Xúc xắc của Kao Sơn- một tập thơ lạ

XÚC XC CA KAO SƠN – MT TP THƠ L 

Lê Khánh Mai: Xúc xắc, tập thơ của Kao Sơn, NXB Hội Nhà văn 2006  là một tập thơ không giống ai. Từ trước tới nay chưa từng có một người nào viết và in thơ kiểu như thế bao giờ. Lạ ở chỗ, ngay trang đầu tập thơ tác giả viết: Phi nói luôn, tôi là mt nhà văn ch không phi nhà thơ. Tôi viết văn là chính và thơ ch đến vi tôi t nhng cm xúc c th trong nhng tình hung c th. Và khi y tôi làm thơ ch yếu để ghi li cm xúc tht ca mình”. Kao Sơn kiên quyết chỉ nhận mình là người viết văn thôi, mặc dù ông cũng làm thơ, hơn nữa từng đạt giải thưởng lớn trong cuộc thi thơ ở một tờ báo to của Hội Nhà văn là Báo Văn nghệ. Lạ nữa, tập thơ gồm 30 bài, bài nào Kao Sơn cũng nói xuất xứ, lý do vì sao nó ra đời và những câu chuyện ngoài lề liên quan đến việc thôi thúc ông cầm bút, quá trình viết, chỉnh sửa trước khi công bố. Mà cái cách dẫn truyện của Kao Sơn lại rất thành thật và hóm hỉnh, làm nên cái “duyên ngầm” khiến bất cứ ai có Xúc xắc trong tay đều đọc một mạch không ngừng nghỉ.

          Nhà văn Kao Sơn sinh năm 1949, quê Ninh Bình, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa và Đại học Kinh tế quốc dân; Từng là Phó Giám đốc Công ty Cơ khí Công nghiệp, Chuyên viên Ban kinh tế Tỉnh Uỷ, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình; Phó Chủ tịch Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình; Uỷ viên Ban văn học thiếu nhi Hội Nhà văn VN khóa VII.

           Nhà văn Kao Sơn đã xuất bản 1 tập truyện ngắn Người hát Thánh ca (in chung), 2 tiểu thuyết: Khúc đồng dao lấm láp (2001), Dòng sông thời con gái (2003) và tập thơ Xúc xắc (2006). Ông cũng từng đạt nhiều giải thưởng văn chương, mà giải nào cũng tầm cỡ Trung ương, như: Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 1986, Giải thưởng UBTQ LHCH VHNT Việt Nam 1995, Giải A NXB Kim Đồng 2001 với tác phẩm Khúc đồng dao lấm láp và Giải A cuộc thi thơ lục bát Báo Văn nghệ 2003.

          Suy nghĩ về nghề văn của nhà văn Kao Sơn ghi trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” như sau: “Nửa đời về trước gặp gì làm nấy để kiếm sống, vớ được gì học nấy để thu gom kiến thức. Nửa đời về sau gắn nghiệp văn chương, cố gắng viết thật, sống hết mình, yêu ghét hết mình mặc dù rất nhát và hay sợ nhiều thứ”.

Nhà văn Kao Sơn

Trân trọng giới thiệu phần đầu tập thơ Xúc xắc của nhà văn Kao Sơn.

Việc làm thơ bắt đầu từ khi tôi được đi dự trại sáng tác văn học do TW Hội Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội khoảng tháng 8 năm 2001. Cùng dự trại với tôi hồi đó có nhiều anh em làm thơ đến từ khắp các vùng miền cả nước. Văn rất ít. Tôi được sống trong bầu không khí thơ của anh em. Các anh em làm thơ thường sôi nổi, làm được bài nào đều đem đọc cho nhau nghe luôn, cùng góp ý và cùng trao đổi.

