Trần Chấn Uy đa tình liền với đa mang

TRẦN CHẤN UY, ĐA TÌNH LIỀN VỚI ĐA MANG

(Đọc tập thơ Bên dòng sông đa tình của nhà thơ Trần Chấn Uy, NXBHội Nhà văn, 2012)


LÊ KHÁNH MAI

alt

“Em không để tôi yên tĩnh/ dù chỉ một giây thôi”, đó là trạng thái tâm hồn của nhà thơ Trần Chấn Uy trước La – giô – công – đơ, người đàn bà với “đôi mắt thẳm sâu, nụ cười bí ẩn” trong tác phẩm nổi tiếng cùa danh họa Leonard de vinci thời phục hưng. Nhưng La – giô – công – đơ đâu có tội tình gì. Nàng sinh ra trước Trần Chấn Uy trên 500 năm, ở tít bên nước Pháp và tất nhiên chưa từng có mối liên hệ nào với người viết ra câu thơ ma mị về nàng. Phải chăng vì nàng quá đẹp, hay chính nhà thơ sẵn mang trong mình trái tim đa tình, cuồng si của loài thi sĩ, vốn nhạy cảm và đa mang với con người muôn kiếp nên đã tự cầm tù trong trạng thái yêu phi thời gian, phi biên giới như thế?

Căn nguyên sâu xa của sự không yên tĩnh ấy trong con người Trần Chấn Uy tước hết là nỗi ám ảnh người đẹp. Phải, “mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. Trần Chấn Uy, một trang nam nhi được trời phú cho bao nhiêu lợi thế: đẹp trai, con nhà khá giả, có học, có tài thơ, hoạt khẩu lại có chút duyên đàn ông trong khẩu khí ngang tàng vô hại. Như quy luật vạn vật hấp dẫn, Trần Chấn Uy cũng trở thành đối tượng thu hút của nhiều phụ nữ và họ đã tham gia vào quá trình thơ của anh, tự nhiên như mối tương giao thi sĩ – người đẹp, như các thi nhân muôn đời vốn thế. Sexpia, Puskin, Tagor, Xuân Diệu…những nhà thơ lừng danh từng làm thơ “tán gái”, tất nhiên với một đẳng cấp văn hóa và tài thơ rất cao vời. Họ ý thức sâu sắc rằng người đẹp, một thứ bùa mê nhiệm mầu, một tác nhân quan thiết cho sự  khởi sắc, thăng hoa tài năng đàn ông. Người đẹp là men, là suối nguồn, là dinh dưỡng của thi ca.

alt

Nhà thơ Trần Chấn Uy

Viết về người đẹp, thơ Trần Chấn Uy đậm đặc ngôn ngữ thân thể đàn bà trong nhiều khoảnh khắc yêu, mà những người thiếu “vốn yêu” hoặc “yếu bóng vía” không thể/ không muốn diễn đạt. Đây là cái nhìn rất đàn ông của Trần Chấn Uy truớc “Gái tơ”:

Da thịt ngọc gieo, eo lưng thắt

Mắt nhìn như có gió sương pha

Trái ửng hồn xuân căng ngực áo

Gío trăng nhễ nhại ánh màu ma”

Vẻ đẹp được nhận diện bằng mắt nhưng ít nhiều che phủ bởi lớp sương khói mê hoặc vẫn ngời lên thân thể ngọc ngà, chín mọng, căng đầy sức xuân. Cái nhìn ấy dẫu sao cũng ở tầm mức nhẹ nhàng âu yếm, vuốt ve. Nhưng đến câu thơ này: Ngưòi đàn bà khỏa thân/ Đẹp đa tình và lãng mạn/ Những đường cong ma thuật/ Ánh mắt sói cháy lên cơn cuồng dục mê hồn (Đàn bà) thì Trần Chấn Uy đã chiêm ngưỡng đàn bà bằng “con mắt khỏa thân”. Nhà thơ săm soi những đường cong, những phần phì nhiêu, phồn thực của hình nhân “ma thuật” ấy:

“Trăng lõa thể trên mình em lõa thể

Hai vầng trăng mười sáu sánh ngôi nhau

Ta đã xếp thân ta vào cát bụi

vẫn cuồng lên lõa thể giấc mơ đen”

                             (Tắm đêm)

Với cảm thức nghệ thuật như thế, Trần Chấn Uy đã tạo ra trong thơ hình mẫu đàn bà với khí chất “dương tính” – những người đàn bà mang lửa: “Áo hở ngực một khe núi vồng lên dốc thẳm/…/Khuôn mặt đẹp như lửa đốt (Nhắn tin). Chưa hết, nhà thơ còn nhận thấy cả một ngọn núi lửa tàn khốc trong mắt người đẹp:

“Em cháy lên chói ngời trong đau khổ

Vẫn cái nhìn tàn khốc núi lửa

Cơn bạo hành hủy diệt của thiên nhiên”

                             (Mỹ nhân)

Đến hoa vô ưu, loài hoa ba ngàn năm mới nở một lần vậy mà trong chớp mắt “một sát na nở bùng ánh lửa”.

Xưa nay ít có ai ví cái đẹp của phụ nữ như lửa. Nhất là trong thơ phương đông, với quan niệm âm dương ngũ hành, phụ nữ thuộc âm, nên vẻ đẹp của họ thường được ví với “khuôn trăng”, “làn thu thủy” (Thúy Kiều, Thúy Vân – truyện Kiều, Nguyễn Du). Đây là nét khác lạ của thơ Trần Chấn Uy. Phải vì cuộc sống hiện đại đã khiến người phụ nữ thêm phần dương tính rồi chăng, hay chính trái tim nhà thơ luôn ngùn ngụt một Hỏa Diệm Sơn?

Thực ra thơ Trần Chấn Uy cũng có khi ca ngợi vẻ đẹp đàn bà thanh cao, thánh thiện như “tác phẩm mỹ thuật khỏa thân đạt đạo/ sự hoàn mỹ cao xa” (Em tắm); tôn vinh những giá trị tinh thần tiềm ẩn trong hình ảnh dung dị và khuất lấp: “Em hiện hữu ngày càng lớn lao và bé nhỏ/ Không sắc màu, không hương thơm/ em khiêm nhường như khí thở” (Em). Nhưng hầu như mẫu gái ngoan, đàn bà “hiền thục” này rất hiếm và chỉ xuất hiện thoáng qua trong thơ anh. Không khó nhận ra “gu” thẩm mỹ của thơ Trần Chấn Uy là hướng đến những người đàn bà có thân phận và danh phận khác thường, như đàn bà quý phái, cao sang, gái bán hoa, đặc biệt là những người mang vẻ đẹp bốc lửa, “nguy hiểm chết người”, luôn cháy lên, thiêu đốt, đầy nguy cơ lụi tàn. “Em đẹp như dao, anh đứt ruột” một vẻ đẹp ẩn chứa nhiều rủi ro, bất trắc cho chính nó và cho những ai yêu nó.

Với Trần Trần Uy, yêu là một cuộc dấn thân phiêu lưu, mạo hiểm nhưng đầy kiêu hãnh trong niềm khát khao chiếm lĩnh cái đẹp. Anh coi đây là một thử thách để khẳng định bản lĩnh đàn ông.

“Ta lao vào lấp đầy khoảng trống rốn đêm

bằng hừng hực lửa và tiếng tru của sói

Người đàn bà hóa dòng sông nóng hổi

Tuôn trôi cả địa ngục lẫn thiên đường”

                                      (Đàn bà)

Nếu ai đó cho rằng Trần Chấn Uy viết thơ sex thì cũng không có gì là sai. Nhưng sex trong thơ cũng có muôn vàn nẻo. Thơ Trần Chấn Uy không sa đà miêu tả tỉ mỉ hành vi tính giao bản năng như một số tác giả hiện đại, hậu hiện đại từng làm. Anh tập trung thể hiện cáí phần tinh túy nhất là năng lượng yêu của hai giới tính, hai trái tim cuồng nhiệt, si mê hạnh phúc, thứ hạnh phúc tuyệt đỉnh mà tạo hóa ban tặng cho con người.

