kích thước của tưởng tượng là kích thước của nhà văn

Thượng tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương: Kích thước của tưởng tượng chính là kích thước của nhà văn
Khải Huyền (thực hiện) – 29-12-2014 05:24:05 PM
VanVN.Net – Cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 trên tạp chí Văn nghệ Quân đội vừa kết thúc với giải Nhất được trao cho cây bút nữ Nguyễn Thị Kim Hòa đến từ Ninh Thuận. Dưới đây là bài trao đổi giữa PV báo Văn nghệ với Thượng tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập – Trưởng ban Chung khảo, xoay quanh giải thưởng năm nay.

Thượng tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương
Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Nguyễn Bình Phương, các cuộc thi truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội nhiều năm qua luôn được bạn viết, bạn đọc trên cả nước quan tâm. Với cuộc thi kéo dài hai năm qua, ông có đánh giá thế nào về quy mô cũng như sức hút của nó đối với bạn viết?
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (NBP): Có thể nói những tác giả đang viết sung sức nhất ở khắp ba miền đất nước đều có mặt ở cuộc thi này. Đặc biệt là có nhiều tác giả trẻ tham gia, và tôi cho đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuồng như đang xuất hiện một thế hệ cầm bút mới, có sức sáng tạo dồi dào, mạnh mẽ và rất cá tính. Đã có hàng trăm tác phẩm gửi tới và trên một trăm truyện của bảy mươi tác giả được đăng tải trên tạp chí Văn nghệ Quân đội trong hai năm qua. Con số đó bản thân nó nói lên quy mô của cuộc thi, nhưng trước hết nó cho thấy truyện ngắn vẫn là thể loại có sức cuốn hút và hầu như nhà văn nào cũng trăn trở với nó. Qua trên một trăm truyện ngắn mà hầu hết chất lượng đều đạt khá trở lên, Ban chung khảo phải chọn ra số lượng ít tác phẩm để trao giải là việc cũng khá là khó khăn, nhưng rồi cuối cùng thì như mọi cuộc thi, ban Chung khảo vẫn dũng cảm chọn ra được những gì cần chọn.
PV: Thêm một lần nữa, ngôi vị quán quân của cuộc thi lại rơi vào một tác giả nữ. Ông có thể cho biết, điều gì ở tác giả này đã khiến cho ban Chung khảo cuộc thi quyết định trao giải nhất vào tay cô ấy?
NBP: Theo sự đánh giá thống nhất của các thành viên viên ban Chung khảo thì tác giả đoạt giải Nhất, Nguyễn Thị Kim Hòa, có giọng văn, có tư duy văn học với một mĩ cảm khá cá tính. Những truyện của tác giả này phong phú về mặt đề tài, nó cho thấy sức vươn xa, không chỉ bó hẹp trong một không gian hay một thứ hiện thực ám ảnh mù mờ nào đó. Ngoài vẻ tinh tế trong văn phong, trong lựa chọn chi tiết, tác giả dựng truyện có không khí. Trong văn học, dựng được không khí là điều tối quan trọng vì nó quyết định đến khả năng dẫn dụ, sở hữu người đọc. Dựng được không khí là bứt người đọc khỏi hiện thực anh ta đang là người đọc và cuốn phăng anh ta ngập vào câu chuyện. Đáng nói nữa là tầng sâu của những câu chuyện, có điều gì rất bảng lảng, thực đấy mà cũng không thực đấy, trong những chi tiết, trong tiến trình của truyện và trong hình bóng các nhân vật cùng với số phận của họ. Ở chùm truyện đoạt giải của Nguyễn Thị Kim Hòa thì mỗi truyện có một lối khai thác và cách đề cập tới thân phận con người riêng, sâu sắc mà cũng rất dữ dội. Đó là tác giả có kỹ thuật viết rất tốt, nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Với những điều ấy, tôi nghĩ ban Chung khảo có căn cứ để hy vọng đây là một tác giả có nội lực đi bền bỉ để tiến tới một sự nghiệp chứ không chỉ là một cây bút trẻ của thời của đoạn.
