Tản mạn cà phê Nha Trang

TẢN MẠN CÀ PHÊ NHA TRANG

LÊ KHÁNH MAI

Mình thích uống café từ thời sinh viên, dạo học Đại học Sư phạm Cầu Giấy, Hà Nội (1971 -1975). Thời ấy, uống café được coi là một sở thích hơi bị “lập dị”, bởi hầu hết mọi người mỗi khi muốn vui vẻ với bạn bè thường rủ nhau ra quán trước cổng trường uống trà Bắc Thái, ăn kẹo lạc, thế đã là sang lắm. Mình thấy lẻ loi vì không tìm được một ngưòi bạn “lập dị” giống mình. Vả lại, chẳng tìm đâu ra quán café, ngoài cổng trường chỉ có 2 loại nước giải khát là bia hơi và xi – rô đựng trong những chiếc thùng thiếc có bánh xe được che bằng chiếc dù. Chả có bàn ghế gì cả, mỗi nguời một cốc vại, đứng hoặc ngồi xổm để uống, trông nhếch nhác quá. Thông cảm, chiến tranh mà.

Một lần mình rủ Kim Phương, bạn gái thân của mình đến Thủy Tạ, Bờ Hồ Hoàn Kiếm uống café. Mình gọi cho bạn café sữa, còn mình café đen. Kim Phương vừa uống vừa nhăn mặt kêu đắng, bảo “Không hiểu sao đằng ấy lại thích cái thứ nước cơm cháy này chứ”. Đó là kỷ niệm thanh xuân của mình với café Hà Nội.

Năm 1975 mình tốt nghiệp Đại học về Nha Trang quê hương mình dạy học. Điều thú vị đầu tiên của mình là ở Nha Trang rất nhiều quán café, sang có, bình dân có, thậm chí rất nhiều café cóc vỉa hè. Uống café buổi sáng trước giờ đi làm tự nhiên trở thành một thói quen cố hữu của mình. May mắn mình có một ông chồng cũng nghiền café và thích nhâm nhi cái thứ nước đen đen, đăng đắng cùng với bạn bè trong quán. Vì cùng chung sở thích giản dị này mà mình với chồng mình trở thành một cặp đôi “tài tử giai nhân” phong lưu và tình tứ nổi tiếng, he he, đó là ý kiến ghi nhận từ giới văn nghệ sĩ Khánh Hòa.

Sau 15 năm dạy học mình chuyển sang làm việc trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, lần lượt giữ các cương vị: Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thật tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, rồi Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Khoảng sân nhỏ bé tại trụ sở Hội được mình cho dựng một quán café văn nghệ sĩ rất đễ thương, trở thành nơi găp gỡ hàng ngày của các nhà văn,  nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn…Nha Trang là thành phố du lịch lại có một cái Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa nên bạn bè văn nghệ các tỉnh khác thường xuyên đến đây. Quán café Văn nghệ là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới văn nghệ sĩ cả nước.

Nhà thơ Văn Công Hùng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, Phó Chủ tịch Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai nhiều lần đến Nha Trang đã viết như sau: “ở Nha Trang, muốn gặp các văn  nghệ sĩ nổi tiếng, không nơi đâu tiện lợi bằng mỗi sáng cứ đến sân trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà… Có thể gặp ở đây nhà thơ Giang Nam, nhà văn Cao Duy thảo, nhà văn Cao Linh Quân, họa sĩ Thanh Hồ, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng… các văn  nghệ  sĩ đã về hưu, đến các quan chức ngành văn hoá như anh em nhạc sĩ Hình Phước Long, Hình Phước Liên, nhà thơ Trần vạn Giã, các nhà báo Hà Bình, Khuê Việt Trường, Lê Bá Dương, Đặng Minh Châu, Nguyễn Chính… đông lắm, cứ đến kéo ghế ngồi, kêu một ly cà phê, ngoảnh sau lưng bắt chuyện, với đằng trước bắt tay, nghiêng sang trái gửi bài, xoay phải hỏi thông tin… xong tự giác rút tiền bỏ dưới đít ly cà phê, rồi hoặc ồn ào hoặc lặng lẽ rút…

Trong các cuộc ấy thường có bóng dáng một người đàn bà, mỏng mày hay hạt, và hay móc tiền… bao cà phê những người xung quanh. Một người rất nổi tiếng ở Khánh Hoà vì cái mác Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật và là Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, và không chỉ ở Nha Trang Khánh Hoà bởi vì chị là một nhà thơ, và tên chị là Lê Khánh Mai. (Nha Trang có một nhà thơ – Báo Văn nghệ trẻ).

