Nguyên soái trâu cò – Y Nguyên

Truyện ngắn: “Nguyên soái trâu cò” – Y Nguyên

10-02-2012 10:25:14 AM

VanVN.Net – Con trâu đực ấy của ông Chánh Mười. To, khỏe và dữ. Đất này gọi trâu trắng bằng cái tên kì khôi: trâu “cò”! ờ, mà kể cũng có lí; con trâu ấy gặm cỏ đồng xa, nhìn cứ trăng trắng, lêu nghêu giống hệt một… con cò; loại cò biết nói vẫn thường được nghe kể trong cổ tích! Thêm nữa, con trâu cò ấy còn mang phẩm hàm… Nguyên Soái; tức thị nó có chức đầu đàn, cai quản gần năm mươi quân trâu – gồm cả già, trẻ, bé, choai – trong chuồng nhà ông Chánh.

Tiếng rằng thác sinh vào cửa nhà cự phú; nhưng đàn trâu ông Chánh (thì cũng giống như cháu con và kẻ ăn người ở!) không phải được nuôi để… chơi nhông! Trâu nào việc nấy. Nghé con thì hay ăn chóng lớn. Trâu cái lo đẻ đái kiêm thêm cày bừa ruộng cạn. Trâu đực thì lặn lội mà đi “giải quyết” các chân ruộng sình, ruộng trũng đồng xa. Tối tối lại còn phải ôm thêm trách nhiệm an ninh. Quên nói; làng Tổng Đạo nằm kề chân núi Bé, nổi tiếng nhiều cọp. Người gần như sống chung với cọp! Được cái, cọp bận chuyện cọp, người lo chuyện người, ai đi đường nấy, không làm phiền nhau. Nghe bảo: tự thuở mới lập làng, các cụ kị tiền hiền đã cùng chúa sơn lâm ra giao ước bất thành văn. Một giao ước có lại có đi; theo kiểu: anh không đụng tôi thì tôi cũng không phạm đến anh. Từ ấy về sau, con cháu truyền đời cứ y khẩu lệnh của tiền nhân mà thực thi: vào rừng săn gì thì săn; nhưng cấm có rớ tới cọp. Thi thoảng, có chúa sơn lâm nào lớ ngớ dạo chơi lộn tiệm xuống làng cũng chỉ bị đuổi xua bằng chậu thau, thùng thiếc và tiếng hò la; chứ không bao giờ phải lo chuyện dính bẫy, dính lao hay ăn phải bả! Bù lại, lũ cọp cũng “chơi đẹp”: bắt gì thì bắt, quyết không đụng tới người làng Tổng Đạo. Nghe đâu vài mươi năm trước, làng Tổng Đạo có xảy ra một tai nạn hiếm có: người bị… cọp vồ! Thôi rồi! Chúa sơn lâm muốn… xé hiệp ước chăng? Cả làng Tổng Đạo xôn xao; gậy gộc, dáo mác sắp sẵn; đèn chong sáng đất thâu đêm; quyết lòng cho một cuộc tử chiến! Mờ sáng hôm sau, trương tuần ra mở cổng làng sớm, phát hiện cái xác hổ bị cắn, bị tát, bị cào be bét. Đó chính là con cọp thọt, thủ phạm vụ tấn công người làng Tổng Đạo! Cả làng kéo nhau ra thập mục sở thị; mắt ai nấy thiếu điều lồi ra vì kinh hãi! Còn kinh hơn nữa khi một thời gian sau mới biết ra: con cọp thọt ấy vốn từ phương xa mò đến, không mang hộ khẩu thường trú khu núi Bé như ban đầu dân làng đã tưởng lầm!

Máu trả Máu, Mạng đền Mạng; chuyện ngộ nhận đã được các Chúa Sơn Lâm núi Bé xử sòng phẳng, không ai nợ ai theo đúng luật… giang hồ. Còn chuyện xem mạng người to hơn mạng cọp thì – đấy thuộc quan điểm riêng của dòng giống hai chân, họ nhà cọp không biết và cũng không thèm biết!

