HOÀNG HÔN TRẮNG (Chương VIII)

HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯƠNG VIII

(Tiếp theo kỳ trước)

Bước chân xiêu ngã giữa chợ trời, Trang cảm nhận đến tận cùng nỗi đơn độc, bơ vơ. Vả chăng con người sinh ra phải vượt qua những thử thách ghê gớm để  tồn tại. Kiếp người như Trang không được như loài cây cỏ. Cỏ cây bám rễ vào đất để sinh sôi, còn Trang không một nơi nương tựa, bấu víu. Một mình lặn ngụp giữa đại dương mênh mông.

Những lúc rủi ro, bất hạnh, tuổi thơ lại hiện về, ký ức là lưỡi dao cắt cứa, là làn roi bầm máu trên da thịt.

Hồi ấy Trang năm tuổi. Đứa trẻ lên năm có khả năng ghi nhận tường tận những gì nó được chứng kiến. Đêm đêm Trang chợt tỉnh giấc, hét váng lên.

-Má! Má ơi! Bồng con một chút đi má.

-Ờ… Ờ… Ngủ đi con! Ngủ đi. Má sắp về đó.

Ba của Trang, người đàn ông dáng cao ráo, đậm đà, đôi mắt u buồn, nhẫn nhịn, dỗ dành con bằng cái giọng trầm và nhỏ như tiếng nói từ một cõi xa xăm vọng về.

-Má đi đâu mà lâu quá vậy ba.

-Má đi công tác. Con ngủ đi.

-Không phải. Mấy đứa trong xóm nói má bị công an bắt mà. Má ơi! – Trang khóc tấm tức.

-Nín đi con. Rồi má về.

Ông nói thế nhưng lòng tan nát, tuyệt vọng. Ông muốn chạy trốn những câu hỏi của con, muốn che giấu một sự thật cay đắng đang hành hạ ông, đang làm tổn thương đến tình cảm của đứa con. Nhưng trái tim thơ dại của Trang vẫn nhận thấy sự ghẻ lạnh của mọi người. Không hiểu duyên do, không lý giải được, nó tủi thân lắm, lẩn tránh tất cả. Nhiều lúc thèm chơi nhảy dây, chơi ô quan nhưng đành nhịn.

Má của Trang, một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Trong khi chờ đợi tổ chức sắp xếp công ăn việc làm, bà tình nguyện lao động ở Nông trường. Suốt chín năm ròng kháng chiến, người phụ nữ ấy đã mòn vai gánh gạo lên chiến khu không quản hiểm nguy, vất vả, giờ lại gieo lúa, trồng khoai để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chẳng phàn nàn, đòi hỏi, cứ âm thầm hoàn thành nhiệm vụ. Bà nghĩ, sau hai năm, thống nhất đất nước sẽ trở về quê hương làm ăn sinh sống. Nào ngờ, tai hoạ giáng xuống đột ngột, bà không kịp hiểu sự thể ra sao nữa. Lúc bà đang cùng  mấy chị em trong đội sản xuất, vun đất thành từng luống chuẩn  bị trồng khoai, thì một tốp công an vẻ mặt sa sầm, quan trọng ập đến, đọc lệnh bắt, rồi còng tay, giải bà đi. Bà nghe loáng thoáng tội của bà là phản động, vì có liên quan đến việc tổ chức người vượt tuyến.

Được tin, cha của Trang đau đớn, rụng rời. Người ông rộc rạc. Đôi mắt u buồn chẳng dám ngẩng lên nhìn ai, tinh thần suy sụp gần như quỵ hẳn. Đêm đêm ông ngồi im phắt như tượng đá bên ngọn đèn tù mù. Bức tượng người cha đã tạc vào tâm khảm cô bé năm tuổi nỗi ám ảnh, buồn đau theo thời gian, lớn dần lên mãi.

Một hôm má Hà Trang bất ngờ xuất hiện trên ngưỡng cửa với nụ cười héo úa.

-Em được trả lại tự do – Bà nói với chồng, giọng mệt mỏi.

-Thật chứ em! – Ông reo lên khe khẽ nhưng tắc nghẹn nữa chừng. Và chạy đến ôm chầm vợ, nhìn đau đáu vào đôi mắt buồn thẳm sâu của người đàn bà tiều tuỵ.

Hai ngày sau, chính quyền địa phương thông báo đã có giấy của cơ quan an ninh, chính thức minh oan cho bà.

Thế là tảng đá oan nghiệt đè nặng lên gia đình Trang đã được nhấc đi, nhưng vết hằn của nó thì không thể gì xoá nổi.

Một chiều đông mưa phùn lép nhép, gió rít liên hồi trên thinh không, đạp ào ào vào liếp cửa. Cái lạnh len vào ống tuỷ nhức buốt. Cả nhà ngồi hơ lửa. Cha của Trang trầm ngâm, tâm trí phiêu du tận phương trời nào. Mãi sau ông nói:

-Anh sắp đi B mình ạ. Tổ chức đã nhất trí. Hiệp định Giơnevơ thế là không thực hiện được. Ngày thống nhất có lẽ còn xa. Mình ở lại nuôi dạy con. Anh vào trong đó tiếp sức với anh em.

Ông ôm Hà Trang vào lòng, hôn lên trán con dịu dàng.

-Con học giỏi nghen. Nhớ nghe lời má.

Hà Trang thu gọn mình trong vòng tay ấm mềm như nhung của cha, tận hưởng chút tình phụ tử dịu ngọt và xót xa tiên cảm những bất hạnh sẽ đến với ông.

-Mình được trở vể quê hương, em cũng mừng. Chỉ lo sức mình có hạn. Đường dài, trắc trở. Sợ không kham nổi.

Phải rất lâu má Trang mới nói được câu ấy.

-Mình yên tâm. Nhiều người cùng đi với anh chuyến này. Sau mỗi chặng đều  có trạm đón tiếp, săn sóc chu đáo. Vả lại sức khỏe của anh cũng khá hơn trước. Hai mẹ con ráng đùm bọc nhau mà sống. Rồi cũng đến ngày gặp lại nhau ở quê hương, mình ạ.

Cùng với má tiễn ba ra sân ga, một tay Trang xách cái túi nhỏ, đựng thức ăn dọc đường má bới cho ba, tay kia níu chặt vạt áo màu ghi đậm của ba.

Con tàu rùng mình xì hơi, các đầu nối dập vào nhau chan chát. Còi hú từng cơn, giục giã. Ba bước lên bậc cửa toa tàu.

-Ba đi nghen con. Anh đi nghen mình. Ở lại mạnh giỏi. Vào trong đó anh sẽ tin ra.

Má Trang gật gật đầu, im lặng. Trang cứ đứng ngây ra ngắm nhìn ba mãi. Tàu chạy. Cô bé mới sực nhớ đến cái túi xách đang cầm trong tay.

-Ba ơi! Còn cái này. – Cô bé vừa giơ túi xách lên, vừa chạy rất nhanh theo con tàu

-Thôi về đi con. Đừng chạy nữa. Té đấy.

Ba Trang hét to và khoát tay ra hiệu. Nhưng cô bé vẫn chạy cho đến khi toa cuối cùng chỉ còn là một cái chấm nhỏ, đột ngột biến vào quả núi phía xa.

Nắm xôi còn âm ấm. Cái túi vải bỗng nặng trĩu  trên tay, cô bé oà lên nức nở, ân hận vì sự lơ đễnh của mình.

Đó là kỷ niệm cuối cùng của Trang về người cha thân yêu.

