Cám ơn bạn đọc đến với “Hoàng hôn trắng”

CẢM ƠN BẠN ĐỌC ĐẾN VỚI TIỂU THUYẾT

HOÀNG HÔN TRẮNG CỦA LÊ KHÁNH MAI

Bạn đọc thân mến!

Hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, từ ngày 23/10 đến ngày 19/11/2012, Blog THƠ VÀ ĐỒNG VỌNG đã đăng trọn vẹn 14 kỳ tiểu thuyết HOÀNG HÔN TRẮNG của Lê Khánh Mai, NXB Khánh Hòa 1992 và hân hạnh được đón nhận trên 2000 lượt truy cập với 410 comment góp ý kiến trao đổi.

Với tình cảm biết ơn, trân trọng và tiếp thu những ý kiến xây dựng của  bạn đọc – người sáng tạo thứ hai, Lê Khánh Mai xin phép chọn đăng một số comment các anh chị và các bạn góp ý về nội dung và phương pháp nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết này

Rất mong được sự chấp thuận và chia sẻ của bạn đọc.

Lê Khánh Mai

COMMENT CHO TIỂU THUYẾT HOÀNG HÔN TRẮNG

1-LÊ TRUNG TIẾT:

Hoàng hôn trắng là một tiểu thuyết rất đáng đọc, tiếc quá thời gian không cho phép, mong tác giả cứ đăng lên liền mạch tất cả các chương để những người ít thời gian có thể dành vài buổi để đọc trọn vẹn

2- NGUYỄN ĐỨC THIỆN:

Cách đây 20 năm mà KM viết sinh động và có nghề ghê. Mình phục đó. 20 năm trước mình chẳng biết làm sao có được một tập sách đâu. Giỏi thật.

Chương này gợi cho mình bao nhiêu kỷ niệm thực tế đời mình. Về những ngày ở lính với vất vả gian truân, với ước mong và khao khát yêu đương, những mối tình của những chàng lính trẻ măng, những chàng sinh viên nghịch ngợm yêu cuộc sống. Và cả những hy sinh của họ nữa… Ngày ấy có bao nhiêu người lính hy sinh mà chưa biết đến nụ hôn? và họ thiệt thòi nhiều lắm…

Viết tiểu thuyết thích thật. Nhân vật cứ tung ra mà sống. Cách đây đã hai mươi năm mà LKM đã có sức viết thế này. Hai mươi năm trước mình nhìn tiểu thuyết của người ta mà tắc lưỡi: mình làm sao có tiểu thuyết đây. Thưở còn đi học mình thích trang trí sổ tay cho mình và bạn bè. Cuốn nào mình cũng trang trí như một cuốn sách và ước: Giá mà minh có được một tập sách nhỉ? Giỏi lắm LKM 

3- XUÂN THU:

Tiết tấu truyện hoạt đấy, chị ạ.

Vẫn rất hay. Tả kỹ, sinh động. Đoạn Trang lên đơn vị thăm Cường hấp dẫn lắm. Cái chỗ mà Vũ bị lòi ruột đọc sởn da gà. Khiếp! Làm cứ như người trong cuộc. Chị làm sống lại những năm bom đạn rồi đó. Tình yêu ngày xưa khổ thật. Thế nhưng lại rất lãng mạn.

Chị bóc mẽ đúng quá. Hiện giờ nhiều loại người kiểu này lắm, nhất là nữ đoàn thể. Hãnh tiến. Ào ào. Coi thường đồng nghiệp, cấp trên. Lúc nào cũng lý tưởng nọ kia nhưng thực ra thì rỗng tuếch. Ấy thế mà bọn chúng lại cứ tiến thân nhanh mới chết chứ. Buồn. Thật là buồn. Chị vẽ chân dung loại người này giỏi lắm.

Huệ lại là một mẫu người chứa đầy một thùng thuốc nổ, không biết chừng nó sẽ nổ lúc nào không hay. Cuộc đời thật phức tạp. Những người yêu thương nhau lại không cùng một hướng mà cứ chắp vá nhau đến tội. Chương này xoáy vào nhân vật Huệ hay lắm

Cuộc sống dần bộc lộ ra những loại người mà ta không hề mong muốn, không thể ngờ tới, trong số đó kinh tởm nhất là loại lừa thầy, phản bạn chị ạ. Chị vẽ chân dung học trò cũ lên lớp cô giáo cũ đau quá, xót xa quá. Thì ra ở trong nhà trường cũng có cả chuyện đau lòng đó. Cuộc đời mà chị. Đây cũng là thành công về sự vững tay của người viết.

Kết hơi bị bất ngờ chị ơi! Chị đã nói thay nhân vật và lộ ý tưởng nên nói thật là em chưa ưng lắm đâu.

4- TỐNG PHƯỚC TRỊ:

Hiểu được học trò như thế này, không có giáo viên nào không dạy giỏi.
Viết được như thế này, nhà văn phải có vốn sống và hiểu biết sâu sắc về nghề giáo. Khánh Mai đã làm được 2 trong 1!

Bức tranh kinh tế xã hội miền Bắc khi bước vào cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất qua miêu tả của em khá điển hình: Nội chính căng thẳng ( nghi là bắt), những chuyến đi B bí mật, kinh tế khó khăn ( cả xã hội nháo nhác kiếm sống), đạn bom chết chóc rình rập…Em có sức khái quát cao.

Mai Hồng chính là sản phẩm của nền giáo dục bị “pha lê hoá”. Loại nhân vật này sẽ rất nổ khi gặp thời nhưng tan nát ngay khi gặp thử thách nghiệt ngã.
Người nào trong cuộc sống chưa làm gì nhưng luôn chứng minh cho cái tôi thì chắc chắn không phải người tốt. Anh đoán số phận nhân vật Mai Hồng sẽ thế,
Nhân vật Thảo Ly có đất viết nhưng anh cảm thấy em bỏ lửng trong chương này

 Nhân vật Huệ được khắc họa thành công.
Các nhân vật khác cũng bằng những nét chấm phá tưởng như sơ lược nhưng chi tiết được chọn để miêu tả khá đắt và tiêu biểu: Ông hiệu trưởng hiện thân của chủ nghĩa khắc khổ: nghèo là yêu nước, là cách mạng; lu lít về chủ nghĩa lý lịch, mâu thuẩn giữa lý thuyết và hành động, chê nền kinh tế miền Nam khi mới giải phóng chỉ là sự phồn vinh giả tạo của chủ nghĩa thực dân mới nhưng lại nhận những giá trị vật chất do Huệ giúp đỡ và dùng thủ đoạn “đen” mới có. Là người lãnh đạo quản lý giáo dục nhưng lúng túng chưa đưa ra hình ảnh chuẩn mực về hình thức của giáo viên khi đứng trên bục giảng: trang phục tùy tiện, mặc quần bò áo phông…
Chương này hay bỡi kết cấu tuyến tính, khắc họa tính cách nhân vật rõ nét, thực trạng và mâu thuẩn xã hội trong ngành giáo dục thời kỳ mới giải phóng miền Nam được phản ảnh trung thực.
Là người đọc anh cảm thấy chương này hình như tác giả chạy theo sự kiện mà chưa nhấn sâu thêm một chút về chi tiết sự kiện. Nếu nhấn sâu thêm chút về tính cách nhân vật thì độ lắng đọng trong lòng người đọc về nhân vật sẽ sâu hơn, tác phẩm ấn tượng hơn.

Riêng sự chân thực đã là hay rồi. Cảnh sinh viên sau chiến tranh về lại các trường đại học học tiếp vào giai đoạn ấy rất ấn tượng.

Kỹ năng viết đã hoàn toàn thay thế cho cảm nhận trực quan. Điều này rất quý khi viết tiểu thuyết. Chương này hay nhất vì tác giả hiểu tâm ký nhân vật khá sâu sắc.

Em miêu tả rất thành công bản chất đê hèn của Huệ và Mai Hồng ở hai khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Một Huệ tục tằn lỗ mãng, lưu manh trong hành xử. Một Mai Hồng ranh ma thủ đoạn, tự mãn và hiếu thắng.
Em cũng làm rõ được hình ảnh Hà Trang một trí thức chân chính đi theo cách mạng và đảng một các tự giác vô tư  trong sáng nhưng không tự bảo vệ được mình trước bọn cơ hội, thủ đoạn với nhiều mánh lới xảo quyệt…


5- KIỀU GIANG:

Trung thực và sống động. Ngòi bút của người trong cuộc, rất sâu sắc, thật đáng yêu.

Trong tâm hồn của những người có suy tưởng, nỗi đớn đau nhất là sự xung đột nội tâm. Sự xung đột giữa một bên là lý tưởng cao đẹp, bay bổng và bên kia là đời thường đầy những bất trắc, giành giật, điêu ngoa. Làm sao có thể tiến về lý tưởng mà không ngã quỵ trước những cám dỗ thấp hèn của đời thường, đó chính là sự phi thường của những con người chân chính. Trong chương này tác giả giải quyết vấn đề đó rất sắc bén, rõ nét, đầy cá tính. Anh thấy rất thú vị khi đọc chương này.

Trong chương X này, tác giả khéo lột tả những xung đột: giữa bản năng và đạo đức, giữa trung thực và gian trá, giữa hiện thực và giáo điều, giữa cách mạng và sáo mòn…qua các nhân vật, bằng ngòi bút sinh động

Càng về sau càng bất ngờ, hấp dẫn, nhất là những đoạn về ” tình yêu luận” của nhà văn. Anh nghĩ phải là một người rất từng trải trong tình trường mới phân tích tâm lý những nam nữ yêu đương hay đến như vậy.Trong chương XIII này, lại thêm một gáo nước lạnh nữa tạt vào mặt những kẻ giả dối, nịnh bợ, háo danh, phi đạo đức, giáo điều xơ cứng…

 

6- TRƯƠNG LAN ANH:

Em đọc trọn vẹn và cảm nhận cái tài của chị trong diễn tả sự đường đột trong tình yêu đơn phương và để rồi khi tình yêu chân thực từ hai trái tim cùng nhịp đã đến giữa Hà Trang và cường vừa lãng mạn vừa chân thực. Lối diễn đạt đã đưa người đọc như đang tận hưởng được phút giây hạnh phúc những rung động của hai trái tim tự nguyện. Tình yêu dưới cái nhìn của nữ thi sĩ cũng bàng bạc chất thơ, Thực sự lôi cuốn người đọc. Em chúc mừng độ chín và già dặn của chị đến thật sớm. cứ ngỡ chị mới viết hôm nay.

Quả thật chỉ gọn một chương mà chị đã nói cái hồn cái cốt của cái nghề nhà giáo rồi. Qua Nhân Vật Trang, Huệ, cán bộ lãnh đạo sở và học sinh. Mối quan hệ đa chiều trong ngành giáo dục chứng tỏ chị rất tâm đắc và là một nhà giáo giàu kInh nghiệm sống….

Đọc và soi rọi và ngẫm ngợi để mình hiểu cái nghề của mình chị nhỉ. Những trăn trở của chị hay chính là những vấn đề mà ta vẫn thấy vướng mắc trong ngành ta. “Bình cũ rượu mới chị à”. Hiện nay ta đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực chủ động của học sinh… nhưng như một thực tiễn hiện nay của việc dạy văn – học văn…Tâm tư của cô giáo Trang …rất thật và đầy nhiệt huyết của một cô giáo trẻ đầy triển vọng……hay suy nghĩ …của Huệ một lớp người đi trước…ấy là những căn bệnh… thực tế.
Là một cô giáo dạy văn chị đã hiểu ngọn ngành của nghiệp mình rồi….em đọc và cảm nhận sự đồng cảm. Chúc mừng chị một chương viết rất hay mà gần gũi cuộc sống và sự nghiệp quanh ta!

