LÊ KHÁNH MAI- ĐỊNH MỆNH THI CA



LÊ KHÁNH MAI – ĐỊNH MỆNH THI CAPGS. TS. HỒ THẾ HÀ

Có người bảo thơ là người. Nó không chính là người thơ thì cũng là cái bóng của người thơ. Dĩ nhiên là lung linh, biến ảo và kỳ diệu hơn nhiều. Vì thơ được thanh lọc và kết tinh từ những gì hiển minh và vô minh, từ hiện thực và hư ảo, từ có và không, từ nhớ và quên…để trong từng khoảng khắc bừng ngộ, run rẩy của cảm xúc và tâm hồn, thơ hiện lên thành hình hài câu chữ, thành khoảng lặng của những tín hiệu lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề muôn thuở của cuộc sống và con người mà thi nhân kịp lưu giữ.

Đọc toàn bộ thơ Lê Khánh Mai, tôi nghĩ về những điều tưởng xưa cũ nhưng luôn luôn mới lạ ấy. Và tôi nhận ra một hồn thơ: Đẹp, Buồn và trong suốt như sương do chính thơ Lê Khánh Mai thông điệp. Đó phải chăng là trạng thái có tính thường hằng và mỏng manh, dễ tan biến của tự nhiên và con người mà chỉ có thi ca mới nói hộ ta bằng thế giới hình tượng cũng ảo diệu và đẹp, buồn như thế?! Chúng nương tựa và soi rọi trong nhau để thấy tận cùng những gì còn lẫn khuất, còn chập chờn nhưng không thể không hiện hữu qua từng quan hệ  và khát vọng người trong ý thức nghệ thuật của Lê Khánh Mai để bất giác chị thốt lên thành thi tứ: “Làm sao tan biến vào vô định / Niềm đau thành sóng trải mênh mông?” (Trước biển). Một câu hỏi sẽ đi suốt hành trình thi ca của Lê Khánh Mai chưa có điểm dừng nếu nhà thơ còn yêu, còn buồn và còn khắc khoải về cuộc đời như thế! Và thơ còn có quyền năng – ít ra là với chính người thơ – như định mệnh: “Tôi đói / thơ không thể là cơm ăn / Tôi khát / thơ không biến thành nước uống / Tôi nợ nần / thơ không đem cho tiền bạc / Nhưng khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau /thơ vực tôi đứng dậy”(Tôi và thơ). Thế đủ biết Lê Khánh Mai duyên nợ và gắn bó với thi ca tha thiết như thế nào!

Vậy nên, quan niệm về thơ, Lê Khánh Mai rất chân thành trong phát ngôn và tâm nguyện: “Tôi cho rằng thơ cũng như con người có bổn phận và thân phận.

Bổn phận thơ là đồng cảm, chia sẻ, yêu thương, bênh vực và dự báo.

Thân phận thơ là trải nghiệm, tìm kiếm chính mình; là nước mắt, tiếng kêu, lời tự thú, sự cứu rỗi; là nỗi khắc khoải không nguôi về ẩn ức trong tiền kiếp và ký thác cho mai sau.

Con người sinh ra, bổn phận thì cơ bản giống nhau nhưng thân phận thì hoàn toàn cá biệt” (Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 609, tháng 11- 2004).

Khi nhận thức được thơ có bổn phận và thân phận thì còn gì cao cả và hệ luỵ hơn khi chính người thơ mải mê trên con đường hiến dâng bằng tiếng nói thành thực thi ca, cũng có khi khổ đau, xa xót trước muôn vàn tai biến cũng bằng tiếng nói thành thực thi ca! Nhưng có hề chi, khi thơ là mầm, là hương của những mùa yêu và mùa đau bất tử:

“Câu thơ nước chảy bèo trôi
Vẫn nghiêng về phía phận đời khổ đau
Dù không nên hạt mùa sau
Xin làm hương cỏ đọng màu thời gian”

(Hương cỏ)

Thánh giá thơ Lê Khánh Mai, vì vậy, vừa cụ thể và đời thường trong quan sát và phản ánh; vừa tin yêu, nhân bản trong cảm xúc và sẻ chia để: “Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời / Tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi” (Tâm khúc). Và có lúc, chị nghe được từ “Mơ hồ tiếng gọi phía chân trời / Nhưng tiếng gọi từ máu là rất thật” (Nhà thơ nữ bứt phá). Thơ Lê Khánh Mai đi từ hiện thực đến khát vọng, từ chiêm cảm đến triết luận, từ giãi bày đến hàm ngôn về tình đời và thế sự một cách trải nghiệm.

Dẫu là một kiếp phù sinh
Vẫn xanh vật vã hết mình thì thôi”
(Lá)

Từ cái nhìn hiện thực, chiêm cảm, yêu thương, nhân bản ấy, Lê Khánh Mai đã nghiêng cánh thơ của mình đến những người thân yêu và bé mọn để săn từng niềm vui và nỗi buồn có thật như những chứng chỉ của tình người và nỗi đau cần thức nhận để biết làm người có ích trong ý nghĩa giản dị nhất và chân thành nhất của nó. Chị  quan sát và cảm thông với “người đàn bà gom rác” làm sạch đẹp cuộc đời: “Không mặc áo gấm / người đàn bà đi vào đêm / khẩu trang xanh che lấp lúm đồng tiền/ mắt lá răm chẳng làm cay được gió / mà ánh nhìn như chấp cả trời đêm”.

Vẻ đẹp thánh thiện, trong suốt của thơ đã làm tan đi sự nguội lạnh, thức dậy trong mỗi chúng ta những gì đồng nghĩa với cái đẹp bình dị mà sâu thẳm. Bởi vì, cũng như mọi người, Lê Khánh Mai đã sống trong tình yêu của bùn đất và lớn lên từ bao dung đời mẹ.

Tôi lớn lên từ bầu sữa thơm ngon
Ủ trong vạt áo nâu của mẹ
Cái vạt áo giấu hương bùn oi ỏi
Ám ảnh suốt đời một nỗi thương yêu”
(Tôi sinh ra từ bùn)

Còn gì căn bản và hồn cốt hơn thế, khi định mệnh hiện thân trong sự sống thật của mỗi kiếp người. Ai chẳng sinh ra, lớn lên và trở về cùng Mẹ Đất. Điều quan trọng là họ đã sống như thế nào giữa khoảng cách hiện sinh trần thế ấy. Đây là một mảnh “ký ức mùa đông” tuổi thơ được Lê Khánh Mai tái hiện, chứa đựng nỗi niềm thân phận:
“Tôi cuộn mình trong ổ rơm
Như củ khoai đất phèn vùi trong tro trấu
Nghe nhồn nhột sống lưng, rân rân dòng máu
Ôi những cọng rơm vàng, chăn nệm tuổi thơ”

Rồi trên mỗi đoạn đường đời, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người luôn được làm đầy, cho thi ca nói lời tạ ơn sâu nặng:

“Tôi yêu những con người dậy trước bình minh
Nhóm ngày lên trong lò than đỏ rực
Người mẹ tóc sương bàn chân gầy guộc
Mười ngón xương bấm trên vỉa hè nóng rát
Gánh hàng rong vất vưởng kiếp phù sinh”

(Nha Trang của tôi)

Dù, “Trong dòng người ngoài cuộc / vui buồn giấu cõi lặng thinh” (Bạn gái) thì tự trong sâu thẳm của qui luật tồn sinh, sự sống vốn lặp lại – không phải trong bản chất của nó – mà là lặp lại trong nhận thức luôn luôn mới mẻ của con người. Ai  dám bảo rằng thơ đang chết? Lê Khánh Mai đã đi từ cụ thể đến khái quát về những điều mình cảm nhận và nghiền ngẫm để thấy ý nghĩa của sự sống luôn tươi xanh, tơ nõn, vì thế mà thơ mãi trường tồn:

Thế giới này tất cả đều lặp lại
Quả đất lặp lại vòng quay
Mặt trời lặp lại mỗi ngày
Sóng lặp lại những nụ hôn trên cát
Mầm xanh lặp lại  từ chiếc hạt
Con đường lặp lại những dấu chân
Lặp lại lời yêu của những cặp tình nhân”

(Trái chín)