Thỏa thuận vậy là vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng cái hiệp ước bất tương xâm ấy chỉ có hiệu lực cho giống cọp và giống người; còn giữa cọp và các loài gia súc được nuôi (trong đó có trâu) thì đương nhiên… không có thỏa thuận! Vậy nên heo, chó, ngựa, bò… dân làng phải lo chuồng cao hào sâu mà bảo vệ; sểnh ra mà mất thì ráng chịu, cấm càm ràm ông cọp! Riêng về lũ trâu, người Tổng Đạo nghĩ ra một giải pháp khôn ngoan hơn: không chuồng trại kiên cố chi cho tốn kém mất công, người làng nuôi chúng theo kiểu… nửa hoang; tức gần như thả rông, cho chúng phát triển bản năng phòng vệ tự nhiên để đối phó cùng lũ cọp! Hiệu quả ra phết. Giống trâu, tập tính vốn quen sống đàn, có con đầu đàn coi giữ. Ngày đi ăn theo đàn. Đêm xuống, bao giờ chủ cũng chọn nơi trảng trống mà quây. Theo bản năng, đàn trâu luôn dồn lũ nghé con vào giữa. Tiếp đến là trâu cái, trâu già. Ngoài cùng mới đến lũ trâu tráng đinh đang thời sung mãn, sừng chông tua tủa, nhọn hoắt dao găm.. Đụng vào cái rừng gươm một lòng đoàn kết giơ cao quyết tử kia, đương nhiên ông cọp nào cũng phải chờn mặt – chưa kể đến trâu đầu đàn thủ lĩnh, một mình thừa sức cùng cọp nghênh chiến “pặc co” (tay đôi). ấy là nói lệ chung; chứ còn riêng với đàn trâu nhà ông Chánh thì – con cọp đủ sức quần tay đôi với Ông-Trâu-Cò-Nguyên-Soái đến nay vẫn… chửa chào đời! Nghe kể, có lần họ hàng nhà Kễnh rủ rê đến hai “ông ba mươi” xúm đón đường quần thảo, hòng toan lấy mạng con trâu cò tiếng tăm cho bõ ghét. Quần suốt từ đầu hôm đến tảng sáng, mệt phờ mà chẳng ăn thua. Rốt cuộc một trong hai còn bị ăn thêm nhát sừng xính vính, suýt chút lòi ruột, vừa bò vừa lết mới chạy thoát về rừng…

*

Anh cu Lía vốn gốc người ngụ cư, tức thị trong bản khai lí lịch trích ngang của anh (nếu mà anh có lí lịch trích ngang) làng Tổng Đạo chỉ được xem là trú quán!

ấy vậy, nhưng đừng tưởng anh không nổi tiếng. Sự nổi tiếng của anh e rằng không kém cạnh gì con trâu cò Nguyên Soái! Mà cũng phải. Anh có duyên nợ cùng nó, gắn bó cùng nó bằng những cái giống nhau hết sức kì cục. Một kiếp người và một kiếp trâu luôn đồng hành cùng nhau như hình với bóng. Trước khi anh cu Lía vào làm công cho ông Chánh Mười, con trâu cò Nguyên Soái là một kẻ côn đồ, một tên thảo khấu bất trị. Nó đã từng húc thủng bụng, vỡ sừng con trâu đầu đàn tiền nhiệm để tiếm vị khi nó mới tròn tuổi thanh niên. Các tay thợ vực trâu (huấn luyện cho trâu tơ quen và biết làm việc) được kêu đến đều co cẳng chạy dài. Vô phương! Ông Chánh chán quá, tính đường bán hoặc mổ thịt. Bán ư? Đừng hòng! Không kẻ lạ nào dám cầm dây mà dắt nó. Đến ông chủ nó cũng từ chối nốt khi phát hiện ra ý đồ bàn giao nó cho “ngoại bang”. Vậy chỉ còn cách… xẻ thịt cho yên. Thú thật, nhìn con trâu cò Nguyên Soái tướng mạo phi phàm ai cũng… đứt ruột, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nhưng cái món đẹp mà không xài được – tự cổ chí kim – luôn là… đồ bỏ! Vậy thì con Nguyên soái phải chết! Chí ít, cũng xem như (đời nó) được một lần có ích! Lại còn trừ được mối nguy nó dở thói côn đồ gây ra tai họa! Hợp lí quá xá! ờ, đúng là hợp lí. Vậy nhưng, cả đám đông đều chuẩn bị… quay mặt đi, không ai muốn chứng kiến phút cuối cùng…

Đúng lúc lửa bỏng dầu sôi cho Ngài Nguyên Soái trâu cò thì anh cu Lía xuất hiện!

