NỬA ĐỜI VƯỚNG PHẢI BÙA YÊU

NỬA ĐỜI VƯỚNG PHẢI BÙA YÊU

 

Nhà thơ NGUYỄN ANH THUẤN bình thơ LÊ KHÁNH MAI

 

Nhà thơ Lê Khánh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa trong chuyến đi thực tế miền Bắc vừa qua có ghé thăm anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh Bắc Ninh. Nữ sĩ của vùng biển Nha Trang này có tặng chúng tôi tập thơ thứ 6 của chị: “Giấc mơ hái từ cơn giông”.

 

Tập thơ dày trên 300 trang, in rất đẹp và trang trọng. Thơ Lê Khánh Mai tràn đầy những nỗi khát khao, những khắc khoải khôn nguôi, những ám ảnh đến từ nhiều phía. Một bản lĩnh thơ vừa tỉnh táo, quyết liệt vừa dồn nén đam mê mà không phải cây bút nữ nào cũng có được. Trong những đề tài lớn mà Lê Khánh Mai quan tâm, tôi đặc biệt yêu thích mảng thơ chị viết về thân phận con người, về những khát khao vươn tới sự hoàn thiện, ngay trong những khoảnh khắc rất khó lý giải của tình yêu:

 

Giây phút tình cờ

 

Trời cho giây phút tình cờ

Sóng từ muôn kiếp xô bờ trong em

Tình như núi chợt dâng lên

Ngàn năm giấu lửa để nhen một chiều

 

Nửa đời vướng phải bùa yêu

Nhận thì mất, trả cho chiều thì đau!

 

Lê Khánh Mai

(Rút trong tập: “Giấc mơ hái từ cơn giông”)

  

Một bài thơ tình có 6 câu với 42 chữ, viết theo thể thơ lục bát truyền thống nhưng lại hàm chứa trong đó cả một không gian tình ái vô bờ. Đủ cả Trời và Biển. Đủ cả Núi và Lửa và Sóng. Còn thời gian trong thơ thì từ: một chiều đến ngàn năm và muôn kiếp. Trong cái bao la vĩnh hằng của không gian và thời gian ấy, một giây phút tình cờ vô cùng ngắn ngủi kia vì sao có thể làm Em nghiêng ngả?

 

Giây phút tình cờ trong bài thơ này không phải là một thứ tình yêu sét đánh. Giây phút này thiêng liêng và thánh thiện, nó là báu vật của Trời: Trời cho giây phút tình cờ. Chính vì thế giây phút này có nguồn năng lượng cực lớn, có thể làm biển nổi sóng, núi dâng lên như trong thần thoại:

 

Sóng từ muôn kiếp xô bờ trong em

Tình như núi chợt dâng lên…

 

Và ngọn lửa ẩn giấu từ ngàn năm cũng phải bùng cháy…

 

Với những ẩn dụ ấy, diễn tả tâm trạng nhân vật trữ tình Em, sau giây phút sét đánh kia, Lê Khánh Mai đúng là một nữ sĩ tài hoa. Tuy hình tượng thơ không mới, chữ nghĩa không lạ, nhưng tác giả đã thổi hồn mình vào đó, khiến những câu thơ như có bùa mê, thấm đẫm yêu thương và nỗi khát khao đầy giới tính.

 

Nhưng cái hay của bài thơ này lại nằm ở hai câu kết, hay nói chính xác hơn là nằm ở câu thơ cuối cùng:

 

Nửa đời vướng phải bùa yêu

Nhận thì mất, trả cho chiều thì đau.

 

Nhân vật trữ tình Em, một người đàn bà đã đứng tuổi, sau giây phút trời cho, nhận ra mình đã “Vướng phải bùa yêu”. Mà vướng không nhẹ một chút nào. Lửa tình bùng cháy trong tim. Bão gió đầy lòng. Nỗi khát khao tưởng không gì kìm nén nổi… Đáng sợ thay là lá bùa yêu! Ca dao xưa đã từng viết: “Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư/ ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu…”

 

Tất nhiên, vướng phải bùa yêu chỉ là một cách nói. Tiếng sét ái tình vang dội vào lúc xế trưa, nó vừa cảnh báo vừa soi sáng một nghịch lý, một mâu thuẫn không dễ giải quyết: “Nhận thì mất, trả cho chiều thì đau!”. Nhắm mắt đi theo tiếng gọi của ái tình, chấp nhận nó, thì sẽ phải mất đi nhiều thứ khác, trong đó sợ nhất là đánh mất mình. Nhưng từ chối nó, trả lại cho chiều, trả lại cho thời gian buông trôi thì quá đau lòng. Sự giằng xé giữa nhận và trả, giữa sự tỉnh táo đầy ý thức với nỗi đam mê vô thức đã làm nên vẻ đẹp và giá trị của câu thơ này. Nói đúng hơn, nó chính là vẻ đẹp của sự phức tạp, đầy uẩn ức của tâm hồn con người. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, trong tình yêu, không nên quá rạch ròi về cho và nhận, về được và mất, về vay và trả. Tình yêu, dù ở tuổi nào, muôn kiếp muôn đời vẫn là hạnh phúc và đau khổ, cay đắng và ngọt ngào, thiên đường và địa ngục… Nếu không tin, xin bạn hãy thử yêu hết mình mà xem…

 

Nguyễn Anh Thuấn

(Nguồn: Báo Bắc Ninh)

 

Lê Khánh Mai và họa sĩ Nguyễn Văn Triền – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh