Những biến đổi tự sự

NHỮNG BIẾN ĐỔI TỰ SỰ

Tzvetan Todorov

Hiểu biết văn học luôn bị hai mối hiểm họa trái ngược đe dọa: hoặc người ta xây dựng lên một lý thuyết mạch lạc, nhưng vô bổ; hoặc người ta vừa lòng với các miêu tả những “sự việc”, cho rằng mỗi một hòn đá nhỏ sẽ giúp cho tòa kiến trúc vĩ đại của khoa học. Đối với các thể loại chẳng hạn, cũng như vậy. Hoặc người ta miêu tả các thể loại “đúng như chúng từng tồn tại”, hoặc, chính xác hơn, đúng như truyền thống phê bình (văn chương biến hình) đã viết về chúng: đoản thi hoặc bi ca “tồn tại” bởi người ta tìm thấy những cách gọi như thế trong diễn ngôn phê bình của một thời kỳ nào đó. Nhưng rồi người ta đã từ bỏ mọi hy vọng xây dựng nên một hệ thống các thể loại. Hoặc người ta xuất phát từ những bản chất của sự kiện văn chương và tuyên bố rằng những phức hợp khác nhau của nó sản sinh ra các thể loại. Trong trường hợp này, hoặc ta phải dừng lại ở một sự khái quát đáng thất vọng và tự hài lòng với việc phân chia thành trữ tình, sử thi và kịch chẳng hạn; hoặc ta đứng trước việc không thể giải thích nổi sự vắng mặt của một thể loại nó có cấu trúc nhịp nhàng của bi ca nối kết với một chủ đề vui tươi.

Thế nhưng mục đích của một lý thuyết về thể loại đó là cắt nghĩa cho chúng ta hệ thống của những thể loại tồn tại: vì sao lại có những thể loại này, mà những cái khác lại không? Khoảng cách giữa lý thuyết và sự miêu tả vậy là không thể nào thu hẹp lại được.

Về lý luận kể chuyện cũng như vậy. Cho tới lúc nào đó, người ta chỉ có được những nhận xét, đôi khi tinh tế và luôn luôn hỗn độn, về tổ chức của một truyện này hay truyện khác. Rồi Propp xuất hiện: xuất phát từ một trăm truyện thần tiên của Nga ông đề xướng nguyên tắc cấu trúc của truyện kể (ít nhất đó cũng là cách hiểu về ý đồ của ông trong một thời gian dài). Trong những công trình tiếp theo tập tiểu luận ấy người ta đã làm rất nhiều để gia tăng tính cố kết nội tại của giả thiết trên; rõ ràng là đã nhầm lẫn ít hơn, khi muốn lấp khoảng trống giữa sự khái quát và tính khác biệt của những truyện đặc biệt.

Đã tới lúc mà nhiệm vụ khẩn cấp nhất của những sự phân tích truyện kể lại nằm ở chính giữa hai cái đó: trong việc khu biệt lý luận, thiết lập nên các phạm trù “trung gian”, chúng không còn miêu tả cái tổng quát mà miêu tả cái thuộc về chủng loại; không còn miêu tả cái thuộc về chủng loại, mà là cái đặc thù.

Tôi đề nghị được đưa vào trong phần phân tích truyện kể một phạm trù, đó là biến đổi tự sự, mà tiêu chí lại chính là tính “trung gian”. Tôi tiến hành theo ba bước. Bằng cách đọc những bài phân tích đã có, tôi sẽ thử chỉ ra sự thiếu vắng đồng thời là sự cần thiết của phạm trù đó. Bước thứ hai, tôi sẽ miêu tả theo một trật tự hệ thống sự vận hành và những biến thái của nó. Cuối cùng, tôi sẽ điểm lướt qua một số ví dụ về những sử dụng có thể đối với khái niệm biến đổi tự sự.

Xin nói vài lời về bối cảnh tổng quát hơn nữa của bài nghiên cứu này. Tôi chủ trương phân biệt những phương diện thuộc về động từ, cú pháp và ngữ nghĩa của văn bản; những sự biến đổi được bàn tới ở đây liên quan tới phương diện cú pháp. Mặt khác tôi phân biệt những cấp độ phân tích sau: vị ngữ (hoặc mô thức, chức năng); mệnh đề; trường đoạn; văn bản. Việc nghiên cứu từng cấp độ ấy chỉ có thể tiến hành trong mối liên hệ với cấp độ có thứ tự cao hơn: ví như việc nghiên cứu vị ngữ trong khuôn khổ mệnh đề; nghiên cứu mệnh đề trong khuôn khổ đoạn, v.v.. Sự phân định giới hạn nghiêm ngặt này chỉ liên quan tới việc phân tích mà không nhằm đối tượng được phân tích; thậm chí có thể văn bản tác phẩm được xây dựng bởi nó không thể nào duy trì tính tự trị của các cấp độ. Bài phân tích này hướng về truyện kể mà không hướng về truyện của văn học.

ĐỌC

Tomachevski là người đầu tiên xem xét một loại hình của những vị ngữ tự sự. Ông đề xuất sự cần thiết phải “xếp đặt những mô hình tùy thuộc vào hành động khách quan mà nó miêu tả” và đưa ra sự phân đôi sau đây: “Những mô thức thay đổi tình thế được gọi là mô thức động, những cái không gây thay đổi, là mô thức tĩnh”. Sự đối lập ấy cũng được Greimas tiếp tục khi ông viết: “Cần phải đưa ra việc phân chia bộ phận các vị ngữ, khi đề xướng một phạm trù xếp loại mới, nhằm thực hiện sự đối lập “tĩnh” và “động”. Tùy theo việc chúng dung nạp nghĩa vị “tĩnh” hay nghĩa vị “động”, những loại vị ngữ có khả năng cung cấp những hiểu biết hoặc là về những trạng thái, hoặc là về những diễn tiến liên quan tới những chủ thể hành động.

Ở đây tôi xin lưu ý hai sự đối lập khác tương tự song không có cùng cấp độ thích ứng. Propp phân biệt (tiếp theo Bédier), những mô thức bất biến của những mô thức biến đổi, và đặt tên cho loại thứ nhất là chức năng, loại thứ hai là thuộc từ. “Những tên gọi (và những thuộc từ) của các nhân vật thay đổi, những hành động hoặc chức năng không đổi”. Những sự bất biến hoặc biến đổi của một vị ngữ chỉ có thể thiết lập trong nội tại của một thể loại (trong trường hợp này, là truyện thần tiên của Nga); đó là một sự phân biệt về chủng loại và không tổng quát (ở đây là thuộc mệnh đề). Còn về sự đối lập do Barthes định ra giữa chức năng và dấu tích, nó nằm ở cấp độ trường đoạn và vậy là liên quan tới mệnh đề, mà không liên quan tới vị ngữ (“hai loại chức năng lớn, một có tính phân cách, loại kia có tính hợp nhất”).

Do đó phạm trù duy nhất mà chúng tôi sử dụng để miêu tả sự đa dạng của vị ngữ đó là phạm trù tĩnh – động, nó sử dụng lại và làm hiển hiện sự đối lập ngữ pháp giữa tính từ và động từ. Ta sẽ chẳng tìm được những cách phân biệt khác, cùng cấp độ ấy: dường như mọi điều khẳng định về các vị ngữ, trên bình diện cú pháp đều đã được hòa tan trong đặc trưng sau: “tĩnh – động”, “tính từ – động từ”.

Tuy nhiên nếu không hướng về những sự khẳng định về lý luận mà hướng về phân tích văn bản, ta sẽ nhận ra rằng việc khiến cho loại hình học về vị ngữ trở nên tinh tế là điều khả dĩ, hơn thế, nó có thể được gợi ý từ những sự phân tích này (tuy không được phát biểu lên một cách lộ liễu). Tôi sẽ minh họa điều khẳng định này bằng việc đọc một phần những phân tích mà Propp đã vận dụng vào truyện thần tiên Nga.

Đây là tóm tắt những chức năng tự sự đầu tiên được Propp phân tích: “1. Thành viên của gia đình không có mặt ở nhà. 2. Người ta áp đặt cho nhân vật chính một điều cấm đoán. 3. Điều cấm đoán bị vi phạm. 4. Kẻ tấn công tìm cách thu thập tin tức. 5. Kẻ tấn công thu thập được những tin tức liên quan đến nạn nhân của y. 6. Kẻ tấn công tìm cách đánh lừa nạn nhân để chiếm lấy người này hoặc của cải của họ. 7. Nạn nhân rơi vào bẫy và do đó đã vô tình giúp cho kẻ thù của mình. 8. Kẻ tấn công làm hại một thành viên của gia đình, hoặc gây ra một sự thiếu hụt. 9.Người ta thông báo điều bất hạnh hoặc thiếu hụt, nói với nhân vật chính, kèm theo một yêu cầu hoặc mệnh lệnh, người ta cử người đó đi hoặc để người đó ra đi. 10.Người thỉnh cầu nhận lời hành động, hoặc tự quyết định hành động. 11.Nhân vật chính rời nhà”,v.v.. Như đã biết, tổng cộng gồm 31 chức năng, và theo Propp, mỗi chức năng ấy không thể chia nhỏ ra được và không thể so sánh với các chức năng kia.

Tuy nhiên chỉ cần so sánh hai cặp một trong số những mệnh đề đã dẫn đủ thấy rằng các vị ngữ luôn có những nét chung và trái ngược; vậy là có thể rút ra những phạm trù ẩn dấu nó chỉ ra tính kết hợp mà những chức năng của Propp từ đó sinh ra. Vậy là điều ông chê trách Veselovski trước đây, nay người ta lại hướng về ông, đó là: không chịu đẩy sự phân tích tới những đơn vị nhỏ hơn (để rồi sẽ có thể lời chê trách lại hướng về chúng tôi). Đòi hỏi ấy không phải là mới; Levi – Strauss đã từng viết: “Không loại trừ việc đẩy xa hơn nữa sự thu nhỏ này, và mỗi phần, tách riêng lẻ, vẫn có thể phân tích thành một số lượng nhỏ những chức năng hồi quy, tới mức mà rất nhiều chức năng được phân tách bởi Propp trong thực tế sẽ cấu thành nên nhóm gồm những biến đổi của cùng một chức năng duy nhất”. Tôi sẽ đi theo sự gợi ý trên trong bài phân tích này; song có thể thấy rằng ý niệm về biến đổi ở đây sẽ có một nghĩa hơi khác.

Sự kết hợp giữa 1 và 2 cũng đã cho ta thấy một khác biệt đầu tiên. 1 miêu tả một hành động đơn giản và thực sự đã xảy ra; 2. ngược lại gợi lên hai hành động đồng thời. Nếu người ta nói trong câu truyện: “Đừng nói gì với Baba Yaga, nếu cô ta tới” (ví dụ của Propp) một mặt, đã có hành động có khả năng nhưng không có thật của thông báo về Aga; mặt khác, hành động có thật về việc cấm đoán. Nói một cách khác, hành động thông báo (hoặc nói) không được trình bày theo trực – thuyết cách [1] mà như một sự bắt buộc phủ định.

Nếu so sánh 1 và 3, một khác biệt nữa lộ ra. Việc một thành viên trong gia đình (bố, mẹ) không có mặt ở nhà khác biệt về bản chất với việc một trong số những đứa con vi phạm điều cấm đoán. Việc thứ nhất miêu tả một trạng thái kéo dài trong một thời gian nhất định; việc thứ hai là một hành động tức thời. Theo lối nói của Tomachevski, cái thứ nhất là một mô hình thức tĩnh, cái thứ hai, một mô thức động: cái thứ nhất cấu thành nên tình huống; cái thứ hai làm thay đổi nó.

Nếu giờ đây ta so sánh 4 và 5, ta nhận ra một khả năng khác nữa để dấn sự phân tích xa hơn nữa. Trong mệnh đề thứ nhất, kẻ tấn công tìm cách thu thập tin tức, trong mệnh đề hai, y được biết tin. Mẫu số chung của hai mệnh đề là hành động và thu thập tin; nhưng ở trường hợp thứ nhất, nó được miêu tả như một ý định, trường hợp thứ hai, như một việc làm.

