Hoàng hôn trắng- Lê Khánh Mai (chương I)

HOÀNG HÔN TRẮNG

Tiểu thuyết của LÊ KHÁNH MAI

Bạn đọc thân mến!

HOÀNG HÔN TRẮNG – Tiểu thuyết của Lê Khánh Mai – NXB Khánh Hòa 1992, đi vào đời sống đến nay vừa tròn 20 năm. Là người vật vã sinh ra nó và gửi gắm bao tâm huyết với đời, với nghề dạy học, với học sinh thân yêu, Lê Khánh Mai luôn tự hỏi: Liệu cuốn tiểu thuyết có còn chút giá trị nào không? Tuy nhiên tác giả không thể tự trả lời câu hỏi nhức nhối ấy và mong tìm được sự đồng cảm từ bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nhận định về tiểu thuyết Hoàng hôn trắng như sau:  “Đây là cuốn sách hiếm hoi viết về giáo dục thời kỳ tiền đổi mới, vùng đất quen thuộc của tác giả. Do  những khó khăn chồng chất sau chiến tranh cùng với việc kéo dài quá lâu cơ chế quan liêu bao cấp cho nên nhiều giá trị trong cuộc sống đã bị hoán đổi. Nhà trường và người thầy dường như bị mất đi vẻ đẹp thiêng liêng trong ý thức và tình cảm xã hội. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy vẫn có những nhà giáo đứng vững trên bục giảng, thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước. Cái chết của một cô giáo và đám tang đi trong hoàng hôn với trang phục trắng của học trò mang một ý nghĩa thức tỉnh. Từng là một nhà giáo, ngòi bút của Lê Khánh Mai đã có được những trang viết chân thật, cảm động…” (Bài Lê Khánh Mai – Thơ và đời – Tạp chí Nha Trang số tháng 3/2003)      

          Hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, Lê Khánh Mai trân trọng giới thiệu lần lượt toàn bộ 11 chương tiểu thuyết Hoàng hôn trắng. Mong bạn đọc nhận nơi Lê Khánh Mai tấm lòng thành thật tri ân, bởi giữa tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại, bạn vẫn giành đôi chút thời gian quý báu cho cuốn sách này.

Lê Khánh Mai

alt

Tiểu thuyết Hoàng hôn trắng, xuất bản năm 1992

CHƯƠNG I

Trước cửa phòng khám sản ở một bệnh viện ngoại ô có đến hơn chục người phụ nữ ngồi chờ. Họ thuộc những lứa tuổi khác nhau, nét mặt gợi những ấn tượng khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ tất cả đều đang mang trong mình một hình nhân, một sự sống thứ hai, ngoài sự sống của chính họ. Họ đến khám thai, chuẩn bị cho một cuộc vượt cạn, hoặc nạo thai.

Không có cái ồn ã sinh động vốn ở nữ giới. Người nào người nấy khắc khổ và cam chịu, mệt mỏi và vui mừng, chán chường và hy vọng. Họ mang tâm trạng “biết lỗi” vì đã “ăn” trái cấm và sẵn lòng nhận hình phạt của Chúa trời. Trong số đó có một cô sinh viên khoa Văn, mái tóc uốn phồng lên, ôm lấy khuôn mặt tròn, phảng phất nét hồn nhiên thiếu nữ, nhưng đôi mắt thẳm sâu, thảng thốt nỗi lo âu không che giấu được.

Từ trong phòng khám hắt ra tiếng lách cách, loảng xoảng của dao kéo, dụng cụ y tế, những tiếng rên rồi bất chợt là những tiêng kêu thất thanh:

-Ái! Ối! Đau quá… đau quá…

-Mẹ ơi! Trời ơi!

Cô sinh viên toát cả mồ hôi. Bỗng cánh cửa phòng bật mở, ùa ra một tiếng gọi đanh lạnh:

-Số hai mươi ba!

