Thầm thì một lời yêu trong ” Lửa và đất”

THẦM THÌ MỘT LỜI YÊU TRONG TẬP THƠ
LỬA VÀ ĐẤT CỦA TRẦN VIỆT KỈNH

PHÙNG TIẾT

Đã từ lâu công chúng độc giả biết đến Trần Việt Kỉnh là một nhà nghiên cứu văn học dân gian cần mẫn, tài hoa với những công trình in chung, in riêng như “Thơ ca dân gian Phú Khánh”, “Truyện cổ dân gian Phú Khánh”, “Đất nước con người Khánh Hoà”, “Nữ thần Pô Na Ga”, v..v..với những giải thưởng lớn, nhỏ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Có người còn gọi anh bằng một cụm từ vừa trân trọng vừa nghiêm trang: Người giữ đình làng…Nhưng có lẽ không ít người còn biết anh là một nhà thơ. Thơ anh có một giọng điệu riêng, không xa lạ, nhưng không trộn lẫn, chân chất, mộc mạc, một lời yêu thầm thĩ toát ra từ một tâm hồn thơ dung dị nhưng sâu lắng, suy tư. Năm 2003, anh ra mắt tập thơ “Lửa và đất” (Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà) với 65 bài thơ, được chia làm hai phần: Mẹ và quê hương ; Bạn, người yêu và thơ. Theo ghi chú ở cuối từng bài thì hầu như anh tập hợp thơ viết từ năm 1975 khi miền Nam vừa được giải phóng đến năm 2002. Hơn 30 năm, nhà thơ với “Đời ta gặp nhiều lận đận/ Xa quê, giang hồ, lang thang/ Có tài mà không gặp vận/ Lòng buồn, thơ cũng đa đoan” (Bạn), đã “…Cần mẫn ghép vần theo năm tháng/những vui buồn của con người hiển hiện/Trên trang thơ gió lật giở từng ngày/Những nỗi buồn cuộc đời mang trên vai/ Những niềm vui chim bay về làm tổ/ Đêm dài qua, mặt trời lên bỡ ngỡ/ Như câu thơ hay lấp lánh giữa đời thường/ Tôi nhặt lấy và cất làm ki niệm” (Thơ và năm tháng), cứ thế những bài thơ của anh mang đậm dấu ấn những cảm xúc yêu thương với quê hương, người thân, bạn bè trong cuộc đời thường; và được ghi lại như những trang nhật kí thơ, hoặc trong nỗi day dứt, dằn vặt tận cõi lòng mình kéo dài qua năm tháng, hoặc còn nóng hổi như nó đang diễn ra…Anh rợn ngợp trước ngôn từ to lớn, anh chọn lấy cho mình sự mộc mạc, dân dã như lời ru của mẹ, biến lòng mình thành những câu thơ “chỉ có lửa và đất/ quyện lại hoá thành..” để: “Mong có được những vần thơ không tuổi tác/ những vần thơ làm bất lực cả thời gian/ Tôi dâng hiến cả đời tôi ở đó” (Thơ và năm tháng).
