Quốc Sinh với năm tháng “sống đầu”

QUỐC SINH VỚI NĂM THÁNG  “SỐNG ĐẦU”
 

Đọc tập thơ “Sống đầu” của Quốc Sinh – NXB Trẻ, 2004
 

LÊ KHÁNH MAI


  

          “Những năm tháng đã qua đều tươi đẹp”-Quốc Sinh viết như thế trong tập thơ “Sống đầu”. Đây không phải là thái độ lạc quan theo kiểu nhìn đời qua lăng kính màu hồng mà là cái nhìn tỉnh táo đối với cuộc đời muôn mặt. Chàng trai tuổi ba mươi với những vần thơ đầu đời chất đầy kỷ niệm trẻ thơ chăn bò nơi đồng quê lấm láp: “Những khoảng đồng quanh năm ngập gió trời và tràn đầy cỏ /những đứa trẻ chăn bò suốt bốn mùa lang thang trên đó/chúng mải mê chơi như những con nghé mải mê quên cả buổi chiều về”(Bầy trẻ chăn bò). Thôn quê, nơi Quốc Sinh sinh ra và sống cuộc sống đầu đời bằng một tình yêu trong trẻo, say mê, lãng mạn đã khắc  nên những dấu ấn đậm nét trong thơ anh. Cánh đồng có lẽ là nơi anh giành nhiều suy cảm nhất, bởi đó là nơi cha mẹ và nhiều thế hệ con người đã đổ mồ hôi gieo cấy niềm hy vọng: “Cha ơi mùa hạ/ï cha đưa con ra đồng nhé/ …/con chim hót vang lừng không mỏi kìa cha/ con bò kêu vang lên núi kìa cha/ cò lang thang nói gì thế/ con nghe hương đất thầm thì như tiếng thầm thì của mẹ/ (Tuổi thơ II). Tâm hồn tuổi thơ bay bổng đã ru anh vào thế giới của thiên nhiên: “ Tôi nằm trên cánh đồng mùa xuân tuổi thơ/ bẹp sát cỏ /như con nhái nằm thở trên lá xanh/ những người làm đồng quên gọi tôi về/ vì hoàng hôn đã phủ tôi kín chân và sương trong mắt họ”(Cánh đồng ).Với Quốc Sinh , thơ  bắt đầu từ  những cánh đồng, từ đời sống của làng quê tưởng như đóng khung trong nề nếp cũ mòn muôn thuở, vậy mà anh vẫn phát hiện ra những điều mới mẻ bất ngờ thú vị. Đêm giao thừa trong “khói nhang trầm thơm toả thiêng liêng”,lung linh muôn sắc bàn thờ tổ tiên”,  mùi hương hoa vạn thọ, những tiếng cười và lời chúc nhân từ, nhà thơ còn nghe thấy “đêm gọi tôi bằng sự khác thường của gió”. Cái tết cổ truyền mang bản sắc văn hoá Việt Nam hàng ngàn  năm được Quốc Sinh cảm nhận một cách riêng ,độc đáo: “Chân mỏi tha phương gọi/tết nhớ cố huơng/gió trong vườn gọi/ tết hương/ bánh tét gọi/ tết xanh/hạt dưa gọi/ tết đỏ/ áo quần gọi/  tết lụa là/…/tuổi già mẹ tôi gọi/tết thời gian không đợi” (Gọi tết chơi).Cả cái nghĩa địa nơi miền quê cũng trở thành nỗi ám ảnh không nguôi. Ở đó bọn trẻ bày trò chơi rồi té chạy trong nỗi sợ hãi thích thú vì sự huyền bí của nó: “Ở đó mọc lên cỏ um tùm/ có những ngôi sao rơi xuống mất / những cơn mưa đến khóc / rồi lặng im (Nghĩa địa). Nhưng rồi cậu bé nhà quê đã trở thành chàng trai mang khát vọng đến những chân trời rộng mở. Anh không nén nổi cảm xúc khi lần đầu biết Gĩa – một phố huyện trong chiều mưa sụt sùi: “Dần dà tôi biết Gĩa khó ngủ trăng mờ/ cả đêm thị trấn đầy hơi biển thở/…/ tôi như những ngôi nhà nơi phố này đứng bám mặt vào hai bờ quốc lộ/ tôi bám mặt vào ngổn ngang cuộc sống thường ngày” (Gĩa).Thật mừng khi chàng trai nhà quê đi ra khỏi ngôi làng của mình vẫn biết trăng khó ngủ, vẫn nghe biển thở, vẫn bám mặt vào ngổn ngang cuộc sống. Đây là những câu thơ về miền Trung:
“Ta nhớ miền Trung sông cài ra biển lớn
Sóng mênh mông vỗ thẳm vòm trời
Những con sông thiếu ruộng đồng để chảy
Mang thác ghềnh đổ vào lòng khơi

