các nhà phê bình viết về Lê Khánh Mai(III)

CÁC NHÀ THƠ, NHÀ VĂN, NHÀ PHÊ BÌNH VIẾT VỀ LÊ KHÁNH MAI (KỲ CUỐI)

Các nhà thơ (trái qua): Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Lê Khánh Mai, Phạm Dạ Thủy, Hoàng Phương Nhâm, Nguyễn Lập Em, Ngọc Bái, Song Hảo tại Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần VIII, tháng 10 - 2010

Các nhà thơ tại Đại hội nhà văn Việt Nam khóa VII, tháng 8/2010 (trái qua): Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Lê Khánh Mai, Phạm Dạ Thủy, Hoàng Phương Nhâm, Nguyễn Lập Em, Ngọc Bái, Song Hảo


 NHÀ PHÊ BÌNH NGUYÊN AN:

Đọc tập Vọng âm của mạch ngầm ta thấy có mấy con người trong một Lê Khánh Mai, mà đậm hơn cả, là  con người của bạn bè văn nghệ am tường và thân tình, nghiêm trang và chan hòa… Chị có một sức làm việc đáng nể. Tôi không chỉ cho rằng như thế là chị đã vượt qua, vượt lên và biết khu xử, biết sắp xếp mọi sự thật, mà với Chị, khi đã có một tình yêu vô tư với văn chương, một trách nhiệm đến cùng trong các quan hệ riêng chung thì đời và bạn, trời và đất sẽ giúp ta minh mẫn hơn, khoẻ khoắn hơn. 

Từ lâu Lê Khánh Mai đã hết lòng với thơ, chị không chỉ sáng tác bằng xúc cảm dạt dào, đột khởi trực tiếp, mà bằng cả một quá trình cân nhắc, lựa chọn, chỉnh sửa. Sự rèn luyện và quá trình nghiền ngẫm về lao động sáng tạo của một nhà thơ thật lâu dài đã giúp chị có được cách trình bày chắc chắn mà không hề thắt buộc như vậy

Từ đòi hỏi của đời sống văn học, từ thực tiễn viết và kiểm nghiệm của riêng mình, Lê Khánh Mai tham gia luận bàn văn chương. Chu trình sinh thành, ra đi và trở về của các ý kiến của  Lê Khánh Mai như thế là khép kín trong thực tiễn một vùng, có ích lợi cho một vùng, và khi in ra cho nhiều người cùng tham khảo, thì nó đã có ý nghĩa rộng lớn hơn, bạn bè văn chương văn nghệ cả nước đều có thể tìm thấy ở đấy một số điều tâm đắc, một vài khuyến nghị hay.

Bài: Lê Khánh Mai lắng về phía mạch ngầm, Báo Văn nghệ Hội Nhà văn, số 9, ngày 27 tháng 2 năm 2010


NHÀ THƠ NGUYỄN ANH THUẤN:

Thơ Lê Khánh Mai tràn đầy những nỗi khát khao, những khắc khoải khôn nguôi, những ám ảnh đến từ nhiều phía. Một bản lĩnh thơ vừa tỉnh táo, quyết liệt vừa dồn nén đam mê mà không phải cây bút nữ nào cũng có được. Trong những đề tài lớn mà Lê Khánh Mai quan tâm, tôi đặc biệt yêu thích mảng thơ chị viết về thân phận con người, về những khát khao vươn tới sự hoàn thiện, ngay trong những khoảnh khắc rất khó lý giải của tình yêu…

Bài: Nửa đời vướng phải bùa yêu, Báo Bắc Ninh 

NHÀ THƠ TẠ VĂN SĨ:

Ta thử tìm cái nỗi đa đoan của riêng Lê Khánh Mai qua tập thơ Cát mặn.

Không đa đoan làm sao viết được những câu này : “Thơ em chao giữa hai miền hư thực/ cơn mơ lành cũng hoá chênh vênh… Thơ và anh/ Em giằng xé phân thân/ Con thuyền nhỏ chòng chành hai phía sóng” (Khát). Không đa đoan sao được khi mà, nhìn những chiếc lá xanh thường tình muôn  thuở, tác giả lại bật thốt lên: “Dẫu là một kiếp phù sinh/ Vẫn xanh vật vã hết mình thì thôi” (Lá). Cái hồn vía của câu thơ này là vật vã hết mình. Sao mà đớn đau và tội nghiệp cho kiếp lá đến thế! Kiếp lá hay chính là kiếp người nữ sĩ?! Ở một bài thơ khác – bài Nghĩ bên biển – Lê Khánh Mai viết : “Vì sao biển không nguôi vị mặn/ Dưới lòng sâu? Quằn quại một niềm đau”!.…! Đích thị tâm hồn cái con người này là quá đa đoan! Đã nhận phận mình là kiếp lá vật vã sống, lại nhận mình là lòng biển quằn quại đau…

          Nghiệp thơ đa sầu đa cảm ấy có lẽ sẽ không buông tha người thơ nữ này bởi vì: “Những câu thơ/ Như chú ngựa bất kham trong lồng ngực” cứ mãi thôi thúc Lê Khánh Mai: “Em khát viết những vần thơ định mệnh” (Khát)! Đúng là định mệnh! Định mệnh đã bắt Lê Khánh Mai làm thơ nên định mệnh đã buộc Lê Khánh Mai vào vòng khổ luỵ khó lòng tránh khỏi…

Bài: Những câu thơ hồn vía,  báoVăn nghệ trẻ số 42,  ngày 16-10-2005

NHÀ VĂN NGUYỄN MINH NGỌC:

“Trái tim chớp bể mãi còn đa đoan”, đó là câu thơ được chọn làm đề từ cho Cát Mặn, tập thơ mới nhất của Lê Khánh Mai vừa trình làng. Một đề từ khá cuốn hút đã thôi thúc tôi đọc liền một mạch hết cả 36 bài trong tập. Vẫn là chị đấy thôi với những nét dịu dàng đầy nữ tính, ngổn ngang bao nỗi trăn trở ưu tư. Cảm nhận đầu tiên là thơ chị ngày một chín hơn trong cảm xúc và cấu tứ, đồng thời cũng đa dạng trong thi pháp thể hiện.

Thông qua năng lực quan sát tinh tế, tác giả thường lấy sự vật hiện tượng vận vào hoàn cảnh để diễn tả những trạng huống khác nhau, làm bật lên những cung bậc tình cảm trong đời sống riêng tư. Nhìn một ngọn núi cô đơn hay ngắm một vì sao xa lắc, chị cũng băn khoăn tự vấn mình. Đắp chi ngọn núi vô thường/ Núi không cao được mà buồn cứ dâng (Núi). Nhiều năm gắn bó với xứ Thuỳ Dương cát trắng, Lê Khánh Mai từng có những câu thơ hay viết về biển. Giờ đây, sau nhiều nếm trải, chị vẫn tiếp tục  khơi gợi mạch nguồn mặn mòi ấy. Qua chị, bạn đọc rung động trước cái hồn nhiên của biển cả bao dung độ lượng. ,,

Bài “Trái tim chớp bể mãi còn đa đoan, báo Văn Nghệ Trẻ , số 47, Ngày 25-11-2001

NHÀ THƠ ĐỖ BẠCH MAI:

          Thơ Lê Khánh Mai đằm chất suy tư. Người đàn bà trong chị luôn trăn trở. Chị luôn nghĩ về vị  thế của một người đàn bà trong khổ đau, hạnh phúc, trong tình yêu, trong cuộc đời. Chị hoá thân vào với thiên nhiên cây cỏ, với làng quê… để được yêu thương. Và suốt cuộc đời chị, niềm yêu thương luôn là một nỗi ám ảnh  lớn lao nhất. “Ám ảnh suốt đời một nỗi thương yêu”. Vì thế mà đối với quê hương chị cũng luôn cảm thấy bị mắc nợ: “Tôi yêu Nha Trang/ Một tình yêu suốt đời mắc nợ” (Nha Trang của tôi)

Thơ Lê Khánh Mai là tấm lòng của một người phụ nữ đôn hậu… Trong bài thơ Dị bản chị viết:

“Phận dã tràng đánh mất rồi ngọc báu/ Cứ loay hoay tìm kiếm một đời”

          Tôi nghĩ rằng Lê Khánh Mai đã tìm kiếm được rồi đấy. Thơ của chị chính là “ngọc báu” mà cuộc đời  trao tặng cho chị.