Quê ở Thừa Thiên – Huế, nhưng trong thơ anh, bóng dáng quê hương lại là cả một dải miền Trung đất Việt. Cũng dễ hiểu, vì “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương” (Chế Lan Viên). Một miền Trung “…lượn một đường cong trên bản đồ nước Việt/ Như dáng người cha tảo tần/…/Mẹ miền Trung xuống biển lên rừng/Lòng thương con nhiều như mưa sa, bão táp” đã khắc ghi trong tâm hồn anh, anh hiểu nó, cảm nhận nó một cách tinh tế mà không phải ai cũng cảm nhận được như thế: Từ cây cỏ mang nhiều vị khác, gai góc, đắng chát hơn nhiều; đến rau má đắng nuôi người, ngọn măng đắng giúp người mau qua cơn sốt, đến miền đất với những “cơn mưa chiều miền Trung buồn như cuộc tình tan vỡ/ Bão tố tràn qua ngôi nhà tranh của mẹ/ Nấm mộ cha nằm ngoài đồng nước ngập trắng mùa mưa…” . Hình ảnh quê hương ấy thao thiết, sâu nặng trong lòng nhà thơ:
“Tôi – Đứa con xa quê
Vất vả làm ăn, nửa đời lận đận
Nhìn những đám mây bay về miền Trung giữa trời xanh vô tận
Uớc sao mình là giọt mưa rơi xuống mảnh sân vườn
(Miền Trung)
Hầu hết các bài thơ viết về quê hương đều gắn với một địa danh ở miền Trung. Nhưng công bằng mà nói, có hai vùng đất miền Trung mà tên đất, tên sông, tên biển…thường được anh nhắc lại với tần số cao hơn là Huế và Nha Trang nói riêng, Phú Khánh nói chung (*)…Có lẽ, cả hai đều là nơi in dấu tình cảm đời người sâu nặng nhất trong anh. Huế – quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, chỉ hiện hiện trong ký ức tuổi thơ, bây giờ gặp lại. Phú Khánh là nơi anh đang sống với gia đình bé nhỏ của mình, đang từng giờ từng phút trải qua niềm vui, nỗi buồn nhân thế. Huế gắn liền với Mẹ, quê hương thứ nhất; Phú Khánh gắn liền với người yêu, người bạn đời, quê hương thứ hai..Và thật khó tách bạch, rạch ròi tình cảm dành cho quê hương và tình cảm dành cho mẹ, cho vợ, cho người thân, bạn bè trong tiếng thơ anh.
Với Huế, ra đi từ ngày thơ bé, “sau hai mươi năm mới gặp” lại mảnh đất cố đô, nơi anh sinh ra, nên Huế chỉ còn “Sông Hương chảy từ trong kí ức”, trong tiềm thức của anh. Mới chừng đó thời gian, mà Huế bây giờ chỉ còn là quá khứ với những “vàng son một thời”, “rêu phong Đại Nội”, “viên quan hoá đá, mặt đăm chiêu suy nghĩ chuyện ngày xưa”,… “Ai muốn làm “Vua” cũng được/ Ai muốn làm quan /thì đứng cạnh “Vua” vòng tay kính cẩn”. Trước cuộc thương hải tang điền hiển hiện mồn một như thế, nhà thơ trầm tư, liên tưởng đến những số phận riêng chung “Tôi lận đận làm dân suốt đời/ để được lang thang chiều Đại Nội/Bây chừ Huế ơi..”. Huế vẫn là Huế:
Tình yêu tôi có khi nghiêng ngả
Nhưng dòng Hương của Huế chẳng thay màu”
(Huế)
Ngày Huế giải phóng, đưa Mẹ về thăm quê, anh viết bài thơ “Mạ ơi khi con qua thành nộI” tràn đầy nỗi niềm thương cảm về một thời gian khổ của tuổi thơ anh, của mẹ, của cha…Một gương mặt lạ quen gặp trên đường, một giọng Huế ngọt ngào, một màu cờ đỏ trên sông, một câu ca vọng lại…tất cả đều lay động trái tim người về, trào dâng niềm xúc động rưng rức. Những câu thơ lục bát vừa man mác, bâng khuâng, vừa sâu lắng, bùng vỡ: “Bây chừ con đưa Mạ về/ Cổng thành nội gió tứ bề xôn xao/ Gặp ai Mạ cũng muốn chào/ Nhìn gương mặt ngỡ lúc nào đã quen/ Khi nghe lại giọng quê hương/ “Bây chừ mới gặp” sao thương lạ lùng/ Nhìn ra cờ đỏ trên sông/ Phú văn Lâu hết nghẹn lòng nhớ thương/ Câu ca sầu thảm canh trường/ Bây chừ chuyển nhịp để nhường lời vui”. Mảng thơ anh viết về Mẹ hầu như gắn liền với Huế, tình yêu của anh đối với mẹ càng sâu nặng thì theo đó hình ảnh của Huế cũng nổi bật lên.
Với Phú Khánh, có hơn 1/3 số lượng bài trong phần Mẹ và quê hương viết về nơi này. Đó là Chợ Tết Nha Trang – Mưa xuân phố biển – Nha Trang huyền thoại – Chiều xuân Diên An – Đường lên buôn Học – Mùa gió Tuy Hoà – Ninh Hoà – Qua Đèo Quán Cau- Cảm nhận Cam Ranh – Chiều Củng Sơn – Tiếng trẻ học bài trên đảo Bình Ba..Có thể còn nhiều nơi anh đã đến, đã đi ở cái tỉnh miền duyên hải thiên nhiên xinh đẹp, con người chịu thương, chịu khó, đang cố vươn mình lên trong cuộc sống hôm nay. Nhưng chỉ chừng đó thôi, cũng thấy tình cảm anh đã thực sự gắn bó, rung động và yêu thương đến độ nào. Mùa xuân 1981, bức tranh chợ Tết Nha Trang được anh vẽ nên tấp nập, với đầy ắp sắc màu của hoa mai, hoa cúc, của những gương mặt hồng tươi, ánh mắt yêu đời…Nha Trang hiền hoà vui và êm đềm lắm: “Đất Nha Trang khi mùa xuân đến/ Vỗ bờ vui từng con sóng êm đềm” (Chợ Tết Nha Trang). Cũng cảm xúc ấy, mùa xuân 1986 càng dâng cao: “Giọt mưa nào trên má/ Môi em bỗng thoáng cười/ Bởi mùa xuân đẹp quá/ Đời vui cứ nhân đôi” (Mưa xuân phố biển). Và Nha Trang trong anh là Nha Trang huyền thoại, anh đã phải thốt lên tiếng lòng mình:
“Nha Trang, Nha Trang – ngôn từ khó tả
Thuở gặp ban đầu đã đem lòng mến yêu”
(Nha Trang huyền thoại)
Một chiều xuân ở Diên An thì “Trao nhau trái ngọt mùa đầu/ Bồi hồi nghe đất mỡ màu tái sinh” (Chiều Xuân Diên An), ở Buôn Học thì “Gửi lại buôn mùa đi nương/ Màu hoa gạo đỏ con đường ra sông/ Gửi lại buôn ngôi nhà Rông/ Mái dài như tiếng chiêng ngân trữ tình” (Đường lên buôn Học), đến với mùa gió Tuy Hoà, nơi có “cái gió chuyên cần và phóng túng” (thơ Trần Mai Ninh) thì “Ơi ngọn gió Tuy Hoà/ Thơ anh muốn bắt kịp cùng vớI gió/ Muốn hoà vào trong nhịp đời trăn trở/ Để gần thêm tình yêu của em” (Mùa gió Tuy Hoà), đến Ninh Hoà, nơi người xưa đã nói: mở cửa bốn bên là núi, nhà chưa cao, phố còn hẹp, anh đã nhận ra “Dòng sông Dinh hiền như một câu thơ” (Ninh Hoà), rồi đến buôn Ê-đê, nơ “Dòng Krông Pa réo sôi chảy xiết/ Mang câu hát đi dài theo thời gian”, anh nghe kể câu chuyện cổ ngày xưa như “Bản trường ca Ê-đê không tắt/ Đang phiêu diêu trong gió đại ngàn” (Đêm nghe hát trường ca trong buôn Ê-đê)…
Những vùng quê, những con người với những kỉ niệm chất chứa trong lòng nhà thơ, trở thành sự thôi thúc nội tâm, sự ám ảnh mạnh mẽ và hoá thành những câu thơ trĩu nặng tình cảm với đất, với người. Trong thơ anh, ta bắt gặp những con người với những thân phận, mảnh đời khác nhau, ở nhiều góc độ sống khác nhau, nhưng tựu chung, toát lên một thứ tình cảm yêu thương, trong sáng, lấp lánh tính nhân văn. Đây đó là những đồng đội cũ của một thời gian khổ “Một thời ra trận đã nhiều hy sinh “ (Chiếc ba lô cũ), hoặc đang sống giữa cuộc sống đời thường bằng nghề sửa xe ở ngã tư đường phố sau khi đã dâng hiến cạn kiệt thời trai của mình, vẫn tính rạch ròi, vẫn tác phong người lính, vẫn giữ tròn chữ tín “Sống ở ngã tư mà lòng không ngã tư” (Ngã tư đường), hoặc sau khi làm tròn nhiệm vụ người bảo vệ hoà bình trên đất nước bạn, nay “Người bảo vệ vẫn làm nghề bảo vệ/ Vẫn như xưa, áo quân nhân mòn vai” (Người bảo vệ); Đây đó là những em bé nghèo bán vé số “Người bất hạnh đi rao bán niềm hy vọng” như “Nghịch lý cuộc đời bất di bất dịch/ Như cỏ và hoa, như ngày và đêm” (Nghịch lý). Đây đó là những bạn văn, bạn thơ khắp mọi miền anh đến – những con người có tâm hồn đồng điệu với anh, cùng bay bổng khi ở đâu đó gặp nhau trong cái hào sảng, phóng khoáng “Một ly, rồi hai ly/ Thấy mình cao ngang núi/ Ba ly… Mây vời vợi/ Bay dưới nơi ta ngồi…” (Uống rượu với bạn thơ ở SaPa), đúng là “Trời đã cho ta cuộc sống/ Làm sao thiếu nổi bạn bè?” (Bạn).
Cái đằm sâu trong lòng anh vẫn là lời thầm thĩ với người yêu, người vợ. thật diễm phúc cho những ai trong cuộc đời mình hai hình ảnh người yêu, người vợ là một con người cụ thể, để không phải “Trao thân một nẻo, gửi tình một nơi”. Trần Việt Kỉnh được cái may mắn đó chăng? Bên cạnh những bài thơ đề tặng vợ với những lời thủ thỉ chân thật, mộc mạc, vừa da diết vừa sâu lắng, ta còn gặp nhiều đây đó bàng bạc những ý thơ như vậy. Năm 1976, kỉ niệm mùa đầu xa nhau, anh viết:
Tình anh không muốn là đợt sóng
Dội mãi lời than âm ỉ vô bờ
Sẽ có một tình yêu dài theo năm tháng
Nỗi nhớ thương anh dệt mãi thành thơ”
(Trái chín)
Cái da diết ấy tràn ngập trong những bài thơ như Biển và em – LờI thề – Bữa cơm chiều – Đèn khuya sân ga – Một khúc hát riêng… Và chỉ có cái da diết ấy mới thấy được rằng “Biển và em/ Sao có nhiều điều giống nhau như thế/ Dịu êm,rất dịu êm/ Bão tố, tận cùng bão tố” (Biển và em). Và cũng chỉ có thế mới “Và cho người tôi yêu/ Điều giản dị, chẳng bất ngờ/ Là trái tim chân thật/ Thơ tôi sẽ hát/ Bài tình ca nào em yêu” (Một khúc hát riêng).
Ngôn ngữ Thơ Trần Việt Kỉnh giản dị, hình ảnh thơ trong sáng, tình thơ chân thành, hiền hoà như có một mạch ngầm ca dao, dân ca đang chảy, song vẫn làm ta ngẫm ngợi… Với anh, có lẽ làm thơ là một cách ghi lại cảm xúc dồn nén của mình. Tôi lấy bài thơ Không đề II của anh để kết thúc bài viết này như một lời tri âm cũng anh:
“Nhà văn như ngọn gió thổi chuyên cần qua dốc núi
Đá núi sẽ mòn qua nhiều năm nhưng gió có hay đâu
Cái công việc của hàng nghìn thế kỉ
Ngọn gió đầu nhắn gửi gì cho ngọn gió đến sau?”

PHÙNG TIẾT

Tháng 3.2006