Nghĩ nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

NGHĨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 – 11

Bất kỳ một quốc gia nào cũng sử dụng giáo dục như một công cụ hàng đầu trong việc xây dựng con người nhằm đạt được những mục tiêu mà thể chế đặt ra. Nhà trường đồng nghĩa với việc gọt giũa, nén chặt con người vào những khuôn mẫu định sẵn. Học sinh được hướng dẫn phải làm thế này, không được làm thế kia, chúng cảm thấy bức bối vì bị cấm đoán và cô đơn, vì không được lắng nghe. Ở đó học sinh bị triệt tiêu cá nhân, bị biến thành những cỗ máy đồng loạt giống hệt nhau. Và như thế con người đã bị vong thân ngay từ khi cắp sách đến trường.

Chúng ta than phiền về những sản phẩm của giáo dục, nhưng dù lập luận cách nào cũng không thể phủ nhận rằng, học sinh dốt, đạo đức kém, méo mó về nhân cách một phần chính do lỗi của hệ thống giáo dục.

Từ lâu các nhà giáo dục trên thế giới đã trăn trở về thực trạng này, họ đặt ra một câu hỏi mang tính định hướng cho giáo dục là làm thế nào để học sinh có thể phát triển một cách tự nhiên. Đồng thời chỉ ra rằng, muốn vậy, người làm giáo dục phải biết bản thể con người. Thì ra, gốc của giáo dục là ở chỗ này. Nhưng đó lại là một việc rất khó. Hầu như các bậc phụ huynh và thầy cô giáo đều không phát hiện ra bản thể của con cái mình, học sinh của mình. Những cải cách giáo dục hiện nay thật ra chỉ như muối bỏ bể, thậm chí là vô nghĩa vì chúng ta đã không xuất phát từ cái gốc của giáo dục

Thật quý trọng biết bao những người thầy sinh ra để làm giáo dục. Họ có một linh giác đặc biệt để nhận ra bản thể con ngươi nơi những học trò của họ.

LÊ KHÁNH MAI