– Thịt con “Quyên Sái” á? Ui chu cha; phan đã…để tui hỏi ý nó coi…

Tưởng nói chơi; không dè anh xăm xăm tiến thẳng lại chỗ buộc trâu. Còn cách mấy bước chân, anh cu Lía đột ngột dừng. Nguyên Soái trâu cò miệng dãi trắng bọt mép, gườm gườm nhìn anh bằng đôi mắt vằn tia máu dọc ngang, chẳng có tí gì thân thiện.

– Ê ê, đững, chú mày! Có gì thủng thẳng hẵng nói! Làm gì gớm…

Mắt nhìn chăm chăm mắt trâu, anh cu Lía bắt đầu chầm chậm bước tới. Và – khi khán giả kịp định thần  –  đã thấy anh kê miệng vào tai trâu lầm thầm gì đó rất khẽ. Con Nguyên Soái gõ gõ móng, ngọ nguậy đầu sốt ruột; nhưng đã bớt vẻ hằn học. Chờ cho khán giả thấm đòn xong pha diễn ấn tượng, anh cu Lía đột ngột quay lại, một tay choàng cổ trâu, hướng mắt về phía bàn dân (có cả ông Chánh Mười), tuyên bố tỉnh bơ:

– Ngài “Quyên Sái” hổng đồng ý… để da! Ngài thưa ông Chánh thư thư ít bữa đặng cho ngài cải tà qui chánh…

Đám đông bật cười ha ha sắp lượt. Có vị cười mà như mếu, mặt còn xanh chàm đổ. Ông Chánh Mười cũng bật cười góp. Cười xong, ông nghiêm giọng hết sức… hài hước:

– ờ, thiệt dzẫy thì ông đay cũng chẳng hẹp hòi gì mà hổng… chửn (chuẩn) tấu! Còn thằng Lía, mày nghe cho rõ: nay ông bổ cho mày làm chức… “Bật Ngưu Ôn” mà quản “Quyên Sái”, nghe chưa? Làm sao làm, Ngài mà hông “qui chánh” nổi là ông… thịt luôn cả mày!

Đám đông lại cùng nhau ha ha thêm lần nữa. Và, thú thật, vừa dứt xong cái lần ha ha “rờ vợt” ấy, tự nhiên ai cũng nhẹ lòng…

*

Cái chức “Bật Ngưu Ôn” của anh cu Lía coi vậy mà cũng chẳng dễ nuốt. Kể ra, Nguyên Soái trâu cò cũng có thiện chí hợp tác; nhưng ấy chỉ là trong khâu chăn chận. Còn huấn luyện cho Nguyên Soái vào khuôn vào phép chuyện cày bừa  quả là gian nan! Dỗ dành, mắc được ách vào vai Nguyên Soái đã gay go. Vậy mà lúc ra roi, đến đầu bờ, Nguyên Soái… giả điếc, không thèm để ý đến hiệu lệnh ví, thá (rẽ phải, rẽ trái) của anh cu, cứ lùi lũi một đường bươn thẳng! Dở, rinh cái bắp cày nặng trịch thì theo không kịp nó; còn bỏ mặc? cái náp (chốt) cày nào giỏi lắm cũng chỉ chịu nổi qua hai bờ ruộng; đến bờ thứ ba là… gãy rắc. Hễ nghe răng rắc đằng sau là Nguyên Soái ta “ò” lên một tiếng khoái trá, dừng lại, đủng đỉnh tìm nơi gặm cỏ. Giờ thì trông cu cậu hiền lành, dễ bảo đến… sôi gan!

