HOÀNG HÔN TRẮNG ( Chương XI )

HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯƠNG XI

(Tiếp theo kỳ trước)

Buổi tối. Cường cặm cụi viết. Anh đang hứng thú vì phát hiện ra những nét mới trong hình tượng nữ thần Pô-na-ga. Thỉnh thoảng anh lại huơ quạt giấy đuổi muỗi phành phạch. Hà Trang ngồi bệt xuống nền nhà, kê vở lên giường soạn giáo án. Năm bảy cuốn sách nghiên cứu, phê bình văn học ngổn ngang trên chiếc giường gỗ mục. Chị đánh vật với ngôn từ để phân tích câu thơ: “Mỗi phạm bất vong duy trúc bạch. Lập thân tối hạ thị văn chương”.  Chị không bằng lòng với những lần giảng trước. Học trò vẫn cố tình hiểu trệch ý nghĩa câu thơ. Một lần kiểm tra bài, học trò không thuộc, Trang trách các em lười học văn. Buộc chúng phải nói rõ nguyên nhân, do môn văn không hấp dẫn hay do cô giáo dạy dở. Cả lớp nhao nhao: “Thưa cô, lập thân tối hạ thị văn chương ạ”. Hôm ấy Trang đã bỏ ra cả tiết dạy chỉ để giảng lại câu thơ ấy.

          Trong xó nhà, dưới ngọn điện đỏ đòng đọc, Lan Chi dán mắt vào cuốn tiểu thuyết “Sống mòn” của Nam Cao. Con bé chợt kêu lên:

          -Mẹ ơi, ông Nam Cao miêu tả  cuộc sống nhà giáo trước Cách mạng Mòn đi, mốc lên, rỉ ra, mục đi, vậy mà lương của thầy Thứ, thầy San, không những đủ sống đạm bạc, mà còn thuê được người ở, nấu cơm, giặt giũ, quét dọn. Ba mẹ là nhà giáo sau cách mạng, mà lương đã không đủ sống, lại phải tự làm lấy tất cả mọi việc.

          -Quan niệm sống của mỗi thời một khác con ạ.- Trang giảng giải – Trong chế độ cũ, những nhà nho, kẻ sĩ, trí thức, dù nghèo đến mấy họ vẫn cố tạo ra cái vẻ ngoài phong độ, nhàn nhã, không dính tay vào những việc nhỏ nhặt, tẹp nhẹp. Còn ở chế độ ta, lao động là vinh quang.

          -Thế thì trí thức ngày xưa vẫn sướng hơn trí thức ngày nay chứ. Nếu như mẹ không phải đi chợ, nấu cơm, thì mẹ sẽ có nhiều thời gian đọc sách, nghiên cứu để  đạy đạt hiệu quả cao hơn.

          -Ừ. Con nói cũng có một phần đúng. Nhưng so sánh như vậy thật khập khiễng. Trí thức ngày nay có những điểm hơn xưa. Ví dụ như: tiếp cận với thực tế nhiều hơn, vốn sống phong phú hơn, tri thức mở mang hơn và tự do hơn… Mà  thôi, để khi khác mẹ con mình tiếp tục tranh luận nhé. Còn bây giờ, yên lặng để ba con làm việc…

          Lan Chi chừng như chưa chịu thua, nhưng nó đành lặng lẽ trở lại với trang sách.

          Lúc ấy, thằng Minh Dũng từ ngoài cổng chạy vào khóc tấm tức.

          -Mẹ ơi! Mẹ ơi! Hu hu…

          -Sao vậy con?- Trang hỏi.

          -Thằng Cu Đen… hu hu… Nó đuổi, không cho con coi ti vi… hu hu… Nó bảo phải nộp cho nó ba chục sợi thun để nó làm súng, nó mới cho coi nhờ… hu hu…

          -Thôi, nín đi con. Để mẹ dẫn con sang xem ti vi nhà bác An vậy.

          -Ứ ừ… hu hu. Mẹ mua ti vi cho con cơ… hu hu…

          Lan Chi để quyển sách xuống bàn, quay ra nói:

          -Mẹ ạ, thằng Cu Đen, con cô Dung hư lắm. Nó ỷ nhà nó có ti vi nên rất hống hách. Tối nào nó cũng bắt tụi trẻ con trong xóm cống nạp cho nó nào kẹo cao su, nào ôtô nhựa và bất cứ thứ gì nó thích.

          -Thế cô Dung có biết chuyện nay không? – Trang hỏi

          -Có.

          -Cô la mắng thằng cu Đen không?

          -Không. Cô ấy chỉ cười – Lan Chi đáp, rồi lên giọng đàn chị nói với Minh Dũng – Đừng thèm coi nhờ nữa. Để vài bữa có tiền, mẹ mua ti vi cho.

