Lê Khánh Mai, Thơ và đời

LÊ KHÁNH MAI, THƠ VÀ ĐỜI

 

Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

 

Lê Khánh Mai cầm tinh con Ngựa. Quê  chị ở Tu Bông, nơi được mệnh danh cái rốn gió của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Một vùng quê thiên nhiên khắc nghiệt từng được biết đến với câu ca: “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”. Chưa đầy tuổi tôi, cô bé  đã được ba má ẵm xuống tàu tập kết ra Bắc. Tuổi thơ chị trải qua những tháng năm dưới bom đạn của giặc Mỹ với những làng quê nơi sơ tán. Có lẽ nhờ vậy mà ngay từ thuở thiếu thời cái hồn quê nồng ấm luôn ấp ủ trong mạch nghĩ và mạch cảm xúc của chị, chuẩn bị hành trang khai mở con đường thơ dằng dặc sau này.

          Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng chính là lúc Lê Khánh Mai tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội I. Chị là một trong số những giáo viên trở về Khánh Hoà dạy khoá học đầu tiên sau giải phóng. Cuộc sống mới với biết bao đổi thay trên quê hương đã choán ngợp tâm hồn cô giáo trẻ. Ngoài những giờ miệt mài trên bục giảng, chị đến với thơ, hồn nhiên mà không kém phần say đắm. Sáng tác của Lê Khánh Mai xuất hiện khá đều đặn trên tờ Tạp chí Văn Nghệ Phú Khánh từ những năm đầu thập kỷ tám mươi, lúc ấy cả tỉnh Phú Khánh (cũ) mới chỉ có ba cây bút thơ nữ là Lê Khánh Mai, Tôn Nữ Thu Thuỷ và Nguyễn Thị Thu Hương được Hội VHNT xuất bản tập thơ in chung “Dòng sông khoảng đời” (1984). Những sáng tác ban đầu của Lê Khánh Mai giàu tâm trạng và mang tính mô phạm, nhưng chưa thể hiện sự tìm tòi cái mới, bởi nghề giáo đang cuốn hút tâm sức của chị. Hàng chục năm truyền dẫn niềm say mê văn chương cho bao lớp học trò trường PTTH Lý Tự Trọng và trường chuyên Lê Quý Đôn, chị đã góp công sức đào tạo được nhiều học sinh năng khiếu, trong số đó có nhiều người theo nghề báo và nghiệp văn, không ít người trở thành những cây bút trẻ đáng chú ý.

          Trong cuộc đời của mỗi người cầm bút dường như ai cũng có  những bước chuyển quan trọng, nhưng nếu xác định sai thì ngay lập tức họ phải trả giá. Điều quan trọng là không tự huyễn hoặc bản thân và phải dũng cảm nhìn cho ra chính mình. Sau mười ba năm liên tục gắn bó với nghề dạy học, Lê Khánh Mai chuyển sang lĩnh vực xuất bản. Nhiều người tiếc cho chị,  công việc đang ổn  định, uy tín nghề nghiệp đang lên cao… Nhưng có thể vào thời điểm ấy, chị đã có một quyết định táo bạo, dấn sâu vào con đường văn chương đầy gai góc. Giả sử nếu như không cam chịu thiệt thòi và chấp nhận thử thách thì e rằng người viết khó mà có được bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo. Lê Khánh Mai đã không uổng phí khi dồn tâm sức  trả món nợ văn chương. Nếu cứ yên phận với công việc của một nhà giáo đầy tâm huyết thì cùng lắm chị cũng chỉ trở thành một nhà quản lý giáo dục  chứ nhất định không thể hết mình với thơ. Từ đây, sáng tác của chị xuất hiện đều đặn hơn và thực sự có bước tiến khá rõ rệt. Đọc  thơ Lê Khánh Mai giai  đoạn này có thể thấy chị đang từng bước bền bỉ vượt lên chính mình. Dòng sông thơ của chị chính thức được khơi nguồn từ những hồi ức kỷ niệm, dào dạt chảy giữa đôi bờ thế sự, đau đáu  nỗi đau nhân tình…