6 và 7 cũng giống như trường hợp ấy: thoạt tiên, người ta tìm cách đánh lừa, sau đó họ đánh lừa. Nhưng tình huống ở đây phức tạp hơn, bởi trong khi người ta chuyển ý đồ sang sự thực hiện, cùng một lúc, người ta lướt điểm nhìn của kẻ tấn công sang điểm nhìn của nạn nhân. Cùng một hành động có thể thể hiện ở những điểm nhìn khác nhau: “kẻ tấn công đánh lừa” hoặc “nạn nhân rơi vào bẫy”; nó vẫn là một hành động duy nhất.

9 cho phép ta có một sự khu biệt khác. Mệnh đề này không chỉ ra một hành động mới mà chỉ sự việc là nhân vật chính đã hiểu biết về chuyện đó. 4 cũng đã miêu tả một tình huống tương tự: kẻ tấn công tìm cách thu thập tin; nhưng thu thập tin, học hỏi, hiểu biết là một hành động ở bậc hai, nó giả thiết một hành động khác, (hoặc một thuộc từ khác) đang được biết tới.

Trong 10 ta gặp một hình thức khác đã ghi nhận: trước khi rời nhà, nhân vật chính quyết định rời nhà. Lại một lần nữa, ta không thể đặt việc quyết định trên một bình diện với ra đi, bởi lẽ cái trước là giả định cho cái sau. Ở trường hợp thứ nhất hành động là một ý muốn hoặc một điều bắt buộc, hoặc một ý định; trường hợp thứ hai, nó thực sự đã xảy ra. Propp cũng đã nói thêm rằng đây là sự “khởi đầu của phản ứng”; nhưng “bắt đầu” không phải riêng nó là một hành động trọn vẹn, nó là dáng dấp (bắt đầu) của một hành động khác.

Không cần thiết phải tiếp tục minh họa nguyên tắc mà tôi đang bảo vệ. Ta đang cảm thấy trước khả năng dẫn xa hơn sự phân tích, qua mỗi lần. Cần phải ghi nhận rằng sự phê phán này làm xuất hiện những phương diện khác của truyện kể mà tôi sẽ chỉ ghi lại một ý. Ta sẽ không dừng lại ở sự thiếu tách biệt giữa mô thức tĩnh và động (tính từ và động từ).

Claude Brémond đã nhấn mạnh một phạm trù khác mà Propp đã bỏ qua ( và cả Dunnes nữa): ta không nên đánh đồng hai hành động khác nhau với hai điểm nhìn chung về cùng một hành động. Vấn đề điểm nhìn thích hợp với truyện kể không thể “thu nhỏ”, ngược lại, nó làm nên một trong những đặc trưng quan trọng nhất. Hoặc như Brémond đã từng viết: “khả năng và sự bắt buộc phải chuyển” như vậy từ góc độ của một tác nhân này sang tác nhân khác, do chuyển hóa điểm nhìn, là hết sức cơ bản.

Ở cấp độ phân tích của bài này, những điểm trên đã hàm chứa sự khước từ những ý niệm về “anh hùng”[2] “kẻ xấu” giống như những phiếu phát cho từng nhân vật một lần là xong. Mỗi tác nhân lại là nhân vật của nó. Những người cùng tham gia, từ điểm nhìn ấy của nó, sẽ được coi như đồng minh, đối thủ v.v… Những định danh ấy bị đảo lộn khi người ta chuyển từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác. Và cũng vậy: “Cùng một chuỗi sự kiện chấp nhận nhiều lối cấu trúc khác nhau, tùy theo việc xây dựng nó nhằm lợi ích của ai trong số những người trong cuộc”.

Song tôi sẽ giữ lại một điểm nhìn khác ở đây. Propp khước từ mọi sự phân tích truyện kể theo hệ biến hóa. Sự khước từ ấy được phát biểu rõ rệt: “Người ta có thể nghĩ rằng chức năng A sẽ loại trừ một vài chức năng khác, thuộc về những truyện cổ khác. Người ta có thể nghĩ rằng sẽ có thể có nhiều trục, nhưng tất cả các truyện thần tiên chỉ có cùng một trục”. Hoặc nữa: “Nếu chúng ta đọc tất cả các chức năng tiếp nối nhau, ta thấy rằng một chức năng này xuất phát từ chức năng nọ do một nhu cầu lôgic và nghệ thuật. Chúng ta thấy quả thực là không một chức năng nào loại trừ chức năng khác. Tất cả đều thuộc về một trục, mà không phải là nhiều trục”.

Đúng là trong quá trình phân tích Propp đã tự thấy bị dẫn tới chỗ nói ngược lại chính nguyên tắc của mình, song mặc dù có vài nhận xét theo hệ biến hóa “hoang dã”, sự phân tích của ông căn bản vẫn theo hệ quy đồng. Đó chính là điều đã gây nên một phản ứng, theo tôi cũng không thể chấp nhận, ở một người bình luận Propp (Levi – Strauss và Gremas) họ khước từ tính chính đáng về mọi mặt của trật tự quy đồng, của sự nối tiếp, và tự giam hãm trong một hệ biến hóa không kém phần nghiệt ngã. Chỉ cần trích câu sau của Levi – Strauss: “Trật tự của sự tiếp nối niên biểu tự tiêu tán vào một cấu trúc nguyên bộ phi thời gian” hoặc của Gremas: “Sự thu nhỏ mà chúng tôi tiến hành đòi hỏi một cách diễn giải theo hệ dọc và phi niên biểu đối với những mối liên hệ giữa các chức năng … Sự diễn giải theo hệ dọc, vốn là điều kiện của việc nắm được ý nghĩa truyện kể trong sự toàn vẹn của nó…” v.v…

Về phần tôi, tôi từ chối sự lựa chọn giữa một trong hai điểm nhìn trên; thật đáng sợ nếu “bỏ mất” cả hai lợi ích mà những nghiên cứu theo hệ đồng quy của Propp và phân tích theo hệ biến hóa của một người như Levi – Strauss có thể mang lại cho việc phân tích truyện kể.