Mỗi nhân vật đều sống và thể hiện cá tính mạnh mẽ. Một chương viết cũng thấm đẫm nỗi niềm với nhà giáo chúng ta

một cái kết có hậu. Cô giáo Trang hiện lên trong ứng xử đẹp và bản lĩnh. Một tấm lòng yêu thương vị tha và cảm thấu. Khuya em đọc nhanh mà tháy chị tuyệt vời và sắc sảo. Kịch tính đẩy cao. tính cách nhân vật bộc lộ rõ.                                   

7- NGUYỄN NGỌC CHIẾN:

Văn phong của chương này đọc rất thích. Có lẽ vì thế mà nhân vật Hà Trang vốn đã là một cô giáo tận tụy với nghề, một lòng một dạ vì sự nghiệp trồng người, được đồng nghiệp yêu thương, quý trọng càng nỗi bật qua từng trang sách, mà ở đó qua mỗi trang văn được tác giả miêu tả hết sức thân tình.

Chương Năm tái hiện một thời của miền Bắc trong những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Cảnh thanh niên trai gái lên đường ra trận. Một đơn vị Bộ đội Phòng không Không quân trực chiến…
Và ở chương Năm này tác giá muốn kể với người đọc mối tình của Hà Trang và Mạnh Cường trong những ngày đầu mới yêu nhau, kẻ ở người đi, sự yêu thương, chờ đợi…
Văn phong dung dị, chân chất, mộc mạc, nhưng cuốn hút người đọc bởi những chi tiết kể về chiến tranh, tình yêu, tình đồng đội… 

Chuyện “cơm áo gạo tiền” – một vấn đề bức bối của đời sống cán bộ công nhân viên chức, trong đó có đội ngũ giáo viên một thời đã được tác giả khắc họa rất sinh động trong chương VII này. Là người trong cuộc, Lê Khánh Mai mới viết được như vậy 

Chuyện vẫn tiếp tục với một số nhân vật khác như Hương, Lợi…Đó là những người bạn của Cường và Hà Trang. Mỗi nhân vật một số phận, một tính cách nhưng trong họ, tất cả đều đáng yêu…

8- MUISEN:

Hình ảnh cô giáo Hà Trang làm em nhớ cô giáo dạy văn của em. Rất giống cô HT chị ạ. Có lẽ nhờ những tiết học của cô mà lớp em trờ nên yêu môn văn hơn. kễ cả những cậu trai nghịch ngợm vốn thích toán và sợ văn như sợ uống thuốc vậy. Chị viết thật hấp dẫn, đọc lôi cuốn lắm cơ!

Chị viết về tình yêu thật đáng yêu. Tiết tấu câu chuyện nhanh nhưng vẫn làm cho tim người đọc co thắt theo nhịp tim của HT. Em bắt đầu thấy nét cá tính của nguyên mẫu trong nhân vật HT rồi đó

Chương này tái hiện lại hình ảnh một thời sơ tán của bọn nhỏ chúng em, cũng khốc liệt dữ dội mà hào hùng như thế. Đọc mà thấy như mới ngày hôm qua đây thôi. Chiến tranh thật tàn nhẫn. Bây giờ điều mong mỏi duy nhất của em là thế hệ con cháu mình đừng bao giờ phải chịu cảnh chiến tranh nữa.

Tiểu thuyết bắt đầu mở ra những mâu thuẫn xung đột, em thích cách khắc họa nhân vật của chị, từ hình thức đến nội dung đủ nói lên tính cách nhân vật chứ chưa cần ” xuất chiêu “. Đọc đến đoạn Huệ mớm cho ông Thanh việc đừng bao giờ kết nạp người hay đấu tranh, em mắc cười quá vì đúng y như ở cơ quan em ngày trước.