Ba đi rồi, hai mẹ con Trang bỗng chơ vơ trên cõi đời. Từ  ngày má Trang ra tù, vẫn chưa có công ăn việc làm. Hồi ấy, gia đình cán bộ đi B được đãi ngộ xứng đáng. Nhưng chẳng hiểu rõ do trục trặc gì đấy mà mẹ con Trang chờ mãi vẫn không thấy một sự quan tâm nào của cấp trên. Vì tự trọng và mặc cảm, má Trang đành cam chịu, không hé răng kêu ca, đòi hỏi gì cả. Hai mẹ con Trang hầu như đã bị bỏ rơi ở miền đất xa lạ, buồn tẻ, không ngươi thân thích, không tiền bạc, của cải, lủi thủi sống trong căn nhà dựng tạm, cột kèo tre, mái lá cọ, vách trát bùn trộn rơm khô, nép mình sau một cái ga xép.

Ga Nghĩa Trang, cái tên Tang tóc và buồn thảm, đứng khiêm nhường trên vùng đất hoang sơ thuộc tuyến đường Hà Nội-Thanh Hoá. Hằng ngày, hằng đêm những chuyến tàu dừng lại, tránh nhau. Hành khách thường tranh thủ xuống ga nghỉ ngơi, thư giãn, tắm rửa, mua đồ ăn, thức uống, quà cáp. Thế là cái ga nhỏ vốn im lìm, trầm mặc cứ sôi lên mỗi khi tàu đến. Dân xóm ga nhờ đó mà kiếm sống qua ngày. Người ta đua nhau đổ ra ga, bán đủ các thứ.

Trẻ con, đứa nào đứa nấy chân đất, rách rưới, nhem nhuốc nhưng lanh lợi kỳ lạ. Chúng leo thoăn thoắt lên các toa tàu, ra rả rao chào, kiên nhẫn mời mọc, nài nỷ, lỳ lợm. Ánh mắt chúng vụt sáng khi có khách gọi mua hàng nhưng không hề thất vọng khi bị từ chối. Chúng chấp nhận nỗi cực nhọc, sự rủi ro trong cuộc mưu sinh, tự nhiên và dũng cảm như người từng trải chấp nhận số phận.

Hà Trang cũng là một trong số những đứa trẻ ấy. Con bé 10 tuổi, mặt quắt, da xạm, thân hình mảnh khảnh, vẹo sườn cắp một cái mẹt đầy bánh trái.

-Mía đơ…ơi. Bánh chưng  đơ…ơi. Trứng luộc đơ…ơi…ơi.

Tiếng rao của đứa trẻ thật buồn, non nớt kéo dài, hụt hơi, lẫn vào bao thứ âm thanh hỗn tạp của ga tàu.

-Ê nhóc!-Một gã béo ị, áo sơ mi chim cò, đồng hồ mạ vàng, thò cái đầu láng coóng, tóc chải bồng đít vịt, gọi.

Hà Trang vội chạy đến:

-Chú mua gì ạ.

-Hai quả trứng. Chọn quả to vào. Đưa muối đây.

Hà Trang ngoan ngoãn làm theo. Con bé phải kiễng lên, đau nhói các đầu ngón chân mới đưa hàng được cho khách.

Gã “chim cò” quăng một xáp tiền lẻ  có vẻ như được cất giữ  cẩn thận, phẳng phiu xuống mẹt. Hà Trang nhặt lấy, bỏ vào túi áo, lại ra rả rao.

-Ai mía đơi….ơi…

-Ê nhóc. Lại tao bảo.

Gã “chim cò” quăng hai quả trứng xuống mẹt của con bé, nhăn mặt quát:

-Mày bán trứng thối. Trả tiền lại đây. Oắt con! Lừa đảo!

Con bé mặt tái mét, tay run như cầy sấy, vội trả tiền lại cho khách. Nhìn những quả trứng dập nát, nhoe nhoét trên mẹt hàng, Hà Trang nhục nhã, như thể cái mặt mình vừa hứng chịu những quả trứng tàn nhẫn kia. Nó lặng lẽ quay đi, lặng lẽ khóc, vẹo sườn cắp mẹt hàng vào trong ga, ngồi phịch xuống bậc cửa, nghỉ ngơi.

