HOÀNG HÔN TRẮNG ( Chương VI )

HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯƠNG VI

(Tiếp theo kỳ trước)

Suốt hai năm ròng Trang lẽo đẽo theo Cường hết trận địa này đến trận địa khác, hết vùng  đất này đến vùng đất kia, thuỷ chung và tận tuỵ. Đến nỗi các anh lính ở đơn vị pháo coi Trang như người nhà. Họ sẵn sàng tạo điều kiện cho Cường và Trang gặp nhau. Có lúc Cường đi công tác đột xuất, các anh trong khẩu đội đã thay Cường đón tiếp Trang thật nồng hậu.

Anh Lợi, sinh viên Đại học sư phạm nhập ngũ cùng ngày với Cường, nói: “chừng nào còn có những cô gái như Hà Trang thì cánh lính còn giữ được niềm tin ở tình yêu và cuộc sống”.

Quả thật, Hà Trang đã vượt qua tất cả, đạn bom, cái chết để đến với người mình yêu.

Một lần, sau khi lĩnh học bổng, Trang chuẩn bị chút quà đi thăm Cường và các anh lính pháo. Cô mua một cây thuốc lá “Sông Cầu”, vài cân mứt, kẹo. Cô không quên đem theo kim, chỉ, kéo, vải, để may, vá, cắt sửa quần áo cho các anh. Lần trước, nhìn thấy anh Lợi mặc chiếc áo bị tuột đường chỉ, Trang phải vào tận nhà dân mới mượn được kim chỉ, may lại cho anh.

Đạp xe suốt chặng đường dài, đất đá, ổ gà, xóc nảy cả người lên, nhưng niềm vui khiến Trang bớt phần mệt nhọc. Đến nơi, Trang vô cùng kinh ngạc, trận địa pháo biến đi đâu mất. Những ụ pháo bị san bằng, thay vào đó là những luống cày mới lật. Trang đứng tần ngần hồi lâu, cố tìm lại một dấu vết nhỏ nhoi của đơn vị pháo, một căn lều bạt chẳng hạn. Nhưng tuyệt nhiên không có. Trang đành lầm lũi ra về. Chiếc giỏ xách đựng quà treo trên ghi đông xe đạp trĩu nặng.

Sau này Trang mới biết: Do thắng lợi của ta ở Hội nghị Paris, đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Đơn vị Cường chuyển về đóng ở khu Bốn, có lẽ chuẩn bị tăng Cường cho chiến trường B. Những cuộc hẹn hò gặp gỡ không còn nữa, chỉ những lá thư cần mẫn đi về.

Mùa hè năm 1974, Hà Trang thấy lòng như lửa đốt. Báo chí đưa tin miền Nam đánh lớn. Linh cảm thấy Cường sắp đi xa, cô quyết định bằng mọi giá phải gặp lại người yêu một lần nữa.

Sau hai ngày đi đường bằng tàu hoả, ôtô và cả cuốc bộ, Hà Trang đã tìm đến nơi Cường đóng quân. Đó là một sân bay dã chiến, nằm kín đáo ở vùng phía tây Nghệ An. Bộ đội ở đây gồm lính không quân, lính pháo, lính tên lửa, lính bộ binh. Trong số họ sẽ nhiều người lần lượt đi vào chiến trường B, C.

Lúc đầu không ai nghĩ đến việc dựng một ngôi nhà tiếp khách. Gia đình quân nhân chẳng mấy khi lên đến mảnh đất miền tây hẻo lánh này. Hậu phương chỉ còn là khái niệm về miền quê xa lắc và những lá thư thưa thớt.

Có anh, bố mẹ dã “chấm” cô hàng xóm xinh đẹp, nết na, giục về làm lễ cưới. Anh ta vội vàng khoác ba lô về quê. Mấy hôm sau đã thấy anh ta lù lù khoác ba lô về đơn vị. Ai hỏi, anh ta cười hì hì, “Nhớ nhà về phép chơi chứ vợ con gì. Gái có thì. Bắt người ta chờ đợi một hạnh phúc không chắc chắn là có tội”.

