Lê Khánh Mai vượt qua số phận

 

LÊ KHÁNH MAI – VƯỢT QUA SỐ PHẬN
 

Nhà thơ DUY PHI
 

 

          Lê Khánh Mai, nhà thơ xứ trầm hương Khánh Hoà, cách Bắc Giang chừng 1.370 cây số. Vào một ngày cuối tháng mười, năm 2003, Lê Khánh Mai nhân đi họp tại Hà Nội, có lần lên Bắc Giang và đến 82 phố Chợ Thương thăm tôi. Đó là do “chương trình” của người chồng: Trần Việt Kỉnh – nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian kiêm thi sĩ. Anh vừa trình làng tập thơ mới Lửa và đất. Tôi và Trần Việt Kỉnh có nhiều duyên nợ. Tôi rất mừng và có thông báo cho một số bạn hữu. Đoàn từ Hà Nội lên có 4 người. Tôi chưa gặp Mai lần nào nhưng đã đôi lần biết qua hình ảnh. Tôi nhận ra Lê Khánh Mai – Tổng biên tập Tạp chí Nha Trang bên các nhà thơ : Phạm Hồ Thu- báo Người  Công giáo Việt Nam, Nguyễn Thanh Kim – báo Sức khoẻ & Đời sống và nhà văn Nguyễn Thế Khoa – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Đoàn lên thăm đình Phù Lão và cây Dã hương ngàn tuổi. Buổi trưa, tôi gặp lại đoàn, có điều kiện tâm sự lâu hơn, lúc chạm ly, tôi ngồi bên cạnh Nguyễn Thế Khoa và gần như đối diện với Khánh Mai. Vùng quan họ có câu “Yêu nhau đứng ở đằng xa /Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”. Có lẽ đúng lắm. Tôi thấy Mai có đôi mắt dịu dàng, trong sáng. Mỗi khi Mai cười, ánh mắt lấp lánh. Tất cả thoáng qua, rất nhanh, khó đoán định, nắm bắt. Nhưng L ê Kh ánh Mai xuất thân từ một nhà giáo, thật đôn hậu.
          Tôi mới biết nhiều hơn về thơ Mai, cách đây chừng vài năm, khi nhà văn – nhà báo Đoàn Vinh dự trại sáng tác tại  Hà Nội mang về một chùm thơ của các trại viên bè bạn. Đoàn Vinh đưa cho tôi xem “bút tích” và bài thơ “Ơi người” của Lê Khánh Mai:
Ta chung một kiếp giời đày
Đường quanh chẳng bước nẻo lầy sa chân
Đa đoan vấn vít gió trăng
Nỗi sầu muôn thuở đeo mang phận  người
Rằng yêu là cái nghiệp đời
Càng mê mẩn  lắm càng rời rã đau
So chi hay dở thấp cao
Ngẩng trong nhấp nhoá biết bao thiên tài
Tôi là ai?
Bạn là ai?
Chỉ như khói thoảng sương bay thôi mà
Đường về La Mã vời xa
Vác cây Thánh giá vượt qua phận mình
 