Cha cha! Cứ chơi vầy… chơi sao bền, chú em? Anh cu Lía lẩm bẩm, thở ra. Anh lẳng lặng về kêu thợ rèn đánh cái náp sắt. Lựa lấy cái bắp cày to nhất trong kho nông cụ nhà ông Chánh, anh lại đưa Nguyên Soái ra đồng. Quen ăn bén mùi, Nguyên Soái cứ giở trò… giả điếc, bươn thẳng như mọi khi. Lập tức anh cu Lía tay trái ấn cán, đè cho găm lút lưỡi cày xuống đất, tay phải vung lên, vút cho Nguyên Soái trâu cò một roi mây oằn lưng. Nguyên Soái lồng lên toan phi nước đại. Cái lưỡi cày đại găm sâu gần nửa mét – trâu thường chắc có con phải… bó phép – mà Nguyên Soái kéo đi băng băng. Mỗi lúc qua bờ, anh cu Lía không thèm nhấc bắp cày mà còn chủ động ấn mạnh tay thêm. Rào rạo. Bùng bục. Từng đoạn bờ ruộng lần lượt bị xới tung, tênh hênh màu đất nâu khô khốc, rắn câng. Cái náp sắt quả là được việc. Gọng cày, bắp cày chuyển răng rắc, nhưng không hề hấn! Một. Hai. Ba. Rồi bốn… Giá Nguyên Soái trâu cò được học đếm, hẳn nó phải biết rằng: trước khi chịu xuống thang, chịu đầu hàng anh cu Lía mà cải tà qui chánh, nó đã cày tung hết… hai mươi cái bờ ruộng như thế. Và nếu tinh ranh hơn (hay may mắn hơn) một chút, nó cũng có thể biết thêm rằng: cái bắp cày ấy, chỉ cần lôi thêm qua bờ ruộng thứ hăm mốt là… đứt bóng; tức chỉ còn nước đem đun bếp. Còn anh cu Lía? Cũng chẳng tài ba hơn cái bắp cày là mấy. Anh đổ phịch xuống ngay trước cái bờ ruộng thứ hăm mốt, nơi con Nguyên Soái chào thua mà hồng hộc thở. Mà thều thào lẩm bẩm: Mày nghen… “Quyên Sái”, mày… mày đúng là… con quỷ; hổng phải người; ý quên, hổng phải trâu…

*

Hành trình qui y chánh đạo của Nguyên Soái trâu cò xem như mĩ mãn thành công. Cả trâu, cả anh cu Lía đều không còn ai phải lo bị thịt. Hơn thế, ông Chánh Mười còn cho anh cu Lía chính thức nhậm chức (Bật Ngưu Ôn!), cơm ngày ba bữa thẳng bụng, công xá mỗi năm mười đồng bạc cắc và hai bộ đồ! Ai không hiểu, hẳn sẽ cho đây là hiện tượng bóc lột dân cày của địa chủ phú nông cần phải tiến hành đấu tranh giai cấp mà tái lập công bằng. Nhưng, nói của đáng tội, anh cu Lía lại không hề mảy may có ý định ấy. Hơn nữa, anh còn… mừng húm! Với anh, ấy là một sự biệt đãi. Không phải ở chỗ mười cắc bạc và hai bộ đồ. ấy là chuyện nhỏ. Chuyện được ngày… ba bữa cơm thẳng bụng lớn hơn. Đó là vì anh cu Lía ăn to. Người thường, ngày ăn cân gạo đã bái xái; còn anh cu, ngày ba cân anh đủ khả năng diệt gọn không dư! Ăn nhiều gấp ba, tất nhiên anh làm cũng khỏe gấp ba. Thì còn phải hỏi; không thế, làm sao anh trị nổi Nguyên Soái trâu cò! Ngày chưa đầu quân cho ông Chánh Mười, không ai dám thuê anh làm công dài hạn bởi anh ăn quá hao. Việc nhiều còn đỡ; chứ việc ít mà thuê anh thì loạng quạng có khi… lỗ tiền cơm! Vậy là lịch trình làm thuê của anh cu cứ bữa đực bữa cái, được chăng hay chớ. Ngày nào có việc thì tạm lưng lửng. Không có: phải nhào ra bàu, ra sông mà moi củ súng, củ môn – hay hái rau dại ăn qua bữa – chờ đến lúc có việc làm. Chả trách tại sao trong vốn từ lận lưng của anh cu Lía, “ăn” là một mĩ từ mà nhan sắc phải cỡ ngang ngang… Hằng Nga hoặc Tây Thi! Chu cha! Hai năm rõ mười, ta đã biết vì sao anh cu Lía  mừng húm khi được ông Chánh Mười thuê. Còn về phần ông Chánh Mười, nói nhỏ nghe, ông cũng… mừng húm khi thuê được anh cu Lía! Thằng Lía mà vào tay ông đúng là cái chum vàng bắt được. Nhà ông Chánh công việc lủ khủ, làm quanh năm chẳng hết. Vả chăng, ông Chánh tính kĩ lắm: nội cái mối lợi sanh ra từ việc quản nổi con trâu cò đã đủ nuôi cơm đến… mười thằng Lía khỏe re! Còn chuyện nhà cửa, đồng áng, vườn tược kia; sức vóc ấy thì làm gì chẳng chạy; thật đúng là khi không tóm trúng nhằm một con bò mộng… hai chân!