Cô sinh viên run rẩy rời khỏi ghế, bước vào phòng. Hai nữ y tá mặc áo bờ lu trắng, đội mũ trắng, khẩu trang che kín mặt, chỉ chừa đôi mắt. Một cô mắt tròn to, đen láy, hai hàng mi rậm rạm một cách mát dịu và hoang dã. Cô kia mắt nhỏ, dài, vàng khô và lạnh lùng như hoang mạc. Cô mắt to chăm chú dõi theo vạch nước thuốc từ từ chạy vào xi-lanh. Cô mắt nhỏ lẩm nhẩm đọc bệnh án: Nguyễn Thị Hà Trang – sinh viên. Thai hoang. Nạo.

Quăng tờ bệnh án xuống bàn, cô ta chiếu một tia “X quang” bằng mắt vào cô sinh viên có cái tên Hà Trang, lên giọng tra vấn:

-Thai hoang hả?

-…

-Tôi hỏi, thai hoang phải không?

Hà Trang đứng trân trân. Hình như toàn bộ máu trong người cô bốc lên mặt. Cô định hét lên: “Không được lăng nhục… Đứa con của người lính đang chiến đấu ngoài mặt trận…” nhưng lưỡi cô líu lại.

Cô mắt nhỏ vẫn không buông tha:

-Các cô bây giờ sống hiện đại quá mà. Hư hỏng. Cứ đà này không biết xã hội sẽ đi đến đâu.

Chưa hả giận, cô mắt nhỏ quay sang nói với cô mắt to:

-Đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng này. Từ sáng đến giờ phải giải quyết năm cái thai hoang rồi.

Cô mắt to nói chậm rãi:

-Có thế mới ra xã hội. Chị bực tức làm gì cho nhọc xác. Nếu ai cũng giống chị, không thèm yêu, không lấy chồng, không đẻ con thì chúng ta sẽ thất nghiệp. Đến phải giải nghệ mất thôi.

Nói xong, cô mắt to chớp chớp hai hàng mi rợp mát một cách độ lượng và tinh nghịch. Cô mắt nhỏ lườm cô mắt to, vẻ trách móc, rồi lại chiếu tia “X quang” màu sa mạc vào cô sinh viên:

-Mời cô vào trong kia.

Hà Trang bước theo như cái máy. Bức ri đô trắng được kéo sang một bên, lộ ra hai dãy phòng phủ ra trắng. Vài bóng áo bờ lu trắng đi lại thấp thoáng. Cả gian phòng toát lên một màu trắng tang tóc, lạnh lẽo đến ghê rợn. Mùi cồn, mùi thuốc lẫn với mùi máu tanh lợm, nôn nao.

-Cởi  quần ra!- Cô mắt nhỏ ra lệnh.

Không tin ở tai mình, Hà Trang vẫn đứng yên. Nhưng đôi chân bủn rủn, tựa hồ trái đất đã ngừng quay, không còn sức hút các vật thể và Hà Trang chao đảo trong khoảng hư vô, trống rỗng.

-Cởi quần ra! Ơ, cái cô này.

Cái mệnh lệnh sao mà khắt khe, tàn nhẫn. Hà Trang co rúm người lại, rồi đột nhiên ôm đầu lao ra cửa. Cô chạy như một con thú bị săn đuổi, băng qua những con đường mấp mô sỏi đá, ổ gà, những dãy phố cũ kỹ, bụi mù, ầm ào tiếng động cơ ô tô, xe xích.

-Tự tử hả! Đồ điên!

Hà Trang giật bắn mình, vội vã dạt sang mép đường. Một chiếc xe tải lù lù đậu sát bên cô. Anh chàng tài xế mặt đỏ như gà chọi, thò đầu ra khỏi ca bin, quát tháo om sòm, rồi nhấn ga vọt tới. Hà Trang ngẩn ngơ trong đám bụi đỏ ngầu.

Phải. Hà Trang đã từng điên dại vì đau khổ, nhục nhã, đã từng nghĩ đến cái chết: Một liều thuốc ngủ cực mạnh, nhảy từ tầng năm ký túc xá xuống đất, lao vào đoàn tàu tốc hành… Nhưng tất cả chỉ là ý nghĩ. Một ý nghĩ lặp đi lặp lại hàng nghìn lần trong đầu. Cuối cùng, cô vẫn không chết được.

          Một buổi sáng đẹp trời, Hà Trang men theo con đường mòn dưới chân cầu Long Biên. Sông Hồng đỏ quạch, dũng mãnh. Mùa xuân. Hai bờ phù sa ăm ắp xanh. Hà Trang chọn một chỗ kín đáo để sống với riêng mình. Cô dõi theo một làn mây mỏng đang lững thững trôi, rồi tan ra, mất hút, cuối trời.

          Hãy tận hưởng những giây phút chót của cuộc đời,  rồi vĩnh viễn vùi sâu dưới lòng sông. Một cái chết giản dị, không làm phiền ai – Cô tự nhủ.

          Có nghĩa lý gì đâu một đời người. Sớm muộn gì cũng phải kết thúc. Ta đã đi qua tuổi thơ  đầy kỷ niệm nhọc nhằn và đến với một tình yêu giông bão. Còn gì hạnh phúc hơn khi ta yêu đến quên cả chính mình và được yêu mãnh liệt. Vậy có gì phải tính toán khi cần trả giá cho hạnh phúc ấy.

          Nếu không có chiến tranh, mọi chuyện trở nên đơn giản vô cùng. Lễ cưới được cử hành trong sự thán phục của bạn bè. Sau đó là những tháng ngày rất đẹp và những đứa trẻ thông minh, kháu khỉnh sẽ ra đời…

          “Thời buổi chiến tranh”, đó là câu nói cửa miệng của con người khi mà bom đạn đã thành một thứ quen thuộc, đến mức người ta không còn thời gian để suy nghĩ về sự tàn khốc của nó. Đối với Hà Trang, chiến tranh như một con diều hâu đang giang đôi cánh đen ngòm, bủa vây hạnh phúc của cô. Không biết người yêu của Hà Trang có được may mắn ở trong số những người lính trở về khi chiến tranh chấm dứt?

          Hà Trang chạnh lòng nghĩ đến những bạn gái cùng trang lứa. Họ khôn ngoan hơn cô nhiều. Có người, một thời cũng là “người yêu của lính”. Nhưng mối tình lãng mạn của họ không tồn tại được bao lâu. Chàng trai đi xa không dám hẹn ngày về, sợ làm khổ  người mình yêu, đành “tự nguyện” im lặng để cho thời gian và không gian xoá mờ tình yêu mà họ cho là không đủ sức vượt qua thử thách. Song, phần nhiều do “phái yếu”. Trái tim  các cô gái như mảnh đất cằn khô, nứt nẻ mùa hạn, đợi chờ cơn mưa rào táo bạo. Họ cần một tình yêu cụ thể và đích thực. Làm sao họ có thể bằng lòng với  một tình yêu tưởng tượng. Thế là những lá thư gửi ra mặt trận thưa dần, nhạt dần. Các cô gái lại tìm đến mối tình mới. Lần này họ chính chắn hơn. Chỉ những đứa con gái ngu ngốc mới đam mê tiếng đàn, giọng hát và ngôn ngữ giàu hình ảnh của “phái mạnh”. Cô gái từng trải, trước khi trao gửi tâm tình phải xem cái “hậu phương” của chàng trai  có vững chắc không? Bố mẹ nếu không phải là cán bộ cao cấp thì cũng có của chìm, của nổi. Sau khi cưới, cặp uyên ương phải  được sống ở thành phố, trong một căn hộ có tiện nghi xứng đáng với con người. Nghĩa là họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc sống gia đình thực thụ. Suy cho cùng họ có lý. Gia đình là bộ phận cấu thành xã hội. Nhiều gia đình hạnh phúc, xã hội càng tốt đẹp. Chỉ thương những người lính. Họ có gì đâu, ngoài cuộc sống gian khổ và hy sinh. Và thương thay cho những cô gái thuỷ chung với người lính.

