HOÀNG HÔN TRẮNG (Chương XIII )

HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯONG XIII

(Tiếp theo kỳ trước)

Huệ đẩy cửa bước vào phòng Hiệu trưởng. Ông Thanh đến từ sáng sớm, trải tờ báo lên bàn, đọc. Thấy Huệ, ông chìa tờ báo, như thể ông đang chờ Huệ đến để thông báo một tin quan trọng.

-Huệ đọc báo đi. Báo Đảng số mồng tám tháng ba có bài viết về cô Hà Trang trường ta.

Huệ hơi  bất ngờ, nhưng vẫn giữ vẻ bình thản, nhấp từng ngụm nước trà, lật giở các trang báo, lướt qua tất cả các dòng tít, rồi nhẩn nha đọc cái bài mà ông Thanh đề nghị. Chốc chốc Huệ lại nhíu mày, nhếch mép, bĩu môi tỏ ý bất đồng với bài báo. Xong, Huệ ngẩng nhìn ông Thanh, nói:

-Báo chí bây giờ loạn xị cả lên. Trang nhất in ảnh hoa hậu mặc đồ lót bằng hai mảnh vải nhỏ xíu. Mục “Người tốt việc tốt” dọn đi, thay vào những bài lăng xê hết cỡ diễn viên, ca sĩ, nhà thơ, nhà văn. Thời này là thời nghệ sĩ lên ngôi. Có chút giọng hát hay, lập tức báo nọ, báo kia ca ngợi rùm beng, thế là trở thành nhân vật trung tâm. Cái hàm răng vô tổ chức của ca sĩ Hồng Nhung cũng trở thành đề tài của báo. Viết dăm ba bài thơ, chưa rõ hay dở thế nào, báo đã vội khen, thế là thành nhà thơ nổi tiếng. Cái sự nổi tiếng quá ư dễ dàng. Bao anh hùng, chiến sĩ vô danh đã lặng lẽ hy sinh vì Tổ quốc, chưa một lần được nhắc tên. Bao người lao động bình thường, âm thầm làm ra của cải vật chất, nuôi sống xã hội, nào ai biết đến. Em được nghe một chuyện khôi hài, xảy ra ở Trường Cao đẳng sư phạm trong thành phố: Một chị nhân viên tạp vụ, được giao nhiệm vụ hàng ngày là quét sân trường. Cái sân rộng mênh mông, nếu quét ban ngày sẽ ồn ào, bụi bặm, chị phải quét từ đầu đêm cho đến gần sáng mới xong. Thế mà khi bình bầu, chị vẫn không đạt danh hiệu “lao động tiên tiến” chỉ vì chị đã làm việc vào lúc tất cả mọi người ngon giấc. Đấy, các ông nhà báo có biết những chuyện như thế không. Các ông ấy có  đấu tranh cho sự thật và lẽ phải, hay lại góp phần làm lu mờ sự thật, gia tăng bất công xã hội.

Ông Thanh gật gù, thầm nghĩ, Huệ đúng là  một người sắc sảo. Chuyện gì Huệ cũng phân tích, lý giải đến đầu, đến đũa, giúp người nghe được mở mang hiểu biết. Ông nói:

-Tay phóng viên nào viết bài báo này cũng dở. Muốn đưa một điển hình lên báo, phải hỏi ý kiến cơ quan quản lý con người chứ. Ca ngợi có mức độ thôi, để người ta còn tiến bộ nữa. Ảnh cô Trang in quá to, bằng bức ảnh ông chủ tịch tỉnh đang đọc diễn văn trong hội nghị.

-Ôi dà. Cùng dân viết lách, ngồi với nhau bên ly cà phê buổi sáng, rồi khen nhau trên báo. Cái giống nghệ sĩ chết là ở chỗ đó. Suốt đời mơ màng trong cái hào quang ảo ảnh. Nếu anh quả thật có tài, sẽ vượt qua thử thách của thời gian. Và anh chỉ thực sự xứng đáng được ngợi ca khi thân xác anh đã về với cát bụi.