          Sáu năm sau tập thơ đầu tay in chung, Lê Khánh Mai mới có được một mùa  “Trái chín” (1990) ngọt lành. Không chỉ đắm đuối với thơ, chị còn âm thầm và ráo riết hướng ngòi bút của mình sang cả địa hạt văn xuôi. Năm 1992, khi Tạp chí Văn Nghệ Quân đội lần đầu tiên mở trại viết ở Nha Trang, Lê Khánh Mai đã nộp một truyện ngắn khá ấn tượng có tựa đề là “Ngọn lửa dương thế”. Có thể nói đây là truyện ngắn hé lộ  thêm khả năng văn xuôi của một cây bút nữ giàu tiềm năng. Trước đó cũng trong năm này chị đã cho trình làng cuốn tiểu thuyết “Hoàng hôn trắng”. Đây là cuốn sách hiếm hoi viết về giáo dục thời kỳ  tiền đổi mới, vùng đất quen thuộc của tác giả. Do  những khó khăn chồng chất sau chiến tranh cùng với việc kéo dài quá lâu cơ chế quan liêu bao cấp cho nên nhiều giá trị trong cuộc sống đã bị hoán đổi. Nhà trường và người thầy dường như bị mất đi vẻ đẹp thiêng liêng trong ý thức và tình cảm xã hội. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy vẫn có những nhà giáo đứng vững trên bục giảng, thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước. Cái chết của một cô giáo và đám tang đi trong hoàng hôn với trang phục trắng của học trò mang một ý nghĩa thức tỉnh. Từng là một nhà giáo, ngòi bút của Lê Khánh  Mai đã có được những trang viết chân thật, cảm  động.

Tuy có viết văn xuôi nhưng thơ mới đúng là cái chất và là “hồn vía” đích thực của chị. Quả thật, để có thể tự nhận chân về mình không phải dễ, bởi với một người viết non kém bản lĩnh thì họ rất dễ bị loá mắt trước chút hào quang nho nhỏ tạo dựng được qua quá trình sáng tác. Trong vòng mười năm qua, cùng với những  biến động của đời sống,  thơ trở nên “đa kênh, đa hệ” hơn rất nhiều, người làm thơ cũng xuất hiện ngày càng đông đảo. Mặt trái của nó là sự lạm phát, mất chuẩn, “mất thiêng” do sự xuất bản ồ ạt thiếu sự quản lý về chất lượng. Lắm người chập chững đến với văn chương bằng thơ, chưa gặt hái được gì đã vội vàng quay lưng chạy theo những thể loại khác dễ kiếm tiền hơn. Trước sau Lê Khánh Mai vẫn thuỷ chung và giành trọn tâm huyết cho thơ. Chị hiểu rằng muốn đi đến tận cùng  trên con đường thơ đầy khổ ải thì không thể viết theo lối mòn mà  phải tìm tòi đổi mới. Và chính điều đó đã thôi thúc nữ thi sĩ khôn nguôi kiếm tìm, tự khai mở con đường mới để tạo cho mình một lối đi riêng. Nhờ vậy mà chị đã có  thêm những tập thơ đáng chú ý như : “Nước mắt chảy về đâu” (1998), “Cổ tích xanh” (2000), “Cát mặn” (2001). Với bút lực khá dồi dào, Lê Khánh  Mai là một nhà thơ sớm có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Thơ chị có mặt trong hầu hết các tuyển tập lớn của đất nước.

Thơ và nhà thơ, Quê hương, đất nước, Thân phận và khát vọng của con người là những đề tài xuyên suốt trong thơ Lê Khánh Mai. Đó là những nét độc đáo làm nên bản sắc thơ của chị. Suy ngẫm về nghề cũng như sứ mệnh của nhà thơ có lẽ xưa nay vẫn là điều trăn trở của không ít thi sĩ. Sau khi trải lòng mình trước thiên nhiên và tạo vật, đặc  biệt là trước thế sự ngổn ngang, các thi sĩ thường hay chiêm nghiệm, Lê Khánh Mai cũng vậy, có điều chị không coi đây là “tuyên ngôn” hay là một cái gì to tát, mà đơn thuần chỉ là những lời tự vấn đầy trắc ẩn trước cái hữu hình và cái vô hình. Tỏ bày những quan niệm về thơ, công việc làm thơ và nhà thơ một cách chân tình, chị đã tìm được sự đồng cảm trong lòng bạn đọc. Với chị, thơ là một niềm giao cảm thiêng liêng luôn nâng đỡ con người . Nhưng khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau/ Thơ vực tôi đứng dậy (Tôi và thơ). Ai cũng biết làm thơ là công việc khó khăn, nó đòi hỏi ngoài tài năng còn phải có niềm đam mê cháy bỏng cộng với sự lao động không biết mệt mỏi. Mỗi câu thơ mang bóng dáng nụ cười/ Hay nước mắt buồn đau số phận/ Tôi đã đổi bằng bao cay đắng/ Có khi như vắt kiệt chính mình. Bởi lẽ, thơ đâu phải trò chơi con  chữ/ Trả giá một đời chỉ gặt hái đôi câu  (Tâm sự thơ ca). Trái tim của người thơ vốn nhạy cảm, nên niềm vui và nỗi buồn thật khó mà giấu kín trong lòng. Nhà thơ không khỏi có lúc băn khoăn: Sao ta lại mang số phận Trương Chi/ Để suốt đời gánh nỗi đau cô độc (Trương Chi). Trong cuộc hành trình tìm kiếm  cái đẹp, sáng tạo cái đẹp, hơn ai hết thi sĩ luôn là người phải tự mình vác cây thánh giá của chính mình đầy khổ đau, nhọc nhằn. Một đời lận đận vì thơ/ Âu là duyên nợ vương tơ với mình. Phải chăng đó là cái cơ duyên, cái nghiệp? Trót sinh làm giống đa tình/ Thì yêu đến nát đời mình mới thôi (Duyên nợ). Dường như hồn vía của nhà thơ luôn là cái tình, đa mang, đa cảm. Trót dan díu với mưa nguồn/ Trái tim chớp bể mãi còn đa đoan (Tự cảm).