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét thơ Lê Khánh Mai một cách bản chất: “…Ta bắt gặp một tâm hồn lặng lẽ nhưng không ít dạt dào, một con người có vẻ thủ phận nhưng không phải không đau đớn về những nỗi niềm trước đời sống thực tại. Chị sớm ý thức về mình, giàu lòng tự trọng, không tham lam theo đuổi phù hoa, thậm chí nhiều khi “chạy trốn” nó, mặc dù đôi lúc đã từng phân vân trước cả điều đơn giản vô cùng! “Chết vùi đi hay là thắp lửa” (Trích Chapeau in trong tập Trái Chín, NXB tổng hợp Khánh Hoà, 1990). Nhận định trên căn bản đúng với các thi phẩm giai đoạn đầu của Lê Khánh Mai như: Trái chín (1990), Nước mắt chảy về đâu (1998), nhưng đến các tập thơ về sau như: Cổ tích xanh (2000), Cát mặn (2001), Đẹp buồn và trong suốt như sương (2005), Giấc mơ hái từ cơn giông (2008) thì cần có sự bổ sung. Theo tôi, thơ Lê Khánh Mai về sau, ngày càng bứt phá hơn về tư duy và ngôn từ. Từ miêu tả, tự thể hiện mình và thế giới chung quanh, Lê Khánh Mai đã vươn lên khái quát, triết lý về những điều vi diệu qua từng đối tượng cụ thể. Đó không phải là sự làm dáng cho cao sang mà thực tế là sự chín lại của cảm xúc và suy nghĩ, của những tứ thơ từ lâu bị quên lãng và câm nín: “Ta cũng chán điệu thơ đều chằn chặn, hiền lành, ướt đẫm / vang tự hồn sâu phải sống khác thôi / không sống khác không thể nào viết được”. Đó còn là ý thức nghệ thuật của một nhà thơ không muốn tự lặp lại mình: “Bao đền đài thơ sừng sững / ta gieo xác chữ ích gì” (Nhà thơ nữ bứt phá). Chị nhận ra thơ mình cũng tất bật trước cuộc đời, trước “Những toan tính nhỏ nhen làm tâm hồn cằn cỗi / Câu thơ nghẹn lại nửa chừng”. Dù vậy, làm sao, chị có thể dửng dưng trốn chạy cuộc đời và chính mình, hoặc chối bỏ thi ca, khi chị tin “Thời gian ơi! Hãy chờ đợi, kiên tâm /  trái ngọt nào cũng một thời chua đắng / dẫu thực tại xót xa còn hơn tương lai ảo ảnh / giữa đời thường hạnh phúc chín đầy” (Đời thường). Nằm trong mạch cảm xúc triết luận và tự nhận thức này, Lê Khánh Mai đã sáng tạo những hình tượng thơ hay, giàu phẩm chất thi sĩ, làm hiện lên cái tôi trữ tình đời tư – thế sự đầy ám ảnh, tin yêu và ảo diệu qua các bài thơ: Cổ tích buồn, Dị bản, Đôi khi, Nhận diện một tình yêu, Đẹp buồn và trong suốt như sương, Cha ơi!, Tôi và thơ, Cánh buồm, Đợi, Tặng một người cao tuổi làm thơ, Biển thầm, Ngaỳ sau, Cơn giông lúc nửa đêm, Cho một người đàn bà, Hà Nội mùa đông đầu thế kỷ, Trầm cảm Sông Hương, Vạn Lý Trường Thành…. Ơû các bài thơ này, nhà thơ đã nhập vào đối tượng và cao hơn là thổi vào đối tượng một ý nghĩa, một linh hồn mới, gắn với từng sự sống thật và khát vọng người. Ví như:
– “ Tôi xương thịt hôm nay, ngày sau cát bụi

cát bụi nhỏ nhoi khiêng vác linh hồn
vẫn khao khát được chở che cứu rỗi”

(Ngày sau)

  –  “Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời

tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi

dù có thể sau ngàn mây kia

là thăm thẳm một cõi hoang lừa dối

điều huyễn hoặc vốn là điều tàn nhẫn

nhưng đôi khi cứu vớt được linh hồn”

(Tâm khúc)

–  “Tôi thắp ngọn nến nhỏ lên đài sen bằng giấy gửi vào sông

cháy lên niềm kiêu hãnh cô đơn

ngọn nến mong manh hư huyễn

bồng bềnh giữa thăm thẳm đêm

nghèn nghẹn giấc mơ thấu đáy

dù đã chết bao lần không nhớ nữa

những ngọn nến hình hài của lửa

đầu thai về thắp nỗi khát hồn sông”

(Trầm cảm Sông Hương)

Nhiều, rất nhiều những tứ thơ hay và sáng tạo như thế. Phải có một tâm hồn, một vốn sống và một tâm thức thi ca đầy trăn trở, suy tư và luôn phản biện mình, phản biện sự vật – hiện tượng sâu sắc mới có thể phát hiện ở những lặng im cỏ lá và thiên nhiên, sự vật một tâm hồn, một tư cách và một va chạm, sinh thành như thế! Tôi thích những vần thơ triết lý mà chân thành, ý vị mà xa xót ấy của Lê Khánh Mai.

Trong tình yêu, dẫu không hồng phúc, thì con người cũng phải giữ lấy lòng tin để biết mình tồn tại trong sự thăng bằng tâm lý để “Không yếu hèn / không rỗng tuếch” dù phải “Còn lại một mình / Rơi tự do xuống đáy vực cô đơn / em cúi nhặt giấc mơ rướm máu / Nhưng giấc mơ không chịu đầu hàng / nó vụt bay lên / gọi kỷ niệm tình yêu về băng bó vết thương” (Nhận diện một tình yêu).

Thơ tình yêu của Lê Khánh Mai thường được vực dậy từ nỗi đau chia ly, dang dở hoặc lặng thầm nhưng trĩu nặng ưu tư. Và chủ yếu là thứ tha, bao dung, độ lượng để nhận nỗi đau về mình, kéo dài niềm vui cho người khác. Vì vậy mà chị cũng được bù đắp và nhiều kinh nghiệm để đối diện với thử thách: “Em ngồi hoá núi lặng thinh / Nghiêng thầm biển cạn, vọng tình thẳm xa” (Vọng), “Thôi đừng ném viên sỏi / xuống lòng giếng lặng im / gieo tiếng kêu rất khẽ / chỉ bặt vào vô biên” (Đợi). Để rồi:

“Tôi treo hồn tôi lên cánh diều

hồn tôi  ký sinh vào tình yêu

nhưng tình yêu tan vỡ

hồn tôi về đâu?”

(Dõi theo cánh diều và nghĩ)

Đấy là câu hỏi chỉ có chính chủ thể tự trả lời. Có lẽ, cũng chỉ có sự kiêu hãnh trong cô đơn là neo giữ hồng hào ngọn lửa tình yêu chứ không phải là bi kịch đáng thương.

Yêu anh trong cách xa

em hoá đá vọng người đi biền biệt

bỏ hoang trái tim đắm đuối mộng mơ

bỏ hoang eo lưng con gái”

(Những mùa xuân ẩn khuất)

Vậy mà, ở đâu đó, vẫn vang lên lời hy vọng “Người còn giữ lửa chung tình/ để ta ươm bão ủ xanh đợi mùa” (Đợi mùa). Đó là cách để đồng hiện những tình xa, tình mơ, hoá giải phía bên kia của dòng sông từng đơn chiếc một bờ ngoảnh mặt: “Em giờ nhen lửa tình mơ / Thương anh thương cả lối xưa anh về” (Thương). Và đó cũng là cách tự thương lấy chính mình, để “Nỗi đau kết ngọc/ Cho người long lanh” và tự ngẫm:

“Mang thân đàn bà phận lá

nào ai lường hết nẻo tình

đã đau đến thành sỏi đá

thì thôi mình thương lấy mình”

(Bạn gái)

Trong tâm trạng tự vỗ về ấy, người thơ càng giàu có hơn, trong suốt hơn qua sự thanh lọc của chính trái tim biết đến tận cùng nỗi đau: “Giữa biển thầm mặt đất / ta con sóng buồn luôn tự vỡ mình ra /  ta biết lắm, bao nhiêu khởi đầu, bấy nhiêu kết thúc / những mảnh hồn chắp mãi chẳng vẹn nguyên” (Biển thầm). Vậy cuối cùng, người thơ còn được gì và mất gì? Không mất gì cả, chỉ có Đẹp, Buồn và trong suốt như sương – là hành trang tâm hồn Lê Khánh Mai đang soi  vào từng kỷ niệm, từng giận hờn trong veo như nước mắt, để dự cảm về những gì cao hơn sự tan vỡ, cách chia.

Với tình yêu trái đất không tròn

nghiệt ngã muôn vòng quay đẩy ta về hai cực

với xa cách, tình yêu là nước mắt

đẹp, buồn và trong suốt như sương.”

(Đẹp buồn và trong suốt như sương)

Trái tim yêu dại ngộ của người đàn bà trưởng thành hơn trong từng trải, dám đón nhận, chấp nhận những mùa đông giá buốt, cô đơn nhưng không thể sống vô tình, sống lãng quên. Nhiều khi nỗi đau cũng có ích, giúp cho con người nhận ra ý nghĩa cuộc sống, vượt lên thực tại, bởi “Thời gian đi như một mũi tên xanh”. Và, cũng như cánh diều kia “bứt lên từ cỏ”, người thơ chắp cánh bay cho khát vọng, để được đích thực là mình: “Em muốn xoá bóng mình dị bản/ để chỉ còn đích thực em thôi” (Dị bản). Dù là ngọn đuốc kiêu hãnh hay ngọn nến âm thầm thì cứ  phải cháy lên:

Đôi khi muốn làm ngọn đuốc

Cháy lên chạy trốn bóng mình

Đôi khi ngùi ngùi nến  khóc

Lửa thầm nhỏ lệ vào đêm”

(Đôi khi)

