Thi pháp ca dao của người Việt ở Khánh Hòa (kỳ 1)

THI PHÁP CA DAO CỦA NGƯỜI VIỆT Ở KHÁNH HÒA (Kỳ 1)

ThS. Lê Khánh Mai

Mở đầu
Nói đến thi pháp học là đề cập đến những vấn đề thuộc về nghệ thuật sáng tạo ngôn từ, nơi ghi dấu ấn tài năng của người nghệ sĩ. Ca dao thuộc loại hình thơ ca dân gian, sở dĩ có sức sống mãnh liệt không chỉ vì ca dao là tiếng nói tâm tình hồn nhiên, chân thật của người bình dân, mà còn bởi vì đó là tiếng nói tinh tế với một hệ thống thủ pháp nghệ thuật độc đáo.
Vận dụng thi pháp học, cụ thể là lý thuyết thi pháp ca dao, chúng tôi xác định mục tiêu của chuyên đề này là nghiên cứu các phương diện nghệ thuật biểu đạt, gồm: thể thơ, kết cấu, hệ thống biểu tượng, ngôn ngữ thời gian và không gian nghệ thuật… trong ca dao người Việt ở Khánh Hòa.
1. Giới thuyết các khái niệm: thi pháp và thi pháp ca dao
1.1. Thi pháp
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên): Thi pháp học là khoa học nghiên cứu thi pháp, tức là hệ thống các phương thức, phương tiện, thủ pháp biểu hiện đời sống bằng hình thượng nghệ thuật trong sáng tác văn học. Mục đích của thi pháp học là chia tách và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản nghệ thuật tham gia vào sự tạo thành thế giới nghệ thuật, ấn tượng thẩm mỹ và chiều sâu phản ánh của sáng tác nghệ thuật.
Xét các chỉnh thể văn học mang thi pháp, có thể nói tới thi pháp tác phẩm cụ thể, thi pháp tác giả, thi pháp trào lưu, thi pháp văn học một thời đại, thời kỳ lịch sử, thi pháp văn học dân tộc.
Xét các phương tiện, phương thức nghệ thuật đã được chia tách, có thể nói tới thi pháp của thể loại, thi pháp của phương pháp, thi pháp của phong cách, thi pháp kết cấu, thi pháp không gian thời gian, thi pháp ngôn ngữ…
Xét về cách tiếp cận, thi pháp học có ba phạm vi nghiên cứu: Thi pháp học đại cương, thi pháp học chuyên biệt và thi pháp học lịch sử.
– Thi pháp hoc đại cương: xây dựng một hệ thống trọn vẹn các thủ pháp, bao quát ba phương diện của văn bản, như: ngữ âm, từ vựng và hình tượng.
– Thi pháp học chuyên biệt tiến hành việc miêu tả tất cả các phương diện nói
trên nhằm xây dựng “mô hình” – hệ thống cá biệt của các thuộc tính tác động thẩm mỹ của tác phẩm. Vấn đề chính ở đây là kết cấu, tức là các tương quan của tất cả những yếu tố nói trên trong chỉnh thể nghệ thuật. Các khái niệm cuối cùng mà sự phân tích các phương diện nghệ thuật sẽ dẫn đến là hình tượng thế giới (với đặc điểm cơ bản của nó là không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật) và hình tượng tác giả. Tác động qua lại của hai khái niệm này tạo nên điểm nhìn nghệ thuật có tác dụng quy định tất cả mọi điều cơ bản của cấu trúc tác phẩm.
Thi pháp học chuyên biệt có thể miêu tả tác phẩm văn học cá biệt, cũng như cụm tác phẩm trong sáng tác của một nhà văn, của một thể loại, một trào lưu, hoặc một thời đại văn học.
-Thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự tiến hóa của các biện pháp nghệ thuật cũng như hệ thống các biện pháp ấy bằng phương pháp so sánh lịch sử, nhằm vạch ra đặc điểm chung của hệ thống văn học thuộc các nền văn hóa khác nhau, xác định cội nguồn của chúng cũng như quy luật chung của ý thức văn học nhân loại. Vấn đề chính của thi pháp học lịch sử là sự phát sinh, phát triển của thể loại trong ý nghĩa rộng nhất của từ đó, là ranh giới phân chia phạm vi văn học và ngoài văn học với tất cả sự đổi thay lịch sử của chúng. [2. tr. 304 – 306].
1.2. Thi pháp văn học dân gian và thi pháp ca dao
1.2.1. Thi pháp văn học dân gian
Ở Việt Nam mãi đến năm 1980 thuật ngữ thi pháp văn học dân gian mới bắt đầu được sử dụng. Chu Xuân Diên nêu ra định nghĩa: “Thi pháp văn học dân gian là toàn bộ các đặc điểm về hình thức nghệ thuật, về phương thức và thủ pháp miêu tả, biểu hiện, về cách cấu tạo đề tài, cốt truyện và phương pháp xây dựng hình tượng con người…Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian bao gồm từ việc khảo sát những yếu tố thi pháp riêng lẻ, như phép so sánh thơ ca, các biểu tượng và luật thơ, các mô típ và cách cấu tạo cốt truyện, cách mô tả diện mạo bên ngoài và tâm lý bên trong của nhân vật…đến việc khảo sát những đặc điểm thi pháp chung của từng thể loại…”[1. tr. 39]
1.2.2. Thi pháp ca dao
Từ sau báo cáo của Chu Xuân Diên, nêu định nghĩa về thi pháp văn học dân gian, xuất hiện ngày càng nhiều những bài chuyên khảo, công trình nghiên cứu đề cập đến nhiều cấp độ, nhiều yếu tố của thi pháp văn học dân gian nói chung và thi pháp ca dao nói riêng. Chúng tôi lược ghi một số công trình, theo thống kê của Nguyễn Xuân Kính trong cuốn Thi pháp ca dao như sau: …[5. tr. 64 – 68].
– Nguyễn Phan Cảnh “Khảo sát phương thức tổ chức ngôn ngữ của ca dao”.
– Bùi Mạnh Nhị nêu “Một số đặc điểm ngôn ngữ của ca dao dân ca Nam
Bộ”. Và vấn đề: Công thức truyền thống và đặc trưng cấu trúc của ca dao, dân ca trữ tình.
– Hồng Diệu nghiên cứu về tính chất đối xứng và luật bằng trắc của thể thơ lục bát
– Mai Ngọc Chừ chú ý đến sức mạnh biểu hiện ý nghĩa của vần nhịp, thanh điệu trong lục bát biến thể của ca dao người Việt.
– Vũ Ngọc Phan, Chu Xuân Diên, Phan Đăng…phân tích các biểu tuợng trong ca dao, dân ca
– Trần Thị An (1980), Bùi Mạnh Nhị (1998) đề cập đến cấp độ thời gian nghệ thuật trong ca dao
2. Thi pháp ca dao người Việt ở Khánh Hòa
2.1. Thể thơ
Ca dao của người Việt ở Khánh Hòa cũng như ca dao Việt Nam nói chung đều sử dụng tất cả các thể thơ dân gian trong sáng tác và lưu truyền, như: lục bát chính thể, lục bát biến thể, song thất lục bát và các thể thơ hỗn hợp. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng các thể thơ giữa các vùng miền có khác nhau. Theo Bùi Mạnh Nhị trong cuốn “Ca dao dân ca Nam bộ” (3) tỉ lệ thơ lục bát trong ca dao Bắc bộ cao hơn ca dao Nam bộ. Qua nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu chúng tôi cũng nhận thấy ca dao Bắc bộ có tỷ lệ thơ lục bát chính thể cao và có nhiều lời đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.
Thống kê trong số 750 lời ca dao của người Việt lưu truyền và được sưu tập ở Khánh Hòa cho thấy kết quả như sau:

Thể thơ
Số lời ca dao
Khánh Hòa Tỷ lệ
Lục bát chính thể 440 lời 58,7 %
Lục bát biến thể 265 lời 35,3%
Song thất lục bát 15 lời 2%
Thể thơ hỗn hợp 30 lời 4%

2.1.1. Lục bát chính thể
Nói đến ca dao người ta thường nghĩ đến thể thơ truyền thống là lục bát. Thơ lục bát vốn có cấu trúc ưu việt, hoàn hảo: câu 6, câu 8, luật bằng, trắc, mạch thơ đi đều đặn, nhịp nhàng, tạo nên chất ngâm, điệu ru ngọt ngào. Đây là hình thức
thơ cổ điển nhất của ca dao
Bảng thống kê trên đây cho thấy ca dao Khánh Hoà sử dụng thể thơ lục bát chính thể với tỷ lệ cao hơn so với các thể thơ khác. Điều đó chứng tỏ thể thơ này vẫn là điệu hồn chủ yếu người bình dân Khánh Hòa. Có những lời ca dao lưu truyền bằng thể lục bát rất bình dị mộc mạc, thể hiện cách cảm, cách nghĩ với lối diễn đạt trực triếp, cụ thể, ít ẩn dụ bóng gió xa xôi mà dễ đi vào lòng người.
– Đôi ta như cặp cá bè
Lênh đênh trên biển ai dè gặp nhau
– Sao sao cũng vợ cũng chồng
Lời nguyền đá núi vàng ròng không phai
Chưn giày, chưn dép mặc ai
Thiếp không lòng một lòng hai bỏ chàng
Không ít những lời ca dao lục bát chính thể rất giàu hình tượng, thể hiện
được chiều sâu tâm trạng của con người.
– Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó lên mả mẹ ruột đau hơn giần
– Ngó lên trăng chếch bóng nghiêng
Chơi chung với bạn, buồn riêng một mình
Thơ lục bát chính thể trong ca dao Khánh Hòa cũng rất linh hoạt về cách gieo vần. Ngoài cách gieo vần thông thường, còn có cách gieo vần tiếng thứ sáu trong câu 6 vần với tiếng thứ tư trong câu 8, làm thay đổi đột ngột cấu trúc câu thơ và có tác dụng nhấn mạnh điều muốn nói.
-Bứt dây nối lại cho dài
Nối ở đầu ngoài, nối thẳng vô đây
Ơi người núp dưới bóng cây
Dốc lòng tìm bạn tới đây mà tìm
– Vô duyên dù bận áo sa
Áo ra đằng áo, người ra đằng người
Có duyên dù bận áo tơi
Đầu đội nón cời duyên vẫn hoàn duyên
Sự thay đổi cách gieo vần trong những lời thơ lục bát chính thể làm thay đổi cấu trúc câu thơ, tạo nên sự sinh động về âm điệu và có tác dụng nhấn mạnh điều muốn nói.
2.1.2. Lục bát biến thể
Lục bát biến thể trong ca dao là những câu ca dao có hình thức lục bát nhưng
không khít khịt “trên sáu, dưới tám” mà có sự co giãn nhất định về số lượng âm tiết (tiếng)
Đặc điểm của lục bát biến thể là câu trên 6 hoặc hơn 6. Câu dưới không phải
là 8 mà là 9, 10, 11 hoặc 12 tuỳ ý, nhưng vần thì tuân theo kiểu vần của lục bát.
Gió đâu bằng gió Tu Bông (6 tiếng)
Thương ai bằng thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con (11 tiếng)
Câu thơ lục bát biến thể “bất thường” mang lại giá trị cao về nội dung và nghệ thuật; tạo ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận, thưởng thức. Gió Tu Bông rất mãnh liệt, nhưng đối người phụ nữ, tình yêu thương gia đình cha, mẹ, chồng, con là tình yêu nồng nàn, lớn lao không gì có thể sánh được.
Sóng sao bọt nước xanh xanh (6 tiếng)
Chàng bỏ thiếp cuối bãi đầu gành đêm đông (9 tiếng)
Thiếp hỏi chàng có thương trọn hay không (8 tiếng)
Làm cho thiếp đợi, mất công thiếp chờ (8 tiếng)
Lời ca dao này có 4 dòng thơ, thì dòng đầu tiên có 6 tiếng, dòng thứ tư có 8 tiếng, đúng như cấu trúc thơ lục bát, nhưng biến thể ở dòng thơ thứ hai, thay vì 8 âm tiết thì kéo dài thành 9 tiếng; Dòng thơ thứ ba, thay vì 6 tiếng đã tăng lên thành 8 tiếng.
Nhiều lời ca dao lục bát chỉ biến thể dòng thơ cuối:
– Đôi ta gá nghĩa chung tình (6 tiếng)
Dù ăn cơm mắm ngủ ngoài đình cũng ưng (9 tiếng)

– Bao giờ Hòn Chữ bể tư (6 tiếng)
Biển Nha Trang cạn nước anh mới từ nghĩa em (10 tiếng)
Lại có những lời ca dao mở đầu bằng câu bát:
– Ai ra Vạn Gĩa nhắn ả bán thơm (8 tiếng)
Thế gian lắm miệng, nhiều mồm (6 tiếng)
Nói đông thì ngọt, nói nồm thì chua
Thôi đừng uổng tiếng hơn thua
Gắng sao bán được đầu mùa là hay
Chính những dòng thơ dài “quá khổ” và sự thay đổi linh hoạt vị trí các dòng thơ đã có tác dụng nghệ thuật cao, diễn đạt đến tận cùng bản chất hiện thực đời sống và sắc thái hóa tình cảm, thái độ của các nhân vật trữ tình. Theo các nhà nghiên cứu, “sự có mặt của những lời dân ca, ca dao lục bát biến thể chủ yếu là do làn điệu của việc ca hát quy định (đối với dân ca), do yêu cầu của việc thể hiện một số nội dung nhất định (đối với ca dao)” [5. tr. 226]. Nguyên nhân này cũng không ngoại lệ đối với ca dao, dân ca Khánh Hòa.
2.1.3. Song thất lục bát và thể thơ hỗn hợp
Trong ca dao Khánh Hòa hai thể thơ song thất lục bát và hỗn hợp chiếm tỷ lệ 6%, thấp hơn nhiều so với lục bát chính thể và lục bát biến thể.
Thể song thất lục bát thường được dùng trong những những trường hợp kể lại câu chuyện có thật đã diễn ra, hoặc được lưu truyền trên vùng đất Khánh Hòa, với những nhân vật cụ thể, với tình cảm sâu lắng, âm điệu trang nghiêm.
Dám đâu quên kẻ anh tài
Rèn gan sắt đá khôn nài bể dâu
Gương tuấn dũng làu làu Phạm Chánh
Cùng Phạm Long chung gánh nước non
Cha con trung nghĩa vẹn toàn
Cùng Nguyễn Sung nguyện mất còn có nhau
Bao phen cay đắng hận thù
Tam hùng tam kiệt nghìn thu trăng rằm
Đặc biệt thể thơ tổng hợp được sử dụng diễn đạt những cảm xúc dồi dào tuôn chảy, tạo nên cách nói tự nhiên, chân thật và độc đáo.
– Anh đứng Hòn Chồng
Trông sang Hòn Yến
Lên Tháp Bà về viếng Sinh Trung
Non xanh nước biếc chập chùng
Biết bao liệt nữ anh hùng em ơi
Em hãy nhận lời
Cùng anh kết ngãi
Đầu ghềnh cuối bãi
Ta hãy thương nhau
Biển Cù nước mãi còn sâu
Công linh chẳng trước thì sau cũng thành

– Sông Dinh có ba ngọn nguồn
Anh nhớ em băng đèo vượt suối
Nhưng chưa biết đường tìm đến thăm em
Ghé vô chợ Ninh Hoà mua một xâu nem
Một chai rượu bọt
Anh uống say mèm
Để quên nỗi nhớ thương.
Hai lời ca dao trên tiêu biểu cho thể thơ hỗn hợp được vận dụng trong ca dao Khánh Hòa. Ở đây có sự kết hợp thật hài hòa, nhuần nhuyễn, khéo léo giữa các thể thơ: lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát và thể thơ tự do, tạo nên thế mạnh của ca dao. Đó là khả năng diễn đạt cả những cái mềm mại, tinh tế lẫn cái gồ ghề, góc cạnh, khó khăn, trắc trở, đạt đến cái tình, cái lý như bản chất đời sống.
2.2. Kết cấu
Kết cấu (hay cấu trúc) ca dao bao gồm sự tổ chức thanh điệu, vần, nhịp, tổ chức nội dung, cấu tạo ý, tứ, đoạn mạch, độ dài, ngắn…và phương thức thể hiện” [11 tr.221- 222].
2.2.1. Tổ chức nhịp điệu, thanh điệu
vần, nhịp của ca dao nói chung và ca dao Khánh Hòa nói riêng thể hiện rõ rệt ở thể thơ. Như đã nêu ở phần trên, ca dao Khánh Hòa sử dụng đầy đủ các thể thơ: lục bát chính thể, lục bát biến thể, song thất lục bát và thể thơ hỗn hợp tạo nên sự biến đổi linh hoạt về vần, nhịp và thanh điệu. Đây cũng là một đặc điểm về kết cấu của ca dao Khánh Hòa.
Nhịp điệu, thanh điệu trong ca dao Khánh Hòa thường có những biến đổi bất ngờ theo cảm hứng sáng tạo của người bình dân, phá vỡ những quy tắc thông lệ.
Anh đứng/ Nha Trang
trông sang/ Xóm Bóng
Ánh trăng lờ mờ /gợn sóng lăn tăn
Gần em /chưa kịp nói năng
Bây giờ/ sông cách/ biển ngăn ngại ngùng
Biển sâu/ con cá vẫy vùng
Buông câu/ khôn dễ mượn dòng đưa thư
Anh nguyền/ cùng em
Bao giờ/ Hòn Chữ bể tư
Sông khô biển cạn/ anh mới từ nghĩa nghĩa em.
Lời ca dao trên đây phối hợp nhuần nhuyễn các nhịp 2/2 – 2/4 – 4/4 và 4/6 khiến cho mạch thơ đi ngoắt nghéo khó lường, dồn dập và phóng túng, lôi cuốn và hấp dẫn; tạo nên niềm sảng khoái tự hào cho người tiếp nhận về cảnh vật trữ tình của Nha Trang, Khánh Hòa và niềm tin đối với lời hẹn thề chung thủy của tình yêu đôi lứa.
2.2.2. Quy mô, độ dài ngắn trong ca dao Khánh Hòa
Thống kê trong số 750 lời ca dao Khánh Hòa cho thấy kết quả như sau:

Độ dài ngắn của lời ca dao
Số lời ca dao Tỷ lệ
Loại ca dao ngắn, từ 2 đến 4 dòng thơ 624 lời 83,2%
Loại ca dao trung bình, từ 5 đến 10 dòng thơ 122 lời 16,3%
Loại ca dao dài, từ 11 dòng thơ trở lên 4 lời 0,5%

Như vậy, loại ca dao ngắn có tổng số lời nhiều hơn hẳn so với loại trung bình và loại dài. Chứng tỏ ca dao Khánh Hòa phần lớn có kết cấu đơn giản, thể hiện được những nội dung trọn vẹn, cô đọng. Điều này phù hợp với chức năng và đặc điểm của ca dao là sáng tác ngẫu hứng trong những khoảnh khắc và hoàn cảnh nhất định nào đó.
Cầu Thành ghe gốm lên rồi
Sao chưa đi chợ còn ngồi chi đây
Lời ca dao với hai dòng thơ ghi lại câu nói giản dị thường ngày, gợi lên khung cảnh sinh hoạt quen thuộc của người dân ở bến sông chợ Thành, Diên Khánh, nơi những chiếc ghe gốm lên xuống thường xuyên như một “quy ước ngầm” về thời gian.