Chỉ những anh lính sinh viên là  nghịch như quỉ sứ, có học thức, biết đàn hát, ăn nói lại có duyên nên các cô gái làng rất mê. Đời lính nay đây, mai đó, quen các cô gái cho vui thôi, chẳng anh nào dám nặng tình, nặng nghĩa với cô nào. Khổ nỗi, nhiều cô lại  ôm mối tương tư. Long – một anh lính tếu nhất đơn vị đã xưng là Nguyễn Anh Phúc (tên của đồng chí trung đoàn trưởng), để làm quen với các cô gái. Khi đơn vị chuyển đến nơi đóng quân mới, trung đoàn trưởng phúc nhận được hàng tá thư của các cô gái có những cái tên: Thắm, Nụ, Hồng, Đào… mà anh chưa từng gặp bao giờ. Trung đoàn trưởng biết tỏng trò đùa này của mấy cậu lính trẻ. Anh định ỉm đi, nhưng sau thấy thư gửi đến càng ngày càng nhiều thì phát hoảng. Trung đoàn trưởng cầm một xấp thư giơ trước mặt mấy cậu lính  trẻ, tuyên bố:

– Tôi đề nghị các đồng chí chấm dứt ngay cái trò chơi “nguy hiểm” này. Những người đàn ông chân chính không bao giờ đùa cợt với tình yêu.

Nói xong trung đoàn trưởng bỏ đi. Thoáng một nét cười độ lượng trên gương mặt người đàn ông trạc tuổi bốn mươi, hơn hai mươi năm mặc áo lính và chưa một lần viết thư tình.

Lính tráng toàn đàn ông, lại ở nơi núi rừng heo hút kể cũng buồn. Có anh kêu lên: “thèm được nhìn thấy bóng dáng chiếc quần lụa đen”.

Bỗng một hôm có một người phụ nữ mặc quần lụa đen xuất hiện. Đó là chị Thêu, vợ anh Bình, lính trắc thủ xe U (xe điều khiển tên lửa). Làm trắc thủ lâu năm, anh Bình bị nhiễm phóng xạ, sinh lý yếu dần. Đã ba năm nay anh không về thăm vợ. Thủ trưởng giục đi phép, Bình toàn kiếm cớ khất lần.

Nhớ chồng, tận Thái Bình, chị Thêu lặn lội đi thăm anh. Chị đem theo nào gà trống thiến, nào rượu nếp hương, thuốc lá, trái cây… Mắt lóng lánh, tay vung vẩy chiếc nón, quạt cho ráo mồ hôi, chị nói với mọi người:

– Chả giấu gì các anh, em lên thăm nhà em, kiếm một mụn con, kẻo các cụ mong – chị cười đôi má đỏ lựng.

Thế là ngôi nhà khách xinh xắn được dựng lên. Giữa những ngày bom đạn, các anh lính đã vào tận rừng sâu tìm cây thuốc về chữa bệnh vô sinh cho anh Bình. Sau mấy ngày chị Thêu vui vẻ hẳn lên. Mắt lóng lánh, má đỏ lựng, chị đến từng căn lều bạt của những người lính:

– Chào các anh, em về. Em có điều gì không phải, các anh bỏ qua cho. Cảm ơn các anh.

Bẵng đi một thời gian, một hôm anh Bình nhận được thư vợ. Mọi người xúm vào trêu Bình:

– Thế nào dính rồi chớ?

– Phen này ông anh chắc chắn lên chức bố!

Anh Bình vẫn lầm lầm lì lì, chẳng nói chẳng rằng. Thế là mong ước giản dị của chị Thêu không thành.

Hà Trang là người khách thứ hai của đơn vị. Cô được một anh lính trẻ đưa đến ngôi nhà nứa xinh xắn, nơi trước đây chị Thêu đã sống những ngày hạnh phúc và hy vọng bên chồng.

– Chị nghỉ tạm ở đây – Anh lính trẻ nói – Nhà cửa sơ sài lắm. Em sẽ báo anh Cường đến ngay.

