NHỚ NHẠC SĨ TRẦN HOÀN


NHỚ NHẠC SĨ TRẦN HOÀN

VÀ BÀI THƠ PHỔ NHẠC

 

LÊ KHÁNH MAI

 

Lê Khánh Mai với Nhạc sĩ Trần Hoàn trong buổi tọa đàm

Là một người làm công tác văn học nghệ thuật ở một Hội địa phương, tôi

may mắn được gặp Nhạc sĩ Trần Hoàn vào các dịp Hội nghị tập huấn về công tác Hội và Báo chí văn nghệ hàng năm. Từng giữ nhiều trọng trách ở Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Bộ Văn hoá Thông tin, và Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc LH các Hội VHNT Việt Nam lại là một nhạc sĩ tài danh với nhiều ca khúc sống mãi với thời gian nhưng Nhạc sĩ Trần Hoàn vô cùng giản dị. Ông gần gũi, quan tâm, dành cho anh em văn nghệ sĩ những tình cảm ấm áp. Đến bất kỳ địa phương nào ông cũng tìm hiểu xem Hội Văn  nghệ hoạt động ra sao? Có khó khăn gì? Tâm tư nguyện vọng của anh em như thế nào?… Ông khuyên chúng tôi phải kiên trì khéo léo tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo tỉnh, đừng kêu ca đòi hỏi nhiều mà hãy chứng minh bằng những việc mình làm. Với tôi, một người mới tham gia lãnh đạo Hội Văn nghệ, đây là một bài học thấm thía.

          Năm 2001 Nhạc sĩ Trần Hoàn về dự Đại hội VHNT tỉnh Đắc Lắc. Được lời mời của Hội bạn, tôi cùng chị Vân Hạ cũng về dự Đại hội. Nhạc sĩ Trần Hoàn lúc ấy dù tuổi cao nhưng trông ông hồng hào, khoẻ mạnh, tác phong linh hoạt. Ông xông xáo ra Bắc vào Nam, lên miền núi, xuống đồng bằng như thoi đưa mà chẳng bao giờ nét mặt ông gợn lên chút mệt mỏi. Trong tâm tưởng của tôi, hình ảnh sâu đậm nhất về Nhạc sĩ Trần Hoàn là ánh mắt tươi trẻ đầy tin yêu cuộc sống và nụ cười thật hiền. Xong Đại hội, nhà thơ Phạm Doanh và Ban chấp hành mới của Hội Văn nghệ Đắc Lắc chiêu đãi chúng tôi một ngày du lịch  Buôn Đôn. Tôi lại may mắn được ngồi bên cạnh nhạc sĩ Trần Hoàn trên một chiếc kiệu voi. Ngồi trên lưng con voi to kềnh càng có nhiều điều thú vị bởi mình có vẻ như gần với mây trời, tha hồ nhìn ngắm sông suối, núi rừng. Nhưng “lên voi” cũng có cái khổ, bởi vì cũng “xóc” chẳng kém gì đi ô tô  trên đường nhiều ổ gà. Chúng tôi vịn chặt vào kiệu mà cứ bị  dồi lên, trụt xuống, nghiêng ngả. Tôi mệt nhừ, thầm nghĩ sẽ chẳng bao giờ “lên voi” nữa. Vậy mà Nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc ấy vẫn tươi tỉnh, ông còn pha trò cho chúng tôi quên mệt. Nhà thơ Văn Công Hùng vốn hay tếu táo, ngồi ở kiệu voi đi sau, nói với Nhạc sĩ Trần hoàn: “Trông bác rất là hoành tráng”. Ông lại cười thật hiền.

          Tháng 8 năm 2002, Hội nghị tập huấn công tác Hội Văn nghệ địa phương mở tại Cần Thơ. Nhạc sĩ Trần Hoàn chủ trì  Hội nghị. Ông đã phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, không chỉ  về quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng ta trong tình hình mới, mà truyền đạt cho chúng tôi những kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu. Đêm giao lưu thơ, nhạc, đờn ca tài tử được tổ chức trên con thuyền to lướt trên dòng sông Hậu. Nhiều ca khúc của ông đã được  các ca sĩ thể hiện và trong không khí văn nghệ ấm cúng tình nghĩa, Nhạc sĩ Trần Hoàn đã bộc bạch những nỗi niềm riêng tư, đằng sau những ca khúc nổi tiếng ấy. Chúng tôi cảm nhận được ở ông một cốt cách nghệ sĩ trí thức, một chiến sĩ cách mạng trở thành  nghệ sĩ của nhân dân. Điều đó lý giải vì sao âm nhạc Trần Hoàn có sức chinh phục mạnh mẽ đối với mọi lớp người.

          Đầu năm 2003 Khánh Hoà rộn rịp chuẩn bị kỷ niệm “Khánh Hoà 350 năm”. Hội VHNT Khánh Hoà mời Nhạc sĩ Trần Hoàn tham gia sáng tác ca khúc về vùng đất này. Ông từ Hà Nội vào Nha Trang. Hôm ấy tôi và nhà văn Cao Duy thảo đang bận túi bụi tại phòng triển lãm ảnh nghệ thuật, phải cử anh Chánh Văn phòng Hội ra sân bay đón Nhạc sĩ Trần Hoàn. Từ sân bay ông đến thẳng phòng triển lãm, chăm chú xem từng bức ảnh và khen ngợi đội ngũ nhiếp ảnh Khánh Hoà có trình độ nghệ thuật cao. Sau đó ông tận dụng thời gian đi thăm các danh lam thắng cảnh, đến các cơ sở sản xuất, các vùng quê để có thêm cảm hứng. Chỉ trong 5 ngày, Nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác được 5 bài hát về Khánh Hoà.

          Tôi có một kỷ niệm nho nhỏ với Nhạc sĩ Trần Hoàn. Với tôi đó là một kỷ niệm rất thiêng liêng. Hôm ông vào Nha Trang tôi tặng ông tập thơ “Cổ tích xanh” của tôi. Ngay chiều hôm ấy Nhạc sĩ Trần Hoàn gọi điện đến văn phòng Hội Văn nghệ báo cho tôi biết ông đã phổ nhạc bài thơ “Nghĩ bên biển” của tôi và ông rất ưng ý. Tôi mừng không tả xiết. Nhân dịp này Hội VHNT phối hợp với Trung tâm Văn hoá tổ chức buổi toạ đàm với Nhạc sĩ Trần Hoàn. Đông đảo văn nghệ sĩ của tỉnh và công chúng yêu âm nhạc Trần Hoàn đã đến dự. Có lẽ vì lòng ngưỡng mộ Nhạc sĩ Trần Hoàn, nay  được gặp mặt nên anh chị em văn nghệ sĩ rất xúc động, đặc biệt là các ca sĩ, ai cũng thể hiện thành công những ca khúc của ông. Cuối chương trình nhạc sĩ Trần Hoàn đã tự trình bày  ca khúc mới nhất của ông. Đó là ca khúc “Vì sao”  (phổ nhạc bài thơ “Nghĩ bên biển” của tôi). Giây phút ấy tôi là người hạnh phúc nhất, vinh dự nhất. Tôi kính cẩn ngưỡng vọng ông, lắng từng lời

hát của ông. Suốt đời tôi không thể quên hình ảnh Nhạc sĩ Trần Hoàn hôm ấy với đôi môi tươi tắn, ánh mắt say sưa và giọng hát trầm ấm. Ông hát về biển của quê hương tôi, biển của tình yêu.

          Giờ đây Nhạc sĩ Trần Hoàn đã đi xa. Nơi trái tim tôi nhói lên một nỗi đau, giống như nỗi đau của đứa con trước sự ra đi của một người cha. Từ Nha Trang theo chuyến tàu tốc hành ra Hà Nội, tôi kịp dâng lên hương hồn Nhạc sĩ Trần Hoàn nén hương tưởng niệm, thầm bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc  đối với ông – một người bạn lớn của văn nghệ sĩ Khánh Hoà và cả nước.

   

Hà Nội, 27-11-2003

Tạp chí Nha Trang số 99 tháng 12 năm 2003.