miền Trung đất gầy cùng muôn thuở
nên núi không thênh thang nên biển rộng mãi bờ
người lớn lên như núi cao lên nữa
bay ra như con thuyền trong nắng tinh mơ”
                                      (Miền Trung)
          Đã có rất nhiều câu thơ hay về miền Trung của nhiều tác giả làm ta rưng rưng thương đến thắt lòng giải đất này, vậy mà thơ Quốc Sinh vẫn khiến người đọc suy ngẫm bởi cái nhìn địa văn hoá miền Trung với đặc trưng núi biển, sông suối, thác ghềnh rộng lớn, hùng vĩ nhưng đất (đồng bằng) lại gầy gò. Điều kiện tự nhiên ấy buộc con người phải tự mình cao lớn lên như núi và phải mang sức mạnh của con thuyền bay ra biển khơi. Một ý thơ thật mới và đẹp.More...
Quốc Sinh đã bắt đầu con đường thơ bằng sự thành tâm hướng tơí đời sống thật với bao lo toan, nhọc nhằn, có cả hạnh phúc non xanh lẫn trụi trần khắc nghiệt. Thơ anh luôn day trở, gọi nhắc về những điều ngỡ bình thường, nhỏ nhặt, dễ lãng quên nhưng gắn kết con người với đời. Như vậy là điểm xuất phát của thơ Quốc Sinh dự báo anh sẽ đi  một lối riêng, khác với nhiều cây bút trẻ cùng thế hệ.
          Quốc Sinh viết về tuổi trẻ như một lẽ tự nhiên. Cuộc đời sinh viên, giảng đường, ký túc xá, khu nội trú, quán cà phê, những miền đất lần đầu đặt chân tới, những khát vọng, những người bạn, người tình, thơ, nhạc và tranh…là cái thế giới thứ hai của Quốc Sinh sau thế giới tuổi thơ chăn bò. Thơ anh không quá choáng ngợp vơí cuộc sống mới này, cũng không ồn ào “tạo dáng” mà điềm tĩnh, từ tốn cảm nhận từng khoảnh khắc sống. Có thể vì anh đã nhận thức được bản thân: “Ta- tín hiệu nhỏ nhoi giữa rồn rã xuân đời”(Biển báo). Biết mình là ai giữa biển đời vô tận nhưng vẫn nuôi ước vọng vượt thoát chính mình: “Tôi mơ làm gió/ bay lên với gió/qua những mạn sông thắm đỏ ngọt ngào/ làm loài thú đêm hoang mắt đỏ/chạy miệt mài trên cánh đồng sao / từ bỏ những ngày dài gặm nhấm/như con sâu cắn nát lá khu vườn (Dặm dài). Đấy là cách Quốc Sinh nói về tuổi trẻ.Tuổi trẻ không thể đóng khung trong những khuôn mẫu , không “ăn sẵn” chính mình mà tìm kiếm, làm mới bản thân: “Chẳng có cơn mưa hay trận gió nào/ ở trong ta/ ta bão lũ chính ta (Mượn Haiku). Như bao chàng sinh viên ở trọ đi học, Quốc Sinh có những kỷ niệm bạn bè đẹp và cảm động. Những  chàng trai con nhà nghèo ở làng quê lên thành phố theo đòi sách vở, bút nghiên. Họ phải đối mặt với thực tế bi đát: “Buổi chiều ngày mưa/ dăm gã trai từ đâu về gọi cửa/thằng đít tim máu ứa,thăng gối bạc sông hồ, thằng túi héo cơm khô/…mưa bên ngoài buồn như người đàn bà đứng khóc/…rồi đột nhiên hôm kia một đứa ra đi mãi chẳng về/góc rượu thừa, dăm ba câu thơ/bỏ lại cho thằng ôm đàn ngồi nhớ” (TrọIII). Đấy là nỗi buồn rất thật và thanh cao sẽ có lúc vực con người ta đứng dậy.
