LAN MAN CHUYỆN NHÀ QUÊ

LAN MAN CHUYỆN NHÀ QUÊ

LÊ KHÁNH MAI

Thỉnh thoảng mình đọc được một số bài viết (báo, văn, thơ) than thở về tình trạng làng hóa phố ở nông thôn. Nào là quán cà phê, quán karaoke mọc lên như nấm, nhạc phách xập xình, ồn ã mất đi không gian yên tĩnh; Nào là đường sá, nhà cửa toàn bê tông hóa, những người xa quê trở về mái nhà kỷ niệm tuổi thơ chỉ thấy những cục xi măng lạnh lùng; Nào là những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát của thơ ca nhạc họa, giờ đây tìm mỏi mắt không thấy bóng cánh cò…

Nói thật, mình chẳng thích những bài viết kiểu như thế. Các vị bỏ làng lên thành phố lớn, nhà cao cửa rộng, toilet thơm tho, thích hát “chân quê” thì vào Karaoke, muốn ngắm mông ngực người mẫu thì đến vũ trường, sàn diễn …ai cấm nào? Ơ, thế, người nhà quê không có quyền được vui chơi giải trí, không được quyền ở nhà xây à? Rõ vô lý đùng đùng.

Thuở thiếu thời của thế hệ mình (từ 10 -18 tuổi) phải trải qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc, đi học sơ tán về nông thôn, ở nhà tranh vách đất. Mỗi lần mưa xuống là tổng hợp các loại mùi bốc lên, mùi phân heo, phân trâu bò, phân bắc, phân xanh…thum thủm, ngái ngái, nồng nặc. Ngửi mãi cũng quen. Quen rồi thấy chả cần thay đổi. Nhà quê không có nhà tắm, hố xí. Đàn bà con gái nhà quê mỗi lần tắm phải đợi tối trời, xách nước vào vườn chuối tắm “trộm”. Nếu tắm ban ngày thì mặc nguyên cả bộ quần áo nhảy ùm xuống ao, thò tay qua các lớp vải kỳ cọ rồi chạy vào vườn chuối thay đồ, có khi phát hiện mấy chàng đỉa nhúc nhích trong đống quần áo ướt nhèm. Còn chuyện đi sia thì…than ôi không bút nào tả xiết. Nay các thành phố đô thị hóa với tốc độ chóng mặt thì cũng để cho nông thôn người ta mở mặt với chứ. Hãy nghĩ đến hàng chục triệu thanh niên nông thôn ngày ngày ngóng về thành phố với bao ước mơ, hy vọng.

Cụ Tú Xương xưa từng nuối tiếc khung cảnh làng quê yên ả thanh bình đã mất: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Ngày nay biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên, đời sống được nâng cao, sinh ra cái nhu cầu ngủ máy lạnh, còn ai muốn nghe tiếng ếch nhái đêm đêm.

Cố thi sĩ Nguyễn Bính nhắc nhở chúng ta“giữ nguyên quê mùa” là giữ lấy hồn quê. Nhưng chúng ta tiếp thu tinh thần ấy trong sự vận động khách quan của tự nhiên và xã hội mới thấy tư tưởng của ông thật đáng trân trọng. Thử tưởng tượng phụ nữ Việt nam ngày nay vẫn đồng loạt chít khăn mỏ quạ, mặc quần nái đen thì buồn cười lắm nhỉ.

Hoài niệm là một cách nuôi dưỡng tâm thức văn hóa cội nguồn, giữ lấy hồn cốt tinh hoa dân tộc chứ không phải khư khư bảo lưu những gì cũ kỹ, lạc hậu không còn phù hợp. Hơn nữa đó là trách nhiệm của tất cả mọi người ở mọi vùng đất chứ không phải trách nhiệm của riêng nông thôn và người nhà quê đâu ạ.