PHỦ LÝ

PHỦ LÝ
LÊ KHÁNH MAI
Năm 1965-1966 má tôi công tác tại ga Phủ Lý, thuộc thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tôi sống với má ở đây, đúng vào giai đoạn Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 -1968). Phủ Lý là thị xã cửa ngõ thủ đô cách Hà Nội 60 km, nằm trên tuyến đường huyết mạch vận chuyển bộ đội, quân trang, quân dụng, vũ khí đạn dược ra chiến trường, nên đã trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Cơ quan ga sơ tán ra ngoại ô, cán bộ nhân viên thay phiên trực để đưa đón những chuyến tàu ra Bắc Vào Nam.
Tôi học lớp 5 và trường tôi sơ tán vào một cái làng cách thị xã 3 cây số. Hàng ngày tôi đi học, lưng đeo nùn rơm, đầu đội mũ rơm, vai mang túi cứu thương đựng bông băng, thuốc đỏ để tự sơ cứu, băng bó khi trúng mảnh bom, đạn rốc két. Con đường đến trường có tên gọi là Mễ, rải đá gan gà, hai bên có hai rặng ổi ken dày, nối dài, chi chít những chùm quả chín, thơm nhưng nhức. Dường như những rặng ổi này mọc tự nhiên, nhận mưa nắng của trời, uống dinh dưỡng từ lòng đất mà lớn lên, mà sinh sôi. Ai qua đây cũng muốn nghỉ chân giây lát dưới bóng mát, ăn ổi thỏa thích. Tôi cùng các bạn thường hái ổi mang đến lớp mà không bị ai cấm cản, la mắng.
Ở chỗ cơ quan má tôi sơ tán có cái bếp ăn tập thể. Buổi trưa nhân lúc đến trường tôi thường mang cơm cho các chú trực ở ga. Một lần máy bay Mỹ oanh tạc Phủ Lý lúc tôi trên đường, tay xách chiếc cặp lồng cơm. Nghe tiếng rú máy bay sạt qua đầu, tôi vội đặt chiếc cặp lồng cơm bên bụi cỏ rồi nằm rạp xuống. Tôi đã được thầy cô hướng dẫn cách tránh bom. Hễ thấy quả bom rơi hình dài thì cứ ở yên 1 chỗ, nếu thấy quả bom tròn như cái đít nồi thì phải nhanh chóng di chuyển về phía ngược chiều máy bay. Ngó về phía thị xã, thấy một chùn bom đen thui đang rơi, tôi đoán, bom lại đánh chiếc cầu sắt ở khu phố 5. Đây là chiếc cầu bị bom Mỹ phá sập nhiều lần. Sau mỗi lần như thế, công nhân lại có mặt để sửa, hàn, chống… rồi lại bị đánh. Cứ thế, rồi chuyện bom đạn cũng thành quen. Tiếng máy bay Mỹ gầm rít, tiếng bom nổ, tiếng đạn cao xạ pháo…ùng oàng một hồi, rồi cũng yên.
Máy bay đi khỏi, tôi ngồi dậy, điếng người khi thấy cái căp lồng bung nắp, nằm xoài trên cỏ, cơm, canh và miếng trứng chiên văng ra ngoài. Tôi cầm chiếc cặp lồng lên, nước mắt chạy quanh, giận mình đã không cẩn thận, thương các chú trên ga trưa nay bị đói. Tôi đi thật nhanh lên ga với chiếc cặp lồng nhẹ bỗng. Vừa nhìn thấy tôi các chú đã mừng rỡ, xúm lại hỏi tôi, lúc bom nổ con ở đâu? Có thấy đau chỗ nào trên người không? Rồi cầm tay, xoa đầu, xoa lưng xem tôi có bị trầy xước gì không. Tôi nói “Cơm đổ hết rồi chú ơi” và òa khóc. Tôi khóc không phải vì sợ bom Mỹ, mà vì tôi ân hận đã không giữ được khẩu phần ăn trưa của các chú. Vậy mà các chú lại cười thật hiền, nói: “Không sao, có mì sợi, các chú sẽ tự nấu ăn. Con giỏi lắm. Con bình an như thế này các chú mừng lắm. Thôi con đi học đi. Nhớ tìm chỗ tránh an toàn khi có máy bay nhé.”
Đó là ký ức của tôi về Phủ Lý. Năm ấy tôi 11 tuổi. Đã hơn 50 năm tôi chưa trở lại nơi này. Tôi hiểu quá khứ có thể khép lại, nhưng ký ức thì mãi mãi tươi xanh