Lúc ấy trống điểm giờ vào tiết 1, Huệ cuộn tròn tờ báo, đứng lên:

-Hôm nay Mai Hồng thao giảng mừng ngày Phụ nữ quốc tế. Anh dự được không?

-Được.

-Con bé này lúc đầu em ngỡ nó tốt. Nhưng dần dần nó bộc lộ bản chất cơ hội, ngựa non háu đá. Rồi anh sẽ thấy con đường đi của nó dường như đã định sẵn. Từ bí thư đoàn trường, lên hiệu phó, rồi lên hiệu trưởng, rồi sẽ lên, lên mãi. Em nghe một số người phàn nàn, Mai Hồng hay tỏ vẻ ta đây là đảng viên, xem thường quần chúng, không tôn trọng những người đáng bậc cha, chú. Cô Kim thoa ở cạnh nhà Hồng cho biết, coi bé cãi nhau tay đôi với mẹ nó khi tranh luận tình hình Đông Âu. Để xem con bé dạy dỗ thế nào.

Ông Thanh theo Huệ đến một phòng học. Nhiều giáo viên đã ngồi sẵn ở hai dãy bàn cuối. Đôi mắt nhỏ, sâu, đen sậm của Huệ chiếu một tia nhìn lạnh lẽo và tàn nhẫn về phía Hà Trang. Chị ta bung tờ báo, pạch pạch phủi bụi ở băng ghế, rồi đặt luôn cả tờ báo Đảng xuống lót đít, cử chỉ ồn ào, cố trêu ngươi Hà Trang.

Tất cả đập vào mắt Trang. Tờ báo có đăng ảnh và thơ của Trang đang bị đôi mông to bành của Huệ đè lên. Buồn thật, mà cũng nực cười nữa. Chẳng lẽ Huệ không còn cách xử sự nào đỡ tổn hại đến nhân cách của mình hơn?  Đành rằng bạn đọc có quyền không đồng tình với báo, có quyền kiến nghị và phê bình báo, nhưng Trang có lỗi gì. Những bài thơ kia Trang đã viết trong những đêm trăn trở, trong sự bức bối của tâm hồn, sự hối thúc mãnh liệt của tình cảm. Câu thơ khi chưa thành, đắng nghẹn trong bữa ăn, dựng Trang dậy lúc nửa đêm. Trang làm ra thơ cũng vật vã, khó nhọc, như người nông dân đổ mồ hôi trên cánh đồng.

Huệ là giáo viên văn học, chắc thừa hiểu điều đó. Vậy Huệ bộc lộ điều gì qua hành động thô thiển ấy? Phủ nhận, hạ nhục, trả thù? Nhưng Trang có làm gì nên thù, nên oán? Rõ ràng Huệ đã tự phơi bày nỗi hiềm khích cá nhân, lòng đố kỵ nhỏ nhen, sự ganh ghét ti tiện.

Học sinh ổn định trật tự. Giờ thao giảng bắt đầu. Mai Hồng đứng trên bục gỗ, tươi trẻ trong chiếc áo dài xanh da trời, nụ cười tự tin đến háo thắng ngự trên môi.

Hồng giảng bài lưu loát, lúc trầm buồn, lúc lên cao, câu nọ nối tiếp câu kia liên tiếp, không dứt. Giống cô học trò chăm chỉ, thuộc lòng bài học.

Tạo được một phong cách dạy văn thật khó. Nó đòi hỏi kết hợp sự cao độ giữa kiến thức văn học và nhân cách của người thầy. Trang nghĩ, Mai Hồng đã rơi vào tình trạng “giảng cho mây gió”. Nghĩa là, giáo viên sử dụng ngôn ngữ rất “kêu”, và sáo, gây cảm giác trôi chảy, êm ả, xuôi tai, nhưng chẳng đọng lại trong người nghe một cái gì cả. Dần dà tạo cho học sinh thói quen biếng nhác, quan niệm  giờ học văn là giờ giải trí, thả hồn theo mây gió, không phải nghĩ ngợi.