PV: Nhìn qua danh sách các tác giả đoạt giải năm nay, thấy đa số là các tác giả trẻ. Đây là chủ đích của ban giám khảo hay do ngẫu nhiên mà các tác giả trẻ lại chiếm ưu thế?
NBP: Tôi nghĩ trước hết là do ngẫu nhiên, vì như tôi vừa nói ở trên, cuộc thi này quy tụ thu hút hầu hết các tác giả trẻ. Tất cả những tác phẩm dự thi có chất lượng đều được chọn đăng tải trên tạp chí một cách khách quan, tuyệt không có sự ưu tiên về tuổi tác hay thế hệ. Theo tôi, trong đánh giá về nghệ thuật, không nên có sự ưu tiên nào cả mà phải bình đẳng. Vấn đề là ở cuộc thi này, và cả những cuộc thi trước đó nữa của tạp chí, tác giả trẻ tham gia nhiều và có chất lượng thật sự.
PV: Các tác phẩm dự thi lần này so với những cuộc thi trước do Văn nghệ Quân đội chức có gì khác biệt? Ý tôi muốn xoáy sâu vào các tác giả 8X, thậm chí là 9X. Họ viết văn thế nào? Họ đã thuyết phục các nhà văn khó tính như Nguyễn Bình Phương, Chu Lai, Bảo Ninh ra sao?
NBP: Vấn đề là họ có văn và họ viết kỹ càng. Ở những truyện ngắn dự thi đợt này, với những tác giả trẻ như thế này, tôi thấy sức tưởng tượng của họ là đáng nể. Với một nhà văn thì tưởng tượng phải là yếu tố sống còn vì nó giúp anh ta vượt qua mọi rào cản để chạm tới những điều mà có thể chính anh ta chưa trực tiếp trải nghiệm. Không có tưởng tượng, không có nhà văn, kích thước của tưởng tượng cũng chính là kích thước của nhà văn. Thế hệ nhà văn 8X và 9X có yếu tố ấy, thậm chí có dư yếu tố ấy. Thứ hai là nhà văn trẻ tuổi không vướng bận vào những rào cản vô hình mà nhiều thế hệ trước họ vấp phải. Họ ít tự mình rào dậu chính mình cho nên viết khá thoải mái, tung tẩy cả về đề tài, bút pháp. Hầu hết họ viết rất tự tin, hướng đi cũng rộng, đề cập tới mọi vấn đề của xã hội với đủ mọi tầng lớp. Không chỉ viết về ngày hôm qua, về hôm nay, họ còn viết về lịch sử với những cách nhìn nhận, kiến giải của riêng mình. Khi trao đổi với nhà văn Bảo Ninh và nhà văn Chu Lai, hai thành viên lớn tuổi trong ban Chung khảo, tôi thấy cả hai rất trân trọng các nhà văn trẻ tuổi này, thậm chí họ còn tỏ ra khâm phục nữa. Nhà văn Bảo Ninh có nói đại ý là ông không ngờ “đám trẻ viết tốt thế”. Còn nhà văn Chu Lai thì xúc động cho rằng “cánh trẻ mà cứ viết thế này thì quả là đáng trọng thật”.
PV: Viết về chiến tranh và người lính là đề tài mà Ban tổ chức cuộc thi đặc biệt quan tâm, các tác giả tham gia và đoạt giải trong cuộc thi lần này đã tiếp cận đề tài này như thế nào thưa ông, đặc biệt khi họ phần lớn là những người không trải qua chiến tranh?