– Vâng. Cảm ơn anh – Hà Trang đáp và nhìn theo dáng đi nhanh nhẹn của người lính. Anh ta còn trẻ quá. Gương mặt sáng trưng như trang giấy trắng, chưa bợn lên chút gì của cuộc đời chinh chiến. Chắc anh ta vừa rời ghế nhà trường phổ thông.

Ngôi nhà khách đứng cô độc trên một ngọn đồi, cách xa trận địa, làng bản. Ngồi một mình nhìn về phía những ụ pháo, những lều bạt xa xa, Trang cảm tưởng như mình đang bị tách biệt với thế giới bên ngoài.

Ở rừng trời chóng tối. Nắng vừa rực rỡ, thoắt đã vụt tắt. Không gian bàng bạc một màn sương. Ngọn đèn dầu thắp lên, các anh lính trong tiểu đội Cường tụ tập ở nhà khách rất đông. Anh Lợi đem đến cây đàn guitare. Bữa tiệc nhỏ diễn ra vui vẻ. Trà Bắc Thái, nước xanh dịu, uống vô chan chát nơi đầu lưỡi, dần dần chuyển vị ngọt thanh nơi cuống họng, thật dễ chịu. Những làn khói thuốc lá đan quyện, thơm cay. Bánh kẹo đặc sản Hà Nội, gợi nhớ đô thành. Những người lính trò chuyện, cười nói, đàn hát rôm rả, vang động cả núi rừng vốn cô tịch. Nhìn mắt Cường đủ biết anh vui đến mức không thể nói nên lời.

Đêm khuya, mọi người ra về. Anh Lợi treo cây đàn guitare lên vách nứa. Anh Long kéo tay Cường nói như ra lệnh:

– Cậu phải ở lại săn sóc Hà Trang. Tuyệt đối không được để cho cô em cô đơn.

Cường lúng túng, nhưng rồi anh cũng quay lại giũ chiếu, sửa lại chiếc gối trên giường tre ẩm mốc vì thiếu hơi người đã lâu ngày. Đoạn, anh ngồi sát bên Trang, vòng hai cánh tay ngang mái tóc sau gáy, áp trán mình vào trán Trang. Anh nhìn vào mắt cô gái. Ở đó có ánh sáng của nghị lực và tình yêu.

Sau những nụ hôn dài, ngọt lịm, mê mải, tưởng chừng như đã quên đi tất cả, là một linh cảm sợ hãi. Điều gì sẽ xảy ra khi chỉ có một người con trai và một người con gái, trong căn nhà trên ngọn đồi hoang vắng, giữa đêm khuya?

“Hãy tỏ ra là một người dàn ông tốt” – một tiếng nói vọng lên từ đâu đó. Anh buông Hà Trang ra, nói:

– Em nằm xuống, ngủ đi. Mấy ngày đường vất vả, chắc em mệt lắm rồi.

Hà Trang nhìn chiếc giường, ngần ngại:

– Em không mệt.

– Nằm xuống đi em. Nghe lời anh. Chúng mình còn nhiều thời gian ở bên nhau.

Trang ngoan ngoãn nằm xuống. Cường lấy tấm vỏ chăn màu áo lính đắp lên người Trang, rồi anh kéo ghế ngồi bên cạnh giường, lặng lẽ châm thuốc hút.

Chỉ một lát sau Trang đã ngủ, giấc ngủ sâu và mệt… Nhìn vẻ mặt hốc hác, bơ phờ của Trang, lòng Cường đau nhói. Anh thấy mình chịu ơn Trang và thầm cảm ơn cuộc đời đã cho anh một người con gái yêu anh hết lòng, hy sinh tất cả vì anh. Lòng anh dâng lên một nỗi buồn. Buồn vì anh không biết làm gì cho Hà Trang bớt khổ. Buồn vì thương những thằng bạn đang mặc áo lính như anh, đang ở ngoài trận địa kia. Họ cũng có một thời sinh viên, một đi không trở lại. Thằng Long, thằng Lợi, những thằng bạn đẹp trai, thông minh, thế mà chỉ sau một năm vào lính, người yêu bỏ đi lấy chồng. Cường quả có may mắn hơn những thằng bạn ấy. Nhưng niềm hạnh phúc nào ở bên cạnh nỗi khổ sở của người khác cũng trở nên tàn nhẫn và lạc lõng.