Do trường hợp mà chúng tôi quan tâm ở đây, và cũng để làm rõ phạm trù biến đổi, vốn là cơ bản đối với ngữ pháp tự sự, chúng tôi buộc phải bác bỏ sự khước từ của Propp đối với toàn bộ điểm nhìn theo hệ dọc. Dù không giống hệt nhau, những vị ngữ mà ta gặp trong suốt chuỗi quy đồng đều có thể so sánh, và sự phân tích chỉ có lợi khi khiến cho những mối liên hệ giữa chúng trở thành hiển nhiên.

MIÊU TẢ

Do quan tâm tới thuật ngữ, trước hết, tôi sẽ ghi nhận rằng từ “biến đổi” xuất hiện ở Propp có hàm nghĩa về một sự biến đổi ngữ nghĩa, không phải về cú pháp; rằng ta tìm thấy từ này ở CI. Levi – Strauss và A.J. Greimas, với nghĩa tương tự như của tôi nhưng hẹp hơn nhiều, nhưng rồi đây sẽ thấy; và sau cùng ta gặp nó trong lý thuyết ngôn ngữ học hiện nay với hàm nghĩa có tính kỹ thuật, nó không hẳn là nghĩa của từ này ở tôi.

Người ta cho rằng hai mệnh đề sẽ có quan hệ biến đổi khi có một vị ngữ giống như nhau ở cả hai phía. Từ đó ta sẽ buộc phải tách biệt hai kiểu biến đổi. Ta gọi kiểu thứ nhất là biến đổi đơn giản ( hoặc khu biệt): những biến đổi này nhằm làm thay đổi (hoặc thêm thắt) một tác động khu biệt vị ngữ. Những vị ngữ cơ sở có thể được coi như có tiềm năng tác động số không. Hiện tượng này gợi nhớ diễn tiến trợ động từ hóa trong ngôn ngữ, hiểu theo nghĩa rộng: có nghĩa là trường hợp một động từ đi kèm động từ chính, khu biệt nó (“X bắt đầu làm việc”). Tuy nhiên chớ quên rằng tôi đặt mình vào điểm nhìn của một loại ngữ pháp lôgic và toàn cầu, không thuộc về một ngôn ngữ đặc biệt nào; ta sẽ không dừng lại ở sự kiện là trong tiếng Pháp chẳng hạn, tác động kia có thể được chỉ ra bằng những hình thức ngôn ngữ khác nhau: động từ trợ động từ hóa, phó từ, tiền và hậu tố, cùng những thuật ngữ khác của từ vựng.

Kiểu thứ hai sẽ là những biến đổi phức hợp (hoặc phản ứng): đặc trưng bởi sự xuất hiện của một vị từ thứ hai ghép vào vị từ thứ nhất và không thể tồn tại tách khỏi nó. Nếu trong trường hợp biến đổi đơn giản ta chỉ có một vị từ và do đó chỉ có một chủ từ, thì ở trường hợp biến đổi phức hợp ta có hai vị từ cho phép tồn tại một hoặc hai chủ từ “X nghĩ rằng Y đã giết mẹ mình” cũng tương tự “X nghĩ rằng X đã giết mẹ mình”, đó là một biến đổi phức hợp của mệnh đề “X đã giết mẹ mình”.

Cần nhận xét rằng sự phát sinh miêu tả ở đây là thuần túy lôgic, không thuộc về tâm lý: tôi nói rằng “X quyết định giết mẹ mình” là sự biến đổi của “X giết mẹ mình”, cho dù về phương tiện tâm lý mối liên hệ có thể là ngược lại. “Tâm lý” xen vào đây như đối tượng nhận thức, không phải là công cụ làm việc: như ta thấy, những biến đổi phức hợp thường chỉ ra những vận hành tâm lý hoặc mối liên hệ giữ một sự kiện với sự thể hiện của nó.

Sự biến đổi, nhìn bề ngoài, có hai giới hạn. Một mặt, hãy còn chưa có biến đổi nếu sự thay đổi tác động chưa được thiết lập một cách hiển nhiên. Mặt khác, biến động không còn nữa nếu thay vì có hai “dạng đổi” của cùng một vị từ chúng ta lại có hai vị từ tự trị. Trường hợp những vị từ biến đổi gần gũi nhất và cần được phân biệt cẩn thận, đó là trường hợp những hành động mà cái này là hậu quả của cái kia (mối liên hệ liên can, thúc đẩy, giả định). Giống như trường hợp những mệnh đề “X ghét mẹ mình” và “X giết mẹ mình”: chúng không có vị từ chung và quan hệ giữa chúng không phải là quan hệ biến đổi. Một trường hợp có vẻ gần gụi hơn, đó là những hành động được chỉ bằng những động từ nguyên cớ: “X khuyến khích Y giết mẹ mình”, “X làm cho Y giết mẹ mình”, v.v.. Dẫu một câu như vậy gợi lên một sự biến đổi phức hợp, ở đây chúng ta vẫn đối diện với hai vị từ đối lập, và một hậu quả; sự lẫn lộn là ở chỗ hành động thứ nhất hoàn toàn được ngụy trang, ta chỉ giữ lại cái kết thúc (chúng ta không thấy X “khuyến khích” hoặc “làm” được miêu tả ra sao, v.v..).

Để điểm các kiểu biến đổi khác nhau, tôi sẽ đề xuất một giả thiết kép. Thoạt nhiên, tôi giới hạn những hành động được xem xét trong phạm vi những cái mà từ vựng tiếng Pháp đã mã hóa, dưới hình thức động từ có bổ sung. Mặt khác, khi miêu tả mỗi loại tôi sẽ sử dụng những thuật ngữ luôn trùng hợp với  các phạm trù ngữ pháp. Hai giả định trên có thể thay đổi mà sự tồn tại của biến đổi tự sự vẫn không vì thế mà thành vấn đề. Nhóm động từ trong lòng một kiểu biến đổi được tập hợp do mối liên hệ giữa vị từ cơ sở và vị từ biến đổi. Tuy nhiên, chúng bị chia rẽ bởi những giả định hàm chứa trong nghĩa. Ví dụ như “ X xác nhận rằng Y đã giết mẹ mình” và “X thổ lộ rằng Y đã giết mẹ mình” đều thực hiện cùng một sự biến đổi trong miêu tả nhưng “xác nhận” giả định rằng sự việc ấy đã được biết, còn “thổ lộ” lại giả định rằng X là người đầu tiên thừa nhận điều đó.

Biến đổi đơn giản:

1. Biến đổi về thức. Ngôn ngữ diễn tả những sự biến đổi liên quan tới khả năng, tới tính bất khả hoặc sự cần thiết của một hành động, bằng những động từ cách thức ví dụ như phải hoặc có thể, hoặc bằng một trong những thứ để thay thế chúng. Sự cấm chế, vốn thường gặp trong truyện kể, là một sự cưỡng bức có tính tiêu cực. Sau đây là một ví dụ của hành động “X phải phạm một tội ác”.

2. Biến đổi về ý định. Ở trường hợp này, người ta chỉ ra ý định mà chủ từ của mệnh đề muốn hoàn thành, chứ không phải chỉ ra hành động. Tác động này được nói lên trong ngôn ngữ thông qua những động từ trung gian như thử, dự định, chủ định. Ví dụ: “X dự định phạm một tội ác”.

3. Biến đổi về kết quả. Trong trường hợp trên, hành động được nhìn thấy ở tình trạng phôi thai, còn trong kiểu biến đổi ở đây hành động được phát biểu như là đã hoàn thành. Trong tiếng Pháp người ta chỉ hành động này bằng những động từ đạt được, vươn tới, lấy được; trong ngôn ngữ Slavơ, dạng thái hoàn thành của động từ ghi nhận hiện tượng ấy.

Thật thú vị khi ghi nhận rằng những biến đổi về ý định và về kết quả, đi trước hoặc đi sau cùng một vị từ có tác động bằng số không, đã từng được miêu tả bởi Claude Bremond, dưới cái tên “bộ ba”; như thế nhưng tác giả coi chúng như những hành động độc lập, được xâu vào nhau bởi nguyên nhân mà không coi chúng như những biến đổi. Ví dụ của chúng tôi trở thành: “X đạt được [việc] phạm tội ác”[3].

4. Biến đổi về kiểu cách. Tất cả những nhóm biến đổi khác trong kiểu loại thứ nhất này đều có thể được đặc trưng như những “biến đổi về kiểu cách”: người ta khu biệt cái cách mà một hành động diễn ra. Tuy nhiên tôi đã cô lập hai chi nhóm thuần nhất hơn, trong khi tập hợp những hiện tượng khá đa dạng trong mục này. Ngôn ngữ chỉ sự biến đổi này, trước hết, là những phó từ; nhưng thông thường ta sẽ hay gặp những động từ trợ động từ hóa cũng làm chức năng ấy: như vội vã, dám, chuyên về, ra sức. Một nhóm tương đối có liên hệ sẽ được lập thành bởi những dấu hiệu của cường độ, mà một hình thức của nó nằm ở cấp so sánh và cấp đối tượng. Ví dụ của chúng ta ở đây trở thành: “X vội vã phạm một tội ác”.

5. Biến đổi về dạng thái. A.J. Greimas đã từng chỉ ra sự kề cận của những phó từ cách thức, các dạng thái của động từ. Trong tiếng Pháp, dạng thái tìm thấy sự biểu hiện rõ rệt nhất trong các động từ trợ động từ hóa như bắt đầu, đang, kết thúc (động tác mới bắt đầu, diễn tiến, chấm dứt). Hãy ghi nhận sự cận kề trong quy chiếu giữa những dạng thái mới bắt đầu và chấm dứt, và những biến đổi của ý định và kết quả; song việc phạm trù hóa những hiện tượng lại khác, những ý tưởng về kết thúc và ý chí đều không có ở đây. Một số dạng thái khác đó là dạng thời lưu, đều đặn, lặp, bỏ lửng,v.v.. Ví dụ ở đây trở thành: “X bắt đầu phạm tội ác”.

6. Biến đổi về chuẩn bị. Lấy lại thuật ngữ “chuẩn – vị” theo nghĩa mà B.L. Whorf gán cho nó, người ta có thể chỉ ra sự thay thế hình thức khẳng định của một vị từ bằng hình thức phủ định hoặc đối nghịch. Như ta đã biết, tiếng Pháp diễn đạt sự phủ định bằng “ne…pas” [4], và dạng ngược lại, bằng một sự thay thế từ vựng. Nhóm biến đổi này đã được Propp ghi nhận một cách vắn tắt; Levi – Strauss cũng chủ yếu thao tác theo kiểu đó khi ông nói tới những biến đổi (“ta có thể xem xét “vi phạm” như cái ngược với “cấm chế”, và điều này, giống như một sự biến đổi của “bắt buộc”); Greimas cũng đi theo con đường này khi dựa trên những mẫu lôgic miêu tả bởi Bronal và Blanché. Ví dụ của chúng tôi trở thành: “X không phạm một tội ác”.

Sự biến đổi phức hợp

1. Biến đổi bề ngoài. Tôi hướng về kiểu biến đổi lớn thứ hai, những cái không gây nên một sự khu biệt của vị từ ban đầu mà gây nên sự bổ trợ cho một hành động phát ra từ hành động thứ nhất. Những biến đổi mà tôi gọi là “bề ngoài” chỉ ra việc thay thế một vị từ bằng một vị từ khác, cái sau có thể được coi như cái trước, trong khi không hẳn là vậy. Trong tiếng Pháp, người ta chỉ một lần biến đổi như thế bằng các động từ vờ vịt, làm ra vẻ, toan tính, giả bộ v.v.. như ta thấy, các hành động này dựa trên sự phân biệt giữa tồn tại và có vẻ trong một số nền văn hóa không có sự phân biệt này. Trong mọi trường hợp, hành động của vị từ thứ nhất không được thực hiện. Ví dụ của chúng tôi sẽ là “X (hoặc Y) làm ra bộ rằng X phạm một tội ác”.

2. Biến đổi về nhận thức. Đối diện với những thứ lừa bịp đó ta có thể có ý niệm về một kiểu biến đổi miêu tả ngay chính sự ý thức liên quan tới hành động ghi nhận bởi một vị từ khác. Những động từ như: quan sát, học hỏi, đoán, biết, không biết miêu tả những chặng và những cách thức hiểu biết khác nhau. Propp đã từng nhận xét về tính tự trị của những hành động ấy, song không cho chúng là quan trọng. Trong trường hợp này, chủ từ của hai hành động khác thường nhau. Nhưng không phải là không thể giữ một chủ từ giống nhau: điều này dẫn chúng ta tới câu chuyện kể lại việc trí nhớ bỏ quên mất những hành động vô thức, v.v.. Ví dụ của chúng tôi trở thành: “X (hoặc Y) biết được rằng X đã phạm một tội ác”.

3. Biến đổi về miêu tả. Nhóm này cùng nằm trong mối liên hệ bổ sung với những biến đổi về nhận thức, nó hội tụ những hành động nhằm khơi dậy nhận thức. Trong tiếng Pháp, đó sẽ là một bộ phận của tổng thể những “động từ về lời lẽ” xuất hiện nhiều nhất trong chức năng này: những động từ kiểm chứng, động từ thực hiện hàm ý những động từ tự trị như: kể, nói, giảng. Ví dụ giờ đây sẽ là: “X (hay Y) kể rằng X đã phạm một tội ác”.

4. Biến đổi về giả thiết. Một bộ phận của tổng thể những động từ miêu tả thường quy về những hành động chưa xảy ra, như tiên đoán, tiên cảm, nghi ngờ, chờ đón:chúng ta đang đứng trước điều dự ngôn: đối lập với những biến đổi khác, hành động chỉ định bởi vị từ chính đứng ở thì tương lai, không thuộc hiện tại hoặc quá khứ. Cần lưu ý rằng những biến đổi khác nhau có thể nói lên những yếu tố chung của tình thế. Ví dụ những cách thay đổi về cách, về ý định, về bề ngoài và giả thiết hàm chứa tất cả những gì mà hiện tượng nói lên bởi mệnh đề chính không xảy ra, thế nhưng mỗi lần một phạm trù khác lại được vận dụng. Ví dụ ở đây trở thành: “X (hoặc Y) tiên cảm thấy rằng X sẽ phạm một tội ác”.

5. Biến đổi về chủ quan hóa. Ở đây chúng ta đi sang một lĩnh vực khác: trong khi bốn sự biến đổi trước xử lý những liên hệ giữa diễn ngôn và đối tượng của diễn ngôn, nhận thức và đối tượng của nhận thức, những biến đổi sau đây liên quan tới thái độ của chủ thể mệnh đề. Những biến đổi chủ quan hóa thường quy về những hành động nói lên trong các động từ tin rằng, nghĩ, có cảm giác, nhìn nhận,v.v.. Một sự biến đổi như vậy không thực sự thay đổi mệnh đề chính, nhưng với tư cách là một xác nhận, đã khiến nó phải phụ thuộc vào một chủ từ nào đó: “X (hoặc Y) nghĩ rằng X đã phạm một tội ác”.

Cần lưu ý rằng mệnh đề khởi phát có thể đúng hoặc sai: tôi có thể tin một điều không thực sự xảy ra. Chúng ta đang từ đó thâm nhập vào vấn đề “người kể chuyện” và “điểm nhìn”: trong khi “X đã phạm một tội ác” là một mệnh đề không được trình bày nhân danh một con người đặc biệt nào (mà là của tác giả – hoặc của độc giả – toàn tri), thì “X (hoặc Y) nghĩ rằng X đã phạm một tội ác” là dấu vết của cùng một sự kiện để lại trên một cá nhân.

6. Biến đổi về thái độ. Bằng thuật ngữ này, tôi quy hồi mọi sự miêu tả trạng thái mà hành động chính đã khơi dậy ở chủ thể, trong suốt độ dài của nó. Gần với những biến đổi về cách thức, chúng khác biệt ở chỗ trong trường hợp này, thông báo bổ sung liên quan tới chủ từ, còn ở trường hợp kia nó liên quan tới thuộc từ: Vậy vấn đề của trường hợp này là một thuộc từ mới không phải là vấn đề hoạt động để khu biệt thuộc tính thứ nhất. Đó là điều diễn đạt bởi những động từ như thích, ghê tởm, riễu cợt. Ví dụ của chúng ta trở thành: “X thích phạm một tội ác” hoặc “Y ghê tởm vì X phạm một tội ác”. Những biến đổi về trạng thái cũng giống như về hiểu biết hoặc chủ quan hóa, đặc biệt thường xuất hiện trong cái mà quy ước thường gọi là “Tiểu thuyết tâm lý”.

Có 3 nhận xét trước khi kết luận về sự liệt kê súc tích này:

1. Ta đặc biệt luôn nhận thấy rằng những liên kết của nhiều biến đổi đều được diễn đạt bằng một từ duy nhất  trong từ vựng của một thứ tiếng; ta không nên từ đó mà rút ra kết luận về việc không thể phân chia chính bản thân sự hoạt động. Ví dụ những hành động lên án hoặc khen ngợi, v.v.. cho phép ta tách nó thành một sự phán quyết về giá trị và một hành vi bằng lời lẽ (biến đổi về trạng thái và miêu tả).

2. Tuy nhiên giờ đây tôi chưa thể bảo đảm cho sự tồn tại của những biến đổi này và sự vắng mặt của sự biến đổi khác; cũng không nên mong muốn điều đó, hẳn vậy, khi chưa có nhiều nhận xét hơn nữa để bổ sung hoặc phản bác danh sách trên. Những phạm trù thực sự, nhận thức, phát biểu, tương lai, chủ quan hoặc phán xét cho phép ta xác định những nhóm biến đổi phức hợp, hẳn là không độc lập với nhau; những sự gò bó bổ sung hẳn phải chi phối vận hành của những biến – dạng[5]: ở đây tôi chỉ có thể nêu lên sự tồn tại của những hướng tìm tòi này và mong muốn rằng chúng sẽ được tiếp tục.

3. Một vấn đề phương pháp luận quan trọng nhất mà tôi đã cố tình để lại đó là vấn đề con đường từ văn bản được quan sát tới những thuật ngữ tôi dùng để miêu tả. Vấn đề này đặc biệt có tính thời sự trong phân tích văn học, ở đó việc thay thế một bộ phận văn bản hiện diện bằng một thuật ngữ không có trong nó luôn khiến bị người ta phản ứng. Một sự tách biệt dường như gợn lên ở đây giữa hai khuynh hướng phân tích truyện kể: hướng phân tích mệnh đề hoặc nghĩa – vị, nhằm thiết lập những đơn vị; hướng phân tích từ vựng tìm thấy những đơn vị ấy đúng như trong văn bản. Về vấn đề này, lại vẫn những sự tìm tòi đi trước sẽ chứng tỏ hướng nào bổ ích hơn.

VẬN DỤNG

Vận dụng quan niệm về biến đổi trong việc miêu tả những vị từ kể chuyện, với tôi, xem ra có thể bỏ qua những lời bình. Một sự vận dụng hiển nhiên khác đó là khả năng định tính các văn bản bằng ưu thế về số lượng hoặc chất lượng của kiểu biến đổi này hay biến đổi khác. Người ta hay trách cứ sự phân tích truyện kể về việc nó không thể nào thấu hiểu hết tính phức tạp của một số văn bản nào đó. Thế mà quan niệm về biến đổi lại cho phép vượt qua được lời chỉ trích kia và đặt nền móng cho một loại hình học về những văn bản.

Người ta đã từng thấy rằng Cuộc tìm kiếm Graal chẳng hạn, nó được đặc trưng bởi vai trò của hai kiểu biến đổi trong đó: một mặt tất cả mọi sự kiện xả ra đều báo trước; mặt khác, khi đã xảy ra rồi, chúng lại có một sự diễn giải mới, theo một mã tượng trưng đặc biệt. Đối với một ví dụ khác, những truyện ngắn của Henry James, tôi đã tìm cách chỉ ra vị trí của những biến đổi về nhận thức: chúng thống trị và quyết định diễn biến đơn sơ của truyện kể. Nói về loại hình học, dĩ nhiên, ta phải tính đến thực tế là một loại hình học về các văn bản chỉ có thể là đa chiều, và những biến đổi chỉ tương ứng với một chiều mà thôi.

Ta có thể lấy ví dụ khác về sự vận dụng một vấn đề lý thuyết truyện kể đã được thảo luận ở trên: vấn đề định nghĩa trường đoạn truyện kể. Quan niệm về biến đổi cũng có thể làm sáng tỏ nếu không phải là giải quyết điều đó.

Nhiều đại diện của chủ nghĩa hình thức Nga từng tìm cách định nghĩa trường đoạn. Chklovski đã sử dụng nó trong bài nghiên cứu về “Cấu trúc của truyện cổ và tiểu thuyết”. Thoạt tiên ông xác nhận khả năng phán đoán (ngày nay ta gọi là năng lực phán đoán) ở mỗi chúng ta, nó cho phép quyết định xem mỗi một trường đoạn kể chuyện có hoàn chỉnh hay không. “Chỉ đơn giản một hình ảnh, một sự song hành, ngay cả việc miêu tả một sự kiện cũng không đủ để khiến chúng ta có cảm giác là đang đứng trước một truyện cổ”. “Rõ ràng là những đoạn trích dẫn không phải là những truyện cổ; cảm giác ấy không phụ thuộc và kích thước của chúng”. “Người ta có cảm giác là câu chuyện chưa kết thúc”,v.v.. Cái “cảm giác” kia rõ là không thể bác bỏ, nhưng Chklovski không thể làm sáng tỏ nó và Chklovski lập tức phát biểu về thất bại của mình: “Tôi chưa thể nói lên được tính chất nào đặc trưng cho môtíp, cũng không thể nói được rằng những môtíp kết hợp với nhau như thế nào để người ta có thể có một đề tài”. Tuy nhiên nếu ta lấy lại những sự phân tích đặc biệt mà ông đã làm sau lời tuyên bố trên, ta sẽ thấy rằng lời giải đáp đã có sẵn trong văn bản của ông, dù chưa được biểu minh.

Quả nhiên, tiếp sau mỗi ví dụ được phân tích, Chklovski phát biểu quy tắc mà đối với ông có vẻ như nó đã vận hành trong trường hợp đích xác ấy. Ví như: “Truyện cổ không chỉ đòi hỏi hành động mà cả sự phản ứng, nó đòi hỏi không có sự trùng hợp”. Môtíp về tính bất khả năng giả tạo cũng được xây dựng trên một mâu thuẫn.

Trong một lời dự ngôn chẳng hạn, mâu thuẫn ấy được thiết lập giữa những ý đồ của các nhân vật tìm cách thoát khỏi lời dự ngôn và hiện tượng biến thành hiện thực của nó (môtíp Oedipe). “Thoạt tiên người ta trình bày cho ta thấy một tình thế không lối thoát sau đó là một giải pháp tinh thần. Những truyện cổ trong đó đề xuất và giải thích một điều bí ẩn cũng nằm trong trường hợp này… Loại môtíp này hàm chứa một tiếp diễn như sau: người vô tội có thể bị kết tội, người ta kết tội họ, và cuối cùng người ta tha bổng họ”. “Tính chất hoàn thành ấy nảy sinh từ sự việc là sau khi đánh lừa chúng ta bằng một nghiệm chứng giả tạo, người ta phát lộ tình thế đích thực. Như vậy là công thức được tuân thủ”. “Cái môtíp mới gắn song song với câu chuyện đi trước, nhờ vậy mà truyện có vẻ như đã kết thúc”.

Sáu trường hợp được phân tích bởi Chklovski có thể được tóm tắt theo cách sau: Trường đoạn hoàn tất và đầy đủ đòi hỏi sự tồn tại của hai yếu tố mà ta có thể chuyển đạt như sau:

1)  Quan hệ giữa các nhân vật – quan hệ đảo ngược giữa các nhân vật.

2)  Dự ngôn – dự ngôn được thực hiện

3)   Điều bí ẩn được đặt ra – điều bí ẩn được giải quyết

4)  Kết tội sai – kết tội bị gạt bỏ

5)  Trình bày sai các sự việc – trình bày đúng các sự việc

6)  Mô típ – mô típ song song

Giờ đây ta thấy được cái ý niệm cho phép Chklovski thống nhất 6 trường hợp riêng biệt thành một “công thức”: đó chính là sự biến đổi. Trường đoạn hàm chứa sự tồn tại của hai tình thế tách biệt, mà mỗi một cái lại được miêu tả bằng một số lượng rất ít các mệnh đề; ít nhất giữa một mệnh đề về mỗi tình huống nhất định phải có một mối liên hệ biến đổi. Quả là chúng ta có thể nhận ra những nhóm biến đổi được phát lộ từ trước. Trong trường hợp (1), khi liên quan tới một biến đổi về quy ước: khẳng định – phủ định; trường hợp (2), khi biến đổi về giả thiết: dự ngôn – biến thành hiện thực; trường hợp (3), (4) và (5), liên quan tới biến đổi về nhận thức: sự hiểu lầm hoặc sai lầm được thay thế bằng hiểu biết đúng đắn; trường hợp (6) cuối cùng, ta đang liên quan tới một biến đổi về cách thức: mạnh hoặc yếu hơn. Tôi xin nói thêm rằng cũng có những chuyện kể mà biến đổi bằng số không: ở những truyện này mọi cố gắng thay đổi tình thế trước đó đều thất bại (tuy nhiên sự hiện diện của nó đủ để ta có thể nói đến trường đoạn và truyện kể).

Một công thức như vậy hiển nhiên là tổng quát: công dụng của nó là để tạo nên một cái khung cho việc nghiên cứu mọi truyện kể. Nó giúp ta thống nhất mọi truyện kể, mà không phải là để phân biệt chúng; để tiến hành nhiệm vụ sau, ta cần kê biên mục lục những cách thức khác nhau mà truyện kể thường có để điều hòa công thức ấy. Không đi sâu vào chi tiết ta chỉ nêu lên rằng sự khu biệt này tiến hành theo hai cách: cộng thêm và chia nhỏ thêm nữa. Trên bình diện chức năng, cũng chính cái sự đối lập này tương ứng với những mệnh đề tùy tiện hoặc cưỡng bức : ở trường hợp thứ nhất, mệnh đề có thể xuất hiện hoặc không; trường hợp thứ hai, một trong những mệnh đề cưỡng bức chí ít phải nằm trong trường đoạn. Hiển nhiên là bản chất của chính sự biến đổi đã khu biệt kiểu loại của trường đoạn.

Cuối cùng người ta có thể tự hỏi xem quan niệm về biến đổi là một thuật miêu tả, giả tạo thuần túy hay nó có thể cho phép ta hiểu bản chất của truyện kể một cách thực chất hơn. Tôi nghiêng về câu trả lời thứ hai; đây là lý do. Truyện kể cấu thành trong độ căng giữa hai phạm trù hình thức, sự khác biệt và sự giống nhau; sự hiện diện đột xuất của một trong hai nét đó dẫn đến một kiểu diễn ngôn không phải là truyện kể. Nếu những vị từ không thay đổi, chúng ta đã ở bên lề truyện kể, và nằm trong sự bất động của hiện tượng lặp lại; nhưng nếu chúng không giống nhau, chúng ta vượt ra ngoài truyện kể, rơi vào một phóng sự lý tưởng, xây dựng toàn bằng những sự khác biệt. Chỉ có mối liên hệ giữa các sự việc kế tiếp chưa làm nên một truyện kể: Cần phải có những sự việc được tổ chức, có nghĩa là, xét tới cùng, chúng có những yếu tố chung. Nhưng nếu tất cả mọi yếu tố đều có tính chất chung, sẽ không còn truyện kể bởi không còn gì để mà kể nữa. Vậy mà sự biến đổi lại biểu hiện chính sự tổng hợp giữa khác biệt và tương đồng, nó nối hai sự việc trong khi hai sự việc này lại không thể in hệt nhau. Thay vì “một đơn vị hai mặt” nó là một sự vận hành mang nghĩa kép: nó vừa khẳng định sự giống nhau lẫn khác nhau; nó khởi động và làm ngưng đọng thời gian, trong cùng một động thái; nó cho phép diễn ngôn đạt được một ý nghĩa mà vẫn không trở thành thông báo thuần túy; nói vắn tắt: nó khiến cho truyện kể có thể diễn ra và cung cấp cho ta bản thân định nghĩa về truyện kể.

Đặng Anh Đào dịch

Chú thích

[1] Nguyên văn: mode indicatif (chú thích của Đặng Anh Đào)

[2] Trong tiếng Pháp, héros có thể cũng có nghĩa là “nhân vật chính” (chú thích của Đ.A.Đ).

[3] Câu dịch sang tiếng Việt phải biến động từ thứ hai thành danh từ vì ta không chấp nhận hai động từ này đi liền nhau. Bởi vậy, nó không truyền đạt được ý trong câu tiếng Pháp: hai động từ có quan hệ “biến đổi”, liên kết và xếp liền nhau “đạt được phạm tội” (chú thích của Đặng Anh Đào).

[4] Ở đây giữ nguyên dạng tiếng Pháp (Chú thích của Đặng Anh Đào)
[5] Nguyên văn: trans – formes (tách rời hai âm tiết của từ trans formes (có nghĩa biến đổi) nhưng nếu tách riêng, có nghĩa: sang bên kia – dạng thái. Người dịch không thể dịch cách chơi chữ ở đây.

Công trình được trích dẫn:

R.Barthes, và …, Thi pháp truyện kể,Paris, Seul, 1977

C. Bredmond, Lôgic của truyện kể, Paris, Seul, 1973

A.J.Gremas, Ngữ nghĩa cấu trúc, Paris, Larousse, 1966

Cl. Lévi – Strauss, “Cấu trúc và hình thức”, Nhân chủng học cấu trúc, Paris, Plon, 1973

V.Propp, Hình thái học truyện cổ,Paris, Seul, 1970

“Lý thuyết về văn học”, Văn bản của các nhà Hình thức chủ nghĩa Nga,Paris, Seul, 1965

Nguồn: Tzvetan Todorov. Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), H. : Đại học Sư phạm, 2008