Chương này có lẽ là chương khiến em ” nghẹt thở ” nhất, nhưng mà cũng thích nhất chị ạ. sự dằng xé trong nội tâm của từng nhân vật được khắc họa thật tinh tế và chuẩn xác đến mức người đọc như thấy nhân vật đó đang đứng trước mặt mình vậy. Cảm ơn chị đã để cho kết cuộc có hậu một cách hợp lý. Vì một tình yêu được đánh đổi bằng máu thịt và trái tim làm sao lại không thể chiến thắng trước một tình yêu cướp đoạt và hời hợt tầm thường được chứ

Thế là đã đến chương kết của ” Hoàng hôn trắng” rồi. Vẫn còn thòm thèm và tiêng tiếc chị ạ. Em cũng cảm thấy phần kết hơi vội vã tí nhưng rất phục chị với bối cảnh hồi đó mà chị đã dũng cảm bầy tỏ quan điểm nhìn nhận, đánh giá con người rất nhân bản như vậy.

9- TRẦN DANH TU:

Chúc mừng Lê Khánh Mai có phần VI tiểu thuyết Hoàng hôn trắng. Tình tứ, hay. Tiếp tục nhé để mọi người được hưởng thụ hương vị tình yêu nồng nàn người lính.

Chương XI, HOÀNG HÔN TRẮNG hiện về thú vị. Khánh Mai thổi hồn cho từng nhân vật thân thương lắm. Người lính trở về hẫng hụt khi nghe tin người thân đi xa vào Nha Trang dạy học. Sinh viên áo lính trở về … Một chương tiểu thuyết rung động. Hay.

Tên tiểu thuyết HOÀNG HÔN TRẮNG xuất hiện ở chương kết. Chương này TDT ứa nước mắt đó LKM ạ. Nhưng may mà LKM để cho Hà Trang gặp thuốc đặc hiệu cũng chính từ thành quả lao động của mình. Đời ở hiền gặp lành là vậy. LKM diễn tả hình tượng Hà Trang nhón cao chân nhìn đám tang Huệ rất hay, tính nhân đạo và cao thượng của Trang nằm một phần ở đây. Ý kiến đề xuất với Thanh để cho học trò nghèo học giỏi của mình thể hiện tâm hồn và đạo đức của người dạy môn VĂN HỌC. Anh rất quý trọng công sức lao động trí tuệ của LKM ở HOÀNG HÔN TRẮNG. Đây là một trong số ít tiểu thuyết hay của nước ta giai đoạn vừa qua.

10- TRẦN HOÀI THẮM:

Chị viết rất thật, rất đời thường

Chị viết về tình yêu của tuổi mới lớn sao mà đúng thế. Sự lãng mạn của cô bé có tâm hồn thơ…Một tình yêu bồng bột đơn phương với hình tượng và tình yêu sét đánh với người bạn thơ đồng cảm. Em đọc mà thấy hình như khi mới lớn mình cũng đã từng như thế.

Các nhân vật của chị nó thật quá. Em thấy giống như em đã gặp ngoài đời rồi ấy

 Huệ là khuôn mẫu mà em đã thấy ở ngoài đời. Truyện có  kết cấu chặt chẽ là logic, khái thác tâm lý nhân vật rất hợp lý.

Chị tái hiện lại cuộc sống của giáo viên thời kỳ đó rất sống động.

Chương này (XII) hay quá chị ạ.
Tâm hồn nhạy cảm, sự hiểu biết đã giúp Hà Trang đứng vững và xử sự rất sáng suốt. Chị xây dựng nhân vật Hương hay quá

11- ĐỖ LAN PHƯƠNG:

Ở chương III, tác giả để cho hai nhân vật đối thoại khá dài, dàn trải cảm xúc một cách tự nhiên, tính cách nhân vật thông qua những câu thoại phần nào được toát lên. Đó là một lối viết mạnh dạn, ít người dám dùng.

Truyện viết đan xen giữa qua khứ và hiện tại như những thước phim từ từ trôi.

Những gì Trang nói với Hương, những gì Trang làm cho Cường trong cuộc gặp gỡ mang tính quyết định này thật phi thường.
Đọc xong cuốn tiểu thuyết em đã hiểu tại sao chị lấy tựa đề là Hoàng hôn trắng.