          Nghe con nói Hà Trang đứt từng khúc ruột. Chị thấy mình có lỗi với các con. Những người làm cha làm mẹ thật đáng trách, nếu chỉ biết sinh ra những đứa con, mà không lo được cho chúng đủ ăn, đủ mặc, thoả mãn những nhu cầu chính đáng. Bao nhiêu năm nay Trang cứ  chúi mũi vào sách vở, giáo án, bận rộn vì những đứa trẻ khác, còn con mình chị đã để chúng phải thua thiệt. Thực tình Trang không biết xoay đâu ra tiền. Lương không đủ sống. Dạy thêm chỉ bù đắp một phần thiếu hụt. Một cua luyện thi đại học có 20 học sinh. Trong đó 5 đứa con giáo viên, 2 đứa nhà nghèo, Trang miễn học phí. Còn lại nộp tiền lai rai, đỡ cho chị mớ rau, bó củi. Nhiều lúc nghĩ đến tương lai mà sợ hãi. Ngoài việc tiếp thu nền tảng tư tưởng của cha ông, thế hệ Trang không được thừa hưởng một cái gì. Chẳng lẽ thế hệ con cái của Trang sẽ lại bước vào đời với hai bàn tay trắng?

          Nãy giờ Cường im lặng. Anh làm như vẫn đang tập trung nghiên cứu, nhưng tâm trí đã dứt ra khỏi hình tượng nữ thần Pô-na-ga. Những lời nói ngây thơ của hai con như trăm ngàn mũi kim châm chích vào tim anh đau buốt. Ngừng viết, châm thuốc hút, qua làn khói mỏng, Cường phiêu du về quá khứ.

                                                          *

          Sau lần chia tay với Hà Trang tại nhà khách Trung đoàn, trên một quả đồi miền tây Nghệ An, đơn vị Cường vào Nam, chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Trong cơn gió lốc của cuộc tổng tiến công 1975, đơn vị anh tiến vào Sài Gòn. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cầm quyết định giải ngũ trong tay, từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cường bươn bả về Hà Nội. Anh chỉ sợ chậm trễ một giây cái tờ giấy mỏng manh quyết định số phận anh sẽ không còn hiệu lực. Lòng nôn nao suốt mấy ngày đường. Những lúc xe ì ạch qua đèo, anh chỉ muống nhảy phăng xuống, chạy bộ để mau chóng được gặp Hà Trang. Những tháng ngày đóng quân  nơi Cao Nguyên xa hút, gian khổ, buồn, nhưng chiến cục chung đang ở giai đoạn lạc quan, anh hầu như chỉ nhớ Trang loang thoáng: khuôn mặt tròn, mắt đen ướt và dáng hình thon thả. Chính lúc này đây, khi anh đang vượt gần hai ngàn cây số trở về với Trang, nỗi nhớ mới nhân lên, dâng đầy, choáng ngợp trong lồng ngực.

          Hà Nội, sau khi tắm mình trong không khí tưng bừng cờ hoa chiến thắng  đã trở lại nếp sống thường ngày, hiền hoà, lắng sâu và tất bật. Từ ga Hàng Cỏ anh sải bước qua các phố, thờ ơ với tiếng tàu điện leng kheng, chẳng để mắt đến mặt Hồ Gươm xanh in cả mây trời, lòng hướng về ngôi nhà trong khu tập thể Bờ Sông, Hà Trang ở đó. Lên hết cầu thang gỗ, Cường cảm nhận nỗi vắng lặng rợn người. Các căn phòng cửa đóng chặt, một dãy ổ khoá câm nín, lạnh lẽo như những con mắt mù loà. Đang giờ hành chính, có lẽ mọi người đi làm chưa về, nghĩ thế, Cường quay đi.

          Bỗng phía sau có tiếng gọi:

          -Anh bộ đội hỏi ai đấy?

          Cương ngoảnh lại, nhận ra bác Quang, mái đầu trắng xoá, chắc bác đã nghỉ hưu. Anh chưa kịp chào, bác đã kêu lên:

          -Ơ… ơ, Cường hả? Từ Sài Gòn ra phải không? Khoẻ chứ?

          -Dạ. Chào bác. Cháu ở trong kia mới ra ạ.

          -Trời ơi, cháu về chậm mất rồi – Bác Quang vỗ nhẹ vào vai Cường – Mẹ con con Trang vừa lên tàu tối hôm qua. Nó về Nha Trang dạy học.

          -Cả cô Trâm, má Trang cũng về Nam hả bác? – Cường vồn vã hỏi.

          -Không. Cô Trâm còn ở lại đây, nhưng đi làm, có lẽ sắp về. Bác nói hai mẹ con Hà Trang, Lan Chi ấy. Tội nghiệp, con nhỏ mới được vài tháng tuổi. Nó giống cháu như đúc Cường ạ.

Cường run lên vì hạnh phúc, yêu thương và hối lỗi. Thì ra anh đã được làm cha mà anh không biết. Và  giờ đây, chiến tranh đã kết thúc, nghĩa vụ đã hoàn thành, anh vẫn không gặp được vợ con. Một bàn tay bí ẩn nào đó đã vô tình chia rẽ anh với Trang, đẩy hai người về hai cực Bắc Nam. Anh cay đắng trước sự bất lực của thân phận mình.