NBP: Như tôi vừa nói, trí tưởng tượng làm nên nhà văn, nó dẫn dắt nhà văn vượt qua mọi hạn chế về trải nghiệm trực tiếp. Những tác giả tham dự truyện ngắn lần này khi viết về đề tài chiến tranh đã phát huy rất mạnh phẩm chất ấy vì thế mà truyện của họ có một không khí khác hẳn với thế hệ trước. Họ chọn cách khéo léo hơn, không sa đà vào súng đạn ùng oàng, không sa vào sự thắng thua, mà xoáy sâu vào khai thác thân phận con người trong cuộc chiến ấy. Nói cách khác, họ chú ý tới vấn đề tác động của chiến tranh đối với từng cá nhân, từng gia đình. Truyện ngắn “Đỉnh khói” của Nguyễn Thị Kim Hòa là một ví dụ, nó đề cập tới sự rạn vỡ, thậm chí là tan vỡ mối quan hệ anh em trong một gia đình vì tác động của chiến tranh. Nhưng rồi cái rốt ráo nhất của truyện chính là tinh thần tự nguyện hàn gắn lại những đổ vỡ ấy từ phía mỗi cá nhân. Tình máu mủ vượt qua được những ranh giới chia lìa của thời cuộc để tiến tới một cuộc đoàn tụ. Truyện viết về chiến tranh đấy mà lại không hẳn chỉ là về chiến tranh cho nên nó có độ sâu sắc. Hoặc “Chuyện Nguyên Phong” của tác giả Doãn Dũng chẳng hạn, chỉ qua không khí gia đình, qua mối quan hệ giữa các thế hệ mà vẫn thấy rõ được sức nóng và sự khốc liệt của chiến tranh, thấy rõ cả lòng yêu nước đến mức nghẹn ngào của lớp trẻ nữa. Những truyện của Trịnh Sơn, của Hồ Kiên Giang, Trương Anh Quốc và một số tác giả khác viết khá hay về chiến tranh, về người lính và điều cơ bản là họ có cách tiếp cận riêng của mình, không bị lệ vào trải nghiệm thực tế. Tóm lại thì vấn đề không phải ở chỗ trực tiếp trải nghiệm hay không, vấn đề ở chỗ cách suy nghĩ của nhà văn về đề tài ấy, câu chuyện ấy. Chiến tranh được viết bởi người không trực tiếp va đập với nó cũng có cái hay, cái đặc biệt riêng, và thực tế qua cuộc thi này nhiều tác phẩm đã chứng minh điều ấy.
PV: Một thế hệ các nhà văn mặc áo lính trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã lùi dần, nhường vị trí cho các lớp trẻ. Ngoài các cuộc thi, tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ tiếp tục làm gì để có những sáng tác về đề tài người lính và chiến tranh, thưa ông?
NBP: Chúng tôi vẫn tiếp tục khơi gợi, khuyến khích các tác giả viết về đề tài này, với những hành động thiết thực, cụ thể như phát động các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác, các trại viết, tạo điều kiện cho các nhà văn đi thực tế các đơn vị, tìm kiếm tư liệu. Cụ thể như tại cuộc thi này, chúng tôi đã tổ chức tới ba trại sáng tác để tạo điều kiện cho các tác giả tới viết hoặc hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Trong thời gian ở trại viết có những chuyến đi thực tế, thâm nhập các đơn vị bộ đội, các địa phương, các cá nhân để nhà văn tìm kiếm cảm hứng, tư liệu. Kết quả là đa phần các tác phẩm đoạt giải đều ra đời từ các trại sáng tác đó. Thậm chí chúng tôi còn gợi ý, đặt hàng các tác giả để họ viết. Tôi cho rằng viết văn theo đặt hàng chẳng có gì hại, vấn đề là tài năng. Nhiều nhà văn lớn, nhiều tác phẩm lớn cũng xuất phát từ đơn đặt hàng mà ra cả. Tạp chí Văn nghệ Quân đội là đơn vị được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính trong nhiều năm qua và chúng tôi đã làm tốt nhiệm vụ này, đã tạo được hệ thống các nhà văn, cộng tác viên tài năng, có tâm huyết với đề tài này. Vả lại do đặc điểm lịch sử của dân tộc cho nên chiến tranh và người lính luôn là đề tài chiếm vị trí quan trọng, thu hút các nhà văn, đó là đề tài muôn thủa, cũng như tình yêu vậy. Chỉ nói riêng thế kỷ trước thôi, ta phải kinh qua bốn cuộc chiến tranh thật sự khốc liệt và chẳng có lí do gì để các nhà văn quay lưng lại với đề tài đầy số phận ấy. Đôi khi phải coi viết về đề tài chiến tranh như là nghĩa vụ, là trách nhiệm của nhà văn đối với dân tộc.
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi.