Cậu tôi – Lê Khánh Mai

CẬU TÔI
LÊ KHÁNH MAI
(Truyện rất dài nhưng viết rất ngắn)
Quê nội, ngoại tôi ở Khánh Hòa, vùng đất cực Nam Trung bộ. Ông bà ngoại sinh được 8 người con, nhưng chỉ có má tôi và cậu Bảy thoát ly tham gia cách mạng, còn các cậu, dì ở lại địa phương làm ăn sinh sống. Ba má tôi gặp nhau trong kháng chiến và nên vợ nên chồng. Năm 1954, cậu Bảy và ba má bồng bế ba chị em tôi tập kết ra miền Bắc, lúc ấy, tôi là đứa con nhỏ nhất, mới 7 tháng tuổi. Những tưởng chỉ tạm xa 2 năm, đến 1956 Tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ được trở về miền Nam, ai dè, hơn 20 năm biền biệt, gia đình tôi không hề nhận được tin tức gì từ quê nhà.
Cũng như bao thanh niên miền Nam khác, khi đất nước chia cắt bởi chiến tranh, cậu Sáu và cậu Mười của tôi phải đi lính Việt Nam Cộng hòa. Hồi ở ngoài Bắc, má tôi thường kể về các cậu, dì. Má nói, má thương nhất cậu Mười Út. Khi má tôi thoát ly, cậu Mười mới 12 tuổi. Những năm đó, gia đình ông ngoại sa sút, cậu Mười phải đi ở mướn chận trâu. Cậu kể, ăn cơm chỉ rặc nước mắm, hổng có cá thịt. Nhiêu đó mà má tôi bữa ăn nào cũng nhắc, khóc hoài. Má nói, đời má có một nỗi ân hận lớn nhất là, tháng 10 năm 1954, má đang ở Bình Định thì nhận lệnh tập kết ra Bắc, gấp quá nên không kịp đón cậu Mười theo luôn, để cậu ra ngoài này được học hành. Ngày thống nhất đất nước, má tôi trở về quê, được tin cậu Mười đã tử trận khi mới ngoài 20 tuổi, má tôi khóc vật vã, đòi đi tìm hài cốt cậu, nhưng ai cũng khuyên can, nói, chiến tranh, biết đâu mà tìm.…
Năm 1975, tôi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, được phân công về Khánh Hòa dạy học. Người đầu tiên tôi gặp là cậu Sáu vì gia đình cậu sống ở Nha Trang. Vừa nhìn thấy cậu, tôi đã run lên, thốt gọi “Cậu” mà giọng tôi nghẹn ngào thất lạc, vì cậu giống má tôi quá đỗi. Cậu đi lính vận tải, phục vụ quân đội Việt Nam Cộng hòa nhiều năm nhưng cấp bậc nhỏ nên ông chỉ trình diện chính quyền Cách mạng, học tập thời gian ngắn rồi về sống cuộc đời thường dân. Những năm sau 1975, đời sống quá khó khăn, cậu tôi mang tâm trạng buồn bã, thất vọng. Nhưng ông đã lao vào kiếm sống để nuôi một bầy con 6 đứa ăn học. May mà mợ tôi giỏi giang, buôn bán ở chợ Đầm. Thời ấy bộ đội từ miền Nam về Bắc thường mua phụ tùng xe đạp, nên mợ tôi bán mặt hàng này khá chạy, nhờ đó mà vực được cuộc sống gia đình. Còn cậu thì đi làm rẫy cách thành phố 15 km, trồng bắp, củ mì và chuối, phụ thêm thu nhập. Biết tôi mới ra trường, cuộc sống chật vật, cậu nói, đi với cậu. Ngày chủ nhật cậu chở tôi trên chiếc xe honda 67 lên rẫy. Tôi ngạc nhiên, không biết cậu lấy đâu ra sức lực để có một cái rẫy tươi tốt như thế này. Nhìn cậu mồ hôi ròng ròng trên gương mặt hiền lành dưới cái nắng thiêu đốt, tôi chạy vào một lùm cây giấu những giọt nước mắt. Tôi thương cậu vô cùng, cuộc đời cậu lẽ ra không phải như thế này. Rồi cái đận cùng cực ấy cũng qua đi. Khi cơ chế thị trường mở ra, cậu nắm lấy cơ hội trở lại với nghề sở trường là lái xe tải đường dài. Mợ vẫn buôn bán, những đứa con lớn lên lúc nào không hay. Chúng học hành tử tế, rồi duyên nợ với Việt kiều, nay đã có 5 cặp vợ chồng sống ở các nước Mỹ, Úc, Canada. Chúng xác định chỉ làm ăn lương thiện, dứt khoát không bị lôi kéo vào ba cái chuyện nói xấu cách mạng. Lần nào về nước chúng cũng đi thăm khắp họ hàng, anh chị em.
Bây giờ, ba má và các cậu của tôi đã về thiên cổ, đã thanh thản nơi cõi nào xa lắm, không còn vướng bận về thời cuộc. Chuyện của gia đình tôi cũng giống như bao gia đình khác trong hơn nửa thế kỷ qua. Tôi từng nghe, từng chứng kiến nhiều gia đình, nhiều số phận, ở miền Nam và miền Bắc đã phải gánh chịu những bi kịch nặng nề do chiến tranh. Không có bên thắng cuộc, bên thua cuộc. Với tôi, bên nào cũng máu mủ ruột rà thiêng liêng.
Lê Khánh Mai