Thói quen uống café của mình đã phát triển thành nghiện, mà có thể nói là nghiện nặng. Cơn nghiện nếu không được đáp ứng, mình sẽ xây xẩm mặt mày, cứ như sắp gục xuống, sợ nhất là những lúc như thế cái đầu ngu ngu không nghĩ ngợi được gì cả. Hàng năm mình thường đưa đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác đến nhiều vùng đất nước. Biết mình nghiền café, cậu Bảo lái xe cơ quan mỗi sáng đều lo cho cả đoàn ăn sáng, café đầy đủ mới khởi hành. Hàng chục năm làm “cán bộ đường lối” rong ruổi khắp đất nước, Bảo không chỉ thuộc từng con đường, quán ăn mà quán café nào đẹp và ngon Bảo cũng làu làu. Một lần trong chuyến đi miền núi phía Bắc, đi mãi không thấy quán café nào. Mình ngồi trong xe nôn nao kinh khủng, mặt mày xanh lét thấy ớn. Cả đoàn ai cũng chăm chăm nhìn hai bên đường tìm quán café. Mãi đến 12 giờ trưa thì Bảo dừng xe trước quán ăn, mọi người dùng bữa và mình giống như nguời chết sống lại khi nhìn thấy một hàng café bé xíu bên cạnh quán ăn. Thế là café đã thay cả bữa ăn trưa và mình lại tỉnh táo thông minh lạ thường.

Nha Trang có nhiều quán café có thương hiệu với không gian đẹp và phong cách riêng độc đáo. Như: Phú sĩ, Nguyên Long, nhạc Hoa Viên, Trúc lan Viên…Ngày chủ nhật vợ chồng mình cùng các con và đôi khi có cả bạn bè, khách phương xa, đến một quán sang trọng nghe nhạc, thưởng thức hương vị đặc trưng của café mà bao nhiêu năm trong nghề viết mình chưa diễn tả được.  

Năm 2006 chồng mình, nhà nghiên cứu Văn hóa Trần Việt Kỉnh đột ngột qua đời. Trong rất nhiều bài viết của bạn bè, đồng nghiệp thương tiếc, tiễn đưa anh, có nhiều dòng nhắc đến anh với những kỷ niệm thân thương nơi quán nhỏ café văn nghệ. Trong bài “Kiếp này anh đã sống tốt”, đạo diễn Cao Nguyên viết:

“Anh Kỉnh ơi! Từ nay, chúng tôi đã mất đi một điểm tựa…Người thành phố mãi mãi không còn nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông cao to đi cùng một phụ nữ nhỏ nhắn (vợ Anh – nhà thơ Lê Khánh Mai) mỗi buổi sáng, dù mưa hay nắng cùng nhau vào quán cà phê Văn Nghệ…Bạn bè không còn nhìn thấy Anh mỗi buổi sáng ngồi tĩnh lặng bên tách cà phê bốc khói…” (Tạp chí Văn Hóa Thông tin Khánh Hòa)

          Bây giờ, mỗi sáng mình vẫn đến café Văn nghệ, hòa vào cái không khí ấm cúng của mọi người, lắng nghe vài thông tin mới, cuời đến chảy nước mắt vì những câu chuyện tếu của những bộ óc giàu trí tưởng tượng, nhưng nhiều hơn là lặng lẽ nhớ anh, nguời chồng yêu kính của mình; hình dung anh vẫn ngồi kia, dáng trầm tĩnh, guơng mặt đẹp, hiền lành bên ly café trầm mặc.

          Bây giờ bạn văn cả nước đến Nha Trang mình lại nói “café bạn nhé”. 

VÀI HÌNH ẢNH 

alt

LKM cùng chồng – Anh Trần Việt Kỉnh (người ngồi sát bên LKM) và văn nghệ sĩ Khánh Hòa

đang cafe trong một chuyến đi thực tế sáng tác

alt

Trong quán cafe Văn nghệ của Hội VHNT

alt

Trong quán cafe Văn nghệ

alt

Bốn nhà văn nữ Khánh Hòa trái qua: Aí Duy, Lê Khánh Mai, Đào Thị Thanh Tuyền,

Tôn Nữ Thanh Yên trong quán cafe bên bờ biển Nha Trang

alt

Bốn Bloger: Lan Phương, Nguyễn Lâm Cúc, Lê Khánh Mai, Đặng Kim Oanh

trong quán cafe tại Nha Trang, tối 22/12/2011