Cường bước ra ngoài, khép cửa lại, men theo con đường mòn dẫn tới trận địa. Bầu trời đen quánh. Vài  ngôi sao thưa thớt nhấp nháy một cách mệt mỏi ở cuối trời.

Giấc mơ lạ khiến Hà Trang bừng tỉnh. Hốt hoảng khi biết chỉ có một mình trong căn nhà trống trải, cô vùng dậy, vặn to ngọn đèn dầu. Cường đi đâu? Trang rùng mình sợ hãi. Cô chạy ra mở toang cánh cửa, định gọi Cường, nhưng lưỡi cô cứng lại trước một màn đêm dày đặc, mông lung đến khó hiểu. Ở mé đồi có một đống lửa lớn, không biết ai đã nhóm lên tự lúc nào mà giờ đây nó rực lên một cách bí hiểm. Đống lửa giống như một ngôi mộ mới, cắm rất nhiều nhang cháy đỏ. Mỗi cơn gió thổi qua, tàn lửa bay tứ tung, hoặc phụt ra những cái lưỡi lửa xanh lè, như lưỡi của yêu tinh trong truyện cổ. Sợ quá, Hà Trang chạy vụt vào nhà, đóng sầm cửa lại, leo lên giường, quấn chăn, ngồi thu lu một góc cho đến sáng.

Hà Trang trở dậy mở cửa và nhận ra đống lửa đêm qua chỉ là một thân cây to, chết khô, người ta đốt gốc để hạ cây. Thế mà suốt đêm qua Trang thắt cả tim vì sợ. Giải mây hồng nhạt vắt bên trời, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Trang tha thẩn tìm kiếm nhánh hoa rừng, đem về cắm trong một chiếc ly thuỷ tinh. Cánh hoa mua tím biếc như nỗi nhớ, khiến Trang nghĩ đến một câu danh ngôn: Ở đâu có giọt nước mắt của tình yêu nhỏ xuống, ở đó mọc lên những bông hoa tím thuỷ chung.

Cường đến, anh đem theo một hăng gô cơm, đặt lên bàn:

– Em kiếm đâu ra những bông hoa đẹp thế?

– Ở gần đây thôi. Những bông hoa dại rất đẹp, nhưng thường bị lãng quên.

– Con người rất cần những cơ hội để nhận ra cái đẹp. Nhưng không phải ai cũng may mắn… mà thôi, đừng triết lý nữa. Chắc là em đói bụng rồi. Ăn cơm đi em.

– Khẩu phần của anh đấy à?

– Không, của em.

– Em làm gì có tiêu chuẩn?

– Có chứ. Em là người lính thứ sáu của khẩu đội pháo và em hãy hoàn thành nhiệm vụ của một người lính.

Cường nhanh nhẹn bày thức ăn ra bàn.

-Em dùng tạm, bữa sáng sơ sài thôi. Bữa trưa các anh trong khẩu đội sẽ đãi em món thịt gà quay.

– Làm lính mà được ăn gà quay, sướng thật. Em xin tự nguyện làm lính suốt đời.

Hai người cùng ngồi vào bàn. Cơm gạo đỏ – thứ gạo của miền núi – có vị ngọt đậm, vài khúc cá khô nướng, rau tàu bay luộc. Những ai chưa từng ăn rau tàu bay, không biết rằng rau rất bùi. Trang ăn một cách ngon lành. Nhìn Trang, Cường thấy mủi lòng:

– Đêm qua em ngủ được không?

– Em ngủ rất say – Trang nói thế, nhưng đôi mắt thâm quầng của cô đã trả lời ngược lại.

– Em sợ phải không? Anh xin lỗi đã để em một mình.

