Một đóa hoa vô thường xứ miền Trung

MỘT ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG XỨ MIỀN TRUNG
NGUYỄN VĂN THỌ

“Mỗi người có 1 lí do để đến với thi ca hay ở những vị trí nào ở những hình thái khác biết của thi ca. Có lẽ vậy.
Thơ Lê Khánh Mai chấp chới giữa hai bên bờ của dòng thời gian thơ: cái đẹp của sự xưa và cái cách tiên phong của thời hôm nay. Đại đa số thi sĩ Việt Nam có lẽ hôm nay đều như thế bởi vì hội ứng ngược của đời sống đối với từng nghệ sĩ, chứ tôi tin rằng cụ thể như Lê Khánh Mai ở đây làm thơ không theo một lí thuyết nào. Dầu cô chính là 1 cô giáo. Cô giáo thì phải biết nhiều lí lẽ sang trọng hơn một bạn đọc khó tính như tôi rồi.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa LKM ở khúc miền Trung cũng là một đóa hoa vô thường khá đậm nét. Tôi bị dẫn dụ và bắt đầu chú ý tới thơ chị, đọc nó rất chậm sau một bài thơ lại cực kì dung dị , dung dị tới thản nhiên của chị. Bài thơ ấy lại liên quan tới từ bùn, vô tình minh chứng cho một luận điểm: chả có từ nào xấu, cũng như ko có từ nào đẹp. Chỉ có những từ mà thi sĩ hay văn sĩ đặt nó không đúng chỗ. Dùng nó chưa tinh vi hay tinh tế, để nó tự phát ra ánh sáng, và nhìn xem, ở Mai từ bùn cũng phát ra ánh sáng.
Chùm thơ tình này của Lê Khánh Mai giúp cho tôi thêm nhận diện nhiều điểm để càng tương đồng với nhận xét trên trước khi đọc nó của tôi… Có lẽ không một thi sĩ chuyên nghiệp nào không làm thơ tình. Tình thơ và thơ tình vốn như chị và em sinh đôi, như quả trứng và con gà…
Chùm này bài đầu tiên thuyết phục sự thích của tôi nhất. Ở bài thơ trong suốt nồng nàn về tình lại phát ra tiếng hú man dại cần có trong yêu, chứa đựng nỗi khát vọng ghê gớm để yêu, của bất kì con người nào, giới tính nào. Khu biệt vào tình yêu trai gái.
Tôi thích nữa ở bài gần cuối ở chùm thơ tình. “Cơn Dông Lúc Nửa Đêm”. Tôi cho là bài thơ này nặng mang sắc dấu của Mai những năm chưa xa và chứa đựng nhiều xúc động thật sự để có sức lan tỏa, làm tôi tự mình muốn chia sẻ, muốn ngân nga, muốn tự mình chấn động dù khi diễn tả ở tâm cảnh phái nữ nó nhẹ nhàng…
Toàn bài hay chỉ 1 từ tôi không thích: Mất điện.
Có lẽ nếu từ ấy tránh xa cái sự thật được diễn tả khác đi thì bài thơ này thực sự làm tôi ngả mũ chào đóa hoa vô thường ở xứ miền trung nắng và gió. Ở thơ hiện đại gần những tháng năm này tôi cảm giác những nhà thơ thành công nhất đã tìm cách thoát ra sự thật càng xa bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Có lẽ điều này gắn với lí thuyết văn xuôi, mọi sự thật ở văn chương đều là dị bản. Nhận Diện Tình Yêu cũng có nhiều câu hay, hay tới lạ ví như :
”em soi anh nhận diện chính mình
nhận diện một tình yêu kỳ ảo …”
Câu thơ dường như có quê quán ở một căn cơ triết lý nào đó lại rộng mở hơn và gợi cảm… Thi sĩ có khi gần như nhà triết học thì phải, dù chẳng bao giờ bạn đọc cần 1 nhà triết học ở thơ vì rằng, nếu thế người đọc đọc sách triết…
Lê Khánh Mai tạo được sắc thái riêng và hay tới thế nào? Tôi tự cầu trời cho tôi khỏe , đọc nhiều và kĩ nữa để viết 1 bài ngợi ca và nhận diện nữ sĩ này. Nói một cách hoa lá một chút, tả rõ một đóa vô thường xứ miền Trung thương lắm.”