          Quốc Sinh có viết thơ tình, cũng là tất nhiên khi người ta trẻ, nhưng xét về số lượng thì không phải là nhiều. Trong gần sáu mươi bài của tập thơ đầu tay, thơ tình chỉ chiếm khoảng hai mươi phần trăm. Mừng, không phải vì không khuyến khích thơ tình. Mừng vì Quốc Sinh đã biết hướng những suy nghĩ, cảm xúc đầu đời đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống. Có lẽ đây là một căn cứ để ta hy vọng người viết trẻ này sẽ đi tiếp những dặm dài của thơ. Có hai bài thơ tình khá ấn tượng là “Người thứ ba”và “Ý nghĩ”. Người thứ ba (tác giả) đứng ở phía này nhìn về phía bên kia “có em và một người nữa cùng hát ca”, lặng lẽ yêu, không buồn đau, không tự trách, lòng thầm nhắn nhủ với người mình yêu: “Em hãy cứ yêu người cho vĩnh viễn đi em/cho tình yêu ta một phía này cũng là vĩnh viễn/đừng em ơi, đứt dan díu với người rồi em xoay hồn mình lại/sợ khi ấy ta không còn chút vụng dại nào để được cưu mang em”. Ta từng gặp trong thơ “kiểu” tình yêu cao thượng như vậy: “Ta đi yêu người ta yêu nhau/ người ta cũng là ta khác đâu” (Việt Phương), hay: “Cầu cho em được người tình như anh đã yêu em”(Puskin). Với Quốc Sinh, tình yêu vĩnh viễn là tình yêu không bao giờ đến đích. Và, tình yêu (hay người yêu) luôn là thứ men say, là động lực sống, để tha thiết với ban mai, với đời, với người: “Anh vẫn còn thiết tha này để sống là em”(Ý nghĩ).
          Không chỉ người tình,mà những người phụ nữ nói chung đều được Quốc Sinh nói đến bằng một tình cảm dịu dàng. Người bà, người mẹ, người chị hiện lên trong thơ với nét đẹp truyền thống lặng lẽ nhân hậu, cam chịu, nương tựa vào nhau và bạc phận: “Tôi rời sách vở Sài Gòn về nghỉ hè ở quê nhà khốn khó/ trong những đêm trời miền Trung trăng tỏ/ tôi thấy bà tôi, mẹ tôi, chị tôi ủ bóng vào nhau”(Những năm tháng đã qua đều tươi đẹp). Lời thơ Quốc Sinh đầy hoài niệm, thương cảm khi viết về người chị gái xinh đẹp và bất hạnh : “Chị có nước da trắng và đôi mắt buồn của mẹ/ mỗi lần chị nằm võng cũng giống hệt mẹ ngày xưa/…/chợt giữa chừng ngày buồn vui chị mang đôi mắt ấy đi xa/ chị đi lẻ loi riêng mình bạc số” (Vy). Quốc Sinh nặng lòng với những con người thân yêu, ruột thịt, dường như đây là lý do khiến thơ anh luôn hướng về quê hương, đau đáu những phận người, neo giữ hồn mình nơi mảnh đất ông cha.Và chàng trai đã đi suốt dặm dài tha hương, đã thấy, đã nghe, đã dung nạp bao điều mới lạ vẫn không quên ơn hạt gạo, cọng rau, con cá quê nhà: “Tôi ơn gạo/ lửa chín thành cơm/ ơn rau người hái trong vườn ra chợ bán/ ơn cá từ biển lên/ thuyền về”,rồi tự thốt lên: “May mà tôi còn thơ” (Thơ).
          Làm thơ để tạ ơn người trồng lúa, trồng rau, người đánh cá là quan niệm về thơ, hay nói đúng hơn là quan niệm nghệ thuật của Quốc Sinh. Thật đáng quí, đáng trân trọng khi một nhà thơ trẻ tự nguyện phấn đấu cho một chân lý nghệ thuật mà ở nhiều người một đời cầm bút chưa chắc đã ngộ ra.
          Không đại ngôn, không tô vẽ cầu kỳ cho hình ảnh, không lặp lại người khác, thơ Quốc Sinh bền bỉ tìm tòi “canh tác”ở thể thơ tự do. Câu thơ mở ra thoáng và tự nhiên như nó phải thế. Nhưng cũng chính ưu điểm này đã dẫn đến nhược điểm của thơ anh là còn thô nháp, thiếu tinh lọc, thiếu sự bay bổng, mê hoặc- những yếu tố quan trọng để cảm hoá mạnh mẽ người đọc

.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ  Nha Trang

Bài đã in tập sách VỌNG ÂM CỦA MẠCH NGẦM – Tiểu luận phê bình của Lê Khánh Mai, NXB Hội Nhà văn 2008