Thế đủ biết tình yêu, thiên nhiên và nỗi buồn có sức mạnh cứu rỗi con người như thế nào! Lê Khánh Mai ít bộc lộ trực tiếp về mình, về thi ca bằng lý luận. Nhưng qua thơ, ta cũng rút ra được quan niệm của nhà thơ về nghệ thuật. Thường chị chú trọng đến tứ thơ, xem tứ thơ là cú hích quyền năng để huy động hình ảnh, câu chữ, nhằm xây dựng nên chỉnh thể bài thơ. Khi ấy, thể thơ, vần điệu, giọng điệu được tự do hơn, linh hoạt hơn. Nhưng càng về sau, khi tư duy sáng  tạo đã chín, chị thường ưu tiên cho thơ tự do. Tứ thơ thường phục vụ cho sự mở rộng câu thơ theo trục kết hợp. Tính triết lý, giọng điệu suy tưởng trở thành yếu tố chủ đạo, làm tăng sức nặng của biểu cảm nghệ thuật. Tôi nghĩ, đó là hướng thể hiện thành công của Lê Khánh Mai. Khi ấy, mối quan hệ chỉnh thể giữa hình thức và nội dung sẽ tạo nên những thi pháp mới – thi pháp lấy trái tim đa cảm và nhân hậu của mình để làm điểm tựa cho những tứ thơ, như có lần chị tâm sự: “Thơ thời nào cũng đi ra từ trái tim con người. Trái tim –nơi xuất phát cũng là cái đích để thơ vươn tới mọi ý nghĩa mà thơ mong muốn” (Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 609, tháng 11 – 2004). Thơ, phải luôn luôn tự tung phá chính mình để không đơn điệu, nhàm chán, “Như chú ngựa bất kham trong lồng ngực / mơ một ngày tung vó thảo nguyên” (Khát). Dù “thế giới này tất cả đều lặp lại”, nhưng thơ không cho phép lặp lại như sản phẩm công nghiệp, mà phải lặp lại ở sự phá và thay, ở kế thừa và bổ sung, ở truyền thống và hiện đại. Có vậy, thơ sẽ đi bên cạnh cuộc đời, lắng nghe từng nhịp đập vang động, lắng nghe trái tim luôn thổn thức, đòi lời giải đáp mới mẻ, hấp dẫn của con người. Hành trình thơ Lê Khánh Mai đã đi theo đường quay và đường xoắn trôn ốc thi ca như thế.

Trưởng thành từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Lê Khánh Mai đã đến với thi ca như một duyên nợ và gắn bó một cách lặng lẽ mà gấp gáp, hướng khát vọng sáng tạo vào đường chân trời của cuộc sống đang vẫy gọi, đang “đánh vào thơ muôn ngàn lớp sóng” (Chế Lan Viên). Không tự ăn bóng thi ca của mình, của người khác, từ tập thơ đầu tay “Dòng sông khoảng đời” (in chung 1984) đến tập thơ thứ 7 “Giấc mơ hái từ cơn giông” (2008), Lê Khánh Mai luôn tìm tòi, đổi mới trong hình tượng và thi pháp biểu hiện. Và thực tế, chị đã đạt được những trải nghiệm và thành tựu đáng kể, được độc giả cả nước ái mộ, hy vọng. Chị luôn ý thức về vai trò và khát vọng thi ca của mình để có những vần thơ đẹp, hiện đại mà vẫn không xa rời với thi pháp thơ Việt truyền thống. Đó là công việc không dễ nếu không bắt kịp nhịp sống của thời đại, nếu nhà thơ nguội lạnh với chính mình và xa lạ trước chân trời mở của thi ca. Đó là hạnh phúc và cũng là cái nghiệp mà chị phải đau khổ suốt đời như chị đã thú nhận: “Chọn nghề văn, được đào tạo nghề văn, suốt đời chỉ làm duy nhất nghề văn, tôi thấm thía đến tận cùng nỗi khổ ải và niềm hạnh phúc của nghề này. Yêu con người, trách nhiệm cao, lao động kiệt lực và dấn thân như bị “giời đày” là phẩm chất tự thân của nhà văn. Đôi khi tôi cảm nhận một sức mạnh quyền năng vô hình nào đó mách bảo và điều khiển ngòi bút của mình như là định mệnh” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, 2007). Định mệnh đã trao cho Lê Khánh Mai sứ mệnh nhà thơ và chị đã chọn thi ca làm nơi ký thác nỗi khổ đau, hạnh phúc của mình và của kiếp người.

Viết xong tại Paris, 8 – 2007

Chỉnh sửa tại Huế , 9 – 2007