Về những dòng sông cổ trên đất Nha Trang

VỀ NHỮNG DÒNG SÔNG CỔ TRÊN ĐẤT NHA TRANG

Trần Việt Kỉnh

“Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai”

TÚ XƯƠNG

Cuối nguồn Sông Cái Nha Trang

Thành phố Nha Trang là một thành phố trẻ, tuổi đời của nó chưa quá tám muơi năm, nhưng Nha Trang lại nằm trong tổng thể của lịch sử miền đất Khánh Hòa có hơn 350 năm tuổi. Qua biến thiên của thiên nhiên và lịch sử, mảnh đất Nha Trang đuợc hình thành từ những cồn bàu-đảo ven biển miền nam trung bộ mà những lớp người Việt cổ sinh sống thuở ban đầu. Ngành khảo cổ học Việt Nam đã nhận định về những lớp người Việt cổ tụ cư trên những vị trí Cồn-Bàu, các đảo nhỏ ven biển miền Trung Trung bộ là chủ nhân đầu tiên của đất này (Nha Trang – Khánh Hòa ) Họ đã để lại những di chỉ như cuốc đá , rìu đá và những vật trang sức được chế tác bằng vỏ nhuyễn thể. Thời ấy, “ văn hóa làm đẹp” đã có trong ý thức của người Việt cổ mà miền đất này là một minh chứng cho những khu di chỉ như Xóm Cồn Cam Ranh, đảo Bích Đầm, và ngay cả thành phố Nha Trang hiện tại, người ta vẫn liên tiếp phát hiện ra trong lòng đất những chiếc trống đồng hệ Đông Sơn.

Văn minh văn hóa Cồn –Bàu, Núi –đảo, sông suối của Nha Trang có cùng một thời với nền văn hóa Oác eo Nam Bộ; và văn hoá dùng ốc Tai Tượng có ở đất này cũng giống như một số vùng khác của Indonexia, Phi lippin, Thai lan trong vùng Đông Nam Á.

Khi đề cập đến văn hóa sông nước của đất Nha Trang, chúng ta ( tôi ) hiện nay chỉ tiếc có một điều là chưa sưu tầm và tìm hiểu rõ về một bản dư đồ về sông ngòi , kênh rạch của đất Nha Trang từ những năm 1653 về trứơc. Đây có thể là một câu đố cho các nhà sưu tầm văn hóa dân gian của vùng đất này. Nhưng, dựa trên những chuyến đi khảo sát thực địa qua nhiều năm, (bản thân tôi đã có hơn 30 năm sinh sống và hoạt động sưu tầm nghiên cứu Folklore trên đất Nha Trang ), cũng đã có một khái niệm về những dòng sông cổ trên đất này theo hình thái địa lý hiện nay- những dòng sông cổ đó đã làm nên nét văn hóa cho đất Nha Trang hơn ba trăm năm mươi năm qua.

Văn hóa giao lưu, giao tiếp của lớp cha ông ta thời năm 1653 trên đất Nha Trang là giao thương, đi lại tất cả đều bằng bằng những con đường sông nước. Hồi ấy đường bộ rất hiếm hoi, chỉ là những con đường nhỏ lau lách và thường có nhiều Cọp rình rập, ( Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận) Đường thiên lý Bắc –Nam chỉ là một con đường nhỏ gập ghềnh, mang nhiều bất trắc vì có nhiều thú dữ. Có lẽ thế mà giao thông bằng đường thủy lại có tính an toàn cao của con người lùc bấy giờ.

Từ Nha Trang , ngày xưa giao thông chính đi các vùng có những dòng sông như sông Phú Lộc, sông Cái, sông Đình (Vĩnh Thái ), sông Trại Thủy, sông Trường Cá, sông Xuân Lạc, sông Xưân Phong, ( xã Vĩnh Phương – t.p Nha trang hiện nay ), sông Quán Trường ( xã Vĩnh Thái ), sông Tắc, sông Kim Bồng chảy qua cầu Bà Vệ… nơi có những dãy phố cổ có niên đại cùng với sự hình thành phố cổ Hội An – Quảng Nam.

Những dòng sông cổ ấy đã vang bóng một thời, đã từng là chứng nhân của những cuộc hẹn hò trong tình yêu để thành ca dao, hát đối, hò chèo thuyền… đã thành chứng nhân cho những trận thủy chiến thư hùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với các cuộc nổi dậy của nghĩa quân Tây Sơn, đã từng chứng kiến những đoàn thuyền ghe Bầu xứ Quảng, (Nam, Ngãi, Bình, Phú ) tấp nập, cập vào những bến sông trên địa phận đất Nha Trang để mang theo văn hoá dân gian vùng mình giao thoa, hoà trộn, làm đẹp và phong phú thêm cho nền VHDG Nha Trang –Khánh hòa.

Chính vì thế, hiện nay, khi sưu tầm ca dao dân ca trên đất Khánh Hòa, chúng ta gặp rất nhiều câu mà ta có thể gặp của đất Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam – Đà nẵng, ví dụ như :

“Tai nghe người bạn có đôi

Trong mình nóng nảy như vôi mới hầm

Nắm tay người bạn khóc thầm

Chầu rày quế đã xa trầm, trầm ơi”

hoặc :

“Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi, bậu ra

Bậu ra cho khỏi tay ta

Đào hang bậu ở, cất nhà uổng công”

Và còn nhiều thể loại VHDG khác nữa chứ không cứ gì ca dao – dân ca. Hầu như có một sự đồng điệu, một tấm tình chung của những con người vùng sông nước Nam trung bộ này.

“Anh về Bình Định thăm cha

Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”

Có Lẽ, những cuộc đi lại, viếng thăm người tình thuở trước trong câu ca dao kia cũng được thực hiện bằng những chiếc ghe Bầu trên những dòng sông chăng ?

Ở thành phố Nha Trang hiện nay còn lại vết tích của một dòng sông cách dây gần ba trăm năm từng có một thời sung mãn- đó là dòng sông Trường Cá lịch sử, nằm trên địa phận phường Phương Sài – Phương Sơn, nơi có bến Trường Cá – một ngư trường lớn của Nha Trang hồi bấy giờ. Sông Truờng Cá đã chứng kiến ba trận thuỷ chiến lớn nhất trong phong trào Tây Sơn giao tranh với Nguyễn Aùnh. Vợ chồng thượng tướng Trần Quang Diệu và Bùi thị Xuân đã phục binh ở sông này chặn đoàn quân của chúa Nguyễn cứu viện cho Hoàng tử Cảnh ở Thành –Diên Khánh. Những trận thủy chiến ấy đã làm cho dòng sông Trường Cá tắc nghẽn vì xác thuyền chiến và xác quân lính chết , máu loang dỏ cả một vùng cửa sông đổ ra biển. Nếu hiện tại chúng ta có một cuộc khảo cổ lòng sông Trường Cá xưa , chắc sẽ có nhiều tư liệu khảo cổ học có giá trị.

Đến bây giờ, tôi mới hiểu tận ngọn nguồn của một câu ca dao ở Nha Trang:

“Cầu Thành ghe gốm lên rồi

Sao (em) chưa đi chợ, còn ngồi chi đây”

Cầu Thành, tức ở địa phận huyện Diên Khánh, chiếc cầu gỗ bắc qua con sông Phú Lộc,(nay đã thay bằng chiếc cầu xi măng vĩnh cửu ) là nhánh chính đổ về Nha Trang tạo ra dòng sông Cái Nha Trang. Ghe Bầu chở gốm của những người lái thương đồ gốm từ thôn Lư Cấm phường Ngọc Hiệp –nơi có nghề gốm cổ truyền –ghe chở gốm chạy rừ sông Kim Bồng của Lư Cấm ra sông Cái, ngược lên sông Phú Lộc gặp cầu Thành, và lời tâm sự của chàng trai với người yêu đã thể hiện qua câu ca dao trên.

Trở về với địa phận xã Vĩnh Tái về phía Tây ngoại thành Nha Trang, ta gặp con sông Đình. Sông Đình xưa kia chảy từ cầu Dứa qua các thôn Thái Thông, Thủy Tú của xã Vĩnh Thái để hợp lưu tại ngã ba sông Quán Trường đi ra biển. Trên con sông này, cách đây trên ba trăm năm rồi, dân gian còn truyền tụng về cái chết oai hùng của một tùy tường của Bùi Thị Xuân tên là Hậu-(Hiện tại ở xã Vĩnh Thái có một ngọn núi mang tên “núi Bà Hậu”). Một trận chiến không cân sức của nghĩa quân và một bên là quân hùng, thuyền chiến có đại bác của chúa Nguyễn đã diễn ra tại chân núi nơi con sông chảy qua. Bà Hậu cho quân lăn đá xuống lòng sông cản tàu giặc và tấn công, Nhưng, vì quân mỏng, súng ít, đành thúc thủ trên núi, Bị bao vây nhiều ngày, lương thảo và nước uống hết sạch, bà Hậu liều chết mở đường máu xuống núi nhưng bà đã bị trúng đạn mất trong trận tiền. Nhân dân nhớ ơn bà liền đặt cho hòn núi nhỏ đó là “núi Bà Hậu”. Những phiến đá do bà Hậu chỉ huy lăn xuống dòng sông Đình nay vẫn còn đó như chứng tích oai hùng của dòng sông một thuở.

Tại ngã ba sông Quán Trường nơi cửa sông ra biển có một gò đất cao, dân trong vùng thường gọi là “Gò Vua” để ghi nhớ Nguyễn Ánh lúc lâm nguy bị quân Tây sơn đuổi riết đã chạy thuyền vào sông Đình, đến ngã ba sông Quán Trường này thì quá mệt, bèn cho tàn quân nghỉ lại trên một gò cao qua đêm.

Những dòng sông cổ trên đất Nha Trang xưa hiện tại chỉ còn là những khúc đầm, phá nhỏ nhoi, cạn cợt, có đôi lúc lại là nguyên nhân gây ra ô nhiễm cho thành phố vì dòng chảy bị ứ đọng, con người hiện tại lại đem tất cả các thứ rác vứt xuống đó càng làm cho những dòng sông ấy phản cảm với thời hiện đại. Nhưng, với những người am hiểu về lịch sử – văn hóa của đất này thì lại thấy nuối tiếc cho những dòng sông ấy biết bao. Mới hơn ba thế kỷ trôi qua mà “Thương hải tang điền” đến vậy.

Những dòng sông cổ Nha Trang có thể sẽ mất đi, nhưng những câu hò chèo thuyền, những câu ca dao trữ tình xưa kia đã từng văng vẳng trên sông nứơc Nha Trang sẽ không bao giờ mất, nó tồn tại vĩnh hằng trong tâm tưởng người dân nơi đây ; cho dù bây giờ Nha Trang đã trở thành một đô thị loại II, những đại lộ như những dòng sông lớn tuôn chảy về tương lai, nhưng không quên được những con sông thuở xa xưa một thời mở cõi của cha ông.

 Trần Việt Kỉnh