Cúi chào bác Quang,  Cường lại đi như chạy ra ga. Anh dự định bám theo một con tàu, đuổi theo mẹ con Trang. Ga Hàng Cỏ, người nằm, ngồi, đứng đợi tàu đông nghẹt, chật ních mệt mỏi, bơ phờ. Những cánh cửa lớn khoá trái bằng những sợi dây xích to tướng. Loa phóng thanh ọt ẹt thông báo giờ tàu. Qua song sắt như song cửa nhà tù, Cường nhìn thấy những đoàn tàu rỗng không, lặng ngắt, vô hồn. Anh tần ngần giây lát, tĩnh trí nhớ rằng anh còn một việc quan trọng là phải về trường Đại học Sư phạm, nộp hồ sơ xin tiếp tục học. Những năm tháng mặc áo lính đã khiến anh thấm thía đến tận gan ruột niềm hạnh phúc, nỗi ước ao được là sinh viên. Niềm ao ước ấy sắp trở thành  sự thật. Trù trừ, lỡ cơ hội này, cuộc đời anh có thể sẽ ngoặt sang một hướng khác. Cường lủi thủi rời nhà ga.

Đến trường Đại học, Cường ngỡ ngàng thấy rất nhiều người lính đã về trước anh. Họ  mắc võng bạt la liệt quanh phòng Tổ chức của trường.

-Cường… Cường ơi!

Từ trong đám lính quây tụ dưới góc nhãn, Lợi gọi và chạy đến ôm Cường.

-Lợi!- Cường thốt lên sung sướng.

Hai người lính ôm nhau, lắc vai, bóp chặt cánh tay nhau.

-Nguyên vẹn chứ?- Lợi khẽ hỏi.

-Nguyên vẹn. Còn cậu?

-Cũng thế! Tạ ơn Phật Bà Quan Âm. Nhưng…- giọng Lợi chùng hẳn xuống – Trung đoàn trưởng Phúc, Long tếu và cậu Kiên “lính trẻ măng tơ” hy sinh rồi. Hành quân vào Tây Nguyên cậu sang tiểu đoàn pháo yểm hộ bộ binh, bọn mình kéo về Buôn Mê Thuột. Đánh nhau dữ quá. Long bị thủng ngực, phổi trào ra theo nhịp thở. Lúc hấp hối nó bảo: “Tao tiên cảm được cái kết cục buồn này nên đã cố sống vui. Nếu mày còn sống nhớ về thăm mẹ tao. Thôi, tao đi”. Còn Kiên chết thảm quá. Nó bị thương trong rừng cà phê ban đêm. Đau đớn nó khóc rống lên. Bọn thám báo phát hiện xả đạn ào ào. Tờ mờ sáng bọn mình đi tìm, xác nó tan thành từng mảnh.

Cường và Lợi lặng đi đau xót , trong phút tưởng nhớ đồng đội đã khuất.

-Thôi, chuyện lính tráng nói bao giờ cho hết.- Lợi động viên bạn.

-Ừ… ừ. Lợi về lâu chưa?- Cường hỏi.

-Hai tuần nay.

-Sao chưa vào học?

-Giời ơi, có người chầu chực cả tháng, chẳng dám về thăm cha mẹ, vợ con, nhịn đói ròng để chờ làm thủ tục nhập học.

-Khó đến thế cơ à?

-Chỉ có ra trận là dễ thôi. Cậu có nhớ hôm lễ ra quân, tay Thịnh bí thư Đoàn trường đọc diễn văn không? “Các anh, những người chiến sĩ, những con người đẹp nhất đã lên đường theo tiếng gọi non sông. Ngày đất nước ca khúc khải hoàn, cổng trường đại học sẽ rộng mở, đón các anh trở về”.

Cường bật cười vì cái giọng uốn éo châm biếm của Lợi.

-Các vị tổ chức nói sao?- Cường hỏi.

-Chờ  xin ý kiến của Bộ Đại học. Đào tạo là phải có kế hoạch.- Lợi làm bộ nghiêm mặt giải thích – Mà cũng phải thôi. Tự dưng bộ đội ùn ùn kéo về trường Đại học đông như kiến cỏ, chỗ đâu mà chứa? Mặc kệ sự  đời, vào đây đã Cường.

Hai người tạt vào quán nước gần đó. Trà Bắc Thái, thuốc lá Sông cầu, những hương vị đậm đà, nồng thơm, thân thuộc, gợi bao kỷ niệm nhớ nhung.

Cường hỏi:

-Lợi về thăm quê chưa?

-Chưa. Dạo ở Cao Nguyên, mình được tin bố mất. Mấy ngày nay nôn nóng muốn về, nhưng đành cố chờ nhận quyết định vào học đã.

-Thế ra, ông cụ đã không chờ được đến ngày cậu về. Thật tiếc.

-Còn cậu, đã gặp  Hà Trang chưa? – Lợi hỏi.

-Chưa. Mình vừa về sáng nay thì được biết Hà Trang đã đưa con vào Nam hôm qua. Bây giờ không biết làm sao gặp được. Mình cũng nôn nóng nhìn mặt con gái.

-Ơ, thế ra các cậu đã có con?

-Ừ, sau lần Hà Trang đến thăm mình ở miền tây Nghệ An.

-Nhớ rồi. Hơ hơ. Tuyệt lắm.-  Lợi cười, đập tay vào vai Cường – thế là một lúc cậu xong hai việc lớn:  đánh giặc và xây tổ ấm. Chỉ còn mỗi việc lấy cái bằng đại học nữa thôi.

Nói xong, Lợi chợt buồn. Anh nghĩ đến Đoan Trinh, người yêu cũ của anh. Một  cô sinh viên có đôi mắt mở to vừa ngây thơ lại vừa từng trải, hàng mi rợp bóng đa tình và mái tóc đen dày, đổ xuống tận khoeo chân. Những đêm trăng, Lợi cùng Đoan Trinh tự tình trên con đường đất nhỏ phía sau ký túc xá. Gió thoảng mùi hương lúa. Trinh ngả người vào ngực anh thề thốt: “Em yêu anh suốt đời!” Vậy mà, khi Lợi nhập ngũ được hai tháng, Đoan Trinh đã vội yêu một chàng trai khác. Nghe nói anh ta là một kỹ sư, tốt nghiệp ở Đức về. Có lẽ giờ đây Trinh đang sống hạnh phúc.

-Dù sao mình và cậu vẫn may mắn hơn anh Phúc, Long, Kiên và nhiều người khác. – Cường động viên Lợi.

-Và còn mắc nợ họ nữa chứ.- Lợi ghi nhận – Bọn mình phải sống cả cho những người không được sống Cường ạ.

Cường lặng im nhìn Lợi bằng ánh mắt đồng cảm sâu xa.

Sau đó, hai người đều được nhập học. Họ gắn bó với nhau như  máu thịt từ một mẹ sẻ ra.

Cường trở nên trầm lặng khác xưa. Anh ngại đến nơi hội họp, trốn tránh đám đông, dửng dưng với những cuộc vui, thường nằm lì trong phòng đọc sách, buồn thì rủ Lợi ra quán uống trà. Đối với anh, phải tiếp tục học đại học sau khi chiến tranh kết thúc là việc bất đắc dĩ. Chỉ mong ngày tháng trôi nhanh để anh sớm được sum vầy với vợ con, được làm bổn phận của người đàn ông trong gia đình.

Dẫu đã cố gắng, anh vẫn khó lòng hoà nhập với cuộc sống sinh viên. Chiến trường, những trận đánh, cái chết của bao đồng đội luôn là nỗi ám ảnh khiến tâm trí anh bấn loạn. Nặng lòng với quá khứ, anh bỗng thấy mình lạc lõng trong hiện tại. Đêm ngủ trên giường  tầng ở ký túc xá anh cứ ngỡ nằm trên võng bạt, mắc chông chênh dọc đường hành quân. Nghe kẻng báo giờ học, anh giật thót mình, tưởng báo động. Và, khổ nhất là nỗi nhớ vợ con hành hạ anh như một căn bệnh.

Mùa hè năm ấy Cường vào Nha Trang.

-Anh!

Trang thốt gọi khe khẽ. Nụ cười nhơt nhạt vừa nở trên môi đã vụt tắt. Bầu sữa căng tròn, núng nính trong làn áo mỏng, dáng đẫy đà, tất bật đã làm mất đi ở Trang vẻ dịu dàng, thon thả ngày xưa. Ánh mắt Trang nhìn anh buồn bã, hờn trách.

-Anh có lỗi, đã về chậm trễ, đã để em vất vả. – Cường nói thật lòng.

Quăng chiếc ba lô xuống nền nhà, anh chạy lại phía Lan Chi. Con bé hơn một tuổi đang lẫm chẫm tập đi. Bỗng anh khựng lại, tim anh nhoi nhói, nôn nao một tình cảm rất lạ. Anh phải nhìn đi chỗ khác giây lát để ghìm cơn xúc động. Đứa con của anh đây. Hòn máu của anh đây. Nó giống anh quá thể. Đôi mắt mở to tự tin, cái mũi cao, thẳng kiêu hãnh trên khuôn mặt thon dài. Anh ôm con lên ngực hôn hít, cưng nựng, làm con bé ngơ ngác, không hiểu gì,  khóc váng lên đòi mẹ

Một tháng bên vợ con anh vỡ lẽ ra nhiều điều. Mới ra trường, đêm đêm Trang bận rộn, vật vã với bài vở, giáo án, ngày ngày đi dạy, chăm con, chợ búa, cơm nước, giặt giũ. Chiều chiều, sau giờ tan học, Trang quét lá rụng ở sân trường về đun, tưới vườn rau nho nhỏ, coi ngó mấy con gà về chuồng. Cuộc sống chỉ trông cậy vào đồng lương nên Trang tằn tiện, chi chút, tội nghiệp. Tuy vậy Trang vẫn lo cho anh chu đáo. Anh xót xa thương vợ và tủi thẹn nghĩ rằng chính mình là gánh nặng cho Trang. Một  người phụ nữ ý thức sâu sắc về trách nhiệm và bổn phận như Trang, anh không có quyền đòi hỏi gì hơn. Dẫu rằng anh nhận thấy tình yêu của Trang đối với anh không còn sôi nổi, nồng nàn như thuở nào. Có lúc anh cảm giác anh và Trang là hai con người xa lạ, bỗng dưng cùng xô dạt đến một mái nhà.

Ngày anh ra Bắc tiếp tục học đại học, Trang gói cho anh một nắm cơm to với những con tôm biển chiên vàng rộm, và bế con ra bến xe tiễn anh. Anh nâng bàn tay bé xíu của đứa con, nghe nỗi đau rần rần trong lồng ngực. Hạnh phúc như vườn cây trĩu quả đợi anh mà anh không kịp hái. Số phận vẫn đưa đẩy anh và Trang vào những cuộc chia ly. Nhưng lần này anh đã hiểu nỗi nhọc nhằn, mệt mỏi, giận hờn và nghị lực ẩn chứa trong đôi mắt buồn thăm thẳm của Trang.

Về  trường anh tiêu phí quãng đời sinh viên còn lại trong khói thuốc, hương trà, trong sự trầm tư mặc tưởng. Những lúc như thế Lợi thường hỏi:

-Lại nhớ nhà chứ gì?

Cường im lặng, hoặc kêu lên:

-Ừ. Nhớ quá. Hà Nội – Nha Trang hơn một ngàn cây số. Giá mà được nghỉ hai tuần. Giá mà có ít tiền. Lợi à, cậu không thể tưởng tượng được bé Lan Chi kháu khỉnh dễ thương như thế nào đâu.

Rồi như thể không cầm lòng được, Cường say sưa kể cho Lợi nghe những chuyện ngộ nghĩnh về bé Lan Chi. Lợi thích thú cười phá lên rồi lại chợt buồn. Hiểu tâm trạng bạn, Cường thôi không khoe con nữa. Anh an ủi Lợi:

-Lấy vợ đi. Chẳng lẽ cô đơn mãi.

-Khó đấy,- Lợi nói – Giá có cô nào chịu bỏ qua cái giai đoạn yêu đương lãng mạn, tiến thẳng tới hôn nhân. Tóc đã có sợi bạc, chưa làm nên cơm cháo gì lại nhũng nhẳng đeo đuổi tình ái phù phiếm để phải đau khổ, hờn ghen, chiều luỵ, nhọc lòng. Vả lại… đời lính khổ nhiều thành chai sạn, trái tim cũng đui  điếc, chẳng còn sức mà yêu.

-Còn sống là còn tất cả. Những cái tưởng đã mất đi vẫn có thể tìm lại được. Đôi khi mình cũng cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa. Nhưng làm sao chạy trốn được, một sức mạnh huyền bí níu kéo, thúc bách con người lao vào cuộc sống, như người lính lao vào trận đánh. Đừng hòng đào ngũ.

Cuối cùng Lợi cũng tìm được đối tượng. Một hôm Lợi rủ Cường ra sân bóng. Lợi chỉ cho Cường một cô gái mập trắng. Hái túm tóc buộc cao ở hai bên mang tai bằng dây nơ trắng, trái ngực nảy nở, tâng tâng mỗi khi cô ta nhảy lên chuyền bóng. Một cô gái khoẻ mạnh, tươi trẻ và vô tư, Cường nghĩ. Trong sân, các cô gái í ới gọi tên nhau: Dạ Nguyệt, Kim Thanh, Bạch Tuyết, Minh Hương…

-Cô ta tên là Minh Hương.- Lợi bấm tay Cường – Đó, đó, cô ta đang đập bóng. Được chứ?

-Khá đấy. Quen nhau chưa?

-Chưa. Mới để ý.

-Nhào vô đi. Chuyền bóng cho cô em lia lịa.

-Ừ, cậu đứng đây “yểm hộ” cho mình nhé. “Đánh” kiểu này là đánh du lích đấy.

Nói xong, Lợi chạy vào sân.

-Xin lỗi, các bạn cho tôi đấm vài quả. Các cô gái cười ré lên.

-Đấm ai?

-Đấm … bóng.

-Xin mời.

Bóng vừa tới, Cường nắm chặt hai bàn tay, chụm lại nâng quả bóng lên cao tít.

-Khiếp! Ông anh trổ hết tài nghệ, theo sao kịp- Minh Hương kêu lên.

-À, thôi, xin lỗi.- Lợi lại chuyền bóng thật nhẹ nhàng từ tốn – Minh Hương nào. Minh hương nào.

-Á, cảm tình cá nhân quá.- Cô gái  có tên Dạ Nguyệt nói.

Minh Hương ửng hồng đôi má. Cô đã nhận được những tính hiệu tình cảm mà Lợi truyền cho cô qua quả bóng da.

Cường đứng bên lề sân cỏ nhìn Lợi, lòng vui vui. Khiếu khôi hài khiến Lợi trẻ ra, ứng xử hồn nhiên nhanh nhạy, dễ dàng làm quen với các cô gái.

Từ đó, mỗi khi gặp Lợi đi với Cường, Minh Hương bẽn lẽn nghiêng đầu chào, rồi nở nụ cười thiện cảm và tình tứ. Cương rất lấy làm lạ, vì Minh Hương bao giờ cũng nhìn lướt qua Lợi, rồi chiếu cái nhìn ẩn ý vào anh, như một câu hỏi chưa được trả lời, niềm khát khao bị kìm toả, nỗi buồn tự biết là vô lý nhưng không cách gì giải thoát. Cái  nhìn ấy phát ra một luồng điện mà anh nhận biết được bằng mẫn cảm, nhưng không thể giải mã. Anh  bỗng rơi  vào tình trạng chao đảo, hoang mang, nghĩ ngợi, phân tích, dự  đoán vu vơ.

Một buổi chiều, trong quán nước, Lợi đưa cho Cường phong thư.

-Cậu giúp mình, đem thư này đến cho Minh Hương, lớp sử năm thứ 2, nhà A1. thú thật làm thằng đàn ông mà tỏ tình bằng thư là yếu lắm. Nhưng gặp riêng cô ấy khó quá.

-Được. Mình sẽ làm tất cả vì cậu.

Cất phong thư vào túi ngực, Cường rời quán nước đi về ký túc  xá, lòng chộn rộn những cảm xúc khó tả. Anh vừa hồ hởi trong vai trò bưu tá, vừa ý thức được hiến nhịp cầu, nối Lợi, bạn chí cốt của anh với Minh Hương cô gái trẻ trung, tươi mát, lại vừa buồn vẩn vơ, vô duyên cớ.

Minh  Hương đang ngồi trong đám bạn gái quây quần trên giường, đồng ca theo nhịp đàn guitare do một cô gái nào đó gẩy một cách vụng về, non nớt.

“Nàng đã trót yêu một chàng nghệ sĩ. Tình hỡi ơi tình, chàng đã có gia đình…’.

Lời hát vốn diễn tả mối tình éo le, đau khổ, tuyệt vọng, nhưng các cô gái lại hát tập thể, pha trộn đủ chất giọng kim, thổ, nghe nghịch ngợm vui tai. Chờ cho các cô kết thúc bài hát, Cường gõ nhẹ vào cánh cửa kính đã mở toang.

-Xin lỗi, cho gặp bạn Minh Hương.

-Ối, có khách. Kìa Hương.

-Em ra ngoài này, có người gặp.- Cường nói.

Minh Hương đi theo Cường, bước chân ngập ngừng, vấp rối. Phía sau rộ lên tiếng  cười, tiếng bàn tán của các cô gái.

-Điển trai đấy chứ?

-Có vẻ nghệ sĩ ra phết.

Hai người đi khỏi dãy nhà, tiếng hát của các cô gái đuổi theo như trêu ngươi:

“Người đời cười chê, cho tình đó  như là gió với trăng”.

Cường nhột nhạt, bối rối, hốt hoảng như kẻ đang làm điều mờ ám, dối trá. Anh phải tự trấn an: Ta không có lỗi, ta trong sáng.

Đột nhiên, Cường dừng lại , nói chậm rãi:

-Thế  này, Hương ạ. Một người  bạn nhờ anh đưa thư đến em. Nếu em cảm thấy tác giả bức thư này là một người tử tế thì nên liên hệ theo địa chỉ đã ghi trong thư. Thôi, thế là anh hoàn thành nhiệm vụ.

Minh Hương lóng ngóng đón phong thư.

-Khoan đã anh… Bạn anh là ai? Cả anh nữa?

-Bạn anh, em đọc thư sẽ rõ. Còn anh, chỉ đơn giản là người đưa thư. Tạm biệt.

Minh Hương gấp phong thư, nắm chặt trong tay, nôn nả trở lại phòng ở, leo lên tầng trên chiếc giường gỗ, cõi riêng của cô, mở thư đọc.

Ký túc xá Đại học Sư phạm ngày… tháng… năm…

Minh Hương em!

Em có nhận ra anh, gã trai mặc áo lính, chiều chiều trên sân cỏ, chuyền cho em những đường bóng hiểm hóc không?

Cho phép anh bỏ qua những lời mào đầu màu mè, hoa mỹ nhé.

Anh từ chiến trường về, ngán đến tận cổ cái sự đánh nhau, đạn bom, chết chóc, thèm được sống bình yên. Nhưng làm sao anh có thể sống bình yên khi anh thiếu em, một cô gái dễ thương.

Hãy đến với anh nghe Hương! Đó là niềm mong mỏi tha thiết của anh.

Đức Lợi, lớp văn 3K, nhà A7.

Minh Hương ép bức thư vào cuốn sổ tay, trống ngực đập đồn. Cô gái nào chẳng vui khi nhận được những lời tỏ tình?

Ấy vậy mà Hương khóc.

Đã từ lâu Hương thầm yêu Cường. Trái tim nổi loạn cứ buộc cô phải đi tìm người đàn ông mà cô ao ước. Cô dõi theo từng bước chân, đón bắt từng ánh nhìn, cử chỉ của anh ở bất cứ nơi nào. Oái oăm thay Cường lại không yêu Hương, mà chỉ làm sứ giả vun đắp tình yêu cho Hương với Lợi, bạn anh.

Chính nỗi thất vọng ban đầu khiến Hương bức bối, nảy sinh ước muốn khám phá sự thật. Tình cờ, có một cô bạn cùng phố, học khoa Văn, biết rất rõ về Cường đã kể với Hương: Anh ấy đã có vợ,  có con. Chị Trang, vợ Cường, vốn là sinh viên khoa văn, hiện đang dạy học ở Nha Trang.

Hương chết điếng người. Cô âm thầm vật vã, rộc rạc cả thân xác. Không chịu nổi sự thất bại, không phó mặc cuộc đời trong suy sụp tinh thần, Hương quyết chí dấn thân vào mối tình oan trái. Dù nó có kết thúc bi thảm thì Hương cũng được nếm trải cái hạnh phúc tột đỉnh trong cay đắng. Yêu, đó là một cuộc tìm kiếm đầy gian nan, thử thách. Sẽ nhàm chán biết bao, nếu tình yêu tuân theo những điều luật chung, dẫm lên vết mòn của thói thường. Đã yêu phải yêu cho mãnh liệt, cho bốc lửa, cho thoả thuê. Còn lấy chồng lại là một việc khác. Hương lập luận như thế. Thực ra, trái tim nổi loạn là một trái tim yếu đuối. Hương không đủ can đảm gạt bỏ hình ảnh Cường ra khỏi con tim khát cháy của mình. Cường, người đàn ông khoẻ mạnh và từng trải như có ma lực cuốn hút cô.

Từ thuở mười bốn, mười lăm, tuổi dậy thì làm cho da thịt, cơ bắp của Hương căng lên như những sợi dây đàn. Chỉ khẽ chạm vào sẽ bật lên tiếng kêu mời gọi. Hương ấp ủ hình tượng người đàn ông lý tưởng có sức khoẻ như Hec-quyn, có tâm hồn như Rôchextơ. Và cô tìm họ trong đời. Dạo học cấp ba, hương ngồi cạnh cậu học trò cùng tuổi, có bộ ngực vạm vỡ Trương Chi, thông minh và nghịch như  quỉ sứ. Hương yêu cậu ta. Hằng ngày trước giờ đến trường, Hương tẩn mẩn buộc hai túm tóc hai bên mang tai bằng dây nơ trắng, ngắm nghía, tập cười duyên, làm điệu bộ đi đứng uyển chuyển trước tấm gương lớn. Mỗi lần vô ý chạm phải vai cậu chàng bên cạnh Hương thót người như động vào mạch điện, thân thể cô bừng lên, rạo rực. Nhưng cậu chàng thì cứ tỉnh khô, coi như chẳng ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới, lại còn xơn xớt “mày tao” với Hương. Hương đau như bị roi quất. Học hết lớp 10, hai năm liền Hương thi rớt đại học. Chán đời, Hương nằm dài chờ kỳ thi sau. Bỗng một hôm Hương nhận được thư của anh bạn có bộ ngực Trương Chi, nay đã là người lính, từ biên giới gửi về. Thư viết những lời tỏ tình vỡ lòng vụng về đến đáng thương. Buồn, Hương cũng viết thư cho anh chàng theo kiểu “nước đôi”, nửa bạn bè, nửa yêu đương, để giải cơn phiền muộn, chứ trong thâm tâm, Hương biết, mình chẳng dại gì gắn bó, thuỷ chung với bộ đội. Hơi sức đâu “bắt bóng chim sa tận cuối trời”. Trường đại học, một thiên đường nơi có những chàng hec-quyn, những ông Rochextơ đợi Hương. Quả nhiên, vào đại học Hương lập tức chấm dứt quan hệ thư từ với người lính nọ.

Chẳng hiểu Hương có bị ma trêu, quỉ ám không, mà cô xem Cường như một thần tượng mang trong mình cả Hec-quyn lẫn Rôchextơ. Và cô yêu Cường như điên, như dại. Cô sẽ gạt phăng tất cả, sẽ đối đầu với mọi trở lực, sẽ đạp lên gai góc, dẫu phải nhỏ máu tươi. Có những con chim ẩn mình trong bụi mận gai, đau đớn vẫn cất lên tiếng hót với bầu trời xanh cho đến chết.

Hương tự dọn đường đến với Cường, không cần nhờ một người trung gian đánh tiếng, đưa lời.

Một chiều đầu hè, những đám mây nặng trịch vần vụ cuối trời, mặc bộ quần áo tươi sáng, trang nhã, tóc buộc hai túm giây bằng giây nơ trắng kiêu sa, điểm chút son lên môi, Hương tìm Cường trong sự hối thúc, quyết liệt.

Lên tầng bốn, nhà A7, đập vào mắt Hương cảnh sống bừa bộn của nam sinh viên, Bếp dầu, xô sắt, chậu nhôm, nồi gang bày tùm lum ngoài hành lang, trong phòng ở. Các vị mày râu, quần đùi, áo may ô, người nằm khểnh đọc sách, kẻ chau mày bên bàn cờ tướng, người ôm đàn trên bậu cửa, kẻ lúi húi nấu mì.

-Anh gì ơi, làm ơn gọi dùm anh Cường.- Hương nhờ một anh chàng đang khệ nệ bưng thau nước lên cầu thang.

-Vâng.

Một lúc sau, Cường ló đầu ra, thấy Hương, anh vội chạy vào gọi Lợi.

-Cô em đến kìa. Ra đi.

Lợi luýnh quýnh mặc quần áo chỉnh tề bước ra cửa.

-Chào em.

-Chào anh Lợi.- Hương đáp, giọng khô lạnh.

Lợi lúng túng:

-Ta lên sân thượng nói chuyện tiện hơn.

-Thôi, đứng đây cũng được. Anh Lợi ạ, Hương rất cảm ơn tình cảm của anh. Nhưng Hương chưa thể đáp ứng điều anh mong muốn. Cho Hương suy nghĩ đã.

-À…à, anh hiểu. Chuyện ấy tuỳ Hương. Mình… anh đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Thậm chí mình đã chuẩn bị tinh thần nếu Hương từ chối.- Lợi bỗng mất tự chủ, diễn đạt va vấp.

-Bây giờ Hương nhờ anh một việc, được không?

-Được chứ!

-Cho Hương gặp riêng anh Cường. Hương muốn cám ơn anh ấy đã nhiệt tình.

-Hương chờ nhé.

Lợi trở về phòng, dáng anh trễ nải.

Cường bước ra, vẻ ngạc nhiên, nghi ngại:

-Có chuyện gì vậy Hương?