          Không ganh tỵ với bạn bè, nhưng có lúc Hà Trang nuốt thầm nước mắt, khi chứng kiến hạnh phúc của họ. Những bó hoa tươi thay cho ngàn lời thủ thỉ yêu đương. Những món quà đắt tiền mừng sinh nhật. Những bữa ăn thịnh soạn, xào nấu thơm phức ngay trong phòng ở của nữ sinh. Những cuộc du lịch đầy kỷ niệm lý thú…

          Những buổi tối thứ bảy, khi mọi người bận rộn với niềm vui, kéo nhau đi hết, một mình Hà Trang nằm bẹp ở góc phòng, khắc khoải nhớ người yêu. Nỗi nhớ đớn đau và cuồng nhiệt.

          Cũng có vài lần anh lính binh nhất tranh thủ về thăm Hà Trang.  Cuộc gặp gỡ thường bất ngờ, ngắn ngủi. Nơi hò hẹn của Hà Trang không phải là con đường thanh vắng có hàng cây ướt xũng ánh trăng, mà là trận địa phòng không ngổn ngang ụ pháo. Rồi  những cuộc chia tay vất vả ở bến xe, ga tàu, buồn tê tái đến mức không còn khóc được nữa.

          Và trong lần gặp gỡ cuối cùng để người lính đi về mặt trận phía Nam, anh không ngờ mình đã gửi lại cho người yêu giọt máu thiêng liêng.

          Hà Trang ngồi một mình suy nghĩ mông lung, từ sáng sớm cho đến khi bóng chiều đổ xuống tím sẫm bờ sông. Nhìn dòng nước cuộn xoáy, hung hãn, cô xây xẩm cả mặt mày. Cô không có gan để gieo mình xuống đó. Cô tự hỏi: Sao ta phải chết? Có ai bắt ta chết đâu? Lẽ nào lại góp thêm sự bất công vào xã hội loài người? Không, ta phải sống. Chưa lúc nào ta thèm được sống như bây giờ. Nhưng muốn được yên thân, không còn cách nào khác. Đứa trẻ ra đời, không có tên cha trong giấy khai sinh, một vết nhục không rửa được sẽ ám ảnh suốt đời nó. Ý nghĩ ấy dã đẩy Hà Trang đến cái bệnh viện sản ngoại ô đáng ghét.

          Bây giờ Hà Trang đã tỉnh táo để nhận ra  rằng giải quyết như vậy thật tồi tệ. Đó là hành động nông nổi của kẻ chỉ biết yêu mình. Cái thai nhi nào có tội tình gì. Nó là bằng chứng của tình yêu, mà cô phải nâng niu, gìn giữ. Chỉ buồn không có anh ấy ở bên cạnh, để anh chia sẻ với cô niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau. Nhưng không sao. Số phận trớ trêu bao giờ cũng giành cho những ai có nghị lực.

          Hà Trang quyết định tiếp tục học để thi tốt nghiệp. Ra  trường, cô sẽ đi đến một vùng đất xa xôi. Thời gian là một phương thuốc nhiệm mầu, xoá đi những lỗi lầm tuổi trẻ. Cô sẽ dạy học và nuôi con. Phải dạy thật giỏi, đó là cách tốt nhất giúp cô tìm được chỗ đứng trong đồng loại.

          Viễn ảnh tương lai khiến Hà Trang phấn chấn. Cô rảo bước về ký túc xá, thản nhiên hoà vào cuộc sống học tập của sinh viên, như không có chuyện gì xảy ra.