Những mảnh ký ức

NHỮNG MẢNH KÝ ỨC

LÊ KHÁNH MAI

Gia đình tôi tập kết ra miền Bắc cuối năm 1954 tại bến cảng Thị Nại, Qui Nhơn. Lúc ấy ba má tôi ở tuổi 30. Chị cả của tôi 7 tuổi, chị hai 3 tuổi, tôi nhỏ nhất 7 tháng tuổi. Hiệp định Giơ – ne – vơ quy định Tổng tuyển cử thống nhất đất nước tổ chức vào tháng 7 năm 1956. Nghĩ rằng chỉ sau 2 năm cán bộ miền Nam tập kết sẽ được trở về quê hương nên ba má tôi cùng với bao người hăm hở chấp hành sự phân công của tổ chức như đã từng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao cho trong kháng chiến 9 năm gian khổ. Ai ngờ phải 20 năm sau, niềm mong ước mới thành sự thật.
      Tôi cùng tuổi với Điện Biên Phủ, với Thủ đô giải phóng, với Hiệp định Giơ – ne – vơ, với giới tuyến cắt chia hai miền Nam Bắc. Tôi đứa con của quê hương Tu Bông, Vạn Ninh, Khánh Hòa 20 năm sống trên đất Bắc, uống gió Sông Hồng, Sông Mã, thở hít khí trời, ăn cơm gạo của những miền quê Bắc bộ.
      Tôi học tiểu học sơ tán ở Mễ, Phủ Lý, Hà Nam, đường đến trường có rặng ổi ken dày, nối dài, tỏa bóng mát, quả chín lúc lỉu, thơm nức. Tôi đội mũ rơm, lưng mang nùn rơm, vai đeo túi cứu thương và được người lớn hướng dẫn, khi có máy bay địch, nếu gần đó không có hầm trú ẩn thì nằm sấp xuống đất, hai tay chống nâng ngực lên để tránh bị sức ép của bom dồi dập làm vỡ tim, mắt hướng lên trời quan sát, nếu thấy trái bom hình tròn như cái đít nồi phải lập tức di chuyển sang vị trí khác. Nếu trái bom hình dài thì cứ nằm yên. Khi bị mảnh bom văng làm chảy máu, thì tự mình rửa vết thương bằng cồn, bôi thuốc đỏ rồi băng bó lại.
    Lên cấp II, tôi học trường Bắc Sơn, thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tôi ở nhờ một gia đình quá tốt, thương yêu tôi như con ruột trong nhà. Dù mọi người có khi phải ăn khoai ăn sắn, nhưng tôi đi học về vẫn có tô cơm nóng ủ trong chăn bông. Ôi tấm lòng ấy tôi chưa một phút giây đền đáp. Tôi nhớ nhất kỷ niệm năm lớp 7 tôi được chọn dự thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc sau khi đã trải qua nhiều vòng thi tuyển. Thầy Thiết, người thầy trực tiếp dạy và bồi dưỡng kiến thức văn học cho tôi, tuổi đã cao, gầy gò, mắt kém, nhưng thầy đã chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng vượt mấy chục cây số để lên huyện Ân Thi dự thi. Giờ không biết thầy ở đâu, còn sống hay đã ra người thiên cổ?
      Lên cấp III, tôi học Trường Trưng Vương A Hà Nội. Vừa nhập học, chúng tôi lại lục tục đi sơ tán về thôn Tự nhiên, Xã Hồng Châu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Chúng tôi ở nhà dân, nhưng ăn cơm bếp tập thể do nhà trường tổ chức. Tôi với bạn Huỳnh Xuân Hương và Nguyễn thị Kim Quy ở chung nhà. Chủ nhà là một mẹ già đơn chiếc và cô con dâu trẻ. Chúng tôi tuổi 14, 15, còn chị (người con dâu) khoảng 17, 18. Chị chỉ được sống bên người chồng trẻ 3 ngày rồi anh ra trận. Thời ấy ở ngoài Bắc nhà nào có con trai đến tuổi nhập ngũ cũng lo cưới vợ sớm cho con, phòng khi con có hy sinh thì may ra có cháu nội nối dõi tông đường. Chị hiền lành, chăm chỉ, hết lòng chăm sóc mẹ chồng. Mỗi sáng tinh mơ, khi chúng tôi còn ngủ vùi trong chăn ấm chị đã trở dậy gánh nước tưới một vườn rau lớn, cho gà ăn rồi vác cuốc ra đồng. Chiều chiều sau khi xong hết mọi việc, thấy chúng tôi ngồi hát, chị lại gần chúng tôi đôi mắt lặng buồn. Tôi thương chị lắm. Một câu hỏi day dứt trong tôi đến tận bây giờ là, sau khi chiến tranh kết thúc, chồng chị có trở về với chị hay đã nằm lại đâu đó trên chiến trường? Cuộc đời chị giờ ra sao?
      Cuối năm 1971 tôi thi đậu vào khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi háo hức nhập trường đúng lúc Hà Nội bị một trận lụt lớn. Những khúc đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ. Mỹ lại đe dọa đánh phá thủ đô. Sinh viên tỏa đi khắp nơi hộ đê sông Hồng, sông Đuống. Hàng nghìn người nối nhau như một công trường lớn, chuyền đá hộc chèn vào chân đê sạt lở. Tôi 17 tuổi, nhỏ bé, mảnh khảnh, ngạc nhiên vì mình vác được những tảng đá to nặng đến thế..

      Năm 1972 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cuối, gian khổ ác liệt. Mỹ dùng B52 ném bom đánh phá Hà Nội. Sinh viên lại đi sơ tán. Chúng tôi lần lượt di chuyển đến nhiều vùng quê: Đan Phượng – Hà Tây, Văn Giang, Yên Mỹ – Hưng Yên… Có lệnh tổng động viên nhiều nam sinh viên vừa chân ướt chân ráo vào đại học đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sân trường ĐHSP ngập trong không khí vừa rộn ràng hối hả, vừa bịn rịn lắng sâu tiễn người ra trận. Lớp học trở nên buồn tẻ vì thiếu vắng những chàng trai khỏe mạnh, thông minh và hài hước. Trong đó có nhiều người không bao giờ trở về, họ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
      30 tháng tư năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng là lúc tôi tốt nghiệp đại học. Chúng tôi vui sướng không cầm được nước mắt, nhất là mấy đứa con gái có người yêu là lính cứ ôm nhau mà khóc, dù không biết ai còn, ai mất nhưng đất nước thì đã chấm dứt chiến tranh. Tôi hạnh phúc hơn các bạn tôi, vì, sau hơn 20 năm sống trên đất Bắc tôi đã được trở về quê hương miền Nam. Cầm quyết định của Tổ chức khoa Văn ĐHSP, phân công về Khánh Hòa dạy học, tôi ngỡ mình đang bay trong mơ. Tôi đã kịp trở về dạy khóa học đầu tiên sau giải phóng tại trường PTTH Võ Tánh (sau đổi tên là trường Lý Tự Trọng) T.P Nha Trang. Cuộc đời tôi từ đó trải bao thăng trầm, thành bại, nhưng trong khoảng sâu lặng nhất của lòng mình, tôi có một quê hương thứ hai là miền Bắc thân yêu.