi nhé.

Huệ cởi phăng bộ quần áo nhàu nát, bụi bặm, nhảy xuống suối vội vã kỳ cọ. Dòng nước chảy êm, mơn man da thịt. Ngoài ba mươi, mập khoẻ, Huệ đang ở tuổi thanh xuân sung mãn. Trong lúc xoa bộ ngực trần phì nhiêu và đôi mông nảy nở của mình, Huệ  tưởng tượng người đàn ông mới quen trong tình trạng khoả thân.

-Anh ơi, lấy dùm cái khăn.

Người đàn ông chạy lại tung cái khăn xuống dòng suối.

-Ối! Ối! Anh quay mặt đi- Huệ nhăn mặt kêu lên.

-Không sao. Anh che mặt lại rồi. Ha ha.

Người đàn ông úp bàn tay xoè giẻ quạt lên mặt. Đôi mắt một mí cố ý mở to, qua kẽ tay, nhìn chằm chặp khắp thân thể Huệ.

-Anh phạm luật rồi đấy.

-Ha ha. Một toà thiên nhiên bày ra trước mắt, đến thánh cũng chẳng đừng,  huống gì anh là người trần.

Nói rồi, anh ta chạy xuống suối, nắm tay Huệ kéo lên bờ.

Huệ luống cuống mặc quần áo. Trong bộ đồ sáng màu, sạch sẽ, Huệ trẻ và hấp dẫn hơn.

-Em đẹp quá, thơm quá.

Người đàn ông khen nịnh rồi bất ngờ hôn đánh “ chụt” một cái vào môi Huệ.

-Người ta nhìn thấy kìa.- Huệ lườm người đàn ông, đôi mắt sắc như gươm.

-Kệ họ. Ha ha.

Hai người đi thật nhanh, vượt qua khoảng đất trống. Gần đến đường quốc lộ có một bụi cây um tùm, khuất kín. Người đàn ông kéo mạnh Huệ về phía mình, nấp vào bụi cây. Ngực sát ngực. Môi gắn môi. Họ quấn vào nhau chặt cứng, không một kẽ hở. Đó là một cái hôn “lịch sử” trong đời Huệ.

Đường về Nam còn gần nghìn cây số nữa. Xe sẽ còn dừng lại. Huệ thấy thú vị với cuộc phiêu lưu tình ái. Một mối tình dã ngoại, đầy chất thơ. Của trời cho. Hãy tận hưởng. Mặc sự đời, đến đâu thì đến. Tựa vào vai người đàn ông, trên chuyến xe dồi dập lắc lư, Huệ trôi trong cảm giác bồng bềnh.

Đến Nha Trang, hai người được điều về dạy ở hai trường phổ thông trung học khác nhau trong thành phố. Họ có hẹn gặp gỡ vài lần. Nhưng rồi, anh đã có vợ, chị đã có chồng, cái sự vụng trộm khó lòng giữ kín, đành bẽ bàng xa nhau.

Một năm sau, Trung chuyển công tác về Nha Trang. Gia đình đoàn tụ. Tiếp đó, đứa con thứ hai ra đời, nhưng quan hệ vợ chồng giữa Huệ và Trung không được cải thiện mà càng ngày càng “lệch pha”.

Chiến tranh nóng chấm dứt, để chuyển sang chiến tranh lạnh. Hai người bưng tai, bịt mắt coi như không có nhau. Việc ai người nấy làm, tôn trọng cá nhân một cách tuyệt đối. Dù có gai chướng đến mấy cũng ráng cắn răng, mím miệng để khỏi bật ra những câu nói chẳng hay hớm gì.

Con cái đã lớn. Sáng sáng chúng xuống bếp lục cơm nguội, ăn quấy quá, rồi thằng anh đèo con em đi học. Trưa, Huệ về, cơm canh cũng lên mâm. Trung xúc một tô, cơm, thức ăn hổ lốn, bưng ra xó cửa thui thủi ngồi ăn. Có bữa Trung ngồi lỳ cùng các con quanh mâm. Lập tức Huệ bưng chén cơm xuống bếp ăn  một mình.

Hạnh phúc đã đến lúc không cứu vãn. Hai người đều muốn nhanh chóng chấm dứt tình trạng bi đát này, nhưng chẳng ai chịu cầm bút viết đơn ly hôn. Cả hai đều là đảng viên. Anh là sĩ quan mới lên lon thiếu tá. Chị là hiệu phó một trường phổ thông trung học lớn nhất thành phố. Chuyện lộn xộn trong gia đình, ngu gì mà để người ngoài đàm tiếu. Thời buổi bon chen, người ta thường lợi dụng những điểm yếu của nhau để đánh bật nhau trong các cuộc bầu bán, tranh giành quyền lợi, địa vị. Im lặng ly thân, đó là phương cách tốt nhất.

Lúc anh mải mê tưới vườn, chị dắt xe đến trường, tránh nhìn thấy anh. Từ khi gia đình không còn là tổ ấm, Huệ bỗng thấy gắn bó với ngôi trường, như thể đó mới chính là nhà của mình. Làm hiệu phó phụ trách lao động và cơ sở vật chất, Huệ tỏ ra nhanh nhẹn xốc vác. Sáng, trưa, chiều, tối Huệ đều có mặt ở trường tất bật với công việc. Xây dựng vườn sinh vật kiểu mẫu. Trồng cây tạo bóng mát sân trường. Khánh thành xưởng mộc. Mua sắm vật tư thiết bị cho phòng thí nghiệm. Kiểm kê, sắp đặt thư viện. Tống vào kho bàn ghế hư hỏng v.v… Việc nhiều vô kể Huệ ôm đồm tất. Thậm chí có lúc chỉ đạo cả hoạt động dạy và học, kiến anh Chính, hiệu phó chuyên môn tự ái vì bị “lấn sân”, nhưng chẳng nói ra.

Sáng nay, sau hai tiết dạy văn ở lớp 12, Huệ đẩy cửa bước vào phòng Hiệu trưởng. Chỉ có Huệ mới dám tự nhiên phá thông lệ như thế. Những người khác, ai vào phải gõ cửa. Huệ lẳng lặng ngồi xuống ghế sa lông, rót nước uống.

Ông Thanh, Hiệu trưởng đang hí hoáy viết, chợt ngẩng lên cười. Nụ cười tuy mếu máo, héo hon nhưng làm cho gương mặt ông sáng hơn.

-Huệ đấy à. Mới dạy xong phỏng? Uống nước đi.

Ông rời bàn viết, ngồi đối diện với Huệ. Hai người uống trà nóng và nhìn nhau. Họ đã quen ngồi với nhau như thế, có khi để bàn công việc chung, cũng có khi chả có việc gì. Nhưng được nhìn thấy nhau hàng ngày đã trở thành nhu cầu của họ. Thanh hỏi:

-Sao buồn thế? Lão ta lại gây sự à?

-Không. Biết gây sự còn dễ chịu. Đằng này trống rỗng và nhạt nhẽo. Em đã cạn kiệt sức chịu đựng.

-Biết làm sao được. Con người thường phải gánh cái  gánh nặng quá sức mình.

Ông nói thế, vừa để chia sẻ với Huệ, vừa bộc bạch một cách xa xôi, rằng ông cũng là con người đang khổ sở, bất hạnh.

Là con em miền Nam tập kết ra Bắc, từ nhỏ Thanh đã được rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tập thể ở trường học sinh miền Nam. Ăn ngủ, chơi, học, tất thảy đều răm rắp theo kẻng. Tốt nghiệp đại học Sư phạm, thầy Thanh về dạy học ở Khu bốn, vùng tuyến lửa trong thời kỳ chống Mỹ. Thầy Thanh từng nhường phần cơm của mình, ăn khoai thay cho học trò nghèo. Bom Mỹ đánh sập trường, làm chết nhiều giáo viên học sinh, thầy Thanh ôm xác học trò khóc rưng rức.

Sau giải phóng, trở về quê hương, làm hiệu trưởng một trường phổ thông trung học lớn, Thầy Thanh vẫn giữ vững đạo đức của người cách mạng: cần, kiêm, liêm, chính.

