Nghĩ ngợi tháng giêng

NGHĨ NGỢI THÁNG GIÊNG
LÊ KHÁNH MAI
Mồng 8 tháng giêng, trời hửng nắng, tuy không rực rỡ chói chang nhưng cái màu vàng nhạt bao phủ không gian vốn u ám lâu ngày đã nhóm niềm hy vọng. Tiết xuân còn se lạnh mà hơi ấm dìu dịu như len lỏi trong từng mạch sống. Sau những ngày giam mình trong nhà do ngại mưa và thức ăn tồn đọng của tục lệ cổ truyền: cúng tạ ơn trời đất, cúng rước ông bà, cúng giao thừa, cúng chay mồng 1, cũng tiễn… hôm nay tôi mới ra phố ăn sáng, vì sực nhớ, trước tết, chị chủ quán vỉa hè đã tươi cười chào mời: “Mồng 2 tết em mở hàng lại, chị ủng hộ em nhé”.
Chị chủ quán ngước nhìn trời, ánh mắt màu nắng hồng, ngửa bàn tay hình chiếc lá mỏng manh hứng nắng như nâng niu những hạt ngọc, thốt lên, “Mừng quá mà không dám nói, sợ ông Trời quở, lại trở mưa”. Tôi gọi phở Nam, vừa ăn vừa vui cùng vợ chồng người đàn bà tần tảo kiếm sống nơi mái che chỉ là những cây dù cũ kỹ luôn phải bung ra, gập vào tùy thuộc tính khí của ông trời. Những ngày mưa to thật khốn khổ, xê đi, xích lại chiếc dù che cho khách, chắn gió tạt lò than, rồi chuẩn bị cả chiếc khăn khô để lau yên xe, khi khách ra về…
Hình ảnh đôi vợ chồng bán quán vỉa hè không có gì lạ lẫm, đặc biệt, mà rất đỗi quen thuộc, mang tính phổ biến ở nước ta, khi một bộ phận lớn dân số không có việc làm phải tự bươn trải, lo toan cho cái gia đình bé nhỏ của mình – cái tế bào xã hội – tự bảo đảm những nhu cầu cơ bản: ăn, mặc, ở, học hành, khám chữa bệnh… Là khách quen của quán, tôi cũng quen luôn cả giọng nói, dáng đi và hoàn cảnh của họ. Người vợ khá xinh đẹp, gương mặt thanh tú, hài hòa. Đôi khi tôi lởn vởn ý nghĩ so sánh chị với những phụ nữ may mắn hơn, được học hành, có việc làm ổn định ở công sở hay công ty nào đó. Người chồng cao ráo, nhanh nhẹn, vẻ hiền lành, ăn mặc lịch sự, tôi lại nghĩ, giá như anh mang đôi giày thay cho đôi dép nhựa tổ ong màu cháo lòng, thì anh không khác một công chức văn phòng. Anh thường để ý quan tâm khách, xem họ đã đủ đũa muỗng, chanh ớt, rau thơm chưa. Có hôm anh nhìn tô phở của tôi, hỏi: “Chị có cần thêm nước dùng?”
Cái quán vỉa hè nhỏ bé đơn sơ ấy quyết định sự tồn tại của một gia đình 4 nhân khẩu, gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con đang thuê nhà ở Sài Gòn, học đại học. Chị kể “Trời thương, 2 đứa con của em học giỏi, có năm được tặng học bổng, em mong chúng ra trường kiếm được việc làm..” Lời chia sẻ bình dị ấy khiến tôi xúc động không nguôi. Tôi biết đó cũng là ước nguyện của bao người phụ nữ. Tôi đã từng ở vào hoàn cảnh như chị, dù có chút đồng lương công chức, nhưng các con tôi đã phải lăn lộn ở thành phố lớn nhất Việt Nam để làm thêm mới đủ chi phí cho việc học tập, có tấm bằng đại học và trưởng thành như hôm nay. Tôi kính trọng, cảm phục đôi vợ chồng bán quán vỉa hè và bao nhiêu con người đang lặng lẽ cống hiến đời mình cho thế hệ tương lai.
Thế hệ tương lai? một câu hỏi nhói lòng.
Lê Khánh Mai