2.2.3. Các phương thức thể hiện
2.2.3.1. Phương thức đối đáp (hay còn gọi là đối thoại) chủ yếu là những lời ca được sáng tác và sử dụng trong hát đối đáp nam nữ, bao gồm các đối thoại hai vế và đối thoại một vế.
Đối thoại hai vế bao gồm một vế hỏi và một vế đáp:
– Gặp em anh hỏi một câu
Đời ông vua Thuấn cày trâu hay bò
– Đất này lắm ruộng nhiều bờ
Cày trâu cũng được cày bò cũng xong
Hay:
– Ai đưa con sáo sang sông
Hỏi thăm em bậu có chồng hay chưa
– Có chồng năm ngoái năm xưa
Năm nay chồng bỏ cũng như chưa có chồng
Đối thoại một vế thông thường chỉ có vế hỏi mà không có vế đáp. Đôi khi là câu hỏi bâng quơ, nhằm giãi bày tâm sự mà không cần đối phương trả lời:
Em gặp anh đây nhìn sững, nhìn sàng
Nhìn không kịp hỏi hai hàng thấm bâu
Xưa rày anh hỡi đi đâu
trăm thương để lại ngàn sầu đem theo
2.2.3.2. Phương thức trần thuật
Trần thuật là phương diện cơ bản của tự sự (kể chuyện). Nhưng trần thuật
trong ca dao là trần thuật kết hợp tự sự với trữ tình, khác với trần thuật trong tự sự.
Nhà bậu ở tận làng xa
Muốn đi tới đó phải qua nhịp cầu
trước nhà dâm một hàng trầu
Mà sao chẳng thấy trồng cau cây nào
lòng qua ước muốn được vào
Xin cha mẹ cho phụ vét hào trồng cau
Mai kia cau lớn bên trầu
trầu xanh cau tốt cùng nhau kết nguyền
Đây là lời của chàng trai kể chuyện chính mình đã đến nhà người yêu. Dường như để chứng minh là mình nói thật nên chàng đã kể chi tiết những gì đã “mục sở thị”, như phải đi qua chiếc cầu, phía trước ngôi nhà có giàn trầu… tạo ra cái ‘thắt nút” của câu chuyện, nhưng mục đích kể chuyện là giãi bày tâm tư ước vọng được kết duyên cùng cô gái.
2.2.2.3. Phương thức miêu tả
Trong phương thức miêu tả, hình ảnh thiên nhiên luôn xuất hiện đầu tiên và là hình ảnh trung tâm. Bởi, thiên nhiên là người bạn gần gũi, gắn bó, chia sẻ tâm tình, gợi thi hứng cho con người
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương
Non cao biển rộng người thương đi về
Yến sào ngon ngọt tình quê
Sông sâu đá tạc lời thề nước non
Lời ca dao phác họa những đặc điểm khái quát về phong vật của vùng đất Khánh Hòa “non cao biển rộng” “sông sâu đá tạc” với phương thức miêu tả, ngợi ca, truyền cảm hứng yêu mến, tự hào đối với quê hương đất nước.
2.2.2.4. Phương thức so sánh
Ca dao Khánh Hòa cũng vận dụng khá nhiều lối so sánh ví von trực tiếp,
bằng cách dùng những liên từ: như, tỷ như …hay những từ chỉ mối tương quan giữa các đối tượng, nhằm biểu đạt những ý tứ sâu xa, làm nổi rõ bản chất của sự vật, hiện tượng.
– Đôi ta như cá trong đìa
Khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa
– Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu
– Đôi ta như cặp cá sơn
Ăn trên mặt nước đợi con mưa rào
2.3. Biểu tượng và ngôn ngữ
2.3.1. Biểu tượng
Theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời. [2. tr 24]
Biểu tượng được hình thành trong một quá trình lâu dài, có tính ước lệ và bền vững. Biểu tượng là cái nhìn thấy được mang một ký hiệu dẫn ta đến cái không nhìn thấy được…Biểu tượng được hiểu như là những hình ảnh tượng trưng, được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng trong trong một thời gian lâu dài. [5. tr 309]
Nếu như trong ca dao Bắc bộ thường sử dụng những biểu tượng, hình ảnh như trăng sao, thuyền bến, trúc mai, rồng phượng, cò hạc, mái đình, cây đa, …thì trong ca dao Khánh Hoà cũng có một hệ thống hình ảnh biểu tượng riêng biệt là biển, núi, đèo, hòn, trầm hương…Những hình ảnh này mang những nét đặc trưng của địa văn hóa Khánh Hòa, được sử dụng với ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú đa dạng của thiên nhiên, sản vật và những phẩm chất tốt đẹp của người Khánh Hòa.
2.3.1.1. Biển
Với người lao động, biển là người bạn lớn để họ chia sẻ, gửi gắm những nỗi niềm. Trai gái yêu nhau thường mượn hình ảnh các loài cá để ví von về tình cảm lứa đôi gắn bó: Đôi ta như cặp cá bè / lênh đênh trên biển ai dè gặp nhau; Biển hiện thân cho tình yêu, tình vợ chồng thủy chung sâu nặng: Biết chừng nào cho sóng bỏ gành / Cù lao kia bỏ biển anh đành bỏ em. Mặc dù nghề biển vất vả gian nan, hiểm nguy luôn rình rập nhưng người dân yêu biển, sống chết với biển, biết ơn trời và các vị thần đã cho những mùa cá bội thu, và sung sướng hạnh phúc trước thành quả lao động của mình: Ra đi sóng biển mịt mù / Trời cho lưới nặng dô hò ta kéo lên. Người Khánh Hòa có tình yêu sâu đậm với quê hương. Câu ca dao: Đi đâu cũng nhớ Khánh Hòa / Nhớ biển Nha Trang gió mát, nhớ Ninh Hòa nhiều nem là một trong những câu ca dao nằm lòng của người dân xứ biển này từ xưa đến nay, như một thứ tình cảm tự nhiên trong máu thịt.
2.3.1.2. Đèo
Tên những con đèo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ca dao Khánh Hòa
với vai trò là nhân vật trữ tình, là hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩ biểu trưng diễn tả tinh tế những trạng thái tâm hồn con người. Trên địa phận Khánh Hòa Đèo Cả là con đèo dài nhất uốn lượn gấp khúc tạo nên địa thế hiểm trở và nó cũng gợi sự liên tưởng về những mối tình gập ghềnh trắc trở : Trèo lên Đèo Cả/ Ngó xuống Vạn Gĩa Tu Bông/ Biết rằng phụ mẫu có đành không/ Để anh chờ em đợi uổng công đôi đàng. Đèo cũng là biểu tượng của tình nghĩa vợ chồng thắm thiết, cao sâu: Đèo nào cao bằng đèo Rọ Tượng/ Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê. Đèo còn là nơi ghi dấu những sự tích anh hùng của người Khánh Hòa trong cuộc chiến đấu cống xâm lược: Ông Trần Đường giữ đèo Dốc Thị….
2.3.1.3. Hòn
Hình ảnh hòn biểu tượng của sự bền vững, không xê dịch, chuyển dời với thời gian thường được coi là nhân chứng, vật chứng cho những lời thề nguyền của tìnhyêu đôi lứa: Bao giờ Hòn Chữ bể tư/ Biển Nha Trang có cạn anh mới từ nghĩa em.
Hòn còn là hình ảnh đặc trưng, tô điểm cho phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình: “Mây giăng Hòn Chão, trăng dầm Vân Phong”, “Anh Đứng Hòn Chồng/ Trông sang Hòn Yến/ Lên Tháp Bà về viếng Sinh Trung”…Hòn là nơi nổi tiếng về các loại sản vật: Mây Hòn Hèo”, “Khoai lang Hòn Chúa, đậu phụng Hòn Dung”…
2.3.1.4. Trầm hương (trầm và kỳ)
Trầm hương là sản phẩm đặc biệt đã làm cho Khánh Hòa thơm danh trong nước và ngoài nước. Vật quý này không chỉ riêng Khánh Hòa mới có. Các nơi có núi cao rừng rậm như Phú Yên, Bình Định đều có, song không nhiều và không tốt bằng Khánh Hòa…. Trầm và kỳ do cây dó sinh ra. Trong cây dó có trầm thì thỉnh thoảng có kỳ. Còn trong cây dó có kỳ luôn luôn có trầm [10, tr.384- 385]. Cũng vì thế, nhà thơ Quách Tấn đặt tên Khánh Hòa là xứ Trầm Hương
Cây dó sinh ra trầm hương phải trải qua thương tích, “đau đớn” do gió bão
làm gãy cành, thân, hoặc rễ cây, chất dầu trong cây ứa ra để chống lại vết thương. Khi vết thương lành, chỗ nào đọng nhiều dầu thì thành kỳ, chỗ đọng ít thì thành trầm. Trầm, kỳ có đặc tính quý là dùng làm thuốc chữa được nhiều chứng bệnh và có mùi thơm đặc biệt nên được dùng để sản xuất hương (nhang), một sản phẩm quen thuộc gắn bó với đời sống tâm linh của người Việt Nam. Từ thực tế này, trầm, kỳ được xem là biểu tượng của những giá trị tốt đẹp, cao quý trong cuộc sống
Không gian non nước Khánh Hòa vương vấn, ngát thơm “Ngọn gió lay phảng phất hương trầm”. Một không gian thanh sạch và quyến rũ hồn người, bởi cái mùi hương không dễ nơi nào có được. Hương trầm thơm đến từng gia đình, từng nơi thờ phượng linh thiêng, như nhắc nhớ về cội nguồn tổ tiên: “Trầm hương ở tận núi cao/ Gió đông nam, thổi xuống, bộ lư nào cũng thơm”. Hương trầm cũng là thứ hương bền bỉ, không phai lợt với thời gian, không gian nên nó cũng là biểu tượng cho khí chất kiên cường của người Khánh Hòa trước những thử thách nghiệt ngã của xã hội, của lịch sử. Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, dù có lúc thất bại do lực lượng không cân sức nhưng người dân Khánh Hòa vẫn nuôi giữ ý chí bất khuất và niềm tin ở sức mạnh dân tộc “Bình hương dẫu bể miểng sành còn thơm”.
Trầm, kỳ thường được ví với những phẩm chất tốt đẹp của con người, tựa như “vàng ròng” của tài năng, đạo đức, lương tâm: “Làm người có nghĩa, có nhân/ Như cây dó tỏa hương trầm ngát huơng”. Phàm đã là vật quý thì lại hiếm, đó là quy luật tự nhiên hay cũng là quy luật nhân sinh. Công việc tìm trầm đầy gian nan vất vả, nhưng những phu trầm vẫn quyết chí xông pha “Dốc lòng lên núi tìm trầm. Đây cũng là tinh thần hướng tới cái đẹp, cái thiện, đề cao cái hay cái tốt trong cuộc sống. Người dân Khánh Hòa luôn nuôi dưỡng một niềm tin ở thời gian và những giá trị đích thực: “Dó lâu năm dó thành kỳ/ Đá kia lăn lóc có khi thành vàng”
Trong tình yêu đôi lứa, người bình dân quan niệm, khi lựa chọn người bạn tình đi đến kết nghĩa trăm năm cần được trải qua những thử thách như cây dó trải bao gió táp mưa sa để kết nên trầm “Bao giờ cho dó thành/ trầm Lòng ta hãy dám dắt trâm đeo vòng”.
Cây quế thiên thai mọc bên khe đá
Trầm nơi Vạn Gĩa hương tỏa sơn lâm
Đôi lứa mình đây như quế với trầm
Trời xui đất khiến sắt cầm trăm năm
Hệ thống biểu tượng: biển, đèo, hòn, trầm kỳ trên đây đóng vai trò là nhân vật trữ tình biểu tượng và đó cũng là nét riêng đặc sắc trong ca dao khánh Hòa.
(Còn tiếp kỳ 2)