Ngày thường hay trong đại lễ, ông Thanh cũng chỉ xuất hiện trước mọi người với bộ quần áo cũ sẫm màu giản dị. Ông cho rằng chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ không chỉ gây cảnh xương tan, máu rơi, mà nguy hiểm hơn, nó giết chết dần mòn tâm hồn Việt Nam, bằng sự phồn vinh, giả tạo, đầy tính chất nô lệ.

Nhưng bà Mộc, vợ ông hiệu trưởng lại rất tân tiến. Xuất thân từ vùng đồng chiêm trũng, tuổi lên mười đã quấn xà cạp lội bùn, cấy lúa, rải phân. Học trung cấp sư phạm, làm giáo viên cấp hai, rồi theo chồng vào Nha Trang, bà nhanh chóng hấp thụ lối sống đô thị miền Nam. Tóc uốn xì tôn, quần loe, áo chẽn, giày gót bự, môi đỏ, mắt xanh, bà trở nên diệu vợi, đài các.

Một lần bà Mộc nói với chồng:

-Anh là một trí thức có quyền bính, lãnh đạo nhà trường, một trung tâm văn hoá, gồm mấy ngàn giáo viên, học sinh, thế mà lúc nào anh cũng xuềnh xoàng như một gã trai cày. Mấy “cha” giáo viên “chi viện” một duộc như nhau cả. Quân tử nhất bộ. Chiến tranh kết thúc lâu rồi vẫn cứ quân phục sờn vai lên bục giảng. Giả nghèo, giả khổ, hay là khoe công trạng cầm súng?

-Mặc họ. Mỗi người có cách sống riêng, không nên soi mói – Ông Thanh cắt lời vợ – vả lại, chuyện ăn mặc còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế…

-Làm thầy phải mẫu mực từ quần áo, tác phong, đạo đức, đến năng lực chuyên môn. Phải đẹp cả về  nội dung lẫn hình thức. Nếu cần ta kiến nghị lên tận Trung ương. Tại sao bộ đội, công an, y, bác sĩ, công nhân, mậu dịch viên… đều có đồng  phục mà giáo viên thì không? Chúng ta yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Trò nào vi phạm bị hạ bậc hạnh kiểm, còn các thầy cô thì tự do  tuỳ sở thích. Có cô mặc quần jean bó chật cứng đi dạy. Hỏi còn giáo dục ai?

-À…à, Hội đồng giáo dục đã bàn đến vấn đề này. Nhưng biết lấy khoản nào mà lo quần áo cho giáo viên bây giờ – Ông Thanh dịu giọng.

-Trước hết, mỗi người hãy tự trách nhiệm với mình. Anh xem, chiếc áo anh đang mặc, có từ cái hồi Giôn-xơn tuyên bố đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

-Hì hì – Ông Thanh cười trừ, nụ cười héo hon.

Từ đấy ông tránh tranh luận với bà Mộc về đề tài trên. Nhưng bà Mộc không để cho ông yên. Bà luôn luôn chủ động đòi tranh luận với ông bất cứ lúc nào, về bất cứ đề tài gì. Bà nói:

-Sao em và anh lại chọn nghề dạy học nhỉ? Đạo đức xã hội xuống cấp. Truyền thống tôn sư trọng đạo bị mai một. Ra đường, trẻ con hát nghêu ngao: “Giáo chức-dứt cháo. Thầy giáo-tháo giày. Các thầy-Cầy thác. Cầy thác là chó chết”.

Cứ cái đà này thầy cũng sẽ không ra thầy nữa. Thời đại của nhiều thành phần kinh tế, người giàu được trọng vọng. Nhà giáo nghèo càng ngày càng bị đẩy vào nỗi khốn cùng sẽ bị khinh rẻ.

-Thôi thôi, bà phàn nàn với tôi cũng vô ích. Tôi làm sao mà xoay chuyển được cả thời đại.

-Không xoay chuyển được thời đại, thì cũng phải xoay chuyển được cái gia đình này. Anh không thấy vợ con anh khổ sở thế nào à? Mang tiếng chồng làm hiệu trưởng mà chẳng được cái gì. Nhà của tập thể, bàn ghế, giường, tủ của cơ quan. Hàng tháng ông quăng vài chục ngàn tiền lương cho tôi, ông tưởng như thế là xong trách nhiệm. Ngày nào tôi cũng rạc chân, rạc cẳng ngoài chợ như một kẻ điên. Tiền ít, biết mua gì. Mấy ông giám đốc, trưởng phòng có nhà lầu, xe cub, vợ con quần này, áo nọ. Còn ông chỉ họp, họp nữa, họp mãi. Ở trường có cái gì mà ông mê thế? Ông tưởng tôi không biết hả? Thiên hạ kháo lên rằng ông với con Huệ lúc nào cũng dính với nhau. Rằng, nó là Hồng Đô nữ hoàng…

-Đứa nào nói – Ông Thanh nổi máu cục lên.

-Thiếu gì đứa nói. Châu Linh, Việt Ánh , Hà Trang… Những giáo viên giỏi, những người tiên tiến của trường ông. Mà ông có làm sao thì người ta mới nói chứ.

-Thôi, bà im đi để tôi yên.- Ông hét lên.

 Những cuộc tranh luận giữa bà Mộc với ông Thanh bao giờ cũng có kết cục buồn. Quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng. Bà coi thường, nghi kỵ ông. Bà so sánh ông với những người đàn ông khác, cố chứng minh ông là thằng chồng hèn kém. Ông chán ngán tính nết thất thường, đồng bóng của bà, tìm đến niềm vui trong công việc.

Hiểu hoàn cảnh của ông, Huệ luôn tìm mọi cơ hội gần gũi, an ủi ông. Những lúc chỉ có hai người, Huệ tranh thủ trao cho ông những lời ngọt mềm như nhung.

-Anh có khoẻ không? Dạo này trông anh gầy đi đấy. Đừng ham việc quá. Nhớ giữ gìn sức khoẻ.

Những câu nói đại loại như vậy tựa làn gió mát, thoảng tới ông trong cơn nực nội, nóng nôi.

Biết ông ghiền thuốc lá, vài ba ngày Huệ lại đặt lên bàn làm việc của ông một gói thuốc thơm. Ông nhận thấy ở Huệ một tình yêu thầm vụng, ấm áp và mới lạ.

Những lúc cô đơn, Huệ nghĩ nhiều đến ông Thanh. Đầu óc giàu tưởng tượng của Huệ chứa đầy những hình ảnh đẹp đẽ của một cuộc phiêu lưu tình ái, na ná như mối tình dã ngoại của Huệ với người đàn ông trên chuyến xe xuyên Việt Bắc – Nam năm nào. Nhưng mối tình giữa Huệ với ông Thanh sẽ trắc trở, chông gai hơn rất nhiều. Huệ sẽ vấp phải dư luận, sẽ phải khổ sở để được hạnh phúc. Huệ biết, trước mắt phải dằn nén tình cảm. Yếu đuối, buông thả lúc này là ngu ngốc. Bởi vì, ngoài  tình yêu, Huệ còn cần một thứ khác: quyền lực. Huệ cảm thấy con đường đến với danh vọng của mình rất gần, rất dễ đi. Đảng ta là đảng cầm quyền. Muốn có quyền phải vào Đảng. Mà ông Thanh là hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ. Huệ chỉ cần sống “nghệ thuật” một chút. Chẳng hạn, chi bộ thường chú ý phát triển Đảng cho những người có tác phong sinh hoạt quần chúng, ăn mặc giản dị. Khó gì, Huệ sẽ luôn tươi  cười, hỏi han, săn đón tất cả mọi người. trong khi các nữ giáo viên xúng xính quần là, áo lượt, Huệ vẫn chung thuỷ với chiếc quần “ âm lịch”, áo Hồng Kông, mốt của thời chiến tranh phá hoại. Thêm nữa, Huệ luôn tỏ ra khao khát được đứng vào hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân. Có lần, nhân toạ đàm về Đảng, Huệ đã khóc khi nói lên niềm tha thiết ấy.

Mặc dù khi thăm dò ý kiến quần chúng, có nhiều người phản đối, nhưng Huệ cũng được vào đảng một cách chóng vánh. Liền sau đó, Huệ được cân nhắc lên hiệu phó. Ở cương vị mới Huệ đã cố gắng phát huy hết mọi khả năng và trở thành người thân cận nhất của ông Thanh.

Sự thật thì ông Thanh nhờ Huệ rất nhiều. Trước hết là về kinh tế. Huệ đã tạo mọi điều kiện để ông Thanh có thêm những khoản thu nhập, có vẻ rất chính đáng. Huệ đề nghị ông kiêm luôn hiệu trưởng khoá bổ túc văn hoá ban đêm, hiệu trưởng  lớp hệ B để ông hưởng luơng trách nhiệm. Rồi quĩ đen, quĩ đỏ được lập ra. Rồi tiền “phết phẩy” trong kinh phí mua sắm sách giáo khoa, thiết bị dạy học, sửa chữa, nâng cấp bàn ghế, phòng ốc sân chơi….

Huệ còn là một tham mưu đắc lực của ông Thanh. Ông lấy làm yên tâm vì có Huệ, người đàn bà sắc sảo, thông tuệ. Ông tin một cách chắc chắn rằng mọi nhận xét, phán đoán, phân tích, đề xuất của  Huệ đều rất đúng, rất hay. Huệ quí ai, ông Thanh mến người đó. Huệ ghét ai, người đó sẽ bị ông Thanh ấn tượng.

Hầu như ngày nào Huệ và ông Thanh cũng ngồi bên nhau như thế này, để bày tỏ nỗi niềm riêng tư, để trao đổi công việc chung.

Nhận ly nước trà nóng thơm từ ông Thanh, Huệ hớp một ngụm, rồi nhìn ông say đắm. Đôi mắt sâu, đen sậm của Huệ rực lên long lanh trong căn phòng nhỏ, kín khuất và hiếm hoi ánh sáng

Huệ nói

-Làm lãnh đạo, có bao giờ anh để tâm suy nghĩ về những người dưới quyền mình?

-Dĩ nhiên là có. Nhưng lòng người, đo lường sao hết được – Ông Thanh nói chầm chậm.

-Phải đo lường cho hết. Quyền lực là sức mạnh nhưng không phải là vĩnh cửu, Bởi thế, ngoài việc sử dụng quyền lực, phải tìm cách duy trì quyền lực. Muốn thế, thủ trưởng cần hiểu từng con người đến tận chân tơ kẽ tóc, để có cách ứng xử có lợi nhất.

-Huệ muốn nói đến nghệ thuật dùng người?

-Đúng thế. Nhưng không phải thứ nghệ thuật anh đã học được ở trường đào tạo cán bộ quản lý. Xưa, các cụ bảo dùng người hiền tài. Nay ta bỏ bớt đi một chữ “tài” chỉ dùng người hiền thôi. Phàm những kẻ có tài thì có tật. Thông minh giỏi giang lại thường cứng đầu, cứng cổ. Nhà trường phải có trật tự, kỷ cương, có trên có dưới…

-Theo Huệ, ta phải làm gì để thiết lập trật tự, kỷ cương?- Ông Thanh nhướng cặp mày thưa lên hỏi.

-Tạo lập một ê kíp, nếu anh không muốn mình trở thành cô độc – Huệ đáp – lâu nay, người ta hiểu ê kíp là bè phái, vây cánh, mất đoàn kết. Thực ra, ê kíp là tập hợp những người có tâm huyết với sự nghiệp chung, thống nhất về đường lối quan điểm. Em có cảm giác là anh chưa tin ai, cứ một mình chèo chống.

-Anh tin Huệ, Chắc Huệ hiểu điều đó.

-Em biết. Nhưng chỉ có anh và em, chúng ta cũng vẫn cô độc. Phải dựa vào nhiều người khác nữa để tồn tại.

-Dựa vào ai?

-Những người hiền. Trong hội đồng giáo dục, ai là người hiền chắc anh đã rõ. Đa số giáo viên lưu dung đều hiền lành, làm việc nghiêm túc, phục tùng lãnh đạo, cẩn trọng trong giao tiếp, nói năng. Phải dựa vào họ, đặt để họ ở một số vị trí quan trọng về chuyên môn, như hiệu phó chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn, và trong bộ tứ: Đảng, chính quyền, công  đoàn, đoàn thanh niên. Tất nhiên phải tìm hiểu kỹ lưỡng con người. Tránh tình trạng một số giáo viên được ta tin cậy, đùng một cái đưa cả gia đình đi vượt biên. Đáng tiếc hơn có người tham gia tổ chức phản động mà ta không biết. Khi công an đến còng tay giải đi, ta mới nhận ra tên phản động ấy, suốt mấy năm dạy học không hề tham dự chào cờ đầu tuần. Dĩ nhiên đó là một vài trường hợp cá biệt. Còn giáo viên miền Bắc chi viện, phải nói họ là những người trung thành với chế độ, nhưng cũng khá phức tạp: công thần, cơ hội, đòi quyền lợi, kèn cựa, soi mói, phát ngôn bừa bãi, tự do dân chủ quá trớn, rất phiền cho trật tự nhà trường. Phải trấn áp. Nhưng tránh  thô bạo. Hễ họ làm dở, làm sai, dù  là một việc cỏn con cũng phê ngay trước hội đồng. Còn nếu làm đúng, làm tốt, thì dù là việc lớn cũng cứ lờ đi. Khen ngợi hoặc đề cao vai trò của họ, họ sẽ leo lên đầu, lên cổ ngay. Đừng bao giờ kết nạp những người thích đấu tranh. Đừng trách vua chúa xưa kia chuyên quyền. Không chuyên quyền sao bảo vệ được ngai vàng.

Huệ nói, lời lẽ sắc ngọt, lọt vào tai ông Thanh êm ái, bám rễ chắc bền trong ông.

-Trong số giáo viên miền  Bắc vào, Huệ thấy ai là người hay đấu tranh? – Ông Thanh lại nhướng cặp mày thưa lên hỏi.

-Nhiều đấy. Điển hình là Châu Linh, Việt Ánh, Hà Trang… Toàn những quần chúng tích cực của Đảng. Đây là đối tượng cần trấn áp. Anh đứng cáu bẳn với họ như hôm nọ. Cứ tươi cười. Chỉ cần phê những câu thật đau vào bản lý lịch, thế là suốt đời vẫn cứ là quần chúng.

Ông Thanh giật mình, sực nhớ đến câu nói của bà Mộc hôm vợ chồng xô xát nhau. Thì ra Châu Linh, việt Ánh, Hà Trang là những kẻ xấu, chống đối lại ông, đem chuyện riêng tư của ông ra đàm tiếu.

-Có tiếng gõ cửa. Ông Thanh và Huệ sửa lại tư thế ngồi. Thanh nói vọng ra.

-Mời vào.

Chị Châu Linh, một giáo viên luống tuổi, tóc bạc, lưng hơi còng, hớt hải chìa tờ giấy trước mặt hiệu trưởng.

-Báo cáo anh Thanh: Bố cô Liên mất. Cô ấy xin phép nghỉ.

-Chết  thật! Đang thi học kỳ. Nghỉ đột xuất thì phải tìm người coi thi thay – Huệ kêu lên.

-Gay đấy chứ!- Ông Thanh phụ họa.

-Chuyện buồn, không ai muốn – Chị Châu Linh cố dịu giọng – Tôi nghĩ rằng nghĩa tử là nghĩa tận. Ban giám hiệu nên phân công người đến nhà cô Liên giúp đỡ mai táng, chia buồn. Ông cụ tội lắm. Ở mãi tận Thái Bình vào thăm con, thăm cháu, ai ngờ cụ đi.

-Biết rồi – Huệ nói như quát – chúng tôi sẽ lo liệu. Việc trường đang bấn cả lên đây.

-Đã đành công việc là quan trọng. Nhưng không có con người thì không thể làm nên trò trống gì đâu, cô Huệ ạ.

Chị Châu Linh dường như không dằn lòng được nữa. Nói xong, chị bỏ đi.

Hôm ấy, Huệ và ông Thanh quên cử người đến thăm viếng gia đình cô Liên. Trong đám tang ông cụ, vắng mặt “bộ tứ’ của trường Đông  Hải. Chỉ có chị Châu Linh cùng một vài chị em trống giờ dạy đến lo liệu giúp cô Liên một phần trong lúc tang gia bối rối.

(Còn nữa)