“Ta vẫn còn trái tim thú dữ để yêu em

Trong lưới tình, ta quẫy đạp và cắn nát vầng đêm

Vẫn không thoát được màu đen đam mê, ma quái

Em – con mãng xà từng làm ta hóa dại”

                                      (Yêu)

          Đa tình liền với đa mang, hạnh phúc gắn với đau khổ – quy luật tất yếu và nghiệt ngã nhất của tình yêu. Một trái tim yêu mãnh liệt cũng là trái tim mỏng mềm, dễ tổn thương. Sau những đỉnh cao chói lọi của tình yêu, Trần Chấn Uy rơi xuống vực thẳm cô đơn. Trong những cuộc tình không phải lúc nào nhà thơ cũng ở thế “thượng phong”. Có lúc anh lỡ một chuyến tàu đi về ga hạnh phúc” (Một mình). Có khi yêu mà không được đáp lại anh trở nên bi lụy: “Xin một giây thôi trong tình em anh được sống/ Để người trai này thỏa nguyện một đời yêu” (Anh đi tìm em). Cũng có khi bị phụ tình đớn đau, bầm dập, anh quằn quại trong cơn điên tình “Em có nghe tiếng lòng anh gào thét/ Trong xà lim tình yêu như một kẻ tử tù”.  Đó là khi anh ngộ ra hạnh phúc phải trả giá bằng đau thương và tâm hồn anh bão tố không bao giờ yên nghỉ. Anh vùng vẫy trong tận cùng tuyệt vọng, hoài nghi: “Em hẳn là trò chơi quỷ quyệt/ Tạo hóa giành cho kẻ đa tình” (Mỹ nhân). Đó cũng là lúc nhà thơ đổ vỡ niềm tin vào cái đẹp, ngộ ra sự thật đắng cay sau những lừa mị, phù phiếm và cái chết của ảo ảnh:

          “Sắc đẹp than ôi chẳng thể vĩnh hằng

          …

          Em điêu tàn như quá khứ một triều vua”

                                                (Ảo ảnh)

Đa tình là thứ người ta không dễ có, song cũng không dễ gì giũ bỏ. Nó đeo mang như một căn bệnh hiểm nghèo không phương thuốc quý nào cứu chữa. Cho nên sau những trầy vi tróc vẩy, quỵ ngã, nhà thơ đứng dậy “xoa tay” và…lại yêu, lại đa mang và trải nghiệm những hỷ, nộ, ái, ố của kiếp người.

“Anh ước mình đầu thai kiếp nữa

Để được yêu em và đau khổ.

                                       (Hoa vô ưu)

Hành trình thơ Trần Chấn Uy là hành trình đi tìm cái đẹp. Cái đẹp ấy được biểu tượng trong nhan sắc đàn bà như là duyên nợ thi ca. Tất nhiên thơ Trần Chấn Uy còn đề cập đến nhiều mảng đề tài khác, như quê hương đất nước, thế thái nhân tình, nhưng đậm nét và thăng hoa hơn vẫn là mảng thơ tình.

Cấu trúc thơ Trần Chấn Uy về cơ bản tuân thủ thơ truyền thống, xuất phát từ quan niệm của anh, rằng thơ không thể thoát ly vần điệu. Tôn trọng vần điệu làm nên tính ổn định và mực thước trong thơ Trần Chấn Uy, nhưng nó hạn chế tính bứt phá, khiến vẻ đẹp của thơ anh đôi lúc bị ẩn khuất trong những cái quen thuộc.

Ngôn ngữ thơ Trần Chấn Uy bộc trực, mạnh mẽ, phóng khoáng đôi khi có âm thanh chói gắt. Dường như phải như thế mới lột tả đựoc tình yêu nồng nhiệt, sôi nổi, đam mê, vốn là âm chủ của thơ anh. Lối nói ẩn dụ thủ thỉ, vòng vo “mận đào” vắng bóng trong thơ Trần Chấn Uy, có lẽ vì anh là nhà thơ mang trong mình trái tim đa tình, đa mang không một phút giây yên tĩnh.

Nha Trang,  tháng 03 năm 2012