Hồi đó tôi lên trại với rắp tâm sửa cho xong cuốn tiểu thuyết có dung lượng khá dày dặn, quãng hơn 600 trang viết tay. (Sau này cuốn tiểu thuyết được NXB Quân đội in với tựa đề DÒNG SÔNG THỜI CON GÁI, dung lượng gần 400 trang in). Và để đảm bảo hoàn thành tôi đề ra cho mình một kỷ luật sắt: mỗi ngày viết và sửa 30 trang. Tôi đóng cửa ở gần như suốt ngày đêm trong phòng riêng, cặm cụi gạch xóa rồi viết và chỉ ra ngoài để ăn cơm duy nhất có một lần vào lúc chập tối. Ăn cơm bụi, mỗi suất ba ngàn và lúc về tranh thủ mua luôn hai ổ bánh mỳ để dành cho bữa sáng và trưa hôm sau. Với cách làm việc và chế độ sinh hoạt kham khổ như vậy, sức tôi sút đi khá nhanh.

Đến ngày thứ 20 thì mấy anh em cùng đi trại với tôi phát hiện ra sự nguy hiểm ấy và họ quyết định phá. Nguyễn Danh Khôi (Nam Định), Lê Khánh Mai (Nha Trang), Tạ Văn Sỹ (Kon Tum), Nguyễn Thu Nguyệt (Thái Bình), Văn Quốc Thanh, Trần Thôi (Vĩnh Long)…liên tục thay nhau đập cửa kéo tôi ra ngoài không cho viết nữa. Lê Khánh Mai thấy tôi quá gầy và có vẻ như ốm đã ra Ngã Tư Sở mua về mấy vỉ thuốc bổ bắt tôi uống. Bọn họ mở rượu, đọc thơ bắt tôi ngồi nghe và…góp ý. Đến thế thì tôi đành chào thua. Qua vài bận rồi cũng quen.

Và quan trọng hơn cả là tôi cũng bắt đầu thấy yêu thơ. Tôi nghe và lấy tập thơ của Lê Khánh Mai về đọc. Nghe thơ của Tạ Văn Sỹ và cũng đánh bạo cóp mấy câu theo lối cảm của anh làm văn xuôi. Và rồi được sự động viên của anh em tôi cũng liều cầm bút làm…thơ. Lúc đầu tôi chỉ làm những đoạn thơ ngắn, hai câu:

ƯỚC

Uớc gì như thể thiêu thân

Được yêu NGỌN LỬA một lần…rồi thôi

 

Nguyễn Danh Khôi đọc câu thơ này, uốn cong lưỡi, nhấn thật mạnh vào hai tiếng rồi thôi nghe rất buồn cười. Có người góp ý câu này được nhưng nên thêm nữa vào cho nó thành bài. Tôi nghĩ mãi nhưng chả thêm được câu nào nên đành cứ để vậy.

Tôi nhớ khi đọc tập thơ “lá lá” gì đó của Lê Khánh Mai xong tôi có làm một bài, lấy tên là:

Một mình làm cả cuộc tình

Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh

Biết đời chẳng thể có anh

Em gom bóng lẻ đốt mình… tương tư

Thực ra cũng như lần trước, lúc đầu chỉ có hai câu, nhưng do tôi nghe các nhà thơ chuyên nghiệp góp ý nên tôi thêm vào hai câu cuối. Thêm vậy cho nó dài thôi chứ thực bụng tôi nghĩ chả cần. Một mình làm cả cuộc tình đó là cái cách yêu của người yêu đơn phương. Tự mình làm người được yêu, tự mình làm đối tác bị yêu. Nghĩa là chỉ một mình thôi, cứ rút ruột ra mà yêu. Thế là đủ. Nhưng thôi, đang tập mà…

Bài này tôi cũng đọc cho mọi người nghe. Nguyễn Đăng Doanh, một tay phê bình ở Thanh Hóa hạ một câu: “Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh thế đếch nào được. Muốn xanh phải có phân bón chứ”. Tạ Văn Sỹ vỗ tay, Nguyễn Danh Khôi khoái chí phong ngay cho Nguyễn Đăng Doanh là nhà phê bình kinh dị và gọi tôi là nhà thơ kinh dị. May, Lê Khánh Mai khen bảo: Đúng, chả cần viết thêm hai câu cuối, cứ để bài thơ chỉ có hai câu như ban đầu. Tôi biết Lê Khánh Mai đang động viên, nhưng cũng vui . Được một người làm thơ chuyên nghiệp khen và đồng ý với quan điểm của mình cũng khoái chứ. Tôi cứ viết loăng quăng như vậy, viết chỉ để cho vui. Và rồi tôi được theo anh em đi thực tế ở Quảng Ninh vào lúc ba, bốn giờ chiều gì đó. Ngay tại thành phố Hạ Long có dựng một biểu trưng hình con cá heo khá to. Tôi nhìn và không hiểu sao cứ tự cảm thấy áy náy:

Liệu có hợp không nhỉ. Tôi băn khoăn thế là bởi nghĩ cá heo không phải là loài đặc trưng của vùng biển này, và nói chung là trong cả nước ta loài cá này vẫn còn khá xa lạ. Vậy thì phải thay bằng cái gì? Con gì là đặc trưng cho vùng biển Quảng Ninh và con vật đó thực sự có gần gũi trong tâm thức người Việt nói chung?

Hôm sau chúng tôi được Hội Văn nghệ Quảng Ninh và Tỉnh Ủy Quảng Ninh cho đi thăm một số địa danh khác trên vịnh Hạ Long. Và chính trong chuyến đi đó tôi phát hiện ra một điều quan trọng: Con ốc chứ không phải con cá heo là đại diện phổ biến cho vùng biển này. Nếu tôi là nhà điêu khắc tôi sẽ dựng tượng con ốc thay cho con cá heo. Hầu như đến chỗ nào, dừng chân ở đâu tôi cũng thấy ốc, những chiếc vỏ ốc, to có, nhỏ có, bày bán khắp nơi để làm tù và, làm đồ trang sức.

Có một chỗ trên đảo Tuần Châu tôi gặp một ông già bán vỏ ốc. Ông cầm lên và thổi cho chúng tôi nghe một hơi dài. Tiếng tù và có âm lượng chắc khỏe và sức ngân vang rất lạ. Như tiếng gió. Như tiếng sóng biển. Như một lời gọi thiết tha. Và như một nhắn gửi.

Con ốc dù chỉ còn vỏ vẫn đang tiếp tục sống cuộc đời của nó – ý nghĩ ấy đến với tôi. Ngay sau đó tôi ngồi nghỉ trong một lán cọ sát bờ biển và viết bài thơ về con ốc:

ỐC BIỂN

Một đời gắn với biển khơi

Một đời im lặng, một đời nổi nênh

Buồn vui mình chỉ với mình

Bao nhiêu bão gió giấu trong vỏ ngà

Một ngày tự bến bờ xa

Nằm nghe sóng đổ

Vỡ òa…

Rồi im.

Thân về trong cát nhẹ tênh

Hồn còn theo gió hát trên môi người.

Bài thơ có sự liên tưởng giữa con ốc và người nghệ sĩ. Và tôi đề bên dưới bài thơ đó: Tặng bạn thơ. Trong đêm giao lưu giữa đoàn văn nghệ sĩ dự trại với Hội VHNT Quảng Ninh tôi có đem bài thơ này đọc cho anh Trần Nhuận Minh nghe. Anh khen và bảo tôi chép ra cho anh. Không có giấy, tôi xé vỏ bao thuốc lá, thứ mà tôi luôn sẵn trong người, viết và trao cho anh. Nửa tháng sau bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ Quảng Ninh.

Về trại không khí và ấn tượng trong chuyến đi Quảng Ninh vẫn khá đậm trong tâm trí tôi. Nhớ lại một đêm ngồi ngoài hiên khách sạn, nhìn ra biển đen mờ, thấy những chiếc đèn thuyền câu cứ lấp lóa, lúc ẩn lúc hiện như con đom đóm, tôi viết tiếp được bài nữa:

ĐOM ĐÓM

Đom đóm à, đom đóm ơi

Lập lòe chi để cho tôi mắc lừa

Bùa yêu người thả vu vơ

Vương trên cành khế trái chua… lỡ thì

Một hôm Nguyễn Danh Khôi và Tạ Văn Sỹ bỗng khoe cả hai đang được phải lòng mỗi anh một… ai đó. Nhìn mắt các anh tôi ngờ có lẽ họ nói thật. – Phải lòng gì, năm mươi, sắp lên lão cả rồi mà… Tôi bảo hai anh vậy. Liền đó tôi nảy ra ý định viết một bài thơ để trêu họ.

TÌNH KHÚC TUỔI NĂM MƯƠI

Vướng tình ở tuổi năm mươi

Làm sao lại thế, hả tôi, hả giời

Trái tim ngỡ hóa đá rồi

Bỗng dưng loạn nhịp bởi người đâu đâu

Tình cờ một thoáng gặp nhau

Người ta cũng chỉ hỏi chào bâng quơ

Thế mà như bị ma đưa

Ngóng trông ra ngẩn vào ngơ cả ngày

Thế mà như bị giời đày

Chợt vui, chợt giận, chợt ngây, chợt khùng

 

Tuổi năm mươi cũng lạ lùng

Tự dưng chập mạch  phải lòng… người dưng

Tôi viết xong bài thơ này cũng lại đưa cho mấy anh chị em làm thơ đọc. Lê Khánh Mai trêu tôi: Không khéo ông có người dưng thật. Tạ Văn Sỹ thì khen: Đó là thơ thật. Tôi khoái chí và ngay hôm về đến nhà tôi đã đưa bài thơ này cho vợ tôi, nhà văn Hoàng Phương Nhâm đọc, với hy vọng được nghe khen làm thơ lục bát hay. Không ngờ khi xem xong Nhâm xị mặt bỏ xuống nhà dưới và chừng mười lăm phút sau đưa lên cho tôi một bài thơ khác với câu nói cụt ngủn: Tặng anh. Tôi ngạc nhiên cầm xem thì ra đó cũng là một bài thơ lục bát với cái tựa đề rất…đáng ngờ:

CHO NGƯỜI DƯNG ẤY

Người dưng ấy, người dưng ơi

Dịu dàng chi để chồng tôi phải lòng

Để rồi bỗng hóa hư không

Bao nhiêu ấm lạnh, mặn nồng từ xưa

Để rồi bỗng thấy như thừa

Tôi như áo rách te tua góc giường

Thôi thì… người hãy cứ thương

Cho chồng tôi gửi tơ vương cuối trời

Hãy làm chút nắng người ơi

Chồng tôi đang lạnh lẽo nơi nhà mình

Ví dầu duyên kiếp ba sinh

Người dưng ơi, hãy đáp tình chồng tôi

Người dưng ấy, người dưng ơi…

 HOÀNG PHƯƠNG NHÂM

Phải nói rằng tôi hoàn toàn bất ngờ và…cảm thấy bị oan. Tôi nói với Nhâm rằng đây là thơ tôi làm tặng…. Tặng người dưng chứ gì – Nhâm vặn lại tôi: Anh không cần phải thanh minh em cũng biết, chả ai không có cảm xúc thật, đi làm thơ cho người khác mà lại…thật đến như vậy. Trái tim ngỡ hóa đá… ừ thì cho hóa đá luôn. Tôi đau hết cả các cơ quan đoàn thể mà không biết cách nào để giải nỗi oan Thị Màu này được. Tôi làm bài thơ “Luân hồi” với ngầm ý nịnh vợ và…cũng là để khẳng định rằng:

Cả đời mình chỉ có mình đằng ấy mà thôi: 

LUÂN HỒI

Một đời người đã cùng tôi

đốt nhau thành lửa, và rồi thành than

Và rồi như chuyện dân gian

Tro tan vào nắng, nắng tan vào trời

Mai sau trọn kiếp luân hồi

Tro than hóa lửa cho người… yêu nhau

Nhâm đọc bài thơ trên cười và nói: Em không cấm, chỉ có điều là đã phải lòng thì cố mà phải lòng lấy một người… dịu dàng, chứ đừng phải lòng loại vớ vẩn.

Có phải lòng sẽ cố tìm một người dịu dàng!? 

Chợt nhớ đến câu thơ của Onga Becgon: Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. Vâng, với một người đàn bà dịu dàng quá thì chắc chả cứ tôi mà bất cứ một anh đàn ông nào cũng sẽ không chịu nổi, lập tức bó giáo quy hàng là cái chắc.