sao lại tổ chức ngày hội thơ Đường?

VIỆT NAM SAO LẠI TỔ CHỨC NGÀY HỘI THƠ ĐƯỜNG?

LÊ KHÁNH MAI

Mấy ngày nay nhiều nơi trên đất nước Việt Nam rậm rịch, ráo riết, rộn rực tổ chức NGÀY HỘI THƠ ĐƯỜNG. Mình vắt cả hai tay lên trán nghĩ mãi không ra vì sao người Việt Nam lại tổ chức ngày hội thơ Đường? Thắc mắc của mình bắt nguồn từ những lý do sau:

1. Thơ Đường (Đường Thi) là thơ của Trung Quốc do các nhà thơ đời Đường làm ra từ thế kỷ VII – X (618 – 907). Phải công nhận là nó hay, trở thành tinh hoa văn hóa và có ảnh hưởng đến nền thơ của nhiều nước trong khu vực. Thế nhưng có thấy nước nào tổ chức hội hè gì đâu mà nước mình cứ nhăm nhăm “đến hẹn lại lên” hội thơ Đường?

2. Vẫn biết thể thơ Đường luật đã được các thi nhân tiền bối Việt Nam vận dụng sáng tạo, làm nên nền thi ca cổ điển với nhiều thành tựu, trở thành di sản văn hóa của nước nhà, nhưng lịch sử phát triển của nền thơ Việt Nam đâu chỉ học tập Đường thi, mà chính sự học tập sáng tạo thể thơ sonnet của phương Tây của các thi sĩ đầu thế kỷ XX: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… đã đem lại cho nền thơ Việt Nam một gương mặt mới, một sức sống mới. Nhưng nước ta cũng chưa bao giờ thấy cần thiết phải tổ chức ngày hội thơ sonnet.

3. Hiện vẫn còn một bộ phận người Việt Nam yêu thích và viết theo thể thơ đường luật, đó là quyền tự do sáng tác. Lối thơ xướng họa đang khá thịnh hành trong các câu lạc bộ thơ, nhất là đối với những người làm thơ cao tuổi. Âu cũng là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần. Nhưng có khi nào các vị tự hỏi, ai là người khởi xướng cái ngày hội thơ Đường và với mục đích gì?

4. Là người Việt Nam, tôi yêu thơ lục bát, một thể thơ truyền thống mang hồn cốt và tâm thức Việt Nam, đã và đang tồn tại trong nền thơ ca dân tộc với một sức sống mãnh liệt. Tôi luôn tự hỏi: Vì sao người Việt Nam lại tổ chức ngày Hội thơ Đường? Đến bao giờ Việt Nam chính thức có NGÀY HỘI THƠ LỤC BÁT???

       Tháng 3 năm 2013