CÂY TRÁI CŨNG CÓ LINH HỒN

CÂY TRÁI CŨNG CÓ LINH HỒN
LÊ KHÁNH MAI
Bạn tôi – Nhà văn VH, cách đây vài năm bán ngôi nhà nhỏ ở trung tâm thành phố mua miếng đất nhỏ ở một phường xa, xây căn nhà nhỏ hơn căn nhà cũ, dành một vạt đất nhỏ trồng rau, hoa cỏ, cây trái.
Đến thăm bạn, nhìn những luống rau xanh mướt, giàn mướp um tùm, lúc lỉu trái thon dài, da nổi hoa văn đẹp mắt, thơm mùi xôi nếp mà lòng vui nhẹ nhõm. Bạn nói: “Từ ngày về đây, tự nhiên em khỏe hẳn, chẳng đau ốm sục xịch gì cả, mà lại viết được, y như là gió trời và cây cỏ truyền cho mình năng lượng vậy đó”.
Rồi bạn cầm cái rổ ra vườn, nói: “Để em hái ít rau sạch, chị mang về nấu cho các cháu ăn”. Những ngón tay bạn nâng niu, nhẹ nhàng ngắt từng cọng giền, mồng tơi, tôi cảm nhận bao nhiêu tình thương yêu của bạn dành cho loài rau thấp thỏi, đơn sơ.
Tôi bảo: “Dùng dao cắt thì cây sẽ phát triển nhanh hơn”. Bạn nói: “Em biết, nhưng cắt thì chúng sẽ đau đớn lắm. Mắt thường mình không thấy được đâu, nhưng khi bị ngắt đi một phần sự sống, nó như khẽ rùng mình”. Rồi bạn chỉ vào giàn mướp, nói: “Cây mướp này, ngọn nó mọc lan man, leo ra ngoài hàng rào, vươn sang nhà hàng xóm và kết trái ở bên đó. Nhưng, hễ trái nào trong khuôn viên nhà mình thì nó thẳng thớm, sởn sơ, còn trái nào lợt ra ngoài thì vẹo vọ, xấu xí, giống như những đứa trẻ con thiếu tình thương của cha mẹ. Cây trái cũng như con người, cũng có linh hồn.”
Lời bạn nói bình dị vậy thôi mà sao ám ảnh. Sau này, khi tôi có căn nhà ở ngoại ô, tôi càng thấm thía điều này. Hạnh phúc của đời người không phải là được sống trong nhà cao cửa rộng, nơi thành phố lớn đông đúc ồn ào, với nhiều bữa ăn sang trọng, thừa mứa… mà được gần gũi với thiên nhiên, làm bạn với hoa cỏ, cây trái, những sinh thể khiêm nhường, thủ thỉ với ta bằng một thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ của yêu thương.