          Ăm ắp trong những trang thơ của Lê Khánh Mai là tình cảm gắn bó thiết tha với quê hương. Bàn chân chị từng in dấu trên nhiều miền quê  suốt dọc dài đất nước. Trong thẳm sâu tâm hồn chị, ký ức tuổi thơ ở những vùng làng quê miền Bắc không thể phai mờ. Và chị luôn tri ân mảnh đất đã cưu mang mình suốt quãng đời thơ bé. Bát cơm Trung du tôi nhớ suốt một đời/ Lát chuối thơm bùi, hạt cơm đỏ ngọt/ Đã nuôi tôi, đứa con miền Nam/ Hai mươi năm sống trên đất Bắc (Có một miền quê). Thấp thoáng trong thơ chị  những miền quê thật bình dị với “ga xép những con tàu chẳng đỗ”, là ánh lửa “bập bùng vẫy trăng sao” trong đêm hội già làng, là “dã quỳ vàng ám ảnh” như lửa cháy trên cao nguyên xa xôi, là con thuyền bồng bềnh trên sông nước miền  tây Nam bộ: Nỗi niềm xa xứ thẳm sâu/ Đã yên phận mỏng vẫn sầu dây dưa (Đêm sông Hậu nghe đờn ca tài tử).

          Lê Khánh Mai dành trọn tấm tình cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Trở lại quê nhà sau hai mươi năm khát khao mong nhớ, chị cảm nhận được vẻ đẹp và tấm lòng nhân hậu của con người, thấy rõ hơn cuộc sống nghèo khó. Gió đầy ắp trong căn nhà của mẹ/ giật mái tranh nghèo giằng cây trái vẹo nghiêng/ Lúa xác xơ oằn rạp trên đồng/ con gái tu Bông suốt ngày tóc rối (Gió Tu Bông). Quê hương trong thơ Lê Khánh Mai là hình ảnh gió cát mịt mùng, “cát lợp mái nhà”, “cát đậu vành nôi”, “cát mặn bữa nghèo” gắn liền với bóng hình người mẹ suốt đời chắt chiu từng hạt gạo nuôi con. Thơ chị luôn có sự tìm tòi sáng tạo, ngôn ngữ trong sáng và giàu sức liên tưởng, biểu đạt. Bằng những nét bút tài hoa, tác giả vẽ lại khung cảnh mùa đông thật cụ thể và sinh động đến mức tưởng chừng có thể cầm nắm, cũng như nghe và ngửi được. Tôi cuộn mình trong ổ rơm/ Như củ khoai đất phèn vùi tro trấu…/Trâu ra đồng lịch kịch, phì phà sương/ Móng trâu gõ một điệu buồn vạn thuở (Ký ức mùa đông).

Sự phong phú về đề tài không chỉ thể hiện một năng lực thơ dồi dào mà còn bộc lộ một chiều sâu văn hoá. Các nhà thơ nữ thường chỉ quan tâm đến một mảng nào đó của đời sống, đặc biệt  là chú  trọng khai thác thế giới riêng tư và tình yêu. Lê Khánh Mai không dừng lại ở việc tự thể hiện mà hướng mạch thơ của mình  tới đời sống rộng lớn, chiếm lĩnh thế giới về mặt thẫm mỹ. Đây là điều kiện quan trọng để thơ chị không sa vào chuyện làm dáng cầu kỳ hoặc đớn đau giả tạo. Chân thật tự nhiên mà vẫn không kém phần say đắm, lắng đọng. Đã có  bao vần thơ hay viết về biển cả, nhưng Lê Khánh Mai vẫn tìm được một lối diễn đạt rất riêng. Biển của chị ngổn ngang tâm trạng, có lẽ vì thế mà nó thực hơn, đời hơn: Sóng dồn từ đâu muôn kiếp trước/ Chất lên, từng trận  đổ ầm ào/ Đêm ở biển nghe đất trời vỡ nát/ Nghiêng phía nào cũng cuồn cuộn  lo âu (Đêm ở biển). Chị coi việc viết về biển như một cách tô đậm cho hình ảnh quê hương mà chị yêu quý. Thông qua biển để phát hiện và soi rọi chiều sâu thế giới tâm hồn con người: Vì sao biển không nguôi vị mặn/ Dưới lòng sâu quằn quại một niềm đau/ Loài trai biển lấy máu mình làm ngọc/ Nước mắt dâng lên mặn cả địa cầu (Nghĩ  bên biển). Quê hương luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo, là nỗi khát khao  thường trực trong thơ chị.

Chủ đề nổi bật nhất, ám ảnh trong hầu hết các tập thơ của Lê Khánh Mai là Thân  phận và Khát vọng. Có lẽ nhờ vậy mà thơ chị giàu sức khơi gợi và mang đậm chất nữ tính. Thân phận luôn là vấn đề quan tâm của thơ ca mọi thời đại, mọi quốc gia. Thể hiện thân phận con người chính là thước đo giá trị, mang tính nhân  văn sâu sắc. Chị lý giải và chiêm nghiệm thật giản dị : Ta đơn sơ như cỏ thôi/ Phải đâu dấu hỏi mà đời phân vân/ Có ta trời thản nhiên xanh/ Không ta mây trắng yên lành vẫn trôi (Đơn Sơ). Nhà thơ luôn đứng về những thân phận khổ đau, bênh vực những con người chịu thua thiệt, hẩm hiu. Chị cảm nhận sự mong manh của kiếp người. Tôi là ai/ Bạn là ai/ Chỉ như khói thoảng sương bay thôi mà (Ơi người). Người phụ nữ xuất hiện trong thơ Lê Khánh Mai khá đậm đặc. Đó là người mẹ có chồng hy sinh trong chiến tranh, là người đàn bà trong cơn đau vượt cạn, rồi người đàn bà bán rau, người đi chợ, người gom rác… Thảy họ đều có những thân phận đáng được cảm thông, thương xót và trân trọng. Trong khổ đau, lam lũ, nơi họ vẫn hiện lên vẻ đẹp rời rợi của những tâm hồn trong trẻo.

Thơ Lê Khánh Mai thể hiện sự giằng xé giữa bổn phận và khát vọng, mang mang một nét buồn nhưng không hề an phận. Dẫu biết đôi khi “Bổn phận là cánh buồm mắc cạn” nhưng khát vọng muôn đời vẫn giống như ngọn lửa thôi thúc con người vượt lên chính mình. Tìm kiếm, nhận thức về một thế giới bên ngoài thế giới đã được nhận thức, đó cũng là một khát vọng đầy tính lãng mạn. Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời/ Tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi (Tâm khúc).

Không bằng lòng với những gì đã có, Lê Khánh Mai vẫn luôn trăn trở tìm tòi trong sáng tạo. Trải qua nhiều môi trường công tác, từ nhà giáo sang biên tập xuất bản, quản lý văn hoá, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Nha Trang, ở đâu chị cũng nhanh chóng tự khẳng định mình. Việc nhà, việc cơ quan, viết văn, làm thơ đòi hỏi chị phải “vắt kiệt  mình”. Với khát vọng và tình yêu thơ say đắm, dường như không gì có thể  ngăn nổi bước chân của chị. Trở thành Thạc sĩ văn chương, chị càng có thêm điều kiện để dấn sâu vào con đường sáng tạo. Là tác giả nữ duy nhất được nhận giải thưởng VHNT Khánh Hoà giai đoạn 1975-2000, Lê Khánh Mai vinh dự là nhà thơ nữ đầu tiên ở Khánh Hoà trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

        Tạp chí Nha Trang số tháng 3/2003