Bài Cổ tích xanh – thơ Lê Khánh Mai, báo Văn Nghệ Trẻ số 15 (229), ngày 15-4-2001

NHÀ THƠ VÂN LONG:

Theo Lê Khánh Mai, người đàn bà đang làm cuộc sinh thành cũng là đi bể nhưng đi một mình, đớn đau và cô độc. Không có chúng bạn, người đàn bà chỉ có thể dựa vào chính mình, huy động toàn bộ nội lực từ máu tim mình để chinh phục sóng bể cuộc đời, chiếm lĩnh lấy “đỉnh cao” tinh thần là được làm mẹ. Nhà thơ nhận thức sâu sắc rằng việc mang thai sinh nở của người đàn bà không đơn giản là hành vi bản năng sinh học mà là một sự chinh phục, một cống hiến lớn lao, sánh ngang với trái đất mang thai để “sinh nở một bình minh bé bỏng”.

Xưa nay, ta thường có định kiến: các nhà thơ nữ mạnh về những chi tiết thơ gợi cảm mà nhẹ về khái quát triết học. Nhưng trong tập thơ Giấc mơ hái từ cơn giông, phần đầu Bổn phận, hầu như mỗi bài thơ ở phần này là một vấn đề của tâm thế, một khám phá tâm trạng không hề non tay, như Kiếp vọng phu, Cổ tích buồn, Dị bản…chứng tỏ nhà thơ Lê Khánh Mai đã chín đều cả nghiệm sinh lẫn trải nghiệm sáng tạo.

Bài: Tình yêu mang hình hài vũ trụ, Bao văn nghệ Hội nhà văn, số 10, ngày 5 tháng 3 năm 2011 


NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG HÀ:

Lê Khánh Mai dường như đã linh cảm, đã ý thức sâu sắc thân phận cô đơn của mình và chị đã chuẩn bị tâm thế chấp nhận “một mình” đi trong cuộc đời. Hai bài thơ  “Chân trời màu lam” và Cõi Mưa đã nói lên điều đó: “Một mình/ Trong vô cùng hành hương lặng lẽ/…./Một mình gắng gỏi với thời gianSứ mệnh nhọc nhằn đặt lên số phận/ Đã giơ vai đón nhận/ Có mong gì nhẹ vơi (Chân trời màu lam).

          Đau buồn mà không yếu đuối, cô đơn nhưng không gục ngã, Lê Khánh Mai đã gắng gỏi vượt lên số phận. Và, đêm đêm chị lại sống với một thế giới khác – thế giới tâm linh, lắng nghe trong sâu thẳm cõi mưa nỗi niềm người muôn kiếp: “Một mình lặng nghe đêm vỡ/ Lạnh dùi tủy xương/ Mưa mê man điệu buồn/ Như tiếng người muôn kiếp” (Cõi mưa).

Tôi đã không kìm được xúc động khi đọc chùm thơ này. Lê Khánh Mai đã nhập thân vào vọng phu, vào cõi mưa để nhận diện nỗi cô đơn. Lòng hướng về một nơi xa thẳm, nơi mà chị tin người thân yêu của mình đang tồn tại. Có lẽ do thân thiết và hiểu Lê Khánh Mai nên tôi nhận thấy thơ chị, mỗi câu mỗi chữ như vận vào số phận mình. Đọc chị, cứ hiện lên lồng lộng một Lê Khánh Mai buồn đau và mạnh mẽ. Tôi chia sẻ với bạn bè văn chương cảm nhận này và mọi người rất đồng lòng với tôi, rằng thơ Lê Khánh Mai chính là cuộc đời của chị.

Bài: Một mình thao thức với vọng phu


NHÀ BÁO BẢO CHÂN:

“Thánh giá của  riêng  mình/ mang trong tim khó nhọc/  Cuộc hành trình đơn độc/ La Mã vời vợi xa…” Lấy tựa  đề là “Nhà thơ”, bài thơ ấy cũng là một sự trải nghiệm của Lê Khánh Mai trong cuộc hành trình hơn một phần tư thế kỷ đến với thơ.

Trong số hàng chục cây bút nữ ở miền Trung, Lê Khánh Mai nổi tiếng không chỉ vì chị là một Thạc sĩ Văn học, hiện đang đảm nhiệm các chức vụ Phó Chủ tịch Hội VHNT kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Nha Trang và Chủ nhiệm CLB Thơ nữ Khánh Hoà… mà bởi lẽ bạn văn cũng như bạn đọc đều muốn khám phá những gì ẩn chứa trong mối dung hoà của một hồn thơ lãng mạn với một cá tính mạnh mẽ và sự lựa chọn tỉnh táo của một người đàn bà. Lê Khánh Mai gọi đó là sự bày tỏ những khát vọng nội tại.