Thương sao cái kiếp đa tình
Lấy hư ảo để ru mình, người ơi!
          Đọc mà bâng khuâng cảm phục, tôi muốn chép – với những bài thơ hay, tôi thường ghi lại, nhưng may sao, bài thơ này đã được in trong Tạp chí Sông  Thương (5-2001) và một số báo chí khác. Sau này, tôi biết thêm về Mai qua Gió Tu Bông, bài ký in trong Nha Trang số 90 (3/2003). Chị viết:
          Ba má tôi thoát ly tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, cuối năm 1954 gia đình tôi tập kết ra Bắc, khi ấy tôi chỉ là đứa bé bảy tháng tuổi, má tôi phải  ẵm ngữa trên tay. Hai mươi năm sống trên đất Bắc, tôi được học hành khôn lớn, được nhân dân yêu thương đùm bọc.
          Tôi nhớ mãi hình ảnh ba tôi. Nỗi nhớ quê hương với niềm khao khát trở về luôn khắc khoải trong ông. Chiều chiều sau giờ làm việc ông thường đem cây đàn măng-đo-lin ra hiên nhà vừa gảy đàn vừa lẩm  bẩm hát “Quê tôi ở Miền Nam, có hàng dừa biếc xanh, có dòng sông uốn quanh”.
          Nhưng ba tôi không kịp trở về quê hương, ông đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất Bắc…
          Đọc mà nao lòng! Năm 1975, tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, Mai về quê Khánh Hoà dạy học. Đây là cảnh vùng quê Tu Bông với ngọn gió Tu Bông:
“Hàng năm mùa gió kéo dài khoảng ba bốn tháng, bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, năm nào thuận thì tháng 11 là hết. Cũng có năm đến tết vẫn còn gió. Theo khí tượng thuỷ văn, gió Tu Bông  cấp sáu cấp bảy, có khi lên đến cấp chín, cấp mười bạo liệt và hung dữ, quật đổ cây cối vườn tược, dỡ tung mái nhà, xô ngã người đi đường. Người ta kể rằng có lần gió hất cả xe ô tô xuống vực.”
          Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông. Mai còn có những vần thơ về ngọn gió ấy:
Xa hai mươi năm giờ  trở lại Tu Bông
Tôi đâu ngờ quê tôi nhiều gió thế
Gió đầy ắp trong căn nhà của mẹ
Giật mái tranh nghèo,
giằng cây trái vẹo nghiêng
Lúa xác xơ oằn rạp trên đồng
Con gái Tu Bông suốt ngày tóc rối
Sống  trong lòng Nha Trang – Khánh Hoà, chị lại da diết nhớ những vùng quê nơi đất Bắc giàu ân nghĩa:
Bát cơm Trung du tôi nhớ suốt đời
Lát chuối thơm bùi,  hạt cơm đỏ ngọt
Đã nuôi tôi, đứa con miền Nam
Hai mươi năm sống trên đất Bắc
Với tấm  lòng thơm thảo bao dung.
Thơ chị nhiều kỷ niệm và trăn trở: về thế gian biến cải, về những số phận, những mất mát:
Em cố quên những mùa xuân  ẩn khuất
Yêu anh trong cách xa
Em hoá đá vọng người đi biền biệt
Bỏ hoang trái tim đắm đuối  mộng mơ
Bỏ hoang eo lưng con gái

Anh trở về
Phai  bạc áo xanh lỗ chỗ dấu bom
Nét phong sương trận mạc
Là mùa xuân anh dâng tặng em
Em khóc
Mái tóc  thề xanh lại
Eo lưng mềm mại hồi sinh.
Có một điều em không sao khóc nổi
Những đam mê son trẻ đầu đời
Những nhành xuân đẹp nhất của kiếp người
Không thể nào cứu được
                             (Những mùa xuân ẩn khuất)
Đôi khi chị còn lo âu về cả những điều không dễ gọi  tên, bất định:
Sóng dồn từ đâu muôn kiếp trước
Chất lên, từng trận đổ ầm ào
Đêm ở biển nghe đất trời vỡ nát
Nghiêng phía nào cũng cuồn cuộn lo âu
                             (Đêm ở biển)
 

Không chỉ lo âu trăn trở, chị nặng nợ với duyên nghiệp văn chương, có khi lận đận, nhọc nhằn vì ký thác:
Một đời lận đận vì thơ
Âu là duyên nợ vương tơ với mình
Trót sinh làm giống đa tình
Thì yêu đến nát đời mình mới thôi.
                             (Duyên nợ)
          Phải trả giá cho thơ cũng vì thơ là niềm giao cảm thiêng liêng là người bạn tri âm tri kỷ. Với Lê Khánh Mai, thơ không những có khả năng vực dậy – Những khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau, Thơ vực tôi đứng dậy (Tôi và thơ)- mà còn thắp lên trong tâm thức chị một ngọn lửa thi ca cao vợi, lấp lánh:
Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời
Tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi.
 

          Phủ Lạng Thương 5-2004
           Rút từ tập sách “Văn chương biệt khảo” Phê bình – Tiểu luận của Duy Phi- NXB Hội Nhà văn 2006