LÊ KHÁNH MAI – NIỀM AN TỊNH…

bài viết sau đây của nhà thơ, nhà nghiên cứu Quách Giao vừa Email đến Blog của Lê Khánh Mai, trân trọng giới thiệu với bạn đọc

NIỀM AN TỊNH TRONG GIẤC MƠ HÁI TỪ CƠN GIÔNG CỦA LÊ KHÁNH MAI
Đọc Giấc Mơ Hái Từ Cơn Giông của nhà thơ Lê Khánh Mai không nên đọc suốt một lần Tuy nhiên nếu đọc nhiều lần mà không ghé mắt đến phần Đồng Vọng thì thiếu đi phần trợ giúp của bạn bè, cầm tay nhau đi trong “cơn giông”

Nhà thơ đã tâm sự với nhà thơ Phạm Đình Ân:

“Với thơ, tôi thích lối nói bộc trực, khỏe khoắn, khẩu khí tự nhiên, khám phá, phát hiện đời sống, có dung lượng trí thức, có ý tưởng mới lạ và những rung cảm mạnh mẽ được nén lại ở tầng sâu”.

Còn nói với nhà văn Trần Thị Giao Thủy thì:

“Thơ cũng như con người có thân phận và bổn phận. Bổn phận thơ là đồng cảm, chia sẻ yêu thương, bênh vực và dự báo. Điều này đặt ra trách nhiệm xã hội của thơ. Thân phận thơ là trải nghiệm, tìm kiếm chính mình, là nước mắt. tiếng kêu, lời tự thú, sự cứu rỗi, nỗi khắc khoải không nguôi về những ẩn ức trong tiền kiếp và ký thác cho mai sau”.

Tôi nghĩ rằng chính những tư tưởng này được nhà thơ Lê Khánh Mai gặt hái từ những cơn giông của cuộc đời. Và như thế cần phải đọc thơ Giấc Mơ Hái Từ Cơn Giông rất chậm để còn nghiền ngẫm, suy tư.

Nhờ chiếc gậy chỉ đường này mà tôi đã dễ dàng đi vào Giấc Mơ Hái Từ Cơn Giông không gặp một chướng ngại vật nào quan trọng. Nội dung tập thơ đã bộc lộ được niềm ưu tư của tác giả, nỗi khát vọng của một nhà thơ, và sự thành công sau những tháng năm lao động.

Tuy nhiên trong cơn giông cũng như trong cơn bão, trong sự giao động đang cuồng nộ, lôi cuốn tất cả vào một thế giới hãi hùng thì vẫn còn có “con mắt” của bão không phải nhất thiết là nằm ở trung tâm mà có thể là ở một nơi nào trong lòng của bão. Con mắt của bão. là một vùng yên tịnh nhất mà khi ta vào được thì an toàn vô cùng. Cái tĩnh lặng không rợn người mà làm xúc động lòng người vì giữa sự cuồng nộ của thiên nhiên còn có sự tĩnh lặng của cuộc đời.

Tôi muốn nói đến sự tĩnh lặng của vùng trời bão tố trong tập thơ Giấc Mơ Hái Từ Cơn Giông. Đó là các bài thơ Trái Chín, Thơ Dâng Hồn Cha, và Cha ơi

Đây là những đề tài rất phổ thông mà tất cả các nhà thơ đều nói đến . Song vì quá phổ thông nên tuy thơ được làm rất nhiều song có rất ít bài thành công.

Bài Trái Chín nhập đề theo lời câu ca dao:

Mẹ già như chuối chín cây

Gió rung mẹ rụng con rày mồ côi.

Nhưng tha thiết hơn, não nùng hơn:

Mẹ già như trái chín trên cây

sẽ rụng xuống bất ngờ – con biết thế

sao con không ngồi dưới gốc cây đời mẹ

cho đến khi trái chín về cội mẹ ơi!

Bài Thơ Dâng Hồn Cha tác giả đã dùng thể ngũ ngôn là một lối thơ hàm súc vì ngắn gọn để diễn tả cho trọn thâm tình:

Thơ con viết tặng mẹ

chút hương thầm lan xa

bài thơ dâng hồn cha

mãi vẫn là ký ức

……..

Xót đời cha ngắn ngủi

nắm xương gởi quê người

mấy mươi mùa xuân trôi

nấm mồ thưa hương khói.

Thể thơ, tình thơ thật thấm thía, thật xúc động, nó khiến ta nhớ đến bài thơ Mất Mẹ của nhà thơ Tiền Chiến Thanh Tịnh:

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Êm lặng tôi buồn thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi.

…….

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa lạnh rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Như mất cả bầu trời.

Từ thể ngũ ngôn, nhà thơ Lê Khánh Mai đã chuyển sang thể thơ phá thể trong bài Cha ơi. Bài thơ diễn tả rất nhiều ý tưởng thầm gởi cho cha mà cũng thổ lộ tâm tình mình:

Con có gặp cha đâu. Ba tấc đất mà ngàn trùng cách biệt. Mượn khói hương con thầm thì nguyện ước, nơi thẳm sâu cha có nghe không?

…….

Nhưng cha ơi tất cả không có gì trầm trọng. Có đáng gì những thua thiệt đời con. Có thấm vào đâu với nỗi buồn cha gánh, khi đời cha rụng xuống lá xanh.

Ba bài thơ viết dâng cha mẹ là ba giọt nước mắt của tác giả hái được trong cơn giông của cuộc đời.

Mai sau, khi nhắc đến thơ của Lê Khánh Mai chắc chắn sẽ không bao giờ quên ba bài thơ này. Đó là ba đóa hoa tâm thơ, một vùng an tịnh của Giấc Mơ Hái Từ Cơn Giông.

Nha Trang 16 tháng 10 năm 2008

Quách Giao

Địa chỉ liên hệ

Quách Giao 12 đường Bến Chợ Nha Trang

Đ.T 058 3810129

Email: Tungphong34@yahoo.com