Với thơ, là sự thôi thúc, bứt phá, sáng tạo: Những câu thơ/ Như chú ngựa bất kham trong lồng ngực/ Mơ một ngày tung  vó thảo nguyên… (Khát). Với đời, là quan niệm sống rạch ròi: Dẫu là một kiếp phù  sinh/ Vẫn xanh vật vã hết mình thì thôi. (Lá). Và, với tình yêu vẫn là hạnh phúc – khổ đau muôn thuở nhưng dữ đội và xa xôi như không thể: Trót dan díu với mưa nguồn/ Trái tim chớp bể mãi còn đa đoan (Tự cảm). Một cô giáo dạy văn yêu thơ rồi làm thơ và trở thành nhà thơ không phải là chuyện lạ nhưng Lê Khánh Mai có lối đi riêng, lặng lẽ, tự chủ đủ để níu giữ những gì là của mình.

Bài: Lê Khánh Mai vẫn xanh vật vã hết mình, Báo Lao Động, Số 148, thứ Tư, 28-5-2003


NHÀ PHÊ BÌNH VŨ NHO:

Làm thơ từ thời sinh viên, xuất hiện khá sớm trên thi đàn ( năm 1984 với tập thơ in chung Dòng sông khoảng đời), Lê Khánh Mai thể hiện một bút lực dồi dào với đề tài thơ phong phú và đa dạng. Có thể nói Lê Khánh Mai là một trong số không nhiều cây bút nữ có thành tựu cả ở ba lĩnh vực truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ; trong đó nổi trội nhất là thơ…

Lê Khánh Mai đã tìm thấy mình, tìm thấy tình yêu. Và những câu thơ nghẹn lại nửa chừng kia đã được sinh thành, hồng hào, khỏe mạnh. Thơ của Lê Khánh Mai là thơ của đời thường muôn mặt với chiến tranh, mất mát, nghèo khó, vất vả lo âu, vật lộn, bươn chải, nắng sương, mưa dầm, giông bão và niềm hạnh phúc chắt ra từ cay đắng nhọc nhằn. Vì thế thơ chị không phải là tình ca, anh hùng ca, hoặc sầu ca hay bi ca. Đó là bài ca cuộc sống “vút lên lóng lánh vui buồn trần gian” ( Đêm sông Hậu nghe đờn ca tài tử).

Bài: Vút lên lóng lánh vui buồn trần gian 

NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC QUANG: 

Các nhà thơ nữ thường chỉ quan tâm đến một mảng nào đó của đời sống, đặc biệt  là chú  trọng khai thác thế giới riêng tư và tình yêu. Lê Khánh Mai không dừng lại ở việc tự thể hiện mà hướng mạch thơ của mình  tới đời sống rộng lớn, chiếm lĩnh thế giới về mặt thẫm mỹ. Đây là điều kiện quan trọng để thơ chị không sa vào chuyện làm dáng cầu kỳ hoặc đớn đau giả tạo. Chân thật tự nhiên mà vẫn không kém phần say đắm, lắng đọng. Đã có bao vần thơ hay viết về biển cả, nhưng Lê Khánh Mai vẫn tìm được một lối diễn đạt rất riêng. Biển của chị ngổn ngang tâm trạng, có lẽ vì thế mà nó thực hơn, đời hơn: Sóng dồn từ đâu muôn kiếp trước/ Chất lên, từng trận  đổ ầm ào/ Đêm ở biển nghe đất trời vỡ nát/ Nghiêng phía nào cũng cuồn cuộn  lo âu (Đêm ở biển). Chị coi việc viết về biển như một cách tô đậm cho hình ảnh quê hương mà  chị yêu quý. Thông qua biển để phát hiện và soi rọi chiều sâu thế giới tâm hồn con người…

Trải qua nhiều môi trường công tác, từ nhà giáo sang biên tập xuất bản, quản lý văn hoá, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Nha Trang, ở đâu chị cũng nhanh chóng tự khẳng định mình. Việc nhà, việc cơ quan, viết văn, làm thơ đòi hỏi chị phải “vắt kiệt sức mình”. Với khát vọng và tình yêu thơ say đắm, dường như không gì có thể  ngăn nổi bước chân của chị. Trở thành Thạc sĩ văn chương, chị càng có thêm điều kiện để dấn sâu vào con đường sáng tạo. Là tác giả nữ duy nhất được nhận giải thưởng 25 năm VHNT Khánh Hoà (giai đoạn 1975-2000), Lê Khánh Mai vinh dự là nhà thơ nữ đầu tiên ở Khánh Hoà trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Bài: Lê Khánh Mai, thơ và đời, Tạp chí Nha Trang số tháng 3/2003

NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG:

Nguyên là giáo viên rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản, trước đây viết rải rác cho đến khi dự một cái trại của quân đội chị viết cái truyện “Ngọn lửa dương thế” được chọn là truyện ngắn hay. Hồi ấy cái truyện này nổi đình đám lắm, nó bắt đầu khẳng định một cái tên Lê Khánh Mai trong văn giới. Đến nỗi dân viết miền Trung đồn Nha Trang có “mả” truyện  ngắn. Trước đó ông Cao Duy Thảo có “Thời gian”, giờ Lê Khánh Mai có “Ngọn lửa dương thế”. Có một dạo  người ta thấy chỉ trong vài năm chị in đến mấy đầu sách, như là bỗng nhiên  được trời cho chữ. Bây giờ thì chị chuyển hẳn sang thơ…

Nha Trang có một cái Nhà sáng tác của Bộ Văn hoá nên hầu như không tháng nào là Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà là không có khách, ấy là các đoàn văn nghệ sĩ di dự trại sáng tác rồi ghé thăm. Nó có cái lợi là không cần đi trại mà cũng vẫn như đi trại, tự nhiên không khí sáng tác cứ tràn ngập quanh mình, tự nhiên văn nhân tài tử bốn phương cứ tụ tập về với mình, tự nhiên bài vở cứ về với Tạp chí mình, và địa phương mình luôn luôn là có cái oai là không dưng mà người ta viết về mình…Hầu hết các trại đến thì đều… giao lưu. Và người cầm  chịch giao lưu tất nhiên chủ yếu vẫn là Lê  Khánh Mai. Người biết rồi không nói làm gì, người chưa biết, nghe nói ở  nơi ấy có một nhà thơ nữ làm chủ tịch Hội mà cái tên lại trẻ trung thế đều háo hức muốn gặp mặt, muốn ghé qua cho thoả nỗi tò mò tưởng tượng và cả ngưỡng mộ.

Bài: Nha Trang có một nhà thơ, báoVăn nghệ Trẻ số 10, Ngày 9 – 3 – 2008

 

NHÀ VĂN HÀ KHÁNH LINH:

Nếu thơ Lê Khánh Mai đằm thắm, sâu thẳm, đầy chất men say và đầy trí tuệ, thì truyện ngắn Lê Khánh Mai giản dị chân thật nhưng duyên dáng, ý nhị, tỉ mẩn. “Nết” là truyện ngắn mang tên chung cho toàn tập có 9 truyện, với 172 trang sách – Lê Khánh Mai đã dẫn dắt người đọc vào những mảnh đời, những tình huống cùng những ngóc ngách tâm lý bí ẩn của các nhân vật mà ta có thể bắt gặp chung quanh mình trong cuộc sống đời thường.

Lê Khánh Mai đã có nhiều tập thơ hay, một tập tiểu thuyết và đây là tập truyện ngắn đầu tay của chị. Cây bút thơ này tỏ ra năng nổ tháo vát trên những trang văn xuôi giàu cảm xúc và hàm súc ý tưởng.

Bài:  Truyện ngắn Lê Khánh Mai, Tạp chí Sông Hương, số tháng 10/2005

 

NHÀ VĂN TRẦN THỊ GIAO THỦY:

Dáng người nhỏ nhắn, cân đối, tác phong linh hoạt, Lê Khánh Mai có vẻ trẻ hơn tuổi của mình. Gặp chị, tôi thực sự bị cuốn hút bởi cách nói chuyện cởi mở, tự nhiên, chân thật. Chị có khả năng diễn đạt chính xác, sâu sắc những điều muốn bày tỏ và pha chút khôi hài tạo nên ấn tượng khó quên. Tôi cảm nhận ở người phụ nữ  ấy một tâm hồn đa cảm và một nội lực mạnh mẽ.

Thơ Lê Khánh Mai là tiếng nói của  yêu thương và khát vọng; là “chuỗi không ngừng những mộng mị và bừng tỉnh”; là nỗi ám ảnh không nguôi về cõi tâm linh; là sự “vắt kiệt mình” để tìm kiếm cái đẹp và khai mở một lối đi riêng…

Bài: Phụ nữ – thế giới diệu kỳ và bí ẩn, Tạp chí Nhà Văn số 10/2007