-Em cần nói với anh một việc quan trọng.

-Hương cứ nói.

-Khung cảnh hơi bất lợi. Ta xuống dưới kia được không anh?

-Cũng được.

Rồi như bị thôi miên, Cường đi bên Hương một đoạn đường dài, bỏ xa ký túc xá, lạc vào khu vườn, cây cối, um tùm, vắng bóng người. Cường rùng mình, chập chờn ý nghĩ tội lỗi.

Hương vẫn chưa nói cái “việc quan trọng”.  Cô sợ  tình yêu chất chứa trong cô như dòng sông ăm ắp, vỡ oà, tràn ra thành cơn lũ, cuốn đi tất cả.

Bị Hương dẫn dắt vào tình thế bị động, Cường hơi bực mình, nhưng anh cố ghìm lại.

-Khung cảnh đã thuận lợi rồi đấy,  Hương nói đi.

-Anh đừng hối thúc em. Chuyện dài và khó nói lắm.

-Chuyện em với Lợi phải không?

-Không. Anh đừng  bao giờ nhắc tên Lợi trước em.

-Sao thế?

-Em không yêu anh ấy.

-Thì em cứ nói thẳng. Có gì phải băn khoăn. Anh ấy đã trải nhiều gian khổ, đã chịu đựng những bất hạnh trong đời. Nhất định anh ấy không yếu đuối.

-Em cũng chẳng băn khoăn nhiều. Với lại việc em gặp anh hôm nay không liên quan đến chuyện ấy.

-Ồ, thế thì chuyện gì? Em cứ nói toạc ra. Anh rất xấu tính, không chịu được sự úp mở.

-Em suy nghĩ kỹ rồi. Em sẽ nói thật với anh tất cả, rồi sư thể ra sao thì ra. Anh có thể khinh ghét em, trốn tránh em, coi em là một đứa con gái vô duyên, đốn mạt, nhưng em phải nói. Vì đó là lối thoát duy nhất của em.- Giọng Hương bỗng ứ nghẹn.

-Em bình tĩnh lại. Nào, nói tiếp đi. Anh nghe đây.

Cường an ủi Hương nhưng chính anh cũng run lên vì sợ, vì lờ mờ nhận ra tính chất hệ trọng của câu chuyện.

Hương tiếp:

-Anh Lợi có ý định làm quen với em, nhưng em lại để ý đến anh, ngay từ cái hôm anh đẩy anh Lợi vào chuyền bóng cho em, còn anh thì đứng bên lề sân cỏ. Sau đó, chẳng lẽ anh không nhận ra là em tìm anh, theo đuổi anh, chớp lấy mọi cơ hội để nhìn anh? Có hôm em lảng vảng ở cổng trường từ xẩm tối đến đêm khuya, mong được nhìn thấy anh. Vì em biết trong khoảng thời gian ấy anh thường đi cùng với anh Lợi ra quán nước. Em dò hỏi một số người biết rõ  về  anh, và  em đau khổ vô cùng khi biết anh đã có vợ con. Em chán nản tuyệt vọng, cảm thấy cuộc đời thế là hết. Em không dám đòi hỏi anh điều gì. Chỉ xin anh hiểu cho lòng em. Nếu được anh coi em như một người bạn, một đứa em gái thì đó là niềm hạnh phúc, nâng đỡ em khỏi ngã quỵ xuống.

Nói đến đó, mũi Hương bỗng nghẹn nước. Giữa cái tối trời, tối đất, âm u cây lá, Cường không dám nhìn thẳng vào Hương, nhưng anh biết là cô khóc.

Tình huống thật khó xử. Cường dặn lòng mình phải tỉnh táo để khỏi đánh mất tự chủ.

Anh nói:

-Em làm anh bất ngờ quá Hương ạ. Quả thực anh chưa biết nên xử sự thế nào. Nếu tình cảnh đúng như em vừa nói thì thật không may cho em.

-Anh yên tâm. Em không quấy quả, làm phiền anh đâu. Nói ra được những điều bấy lâu nay dằn vặt, em thấy lòng vơi nhẹ rất nhiều. Từ nay em có thể sống thanh thản.

Hương đã thôi khóc. Cô nép sát vào Cường, hơi thở nóng hổi, gấp gáp. Bộ ngực phập phồng nâng lên, hạ xuống rân ran sau cánh tay anh. Đột nhiên Hương quay người, đối diện với Cường, ngước nhìn anh bằng ánh mắt rực lửa, kêu lên:

-Anh!

Hai bàn tay múp míp của Hương riết róng trên cánh tay chắc lẳn của Cường. Cô ngửa mặt chờ đợi một nụ hôn. Cường hơi cúi xuống và Hương từ từ khép hai hàng mi, hồi hộp đến ngột ngạt. Nhưng Cường đã kịp ghìm giữ mình. Anh đưa tay vỗ nhẹ vào một bên má Hương.

-Đừng em. Con đường gai góc lắm. Em sẽ khổ. Hơn nữa anh không muốn làm điều tội lỗi với em, với vợ con anh.

-Em biết, anh yêu chị ấy. Chị ấy cũng rất yêu anh. Và, anh đang hạnh phúc. Còn em, một con bé hết sức xuẩn ngốc, phải không anh? Nhưng con bé ấy yêu anh. Trái tim nào có tội tình gì.