TÌNH YÊU MANG HÌNH HÀI VŨ TRỤ



 TÌNH YÊU MANG HÌNH HÀI VŨ TRỤ

 

                         Cánh buồm

 Người đàn bà trong cơn đau sinh nở

đẹp như một thiên thần

Không điểm phấn tô son

chẳng lượt là khăn áo

chị chín đầy như hoa trái mùa xuân

Năm tháng phôi phai vẻ thanh tân thiếu nữ

lại đằm sâu, dung dị nét hoang sơ

đôi môi nồng nàn như lửa

âm thầm nén chặt tiếng kêu

Chị một mình trải nghiệm cơn đau

xẻ da thịt đến tận cùng thể xác

và bay lên bằng đôi cánh ảo giác

Dường như trái đất mang thai

sắp sinh nở một bình minh bé bỏng

dường như bầu trời là chiếc chong chóng

xoáy lên trận bão kinh hoàng

lấm chấm mồ hôi trên vầng trán rộng

có phải nỗi đau kết thành ngọc châu

ánh mắt dõi phương nào thăm thẳm

thắp vì sao hy vọng lung linh

Chị một mình bước lên bàn sinh

với tình yêu mang hình hài vũ trụ

với sức lực của vạn chài đi vào sóng bể

và khát khao làm mẹ

căng buồm.

Lê Khánh Mai 

                                  (Giấc mơ hái từ cơn giông– NXB Hội nhà văn 9/2008)

 

Lời bình của nhà thơ VÂN LONG

 

Ta có thể leo lên một con tầu vũ trụ để nhìn về trái cam xanh trái đất.

Nhưng làm sao ta có thể nhìn ra vũ trụ hình gì ? Thế mà nhà thơ nữ Lê            Khánh Mai đã viết câu thơ:

 Chị một mình bước lên bàn sinh

                                  với tình yêu mang hình hài vũ trụ

Điều phi lý trong thơ vẫn có thể trở nên hợp lý nếu nhà thơ biết bắc một chiếc cầu từ hiện thực đi lên. Đọc câu thơ trên ở cuối bài, tôi thật sự đồng cảm với nhà thơ vì trước đó đã được chị thuyết phục:

Chị một mình trải  nghiệm cơn đau 

xẻ da thịt đến tận cùng thể xác

và bay lên bằng đôi cánh ảo giác

Dường như trái đất mang thai

sắp sinh nở một bình minh bé bỏng

dường như bầu trời là chiếc chong chóng

  1. Xoáy lên trận bão kinh hoàng

Chỉ người đàn bà sinh con mới thấu được cảm giác xẻ da thịt đến tận cùng thể xác, chỉ cơn đau đớn kỳ lạ mang đặc trưng nữ tính hòa quyện trong tình yêu thiêng liêng với sinh linh bé nhỏ sắp chào đời và niềm hy vọng thiết tha mới đủ năng lượng chắp cánh cho tưởng tượng bay lên, bay lên trong ảo giác, trong cuộn xoáy của trái đất, bầu trời, như chong chóng, như trận bão kinh hoàng…

Có lẽ bất kỳ người phụ nữ bình thường nào khi sinh con đều trải qua những cảm giác như vậy. Nhưng với một phụ nữ – nhà thơ thì nỗi đau thể xác ấy đã được thăng hoa làm nên vẻ đẹp rực rỡ, thanh cao giữa đời thường vốn bình lặng và ẩn khuất. Người đọc tiếp nhận giá trị nhân văn ấy thông qua hệ thống hình tượng so sánh đối lập mang ý nghĩa biểu trưng cho thiên chức phụ nữ:

lấm chấm mồ hôi trên vầng trán rộng   với   nỗi đau kết thành ngọc châu.

-Không điểm phấn tô son / chẳng lượt là khăn áo  với Chín đầy như hoa trái mùa xuân

cơn đau / xẻ da thịt đến tận cùng thể xác  với  trái đất mang thai / sắp sinh nở một  bình minh bé bỏng   

để cuối cùng hiện lên hình ảnh người đàn bà trong đau đớn tưởng như tự        nhiên và tất nhiên ấy lại mang vẻ đẹp siêu phàm của thiên thần:

Người đàn bà trong cơn đau sinh nở / đẹp như một thiên thần.

Ngay từ đầu bài thơ, tác giả đưa ra hình tượng khái quát người phụ nữ thiên thần, sau đó dùng hàng loạt chi tiết cụ thể để minh chứng rồi kết thúc bằng hình ảnh kỳ vĩ người đàn bà bước lên con thuyền tình yêu đi vào sóng bể đầy tự tin, kiêu hãnh bởi cánh buồm khát khao làm mẹ đã căng lên. Dân gian có câu: “Đàn ông đi bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình”. Theo Lê Khánh Mai, người đàn bà đang làm cuộc sinh thành cũng là đi bể nhưng đi một mình, đớn đau và cô độc. Không có chúng bạn, người đàn bà chỉ có thể dựa vào chính mình, huy động toàn bộ nội lực từ máu tim mình để chinh phục sóng bể cuộc đời, chiếm lĩnh lấy “đỉnh cao” tinh thần là được làm mẹ. Nhà thơ nhận thức sâu sắc rằng việc  mang thai sinh nở của người đàn bàn không đơn giản là hành vi bản năng sinh học mà là một sự chinh phục vũ trụ, một cống hiến lớn lao, sánh ngang với trái đất mang thai để “sinh nở một bình minh bé bỏng”. Sự trải nghiệm này là có thật. Nó cao hơn mọi thứ triết luận hay lời tụng ca. Thơ là gì nếu không phải là sự trải nghiệm đến tận đáy những trạng thái tâm hồn của con người?

Bài thơ dung dị, tự nhiên, hình ảnh mới lạ, thủ pháp tu từ vừa đủ để chuyên chở nội dung. Âm điệu thơ linh hoạt và có chiều hướng mở bởi tác giả không bị gò vào thể thơ và số lượng âm tiết cố định, không cần sự hỗ trợ của những vần bằng (êm tai), mà tự tạo nhạc tính bằng nhịp điệu của tâm hồn mình. Nhịp điệu tự tại ấy có ưu thế là không dung những câu thừa, chữ độn. Người thiện xạ chỉ dùng cơ số đạn tối cần để hạ mục tiêu. Ta hãy quan sát số chữ và cách sử dụng vần trong khổ thơ cuối: Chị một mình bước lên bàn sinh/ với tình yêu mang hình hài vũ trụ/ với sức lực của vạn chài đi vào sóng bể/ và khát khao làm mẹ/ căng buồm.

Xưa nay, ta thường có định kiến: các nhà thơ nữ mạnh về những chi tiết thơ gợi cảm mà nhẹ về khái quát triết học. Nhưng trong tập thơ Giấc mơ hái từ cơn giông, phần đầu Bổn phận, hầu như mỗi bài thơ ở phần này là một vấn đề của tâm thế, một khám phá tâm trạng không hề non tay, như Kiếp vọng phu, Cổ tích buồn, Dị bản…chứng tỏ nhà thơ Lê Khánh Mai đã chín đều cả nghiệm sinh lẫn trải nghiệm sáng tạo.