Nhưng cuộc sống bình yên, dẫu vất vả cũng không còn nữa. Vào một ngày đầu thu năm 1964 những chiếc máy bay Thần Sấm, Con ma của đế quốc Mỹ gào rú trên vùng trời khu bốn. Xóm ga bé nhỏ kinh hoàng trước những loạt bom rung trời, xoáy  đất.

Hai má con Trang nấp trong cái tăng xê sâu hai thước, miệng tròn bằng cái thúng. Chật. Ngột. Tức thở vì khói đạn. Sức ép bom dồi dập hai thân người, đau ê ẩm.

Khi tiếng máy bay, tiếng nổ ngừng bặt, hai người leo lên khỏi hầm, ngơ ngác trước ảnh hoang tàn, đổ nát ngỡ đi lạc trong mơ. Nhà ga sập xuống, tả tơi. Đường giao thông bị băm cắt, cày xới, nham nhở. Những đoạn ray bật ra khỏi tà vẹt, quằn quại bên rệ cỏ, dưới ruộng lúa. Cây cầu sắt ba nhịp, gãy làm ba, chỏng ngỏng, tang thương. Barie cong cớn dúm dó như đống sắt vụn. Xóm ga hơn hai chục nóc nhà tranh, cùng một lúc vụn ra, lẫn vào đất cát. Những xác người không còn nguyên vẹn, sấp ngửa, xoay ngang, đổ dọc la liệt. Những chiếc đầu rời khỏi thân người, trợn trừng mắt. Cánh tay, ống chân vương vãi khắp nơi. Những mảng thịt vắt lên hàng rào, bụi cây, nhầy mụa máu.

Hai má con Trang tựa vào nhau, lặng đi trước ngôi nhà thân thuộc cháy trụi, đau đớn như đứng trước nấm mồ của người ruột thịt.

-Nhờ trời má con mình còn sống. Ta phải đi khỏi nơi này thôi.

Má Trang thầm thì như nói với riêng mình.

-Đi đâu má?

-Ở đâu mà chẳng đạn bom, chết chóc. Nhưng ta phải sống. Sống để trở về quê hương, để gặp lại ba con.

Lúc ấy Trang chưa hiểu hết nỗi lòng của má. Nó chỉ lờ mờ cảm thấy tai họa khủng khiếp đã đến với tất cả mọi người. Nhà cửa, đường sá, cầu cống, con người phải mất bao nhiêu năm, bao nhiêu đời, mới xây dựng được. Vậy mà bom đạn xoá sạch tất cả trong chốc lát. Và, con người, sản phẩm kỳ diệu của đấng cao xanh, cũng chỉ là miếng mồi cho con ác thú chiến tranh.

Chiều sầm sậm đổ xuống đôi vai hai má con Trang, phủ lên xóm ga một màu ảm đạm, hoang lạnh. Hai con người xa xứ như bị vây hãm trong nỗi buồn mênh mông, cô độc.

Giờ đây Trang đang lạc vào cái ồn ào, huyên náo của khu chợ, tâm hồn chơi vơi về dĩ vãng. Chiến tranh đã kết thúc. Bao nhiêu năm trôi qua. Tưởng đã giã từ tuổi thơ cùng những kỷ niệm buồn. Nào ngờ số phận Trang vẫn bi đát như thế này.

                                                *

Đi quanh co một lúc Trang gặp dãy hàng hoa tươi. Hôm nay là ngày nhà giáo Việt Nam, học sinh, phụ huynh xúm vào mua hoa đông nghẹt. Giá một bó hoa tươi đắt gấp mười lần ngày thường, tương đương với ba kilôgam gạo, đủ cho cái gia đình bé nhỏ của Trang sống được ba ngày.