– Em không sợ. Anh đừng lo cho em quá thế.

– Em hy sinh cho anh nhiều quá. Anh thấy mình chỉ là một thằng đàn ông ích kỷ. Biết đến bao giờ anh mới bù đắp được cho em.

– Khi chiến tranh chấm dứt.

– Nhưng sức chịu đựng của con người có hạn. Một tình yêu mạnh lẽ cũng có khi mệt mỏi.

– Anh mệt mỏi rồi sao?

– Anh sợ rằng đến một lúc nào đó em không còn cố gắng được nữa. Về phần anh…

– Em vượt mấy trăm cây số đến đây không phải để mất niềm tin ở tình yêu.

Trang giận dỗi đi ra phía cửa. Cường bước theo dỗ dành:

-Đừng hiểu lầm. Anh yêu em – Cường ôm riết lấy Trang – Anh khao khát làm một cái gì đó cho em, nhưng không thể… Khi đã mặc áo lính, không ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Anh sắp đi xa Trang ạ.

Trang hôn lên ngực Cường. Mọi sự giận hờn đều vô nghĩa. Những giây phút hiếm hoi được ở bên nhau, đẹp đẽ và ngắn ngủi, như giọt sương mai đậu trên cánh hoa hồng. Trang muốn nói với Cường rằng cô yêu anh hơn chính bản thân mình, nhưng nước mắt đã ứa ra.

Cường an ủi:

-Thôi đừng buồn nữa em. Có lẽ tạo hoá không đến nỗi bất công như ta tưởng. À, Anh đem mấy cuốn truyện em đọc cho vui. Bây giờ  anh ra pháo xem công việc hôm nay thế nào. Chút nữa anh trở lại với em nghen.

– Dạ, anh đừng bận rộn vì em. Có lẽ em sẽ ngủ thêm một chút cho đỡ mệt.

Trang nói để Cường yên tâm chứ làm sao mà ngủ được. Trang lặn lội đến đây không phải chỉ để gặp Cường thoả nỗi nhớ nhung, mà còn để hiểu rõ hơn cuộc đời người lính.

Trang đi về phía có tiếng động cơ xe tải. Những cánh hoa trắng, hồng, tím lấp ló trong bụi cây như nụ cười rạng rỡ chợt hiện  trên gương mặt buồn, gợi lên một ý thơ. Núi đồi mơ mộng quá. Trái tim thi sĩ trong Trang xao xuyến, dự cảm một bài thơ về miền đất hoang vắng, lặng lẽ hằn in dấu chân người lính, sẽ hình thành.

Chiếc xe tải trước mắt đã dứt Trang ra khỏi phút giây lãng đãng của tâm hồn. Mui xe trùm vải bạt kín mít. Ở phía sau, Cường cùng Lợi, Long và nhiều anh bộ đội khác, đang chuyển những vật gì đó có vẻ nặng lắm từ trên xe xuống, đưa vào một căn nhà gần đó. Một điều rất lạ là tất cả các anh cứ lầm lũi khiêng mang, chẳng ai nói một lời. Trang không thể nào tin, khi nhận ra đó là những chiếc bao ny long trắng đựng thi hài tử sĩ, từ mặt trận phía Nam chuyển về. Những chiếc bao trong suốt như pha lê, có thể nhìn thấy rõ nét mặt của từng người. Các anh đa số còn trẻ quá. Có anh mặc trên người bộ quân phục màu xanh còn mới, vẻ mặt tươi hồng, bình thản như đang ngủ.

Trang ngã khuỵ xuống vì xúc động.

Lợi kêu lên:

– Hà Trang, em làm sao thế? Cường ơi!

Cường chạy lại đỡ Trang:

– Trời ơi, em ra đây làm gì?

– Cho em góp sức với các anh – Trang trấn tĩnh được và chạy đến chỗ Lợi – Cho em khiêng với.

– Em vào lều bạt nghỉ đi. Những việc như thế này là của bọn anh – Lợi nói.