12- CẨM THẠCH :

Chương nào cũng hấp dẫn KM ạ. CT thích tình cảm của Trang và Cường, Thời ấy người ta biết sống cho tình yêu và biết hy sinh cho cái mình yêu..

13- NGUYỄN ĐỨC ĐÁT                                                        

Phải đọc hết tiểu thuyết mới có được nhận xét toàn cục. Nhưng công nhận tác phẩm đầu tay em viết như thế này là rất được

Chương này (XII ) hay. Cách xử lý của LKM khá logic

Thế là hết một cuốn tiểu thuyết, tuy không dài lắm nhưng chứa đựng biết bao số phận. Viết tiểu thuyết rất khó nhất là viết cho hay càng khó hơn. Xin chúc mừng em. Hy vọng mọi người sẽ được cầm trong tay những cuốn tiểu thuyết mới dày của em.

14- VÕ XUÂN PHƯƠNG :

Tôi đang đọc. Chị ghi lên bức tranh thảm về cái nhìn của xã hội đối với giáo viên

          Đọc truyện của chị tôi chưa có nhận xét khi chưa kết thúc, và dự đoán của tôi cũng sai. Cứ tưởng hoàng hôn trắng là đám tang của Hà Trang, nhưng lại của Huệ. Truyện có hậu, nhưng lúc đó mà chị mạnh dạn đưa Thảo Ly để so với Mai Hồng thì hơi “liều” (xét về lý lịch).

15- THUTHUVANG :

Chị Mai viết về tình yêu thật hay.

16- MINH NGỌC:

Đọc truyện của chị, gặp lại một thời khó nhọc. Rất thực

17- MAI CHIÊU SƯƠNG:

Qua nhân vật Cường LKM đã đi vào được thâm tâm đàn ông một cách (gì nhỉ?)…Rõ ràng LKM không phải theo các nhà phân tâm học hay điển cố lịch sử – Nhưng có lẽ qua trải nghiệm và qua “cảm nhận” của người đàn bà…Hình như LKM đã thấy được “trái tim” của đàn ông?

18- CATBIEN:

Một chương tiếp theo đầy kịch tính trong tình yêu và cuộc sống.

19- NGUYỄN LUNG:

Kết thúc như vậy là ổn. Và càng ổn hơn khi Nguyễn Lung đã đọc trọn vẹn cuốn tiểu thuyết của Lê Khánh Mai. Đọc mà không phải mua sách hay đi thư viện. Cảm nhận chung của Nguyễn Lung: HOÀNG HÔN TRẮNG là một cuốn tiểu thuyết có độ dài vừa đọc. Nội dung viết về ngành giáo dục một thời khốn khó với những nhân vật là những người thầy người cô đáng kính của chúng ta. Tác giả vừa là người trong cuộc vừa là người quan sát nên mỗi trang viết được thể hiện sinh động, nhân vật có những cá tính khác nhau, số phận khác nhau…
Nguyễn Lung chúc Lê Khánh Mai vui khỏe, tiếp tục có những sáng tác mới, đóng góp xứng đáng cho nền văn học Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung!

20- VŨ KIM LIÊN:

Văn chị triết lý mà vẫn đậm đà nhân văn

 Tình yêu thời chiến được chị khắc họa thật sâu sắc, họ đã biết hy sinh cái tôi của mình vì nghĩa lớn. Văn của chị đọc lên khiến người nghe có những xúc động mạnh mẽ

Chị đã dành tất cả tình cảm và lòng nhân ái cho nhân vật Hà Trang, dành cho cô ấy cái kết thúc có hậu – cũng là đạo lý ở đời: cái thiện nhân lên, cái ác dần dần tiêu hủy! Giá trị của cuốn tiểu thuyết này là ở chỗ đó, hay nói chính xác hơn đó là lòng tin của con người vào những gì tốt đẹp luôn luôn tồn tại trong thế giới của chúng ta!