Trang ngạc nhiên hết sức khi thấy nội dung bài giảng của Hồng hệt như trong giáo án của Trang. Hồng đã mượn giáo án của Trang, chép lại nguyên văn, không có sự đầu tư nghiên cứu gì thêm.

Ở bàn trên, Huệ khó chịu ra mặt. Thỉnh thoảng chị ta lôi tờ báo dưới mông to bành len quạt pành pạch, rồi lại lót xuống ngồi. Ấy là Huệ phản ứng với cách giảng của Mai Hồng.

Tiết học trôi qua. Học sinh đứng dậy vỗ tay thật giòn, chào các thầy cô giáo. Trên bục cao, Mai Hồng cười tươi rói.

-Cô Trang- Hồng gọi – Bây giờ cô có bận gì không?

-Không. Hôm nay không có tiết dạy, chỉ dự giờ của Hồng thôi – Trang đáp.

-Em có chuyện bàn với cô. Ta ra quán cà phê ngoài cổng trường cô nhé.

-Ừ.

Hai cô trò, chọn một góc khuất vắng trong quán cho loãng tiếng nhạc, gọi cà phê sữa.

Hồng nói:

-Hôm qua chi bộ họp, thầy Thanh bí thư có nói về tình hình phát triển Đảng trong đội ngũ trí thức, đặc biệt là trong ngành Giáo dục quá chậm. Báo chí kêu lên: đời sống giáo viên khó khăn như thế, mà họ vẫn dạy tốt thì họ xứng đáng là anh hùng. Ngay trường Đông Hải ta có hàng trăm giáo viên, mà suốt mười mấy năm sau giải phóng chỉ kết nạp được vài ba đảng viên mới. Vấn đề đặt ra cho chi bộ là phải rà soát lại số quần chúng tích cực, thì thấy, cô Châu Linh đối tượng Đảng 30 năm, thầy Đức 25 năm và cô 15 năm. Trường hợp cô Linh, thầy Đức có lẽ thôi, vì sắp về hưu. Riêng cô còn cống hiến lâu hơn. Vả lại, em nghĩ, một người giỏi chuyên môn như cô, mà chưa đứng vào hàng ngũ là một thiệt thòi cho Đảng.

Mai Hồng nhấp một ngụm cà phê rồi tiếp:

-Chi bộ nhất trí nhận xét: cô là một giáo viên có năng lực, say mê nghề nghiệp, có tình thương và trách nhiệm đối với học trò. Giảng dạy kết quả rõ rệt. Nhiều năm có học trò giỏi đạt giải quốc gia. Đó là những mặt tốt rất cơ bản. Nhưng…- Mai Hồng lại nhấp một ngụm cà phê – còn một vài hạn chế. Em nghĩ chỉ là thứ yếu. Chi bộ phân công em trao đổi lại với cô.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng lập trường quan điểm của cô chưa rõ ràng dứt khoát. Đôi lúc còn dao động.

Thứ hai, tác phong sinh hoạt tiểu tư sản ít gần gũi quần chúng. Chưa giản dị khiêm tốn.

Thứ ba, điều này chi bộ mới nghe mà chưa kết luận. Có người nói cô có quan hệ kinh tế với một số học sinh vượt biên ra nước ngoài. Em khuyên cô không nên tiếp tục. Vì từ quan hệ kinh tế chuyển sang quan hệ chính trị rất gần.

Đấy, em trao đổi với cô như vậy. Tất nhiên quá trình phấn đấu của mọi người khác nhau. Có người vào Đảng dễ như ăn cơm. Có người trầy trật mãi. Em cũng phấn đấu khổ sở lắm mới đạt được mục đích lớn lao. – Hồng nở nụ cười tự mãn, thưởng cho chính mình rồi lại nhấp một ngụm cà phê.

Cuộc sống đôi lúc đặt người ta trước tình huống bất ngờ, làm đảo lộn hết tất cả. Trước kia, khi Mai Hồng còn là học trò của Hà Trang, cô ngoan ngoãn nuốt từng lời giảng. Và, Trang đã tận tình  dạy dỗ, chỉ bảo Hồng. Còn bây giờ, ngược lại Hồng đang dìu dắt cô giáo. Hậu sinh khả uý. Trò hơn thầy cũng là lẽ thường tình. Vậy mà lúc này Trang thực sự buồn đến chua xót. Chị thấy mình đơn độc, đứng bên này con sông, còn lớp lớp học trò của chị đang sang đò, biến vào biển đời rộng lớn, rồi chúng chợt quay về sừng sững mới lạ. Chị chẳng mãi là thần tượng của chúng đâu. Chị đang già cỗi, héo hon, mai một, mờ dần cho đến khi sự sống tắt nghỉ.

Nhưng có thật là bọn trẻ bây giờ say mê lý tưởng và chúng có thể kế tục vững vàng sự nghiệp của thế hệ trước?

Phải  rất lâu. Trang mới nói:

-Cám ơn Hồng đã thiện ý với tôi trong tư cách một đảng viên giúp đỡ một quần chúng. Nếu em không nói ra những điều vừa rồi, tôi sẽ chẳng bao giờ tự biết. Mỗi người đều có quan điểm sống riêng, khi cần thiết cũng nên bộc bạch. Tôi coi Hồng như một người bạn có thể bộc bạch được. Còn em muốn thông tin lại với chi bộ thì tuỳ.

Chi bộ nhận xét tôi chưa có lập trường rõ ràng. Tôi chỉ xin nói thế này: Cha tôi là một người Cộng sản. Nếu như tôi không được như cha tôi thì tôi cũng không thể phản bội lý tưởng của người được. Tôi có tác phong tiểu tư sản, nhận xét ấy khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm thời học sinh. Dạo ấy các nữ đoàn viên đều thắt hai bím tóc gọn gàng và mang dép cao su Bình Trị Thiên cho nó “Bôn”*. Tôi đang ở thời kỳ cảm tình đoàn, học giỏi, nhưng mang guốc cao gót, tóc xoã ngang lưng. Chi đoàn nhận xét tôi “yểu điệu, tiểu tư sản” và cho tôi “thử thách” rất lâu. Lên đại học tôi mới được vào đoàn, sau chiến công cùng các sinh viên vác đá hộc, chèn đê sông Đuống trong mùa nước lũ.

Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn “tiểu tư sản” như vậy, thì có lẽ tôi không thể khác được đâu. Nhưng cái tác phong ấy có gì xấu, và nó ảnh hưởng gì đến mọi người? Em là một giáo viên văn học, chắc em hiểu, cuộc sống cần sự phong phú biết chừng nào. Chúng ta đừng hoài công bắt cái đa dạng phải trở thành đơn điệu. Đừng cố nhào nặn một hình mẫu con người rồi lấy đó làm chuẩn mực. Một đội ngũ giáo viên giàu cá tính sẽ thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển. Một ông thầy có cá tính mạnh mẽ sẽ chinh phục được học trò và ông ta sẽ thành công. Tại sao lại bắt người này mặc quần áo giống người kia? Chúng ta là những nhà giáo, những trí thức tiểu tư sản, thì dĩ nhiên phải mang bản chất tiểu tư sản. Tại sao ta lại định kiến với chính mình? Tại sao lại bắt một anh trí thức phải có bộ óc, trái tim và cả cái vỏ ngoài của người công nhân, nông dân? Tôi nghĩ, đây cũng là một biểu hiệu của chủ nghĩa giáo điều, xơ cứng.

          Còn cái điểm hạn chế thứ ba, thú thật là tôi giật cả mình. Ai đó đã dựng chuyện, đặt điều không hay cho tôi. Bằng danh dự con người, tôi khẳng định, tôi không có quan hệ kinh tế với Việt Kiều ở nước ngoài. Tôi có một học trò ở Mỹ. Đó là Thảo Ly, học cùng lớp với Hồng trước kia, chắc em còn nhớ. Thảo Ly có gửi thư và quà cho tôi – một xấp vải áo dài. Tôi không từ chối, vì không thể chà đạp lên tình cô trò thiêng liêng. Tất cả chỉ có thế. Ai không tin thì cứ việc điều tra, thậm chí mời cả cơ quan an ninh quốc gia giúp làm sáng tỏ.

          Cho đến giờ phút này, dù chưa phải là đảng viên, tôi cũng không có điều gì xấu hổ, ân hận.

          Hà Trang ngừng nói. Chị nhẹ nhàng khuấy ly cà phê, lòng buồn tê tái. Giá đừng có cuộc gặp mặt với Mai Hồng hôm nay thì hay hơn.

          Hà Trang không hề biết, từ lâu Mai Hồng đã không ưa chị. Cô học trò phản thầy ấy giả vờ làm ra vẻ muốn “dìu dắt” cô giáo đứng vào hàng ngũ, thực chất lại là kẻ dựng chuyện, nói xấu, hạ uy tín cô giáo. Chính Mai Hồng đã sáng tác ra cái điểm “hạn chế thứ ba” kia. Bởi vì, một lần Trang thành thật nói với Hồng rằng chị có nhận được thư của Thảo Ly từ California.

          Sau đó, không rõ Mai Hồng trình bày lại với Chi bộ những gì. Nhưng Trang đã nhận thấy cái nhìn không thiện cảm của một số đảng viên đối với mình. Trang còn nghe loáng thoáng họ bảo Trang là con người kiêu ngạo.

          Cuối năm học xảy ra sự va chạm giữa Hà Trang và Mai Hồng, khiến quan hệ  cô trò, đồng nghiệp của họ trở nên rất xấu.

          Vì Mai Hồng đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, nên tổ chuyên môn đưa ra bình xét. Với tư cách là tổ trưởng bộ môn, Hà Trang nêu đánh giá chung, cơ bản là ghi nhận những mặt tốt của Hồng và đề nghị Hồng nên có đầu tư thoả đáng cho chuyên môn.

          Vậy mà Mai Hồng tự ái. Mặt đỏ bừng Hồng cãi:

          -Tôi thấy đồng chí Trang quá khắt khe với tôi. Công bằng mà nói, từ khi về trường tôi đã làm được một số việc: Đưa học sinh vào nề nếp. Khuấy động phong trào đoàn. Còn chuyên môn, dĩ nhiên tôi mới ra trường, làm sao bằng những người đã dạy mười lăm, hai chục năm được. Tôi không ham gì cái danh hiệu chiến sĩ thi đua. Tôi đăng ký phấn đấu chẳng qua là vì phong trào. Tôi đã từng là người lính chẳng tiếc gì thân mình. Tôi cũng đã đạt dược cái điều lớn hơn mà người khác chưa đạt được, đồng chí Trang ạ.

          Hồng nuốt nước bọt, cố ghìm sự tức giận.

          Cả tổ chuyên môn, hai chục con người, sững sờ trước cơn phẫn khích thái quá của Hồng.

          Trang hiểu, bản chất con người rất ít khi thay đổi theo thời gian hoặc môi trường sống. Say mê thành tích, tạo ra xung quanh mình ánh hào quang thành tích là bản tính cố hữu, từ thời Mai Hồng còn là cô học trò vắt vẻo hai bím tóc. Và cô ta sẵn sàng chống lại tất cả những gì ngăn cản niềm say mê ấy.

(Còn nữa)