LÊ KHÁNH MAI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TẠP CHÍ NHÀ VĂN

 

 

PV: Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với mục đích tôn vinh thơ, Nhà thơ và công chúng yêu thơ. Theo Nhà thơ vai trò trọng yếu của thơ ca và Nhà thơ trong cuộc sống hôm nay như thế nào?

 

Nhà thơ LÊ KHÁNH MAI: Thanh lọc tâm hồn con người, làm giàu, làm đẹp ngôn ngữ dân tộc là vai trò trọng yếu và muôn thuở của thơ ca. Trong cuộc sống hôm nay thơ ca vẫn tiếp tục phát huy vai trò đó nhưng tích cực và đa dạng hơn. Thơ chưng cất, tinh lọc hiện thực cuộc sống làm nên cái phần tinh túy nhất của cảm xúc, cái đẹp, tình yêu, khát vọng; là nước mắt, tiếng kêu, lời tự thú, sự cứu rỗi, niềm ẩn ức, sự ký thác, ánh sáng trí tuệ và đời sống tâm linh…Thơ hàm chứa những trạng thái tinh thần, hình thành những giá trị nhân văn. Thơ thực chất là văn hóa, một thứ văn hóa tầng sâu vô cùng tinh tế và nhạy cảm, góp phần xây dựng nền tảng xã hội, bồi đắp và tăng cường nội lực, giúp con người vươn tới những mục đích tốt đẹp.

          Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay con người không tránh khỏi mệt mỏi vì tiêu hao não lực, đó là nguy cơ đưa đến sự xơ cứng tâm hồn. Thơ sẽ tạo ra những khoảng lặng cần thiết, giúp con người bớt đi những căng thẳng, xung động, bất ổn, lấy lại thăng bằng, tự điều chỉnh, thanh lọc để sống có ích, sống chất lượng hơn.

Với vai trò đó thơ không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ giao tiếp thông thường mà phải bằng ngôn ngữ giàu tín hiệu thẩm mỹ, nhiều hình tượng, nhiều dư vang, mới mẻ, lạ lùng, đôi khi nhòe mờ, quái đản, nhưng lại có ma lực làm ngạc nhiên, đắm say và tỉnh thức con người.

Bằng lao động ngôn từ và ý thức nghệ thuật, nhà thơ là người tạo dựng và vun đắp nền văn hóa dân tộc. Thơ vốn xuất phát từ tình cảm, từ sự trải nghiệm của cá nhân nhà thơ nhưng hướng đến con người và xã hội. Nhà thơ có thể đại tự sự hay tiểu tự sự nhưng nhất thiết phải là tiếng nói của lương tâm, bắt rễ sâu xa trong linh hồn, tâm thức Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sang trọng và cao quý của bạn đọc.

 

PV: Nhà thơ có suy nghĩ gì về thơ và công chúng yêu thơ hôm nay?

 

Nhà thơ LÊ KHÁNH MAI: Thơ hôm nay, đặc biệt là trong thập niên đầu thế kỷ XXI, đang chuyển dịch không ngừng, mạnh mẽ và đột biến. Quan niệm về thơ, về sáng tạo thơ được mở rộng, đổi mới, tạo cho nền thơ một năng lượng dồi dào. Thơ hôm nay đang thay hình đổi dạng, đa thanh, đa giọng và đang tìm cách vượt thoát khỏi những khuôn mẫu xơ cứng, những quy tắc gò bó, dần đoạn tuyệt với thói bảo thủ, hời hợt, dễ dãi, ngây thơ trong cảm xúc và cách thể hiện. Sự tỉnh táo của lý trí và năng lực tư duy của nhà thơ đã đem đến cho thơ nhiều giá trị mới. Cả những tìm tòi thể nghiệm dù chưa hứa hẹn thành công cũng đáng quý vì nó chứng tỏ sự từ chối quyết liệt những lối mòn. Vì sự tồn sinh, thơ không thể không đổi mới và đó cũng  là quy luật chung của sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên dù đổi mới thế nào vẫn không được làm mất đi cái gốc văn hóa, cái hồn cốt Việt Nam.

Có thể nói rằng người Việt Nam giành cho thơ một tình yêu bền bỉ và thiêng liêng liêng. Đó là niềm vinh hạnh cho các thế hệ nhà thơ. Nhưng giữa tình yêu thơ với việc thưởng thức, thẩm định thơ lại là chuyện khác. Công chúng của thơ hôm nay rất đa kênh, đa hệ. Theo tôi, có hai loại chủ yếu: Loại tiếp nhận thơ theo kiểu truyền thống và loại kia theo kiểu hiện đại. Công chúng tiếp nhận thơ theo kiểu truyền thống vẫn chung thủy với quan niệm cũ về thơ, như: thơ phải có nội dung rõ ràng, dễ nhớ, dễ thuộc, có vần điệu hiền lành du dương, trữ tình, có tính truyện…Và họ từ chối tiếp nhận thơ cách tân. Loại công chúng này vẫn đang chiếm số đông. Loại công chúng tiếp nhận thơ theo kiểu hiện đại tích cực, chủ động hơn. Đến với thơ, họ không dừng lại ở việc hiểu nội dung, thỏa mãn cảm xúc mà có ý thức khám phá cái mới nhất là về phương thức biểu đạt và nghệ thuật ngôn từ. Họ không bằng lòng với âm điệu nhàm chán, hình ảnh sáo mòn, ý tình nông nhạt, tính mục đích lộ liễu…Họ vừa là người đọc vừa là người sáng tạo thứ hai. Loại công chúng hiện đại có tác động thúc đẩy nền thơ phát triển. Tiếc rằng loại công chúng này hiện nay chưa nhiều.

Thơ đang đứng trước một thực trạng đáng buồn, đó là khoảng cách giữa thơ và công chúng càng ngày càng xa. Bạn đọc không còn mặn mà với thơ như xưa, thậm chí còn ghẻ lạnh. Bên cạnh những lý do khách quan, như: sự lên ngôi của những giá trị vật chất, nhịp sống hiện đại xóa mất không gian tĩnh lặng trong tâm hồn, sự bùng nổ thông tin và văn hóa mạng, kể cả những cái không phải là thơ nhưng “mạo danh” thơ đang tràn lan… thì cũng có lý do chủ quan từ thơ. Phải chăng những tìm tòi đổi mới của thơ hôm nay chưa đủ sức thuyết phục người đọc,  vì sự đổi mới ấy mới chỉ ở hình thức, ở cái vỏ vật chất. Thơ vẫn chưa nói lên được tâm thế của con người Việt Nam hôm nay. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thơ vẫn phải đi về phía trước và không được phép dậm chân tại chỗ.

Xin cám ơn Tạp chí Nhà văn đã cho phép tôi được nói lên những cảm nghĩ thành thực của mình.