ấy là ông Chánh tưởng thế. Và chúng ta cũng tưởng thế. Còn anh cu Lía? Có “tưởng” gì thêm thì chắc chỉ mình anh biết. Hay may ra giờ có thêm Nguyên Soái trâu cò biết. Phải, Nguyên Soái trâu cò giờ thân thiết với anh cu như hình với bóng. Mà bảo “giờ thân thiết” xem ra cũng không chắc. Hình như cái cặp cộng dồn sáu chân ấy đã thân nhau đâu từ… kiếp trước, chẳng phải đợi đến giờ…

*

Cô Hoa, con gái út ông Chánh Mười, nay có thêm một nghĩa vụ phải gánh gồng: ngày ngày băng đồng, mang cơm cho anh cu Lía!

Xem ra, cô chẳng buồn phiền chi về chuyện ấy, bởi cô rất thích con trâu cò. Ngày chưa có anh cu Lía vào làm, cả nhà chỉ độc mình cô là thi thoảng sờ được đến nó. ấy là vì cô chăn nó từ hồi còn trâu nghé. Ngài Nguyên Soái trâu cò vốn trí nhớ không tệ (và cũng không phải phường vong ân bội nghĩa) nên – khi không có gì phải cảnh giác – vẫn hạ cố cho cô chủ nhỏ sờ mó, bắt rận, gãi đầu. Ngày cha cô chuẩn bị thịt con trâu cò, cô bỏ cơm, khóc hết nước mắt. Anh Lía đã cứu nó (và cứu cả cô) một bàn thua trông thấy. Vậy nên giờ này cô mang ơn anh cu Lía lắm lắm. Bảo làm… gì nữa cô còn làm được, kể sá gì cái chuyện mang cơm! Nói tóm lại, chẳng phải không buồn phiền thôi đâu, cô Hoa còn ưa thích cái chuyện được trưa trưa quảy gióng gánh ra đồng! Có điều, ít ai biết rằng: trong cái gánh ấy, ngoài khẩu phần qui định dành cho anh cu Lía, thi thoảng còn có những món đặc biệt ngoài danh mục mà cô Hoa lén xoay xở cho anh. Về phần anh cu Lía, anh có cảm động ít nhiều chi về tấm thịnh tình của cô Hoa không, chuyện ấy chỉ Ngài Nguyên Soái trâu cò mới đủ tư cách pháp nhân (quên, pháp… ngưu!) mà… bình luận. Thế nhưng, Ngài vốn ghét bép xép nên mọi sự đến giờ vẫn cứ mơ mơ, hồ hồ trong vòng nghi vấn! Có điều, sự thân mật giữa cô chủ với người làm công là có thật. Thi thoảng, thấy họ cùng cưỡi lên lưng Nguyên Soái trâu cò, cho phi nước kiệu trên đồng mà cười vang…

Cung cách gần gũi… khó hiểu giữa cô con gái rượu cùng anh người ở “Bật Ngưu Ôn” rồi cũng đến tai ông Chánh Mười. Ngoài mặt làm ra vẻ thản nhiên, kì thực bên trong ông Chánh đang lo thắt ruột. Đang trai tơ, gái lứa; cứ lửa gần rơm thế này có khi… cháy nhà như bỡn! Thực ra, giải quyết chuyện này cũng chẳng phải quá khó. Giá đó là thằng Mít, thằng ổi, thằng Xoài… – hay một thằng cha căng chú kiết nào đó trong số người làm công – ông Chánh sẽ không ngần ngại… đuổi phắt! Nhưng đây lại là anh cu Lía. Ông Chánh không đời nào chịu mất anh cu Lía. Mà ông cũng lại không muốn mất danh dự; hay nói khác hơn, ông Chánh không muốn mất thứ gì trong các thứ ông đang sở hữu! Liệu chúng… “có gì” chưa nhỉ? Nếu mà chưa, cứ cấm cửa con bé, sai người khác mang cơm là yên chuyện. Tuy nhiên, khả năng này xem ra quá không tưởng. Đậm nhạt sơ kĩ gì chưa biết; nhưng chắc là có. Đã thế, cấm cửa chúng có khi lại thành chuyện đánh rắn động cỏ, liệng chuột vỡ đồ. Không xong! Mưu mẹo, thâm trầm như ông Chánh Mười mà nghĩ đến mướt mồ hôi mấy đêm liền vẫn chưa ra đối sách khả thi. Đúng ra thì cũng có một đối sách; nhưng xử trí vội vàng thế này e không phải là thượng sách. Ông Chánh cứ đắn đo mãi…