Trang rẽ vào Cửa hàng bách hoá mua một bánh xà phòng thơm để tặng cô giáo của bé Lan chi. Cô mậu dịch viên vừa nhận tiền của Trang vừa quạu quọ phàn nàn:

-Hồi nãy em mất mười cục xà bông. Mấy “mẹ” giáo viên chứ ai. Khách đông, em lo bán bên này, mấy mẻ bỏ hàng vô giỏ, không trả tiền, đi tuốt.

-Sao chị dám chắc họ là giáo viên? Trang tỏ ý nghi ngờ.

-Ôi dà, đói ăn vụng, túng làm liều.

-Không phải ai túng cũng làm liều. Chính chị nói liều đấy.

Trang tức giận bỏ đi. Bị phủ đầu, cô mậu dịch viên há mồm ngơ ngác. Trang lại phăm phăm đạp xe về nhà, tránh xa cái thị trường tự do cũng những chuyện phiền toái.

Học trò năm, ba tốp đang thập thò trước cổng nhà Trang. Đứa ôm hoa, đứa cầm gói quà bọc giấy màu xanh, đỏ.

-Cô về kìa! Cô về kìa! – Bọn trẻ reo lên.

-Mời các em vào nhà – Trang tươi cười.

Bọn trẻ ào vào nhà. Đứa ngồi ghế, đứa ngồi giường, đứa dựa lưng vào vách. Căn phòng phút chốc chật đầy niềm vui.

-Thưa cô, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng em kính chúc cô mạnh khoẻ, dạy dỗ chúng em nên người ạ.

-Cám ơn em.

-Thưa cô, em chúc cô luôn luôn dạy giỏi và sáng tác được nhiều bài thơ đăng báo hơn nữa ạ.

-Cô sẽ  cố gắng, vì các em.

-Thưa cô, chúng em không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn sâu sắc, xin kính tặng cô những bông hoa này.-Một học sinh trịnh trọng trao cho cô giáo bó hoa-Chúng em mong  cô trẻ đẹp, tươi mãi như hoa ạ…

Mấy đứa học trò tủm tỉm cười.

-Hoa đẹp tuyệt. Cô thật sự cảm động trước tấm lòng của các em. Mong rằng tình thầy trò chúng ta đẹp như những bông hoa. Bây giờ cô chúc các em hai điều: Đậu tốt nghiệp trăm phần trăm, đậu đại học trăm phần trăm.

Tiếng vỗ tay rộ lên. Rồi bọn trẻ lại kéo nhau đi thăm các thầy cô giáo khác. Trang lấy hết mấy chiếc bình và ly thuỷ tinh cũng không sao đựng hết hoa. Một, hai, bá… bốn bó. Mỗi bó hoa tương đương ba kilôgam gạo. Một sự so sánh thô thiển đầy tính thực dụng. Trang mỉm cười tự giễu mình. Khi con người không thể diễn đạt hết tư tưởng, tình cảm của mình bằng ngôn ngữ thì phải mượn ngôn ngữ của loài hoa, thứ ngôn ngữ giàu biểu cảm và cao sang.

Trang thận trọng dở từng gói quà. Toàn sách. Những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ, những tác phẩm lý luận phê bình, món quà mà học trò hy vọng cô giáo sẽ hài lòng.

Bông hoa, trang sách đã nâng đỡ Trang, giúp Trang lấy lại thăng bằng cho cuộc sống, trước những thực tế phũ phàng, nghiệt ngã.

Lúc ấy, một thanh niên vẻ chững chạc, lịch lãm bước vào:

-Xin lỗi, cho em hỏi, đây có phải nhà cô giáo Hà Trang không ạ?

-Phải rồi. Tôi là cô giáo Hà Trang.

-Cô cho em gặp…

-Vâng. Mời anh ngồi.

Trong lúc Trang pha trà, rót  nước, chàng thanh niên từ tốn nói:

-Thưa cô, chắc cô không biết em. Thời học sinh em không được học cô. Nhưng em biết cô qua những bài thơ của cô trên các báo, tạp chí và qua một người bạn thân, là học trò cô chủ nhiệm. Bạn ấy đang ở rất xa. Không về thăm cô được, bạn ấy nhờ em chuyển quà đến chúc mừng cô, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

-Cảm ơn. Rất hân hạnh. Em có thể cho tôi biết về bạn ấy?

-Thưa cô, trong gói quà này có bức thư. Cô đọc sẽ rõ. Bạn ấy dặn em đừng nói gì về bạn ấy.

-Thôi được. Ta tôn trọng người vắng mặt. Còn em, trước học ở đâu? Bây giờ làm gì?

-Dạ, em cũng là học sinh trường Đông Hải, ban Toán Lý. Hiện là thuỷ thủ tàu viễn dương.

-Tuyệt lắm. Cuộc đời  sóng nước chắc là thi vị.

-Dạ. Nhưng khắc nghiệt nhiều hơn. Những lúc lênh đênh trên biển cả em lại khát khao đất liền cô ạ.

-Cuộc sống vốn thế. Để hiểu thực tế này, đôi khi ta phải đứng trong một thực tế khác. Xin lỗi, em tên gì?

-Dạ, Đăng ạ. Nguyễn Hải Đăng. Bây giờ em xin phép cô. Em kính chúc cô và gia đình hạnh phúc.

-Cám ơn em rất nhiều.

Người học trò đứng dậy ra về, đôi mắt đã kịp ghi nhận hình ảnh căn nhà của cô giáo: Bức tường vàng ố, lở lói, cái giá sách quá tải, bộ bàn ghế cũ kỹ, chiếc giường gỗ mục chân phải kể bằng gạch, những bình hoa tươi rói bên cửa sổ…

Tiễn khách xong, Trang trở vô nhà, nhẹ nhàng mở gói giấy hoa, lấy ra một món quà  bất ngờ: xấp vải mutxơlin màu xanh nước biển, mát rượi, chảy mềm. Sáng nay Trang đã bán một chiếc áo dài màu xanh y hệt như thế này. Một sự  trùng lặp ngẫu nhiên hay có điều gì bí ẩn? Từ trong xấp vải rơi ra phong thư, Trang vội vã nhặt lên đọc:

Caliornia ngày… tháng… năm…

Cô kính yêu của em!

Có thể cô không nhớ em, một học trò bình thường trong hàng ngàn học trò mà cô dạy dỗ suốt mười mấy năm qua. Nhưng em thì không thể quên cô, dù em đang cách xa cô nửa vòng trái đất.

Xin cô tha thứ cho em. Là con của một đại tá nguỵ, lý lịch  loại D, không hy vọng  được vào đại học, em đã bỏ Tổ quốc ra đi. Nhưng cuộc sống của em trên đất khách quê người  chẳng có gì may mắn, tốt đẹp. Em phải làm mướn, rửa chén bát cho một tiệm ăn để kiếm sống. Thế là tuổi trẻ của em đang dần trôi đi, nhạt nhẽo, vô vị. Giờ đây em càng thấm thía lời cô dạy: “Tổ quốc là ngôi nhà của em”, mà em đang là một kẻ không nhà. Tất cả những gì xung quanh em không phải là của em. Em không thoát khỏi cảm giác cô độc.

Cô ơi! Không hiểu sao em cứ tin rằng một ngày nào đó em sẽ trở về tổ quốc.

Em thành tâm kính chúc cô và gia đình hạnh phúc.

                                                                   Học trò cũ của cô

                                                                             Thảo Ly

Tái bút: Em gửi tặng cô món quà nhỏ. Xin cô đừng từ chối.

Hà Trang lặng người, sung sướng như vừa gặp lại người thân sau nhiều năm lưu lạc. Thảo Ly, bông hoa cỏ nhỏ nhoi ẩn mình nơi thung lũng xa lạ, chợt hiện rưng rưng.

Vẻ đẹp và lòng tốt của con người ở đâu cũng khiến ta hạnh phúc.

 (Còn nữa)