LÊ KHÁNH MAI LẮNG VỀ PHÍA MẠCH NGẦM


LÊ KHÁNH MAI LẮNG VỀ PHÍA MẠCH NGẦM

 

NGUYÊN AN

 

 

Lê Khánh Mai, tác giả của tập tiểu luận phê bình “Vọng âm của mạch ngầm” – NXB Hội Nhà văn 2009, vốn là một thạc sĩ văn học, cô giáo dạy văn có thâm niên 15 năm đứng trên bục giảng, sau đó chị chuyển sang làm biên tập sách văn nghệ tại một nhà xuất bản. Không biết chị làm thơ từ lúc nào, chỉ biết là với cái vốn khá phong phú ấy, chị bước vào làng văn Khánh Hòa, làng thơ miền Trung, rồi tham gia vào diễn đàn văn nghệ cả nước vài chục năm nay một cách tự nhiên như không thể khác, trên cả hai cương vị là người sáng tác và người lãnh đạo một Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Tỉnh ấy, là Khánh Hòa, có thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh văn vật, đặc biệt, là có các nhà văn nhà thơ nổi danh như Giang Nam, Đào Xuân Qúy, Võ Hồng, Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo…và những nhà thơ, nhà văn lớp sau đang viết khỏe như Qúy Thể, Trần Chấn Uy, Trần Vạn Giã, Hoàng Nhật Tuyên, Nguyễn Minh Ngọc, Vân Hạ,  Hà Nam Tiến, Tạ Hùng Việt, Hồng Thị Vinh, Quốc Sinh…

Ai đó nói: Kỹ lưỡng nhất là dân văn nghệ sỹ, dễ bỏ qua cho nhau nhất cũng là dân sáng tác thơ văn… Chả biết đúng sai đến mức nào, nếu cứ nhớ rằng Lê Khánh Mai được những nhà văn nhà thơ trên tín nhiệm, thế cũng là “oách” lắm rồi.

Đọc tập “Vọng âm của mạch ngầm” ta thấy có mấy con người trong một Lê Khánh Mai, mà đậm hơn cả, là một con người của bạn bè văn nghệ am tường và thân tình, nghiêm trang và chan hòa. Làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, mà gốc gác và đồng thời, là một nhà thơ, thì hay được phỏng vấn nhân dịp này nọ là đương nhiên. Thực tế cho thấy là người hỏi thường chuẩn bị kĩ, còn người trả lời trực tiếp thì ai cũng muốn nói sao cho thật đúng ý mình, lại hay nữa. Nhưng nào có dễ dàng gì. Lần ấy phóng viên Đài Truyền hình Khánh Hòa hỏi chị đủ chuyện làng thơ văn, từ Vì sao đời sống thơ trẻ tỉnh Khánh Hòa thời gian qua vẫn cứ “làng nhàng”? đến các thực trạng ngổn ngang bất lực, ngổn ngang trách móc, ngổn ngang hoài niệm… và trách nhiệm của các nhà thơ lớp trước đối với thơ trẻ…, rồi cả việc cần chuẩn bị đầy đủ bản lĩnh cho nhà thơ trẻ ra sao… nghĩa là toàn những chuyện quan thiết mà dễ sa vào kể lể lan man hoặc ban bảo tẻ nhạt. Lê Khánh Mai đã không thế. Bỗng như tự nhiên, phóng viên buông một câu: Theo nhà thơ, thế nào là một bài thơ hay? Lê Khánh Mai điềm nhiên và sôi nổi ngay:

“Câu hỏi này sẽ không bao giờ có câu trả lời duy nhất…Nhưng dù sao tôi cũng có thể nói vài điều: Ngoài những tiêu chí truyền thống như ý thơ, tình thơ, tứ thơ, nhạc thơ thì tôi thấy thơ hôm nay cần có chất liệu của đời sống, có tri thức và tư duy hiện đại, có ý tưởng mới lạ, có lối diễn đạt thiên về trực giác và nó chứng tỏ sự khổ công trong lao động ngôn từ”.

Dường như người làm thơ nào (và cả nhà phê bình thơ nào) cũng có sẵn một chùm quan niệm về thơ hay, nhưng trả lời ngay, nói cho nhanh, gọn và rõ, lại đủ hiểu và dễ hình dung… thì không phải ai cũng thực hiện được. Từ lâu Lê Khánh Mai hết lòng với thơ, chị không chỉ sáng tác bằng xúc cảm dạt dào, đột khởi trực tiếp, mà bằng cả một quá trình cân nhắc, lựa chọn, chỉnh sửa… Sự rèn luyện và quá trình nghiền ngẫm về lao động sáng tạo của một nhà thơ thật lâu dài đã giúp chị có được cách trình bày chắc chắn mà không thắt buộc như vậy. Chị từng nói lên suy nghĩ về nghề văn trong cuốn sách “ Nhà văn Việt Nam hiện đại” như sau: “ Chọn nghề văn, được đào tạo nghề văn, suốt đời chỉ làm duy nhất nghề văn, tôi thấm thía đến tận cùng nỗi khổ ải và niềm hạnh phúc của nghề này. Yêu con người, trách niệm cao, lao động kiệt  lực và dấn thân như bị giời đày là phẩm chất tự thân của nhà văn. Đôi khi tôi cảm nhận một sức mạnh quyền năng vô hình nào đó mách bảo và điều khiển ngòi bút của mình như là định mệnh”

Tập sách “Vọng âm của mạch ngầm” dày ngót 230 trang in, gồm 34 bài, có thể thấy trong đó có hai mảng lớn là: 1/ Văn học Khánh Hòa – những vấn đề chung và một số tác giả, tác phẩm cụ thể thời nay và về tục ngữ, ca dao, truyện cổ Khánh Hòa xưa; 2/ Một số vấn đề thời sự và then chốt của đời sống văn chương cả nước gần đây và giá trị, đặc sắc của mấy áng thơ Việt Nam thế kỷ XX đã bắt đầu đi vào cổ điển. Diện quan tâm và nội dung trao đổi của tập sách như thế là rất rộng lớn. Và đáng nói hơn nữa là: Tất cả các chuyện lớn nhỏ ấy, đều được tác giả nói/ viết ra trong khoảng dăm bảy năm gần đây, là khoảng thời gian Lê Khánh Mai bận rộn nhất, với cương vị của người đứng đầu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; lao động của một nhà thơ và đảm trách gánh nặng của một gia đình khi chồng đã đi xa. Chị có một sức làm việc đáng nể. Tôi không chỉ cho rằng như thế là chị đã vượt qua, vượt lên và biết khu xử, biết sắp xếp mọi sự thật, mà với chị,  khi đã có một tình yêu vô tư với văn chương, một trách nhiệm đến cùng trong các quan hệ riêng chung… thì đời và bạn, trời và đất sẽ giúp ta minh mẫn hơn, khoẻ khoắn hơn.

Lê Khánh Mai là một nhà thơ trưởng thành từ một vùng quê giàu truyền thống văn hoá, văn chương. Từ cái nền chung của quê hương và học vấn cơ bản của riêng mình, chị đã tự nhiên và vững vàng khi tiếp cận với văn học cả nước. Kiến giải của chị nhờ thế, đã có tính khái quát. Chẳng hạn, khi bàn về Nhà văn với đời sống hôm nay, chị viết: “Đời sống mãi là một kho tàng vô giá, là chất liệu văn chương không bao giờ vơi cạn. Nhà văn dù thuộc tầng lớp nào, trong họ cũng có hai con người: con người  sáng tạo và con người xã hội. Hai con người này khi phân thân, khi hòa nhập luôn bổ sung làm phong phú cho nhau. Năng lực quan sát, tư duy, chiêm nghiệm,  phản biện đời sống và tư tưởng nghệ thuật là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tác phẩm, và là căn cứ quan trọng để nhìn nhận chân tài nhà văn…

… Nhà văn có thể bị ám ảnh bởi những dư chấn của quá khứ, nhưng khi sáng tạo, quá khứ ấy phải được soi rọi bằng cái nhìn mới, bằng tấm lòng của con người hôm nay và cả dự cảm tương lai”.

Một lần khác, khi bàn về giọng điệu trong văn chương, cũng là một vấn đề có ý nghĩa muôn đời của lao động nhà văn, tác giả của tập tiểu luận phê bình này cho rằng: “Hiện ra như một yếu tố phong cách, nơi in đậm dấu ấn sáng tạo, bằng chứng tài năng của người nghệ sĩ, giọng điệu giữ vai trò chủ yếu trong nghệ thuật ngôn từ…Phấn đấu trên lĩnh vực ngôn từ là một cuộc vật lộn âm thầm gian khổ, đổ mồ hôi sôi nước mắt, bền bỉ, kiên nhẫn, hạnh phúc nhất mà cũng cô độc nhất”.

Người có kiến thức mà ít trải nghiệm trong nghề viết, đọc qua mấy dòng này dễ cho là không có gì mới lắm. Tôi làm trắc nghiệm nhỏ với một số nhà thơ, họ bảo: Viết như Lê Khánh Mai là quá đúng, và họ chịu, vì cho rằng “Lê Khánh Mai là người của thơ ca…”.

Có nhiều bài tiểu luận trong tập “Vọng âm của mạch ngầm” này được viết theo đặt hàng, nên tác giả chưa nói hết, chưa luận giải biện thuyết cho ngọn ngành được. Những ý kiến này trước khi đến với chúng ta, nó đã được bạn đọc và bạn nghe đài ở Khánh Hòa, Phú Yên và cả một giải miền Trung chú ý tìm đọc, lắng nghe và bàn thêm. Từ đòi hỏi của đời sống văn học, từ thực tiễn viết và kiểm nghiệm của riêng mình, Lê Khánh Mai tham gia luận bàn văn chương. Chu trình sinh thành, ra đi và trở về của các ý kiến của Lê Khánh Mai như thế là khép kín trong thực tiễn một vùng, có ích lợi cho một vùng, và khi in ra cho nhiều người cùng tham khảo, thì nó đã có ý nghĩa rộng lớn hơn, bạn bè văn chương văn nghệ cả nước đều có thể tìm thấy ở đấy một số điều tâm đắc, một vài khuyến nghị hay.

Bên cạnh những luận bàn chung về văn học, về con đường sáng tạo của một nhà thơ, tập “Vọng âm của mạch ngầm” còn có nhiều bài phân tích, bình giá các tác giả, tác phẩm cụ thể. Quan sát diễn đàn văn nghệ lâu nay chúng ta thấy có hiện tượng: Đụng đến cụ thể, cũng gặp cái thú vị và khó khăn riêng, có hăm hở nhiệt thành, cũng có ngại ngùng né tránh. Lê Khánh Mai có nhiệt tình mà vẫn chừng mực, kiệm lời, và quả thực, chị không né tránh. Các thi phẩm đã được nhiều người bình giá như “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Tràng giang” của Huy Cận, “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi,

“Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải… đã được chị, bằng cái cách của riêng mình, thích ứng với mình mà bình giải một lần nữa. ở các bài viết có dáng dấp tiểu giảng văn này, chị chú trọng phân tích, so sánh cách dùng từ, ngắt nhịp, chuyển đoạn chuyển ý thơ để chỉ ra tâm trạng cảm xúc và tài nghệ của nhà thơ. Phải nhận rằng nếu không phải là người sáng tác sành sỏi, thì khó mà đồng cảm xúc, đồng sáng tạo một lần nữa khi đến với những bài thơ hay như thế được.

Không chỉ trân trọng các danh tác, từ lâu, Lê Khánh Mai cũng có nhiều ưu ái với “Diện mạo thơ trẻ Khánh Hòa” hay “Truyện ngắn của Vân Hạ…”. Chị cũng đọc kĩ tác phẩm của Tạ Hùng Việt, Hà Nam Tiến, Lê Mai, Hồng Thị Vinh, Lê Thị Thanh Vân, Quốc Sinh, Tô Hằng Thanh… với sự trân trọng bạn bè, rồi từ những lời dẫn giải, phân tích, chị đã giúp bạn đọc gần xa nhận ra đôi ba đặc điểm của một số cây bút ở Khánh Hòa, như Vân Hạ, có một “cõi nhân gian bé tí” để nên duyên truyện ngắn, Hà Nam Tiến “giọng thơ trữ tình thế sự”, Tạ Hùng Việt thì “xộc xệch nỗi đam mê”… Như thế, mặc nhiên, chị đã đưa ra một vài gợi ý cho các tác giả, để họ xem là từ nay, mình cần và có thể viết tiếp ra sao. Có lẽ đó là công lao của Lê Khánh Mai với anh em, phải không? Đến đây, tôi chợt nhớ ra là hình như nhiều năm qua, ít có vị Chủ tịch Hội Văn nghệ làm được việc giới thiệu phong trào địa phương mình trên sách báo như thế này.

Hiện đã và đang có một số nhà sáng tác tham gia viết tiểu luận phê bình văn chương, họ đã góp phần làm cho diễn đàn văn học Việt Nam thêm sôi động. Đọc Lê Khánh Mai với tập “Vọng âm của mạch ngầm” chúng ta có lí do để tin cậy lực lượng phê bình tiểu luận này hơn nữa.