– Em tha thiết được tham gia, hãy cho phép…

Giải thích đôi co lúc này thật vô ích. Mọi người lặng lẽ và thận trọng tiếp tục công việc. Trang tự động viên mình: đừng sợ. Tất cả những người chết đều hiền lành. Nhìn các anh, Trang cứ ngờ ngợ như lạ, như quen. Biết đâu trong số họ, có người là bạn học của Trang cái thời phổ thông. Xót thương, đau đớn khiến Trang trở nên mạnh mẽ không ngờ.

Đến non trưa, các tử thi đã được đưa hết vào nhà, chờ gửi về quê hương.

Trang theo  các anh ra giếng rửa tay chân, rồi trở về lán của khẩu đội. Bữa trưa đã được anh lính trẻ măng tơ dọn sẵn. Trang ngỡ ngàng nhận ra anh lính hôm qua đã dẫn Trang đến nhà khách. Anh ta nhanh nhảu:

– Chị Trang, mời chị ngồi.

– Vâng. Cảm ơn – Trang ngại ngùng.

– Ngồi xuống, dùng cơm đi Trang. Sống với bọn anh là phải thoải mái, tự nhiên – anh Lợi vừa nói vừa kéo tay Trang.

Cường nhìn Trang như muốn nói “Hãy nghe lời các anh”.

Thịt gà quay vàng rộm. Cánh, cổ, chân gà nấu canh củ sắn. Một bi đông rượu đế. Hẳn đây là một bữa tiệc của lính.

Long rót rượu cho Trang:

– Nào nâng cốc lên uống một hớp. Men rượu cay nồng xông lên mũi làm Trang rùng mình. Mọi người rối rít khích lệ:

– Khá lắm! Thế mới xứng đáng là người yêu của lính. Trăm phần trăm nào!

Trang nhắm một ngụm nhỏ nữa rồi đổ phần rượu còn lại sang ly của Cường.

– Không được. Mỗi người lính phải hoàn thành nhiệm vụ của mình – Lợi kêu lên và cầm bi  đông rót rượu đầy ly của Trang.

Trang cười trừ, gắp thịt quay cho từng anh. Suốt bữa Trang có cảm giác, các anh cố nói cười, làm ra vui vẻ. Anh nào cũng chỉ uống nhiều mà không ăn gì cả. Mấy đĩa thịt đầy ăm ắp. Có lẽ các anh không thể vui thật sự, khi xác bao động đội nằm kia. Không hiểu sao hôm nay Trang thấy sợ thịt. Hình ảnh những người lính hy sinh, để trong những chiếc bao ni lon trắng, trong suốt như pha lê, gây cho Trang một ấn tượng mạnh đến suốt đời.

Trang trở về nhà khách. Mấy cuốn truyện chỏng trơ trên chiếc giường tre. Trang đã đọc nhiều cuốn sách viết về những cuộc ra trận đẹp đẽ, đầy hào khí, nhưng chưa hề có một trang sách nào ghi lại hình ảnh những người lính trở về trong những chiếc bao nilon. Và bài thơ về những bông hoa rừng của mảnh đất miền tây mà Trang đang ấp ủ, thật quá xa lạ so với cái khốc liệt của hiện thực.

Buổi tối, Cường đến. Trang ôm chầm lấy anh khóc tức tưởi. Cường hiểu những giọt nước mắt ấy đã nén lại từ lúc Trang cùng  với các anh trong khẩu đội khiêng thi hài tử sĩ.

– Lẽ ra em không nên chứng kiến cái cảnh sáng nay.

– Chiến tranh thật khủng khiếp.

– Đó là mặt trái của chiến tranh. Tất nhiên, mặt khác không thể phủ nhận là vinh quang và chiến công.

– Vậy thì em rất cần thấy cái mặt trái của chiến tranh, cả mọi người cũng thế, để hiểu rõ hơn cái giá của những vinh quang và chiến công.

– Để bi quan, chán nản.

– Không! để có sự chuẩn bị về tình cảm và lý trí.

– Vậy sao còn khóc nhè?

– Thôi vứt hết những cái vinh quang ấy đi. Giờ đây chỉ có anh và em. Đêm nay anh ở lại với em, chịu không?

– Đừng anh. Không nên thế.

– Sao vậy em?

– Em sợ… Vả lại, các anh trong khẩu đội sẽ nghĩ thế nào?

– Chính các anh ấy “ra lệnh” cho anh phải ở lại đây.

– Gặp anh thế này là đủ lắm rồi. Em hạnh phúc lắm…

Rồi hai người im lặng. Xa cách đã lâu ngày, bao nhiêu khát khao được nói những lời yêu cho thoả, nhưng họ có nói  được gì đâu. Chỉ có ánh mắt và vòng tay tin  cậy  giúp họ hiểu rằng không một trở lực nào có thể chia lìa họ, kể cả sự xa cách, đạn bom và cái chết.

Sực nhớ là đêm đã khuya, Trang nhắc Cường:

– Anh về  lán nghỉ đi, đừng lo cho em.

– Cho anh ở lại đây – Cường năn nỉ.

– Công việc ngày hôm nay khá vất vả, anh cần được nghỉ ngơi. Nghe lời em đi.

– Thôi được. Em cứ ngủ đi. Chừng nào em ngủ say, anh sẽ về lán.

Trang lên giường đắp chăn. Cường lấy cây đàn guitare trên vách, dạo những bản nhạc quen thuộc. Tiếng đàn êm ái ru Trang vào giấc ngủ. Cường về lán của khẩu đội. Mấy anh lính ngủ mê mệt, ngáy như sấm. Không treo mùng, chẳng tháo giày. Cường rón  rén nằm xuống chiếc phản gỗ bỏ không.

Từ giường bên, Lợi chui ra khỏi mùng hỏi:

– Cường hả? Mò về đây làm gì? Sao không ở lại trên ấy?

– Trang không chịu.

– Cậu khỉ thật. Đứa con gái nào trong trường hợp ấy mà không đuổi quầy quậy.

– Cũng chẳng sao. Trang ngủ rồi.

– Cậu ngố lắm. Cậu phải thức mà canh giấc ngủ cho Hà Trang, hiểu chưa. Giữa đồi hoang quạnh quẽ thế này, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra với cô ấy. Đến đằng ấy đi, ông tướng – Vừa nói, Lợi vừa lôi Cường ra cửa lán.

Cường lủi thủi đến nhà khách. Anh ngồi trên ghế dựa lưng vào vách, châm thuốc hút. Thong thả nhả từng ngụm khói, Cường nghĩ ngợi mông lung. Ngày mai Trang trở về Hà Nội. Sắp tới anh sẽ vào chiến trường B. Một cuộc chia tay không hẹn ngày gặp lại.

Giấc ngủ của Trang có vẻ mệt mỏi. Cô ú ớ nói gì trong mơ. Trang thấy cái cảnh chuyển thi hài tử sĩ ban sáng. Trang nhìn chằm chằm vào những cái xác trong bao nilon trắng, trong suốt như pha lê. Ôi, những gương mặt quen quá. Ai đây? Sao giống anh Lợi thế? Còn cái anh mặc bộ  quân phục mới tinh này, sao lại giống anh lính trẻ măng tơ của khẩu đội pháo? Bỗng Trang rú lên điên dại như bị trúng đạn. Cô thấy Cường ở trong chiếc bao nilon trắng. Trời ơi, Cường chết thật rồi sao? Đôi mắt nâu mơ màng ẩm ướt của xứ sở mưa dầm đã khép lại rồi. Cái mũi cao đầy kiêu hãnh trên một gương mặt cương nghị giờ trở nên nhợt nhạt.

– Hà Trang, em sao thế? – Cường chạy đến nắm lấy tay Trang.

Trang choàng dậy, ngơ ngác. Rồi đột nhiên ôm lấy cổ Cường khóc nấc lên:

– Ôi anh. Em mơ khủng khiếp quá.

– Em mơ thấy gì? Kể anh nghe.

-À… không… em mơ  thấy chúng mình đi bên nhau trên quả đồi đầy hoa tím.

Biết Trang giấu, Cường  chùi nước mắt cho Trang, nói:

– Vui thế, phải cười lên chứ.

– Anh ở đây với em, đừng đi đâu nữa nhé.

– Anh không đi đâu hết. Em ngủ tiếp đi.

Họ nằm bên nhau. Lần đầu tiên sau bốn năm trời yêu đương, họ âu yếm nhau trong tư thế đặc biệt ấy.

Giải đồi hoang heo hút. Ngôi nhà cô độc. Chiếc giường tre. Ở đó, hai con người, hai giới tính, hai nửa phân ly của một thực thể mong muốn tìm về nhau trong sự gần gụi của hơi thở và thân xác.

“Cường không chết” – Trang tự nhủ. Con người bằng xương bằng thịt ấy đang ở bên Trang, không hề có khoảng cách. Và giấc mơ, dù ảm đạm, cũng chỉ là giấc mơ.

Hoàn cảnh cho phép tình yêu phát triển đến một đỉnh điểm khôn lường. Chàng trai đột nhiên vùng dậy, vội vã trút bỏ bộ quân phục trên người, cử chỉ dứt khoát, mạnh mẽ. Trong tất cả biểu hiện của phái mạnh, thì đó là biểu hiện mang tính đàn ông nhất. Bàn tay anh lóng ngóng lần trên khuy áo cô gái. Bàn tay người lính pháo thủ số 1, vốn rắn rỏi, tự tin khi điều khiển nòng pháo hướng về phía mục tiêu, sao lúc này run rẩy, ngờ nghệch, đáng thương. Nhưng rồi,  hai vạt áo cô gái đã bung ra. Hai “cánh màn nhung” khép kín những điều bí ẩn của cái nửa bên kia đã mở.

Chàng trai vụng về, lúng túng nhưng khao khát một một cách nhiệt thành. Cô gái lo sợ, mất tự chủ, nhắm nghiền đôi mắt, như Evơ thuở hồng hoang. Chúa Trời mới sinh ra.

Hai người trôi theo tiếng gọi mơ hồ, vô định, vượt qua ranh giới, bước vào vườn cấm. Họ gắn kết lấy nhau, hoà nhập làm một, đồng điệu, nhịp nhàng, đam mê chung hưởng nỗi sung sướng tột cùng của giống người. Họ như được nâng bổng lên chót vót trên tấm thảm rực rỡ, mỏng manh, lại như đang rơi từ từ, êm ái xuống một vực sâu không đáy…

Phụ nữ bao giờ cũng nhạy cảm với cái khía cạnh phũ phàng của hiện thực. Những giây phút đắm đuối qua đi, Hà Trang bị giằng xé ghê gớm bởi nhiều cảm xúc: Hạnh phúc và đau xót, kiêu hãnh và tủi hổ, biết ơn và thầm trách. Quay mặt vào vách nứa, cô gái vừa mới trở thành người đàn bà ấy để mặc cho nước mắt chảy ròng.

          -Anh có lỗi… Lẽ ra… Không nên như thế – Cường nói giọng xúc động. Mắt anh buồn thăm thẳm.

Trang im lặng. Trong thâm tâm cô mong ước tất cả những gì  vừa xảy ra chỉ là giấc mơ. Vâng, chỉ là một giấc mơ.

                                                          *

Bé Lan Chi ra đời sau “giấc mơ” ấy. Đứa con của người lính – sản phẩm của tình yêu.

Giờ đây bé đang nằm trên giường bệnh. Bình xirom nhỏ những giọt cuối cùng. Da thịt bé căng lên, tươi hồng trở lại. Trang thấy yêu con hơn bao giờ hết. Cái sinh linh bé nhỏ ấy là điểm tựa níu giữ Trang. Trang phải che chở, bảo vệ nó đến cùng. Bởi, để có đứa con, Trang phải chịu đựng bao nhiêu khổ sở.

(Còn nữa)