Nhưng tình thế cấp bách buộc ông không còn thời gian chọn lựa. Thà hạ sách còn khá hơn bê bối! Ông Chánh bí mật cho mời bà mối Thái lại nhà…

Chiều hôm ấy, sau khi vui đùa chán ngoài đồng cùng thầy trò Ngài Nguyên Soái, cô Hoa quảy gióng gánh về nhà đã thấy chễm chệ trên bàn thờ đôi mâm quả sơn son và cặp rượu Ngũ Gia Bì. Hỏi, mẹ cô tủm tỉm: Của cụ Lý làng bên đi chạm ngõ…. Cho ai? Cha mầy! Còn cho ai nữa? Chẳng lẽ cho… tao??? Hiểu ra cơ sự, cô Hoa òa khóc: Sao cha mẹ hổng hỏi ý con mà lại…. Ông Chánh trợn mắt: Im miệng! “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”! Chuyện người lớn hứa hẹn nhau, tao lại phải đi “hỏi ý” cái thứ mày à???

… Đó là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi, ông Chánh Mười trút bỏ cái lốt chững chàng, mềm mỏng thường ngày để hiện hình trọn vẹn uy phong sát khí đằng đằng của một vị chủ gia, một ông Chánh tổng!

*

Nếu có ai hỏi: vì đâu chuyện xưa lắc xưa lơ mà tôi lại biết rành rọt thế? Xin thưa: ấy là do tôi nghe bà nội tôi kể. Bà nội tôi rõ chuyện vanh vách, và lại kể rất chi tiết, rất hình ảnh – y như bà là người trong cuộc! Bà kể:

…Đêm trước ngày cưới của cô Hoa và con trai cụ Lý, nhà ngoài đang rậm rịch cỗ bàn, bánh trái chờ mai tiếp họ, đưa dâu thì buồng trong cô Hoa… biến mất! Cả nhà ông Chánh như ong vỡ tổ, nháo đi tìm. Chỗ mà ông Chánh nghi ngờ đầu tiên là… bãi thả trâu của anh cu Lía! Làm gì có? Anh cu Lía đang tòn teng trên võng, ngáy như sấm; cạnh đó, con Nguyên Soái đứng doãi chân chèo, lừ lừ cảnh giác với toán người vũ trang đèn đuốc, gậy gộc không mời mà đến trong đêm. Nghe cô Hoa mất tích, anh cũng cuống cuồng, đòi được tháp tùng đi kiếm cô Hoa! Ông Chánh thở phào, nhẹ nợ. Xem ra, nó không biết gì thật! Ông bảo anh ở lại trông trâu, kẻo đêm hôm không có anh, con Nguyên Soái lại dở trò bậy bạ chi thì khốn! Cuộc truy quét tiếp tục đến sáng thì phát hiện nơi bờ sông, gần vực Đá Cối có đôi guốc gỗ sơn đen còn mới. Thôi rồi, lại có kẻ tế Long Vương mùa lụt! Vực Đá Cối, đá bàn từ chân núi de ra, từ đáy nước nhô lên, ôm tròn mặt sông như chiếc cối. Nước từ thượng nguồn đổ xuống bị đá chắn ngang hung hãn dội ngược, xoay tròn, hút sâu xuống đáy “cối”. Sâu bao nhiêu? Không ai biết; bởi đơn giản, ngoài lũ rái cá, chưa từng có ai dám lặn xuống vực Đá Cối. Chỗ ấy là mồ táng lí tưởng cho những ai phẫn chí, quyết tâm trốn đời dứt khoát. “ùm” phát là xong – biết bơi cũng bình đẳng như không – đừng ai mong trở lên và cũng đừng ai mong tìm được xác!

…Nhác trông đôi guốc, ông Chánh sững người, mặt bệch như sáp; còn bà Chánh thì ngã ra, ngất lịm…

Tang chế cô Hoa được mươi ngày, cu Lía hớt hải băng đồng về gặp ông Chánh Mười xin thôi việc. Anh bảo: đêm nào cũng mơ thấy cô Hoa… về tìm anh, người nhợt nhạt, ướt sũng! Kể lại chuyện, mặt anh còn đầy vẻ khiếp đảm. Ông Chánh ngọt nhạt dỗ dành, hứa tăng lương lậu đủ kiểu mà vẫn không thuyết phục nổi. Ông buồn bực phẩy tay, chán ngán: Thôi kệ, tùy mầy…

Ông quên, không nhớ đến chuyện Nguyên Soái trâu cò. Quả đúng y lời lũ độc miệng từng ghen tức chuyện ông vớ được anh cu Lía chum vàng; không có anh cu Lía cầm cương, chỉ mươi hôm sau là con Nguyên Soái trời đánh đã… phục hồi nguyên xi cái tính côn đồ bất trị!

Làng Tổng Đạo lần nữa lại rộn lên vì những án tích của Ngài Nguyên Soái. Mà còn trầm trọng hơn trước; bởi rõ ràng Ngài đang trong tâm trạng hết sức bất ổn. Người bảo Ngài nhớ anh cu Lía. Người lại cho Ngài bị ám bởi… cô Hoa! Kể thì những chuyện già non trên cũng không phải hoàn toàn vô căn. Nhưng giờ có đoán trúng cũng như không, bởi hai năm rõ mười, Ngài Nguyên Soái trâu cò đang có nguy cơ trượt dài theo vết xe đổ cũ. Cú trượt mà – ngày trước – chỉ anh cu Lía mới đủ khả năng đỡ cho Ngài một bàn thua trông thấy ngay tại… sân nhà!

ấy vậy nhưng, nếu tin vào tử vi, hẳn người ta sẽ phải kết luận: Ngài Nguyên soái trâu cò sinh ra dưới một ngôi sao chiếu mệnh… không tồi! ờ, thì cứu tinh (tức anh cu Lía) ra đi đã đành; nhưng cũng không còn một ông Chánh Mười căn cơ, tính toán chi li trước khi kí án tử hình Nguyên Soái trâu cò ba năm về trước! Ông Chánh giờ tối ngày lu bù chè rượu, chả còn thiết chi đến chuyện cửa nhà, chuyện làng nước. Nghe người chăn báo tin con trâu cò lại sinh quậy phá, ông Chánh lè nhè bảo phắt: Th… thả nó ra! Th… thả lên núi cho c… cọp nó tha! Ô… ông mày đang nh… nhậu; đừng làm r… rộn!

Gì thì gì, thả lên núi vẫn còn cơ may hơn… tùng xẻo! Vả chăng, oai dũng như Ngài-Nguyên-Soái-trâu-cò mà phải… vô xoong, chết nơi miệng muôn người thì thật chẳng ra sao! Hỡi ơi, như một định mệnh, Cây đinh cuối cùng trong câu chuyện này rồi cũng ra đi. Không ai còn thấy tăm hơi con Nguyên Soái lẫy lừng từ dạo ấy. Người bảo nó bị cọp ăn. Người nói nó sang vùng rừng bên, thống lĩnh một đàn trâu rừng đông đến mươi con. Thi thoảng, người đi lấy củi vào sâu vẫn còn bắt gặp…

*

-…Toàn chuyện bịa! – bà tôi khẳng định.

– Bịa chuyện gì hở bà?

– Chuyện con Nguyên Soái ấy! Nó không bị cọp ăn; cũng không theo trâu rừng…

– Sao bà biết?

– Thì nó đi… theo bà, làm sao bà không biết? Ông bà nuôi nó tới già, tới chết…

– Sao nó lại chịu theo… bà?

– Vì bà là… là… con gái cụ Chánh! – bà bật cười, móm mém.

– Vậy còn ông? A, cháu đoán ra rồi! Ông chính là… anh cu Lía!

– Hừ hừ, cái thằng… hỗn quá! Dám kêu tên cúng cơm của ông nội à…

– Vậy ra… cụ cố nội hổng có mất gì ráo!

– Đúng phóc! Cụ lìa đời có đủ con gái, con rể vây quanh mà nghe trối trăn, vuốt mắt. Đưa tang cụ, còn có cả con trâu cò…

(Nguồn: Văn nghệ