Lửa và đất hay màu sứ của tình yêu

LỬA VÀ ĐẤT HAY MÀU SỨ CỦA TÌNH YÊU

PGS.TS HỒ THẾ HÀ

          Chọn tiêu đề cho tập thơ của mình là Lửa và Đất (1), Trần Việt Kỉnh, có lẽ, phải suy tư nhiều lắm, bởi lẽ, đây là hai đối tượng, phạm trù không chỉ để gọi tên có tính ngoại diện và nội hàm bình thường theo nghĩa ngữ học đại cương (linguistique générale) do F.de Saussure quan niệm, mà chính là cái nhìn tác động, tạo tác, chuyển hoá có tính triết học, dịch học.

          Sự sống của con người trên trái đất này luôn gắn với hai phạm trù lửa và đất. Văn minh của loài người cho đến ngày nay cũng được hình thành và phát triển từ lửa và đất. Dĩ nhiên, Trần Việt Kỉnh đã cụ thể hoá hai phạm trù này trong cách nhìn xã hội học và nhân chủng học mà với tư cách người làm văn hoá, anh đã ghi lại cảm nhận của mình một cách thâm trầm qua dáng người đàn bà Chàm lưng còng bán “những nồi đất nung màu lửa đỏ ”, “bà ngồi đó âm thầm – phù điêu ngàn đời tháp cổ” để rồi sau đó liên tưởng đến sự sống thật “Chỉ có lửa và đất – Quyện lại hoá thành Pôinưnơga”.  Toàn tập thơ có 65 bài thơ, được cấu trúc thành hai phần có chủ đích: Mẹ và Quê hương – Bạn, Người yêu và Thơ.

          Tưởng như tiêu đề tập thơ không dính dáng gì đến nội dung các bài thơ, nhưng đọc kỹ, ta thấy tác giả luôn nhìn cuộc sống, tình yêu bằng cái nhìn chuyển hoá ấy. Không có gì đứng yên và bình lặng, dù đối tượng của các bài thơ là một. Viết về Huế, về Nha Trang, về những miền quê khác nhau, với tác giả, mỗi lần mỗi cách bình luận và đánh giá mới. Ở đâu cũng da diết nỗi niềm của người trong cuộc với góc nhìn văn hoá, xã hội học. Anh phát hiện vấn đề qua từng mối quan hệ tự bên trong sự vật, hiện tượng.

Có trong tôi một Nha Trang huyền thoại

Thuở đường khuya, trăng dõi, cọp say nhìn

Gương mặt cô gái Nha Trang như nàng tiên cổ tích

Rừng mai thấp thoáng cánh chim

(Nha Trang huyền thoại)

Với Phan Rang, giọng điệu trở nên ngậm ngùi, gợi nhớ xa xăm qua lời ru của mẹ Chăm giữa trưa nồng như “tức tưởi”, như “khắc khoải chờ mong”: “Ôi Phan Rang mặt trời như muốn nói – Trong ruột trái dưa hấu đỏ lừng”.

Về với Huế, quê hương, anh sững sờ khi nhìn lại Thành Nội ngày xưa, đi bên mẹ và người thân vẫn nhận ra những con đường “ cánh mòng thời gian gió quạt”, “Phượng hai bờ sông thay lá – Lòng em vẫn một dòng Hương xanh”. Và với mẹ, khi xa anh lại nguyên vẹn là mình của tuổi ấu thơ:

 

 

“Mưa cho bông súng nở hoa – Lòng con thương nhớ mẹ già khôn nguôi – Mưa chiều ướt giậu mồng tơi – Ngoại ô phố nhỏ con ngồi nhớ mong”.

Bước chân người thơ trải khắp dặm dài thiên lý miền Trung. Ở đâu, anh cũng thấy dậy lên một nỗi nhớ thương. Một miền Trung nghèo, tần tảo trong câu hát, dáng đi: “Miền Trung quê tôi cơm muối cơm dưa – Sao nặng lòng nhớ thương đến vậy”.

Đến Tuy Hoà liên tưởng đến câu thơ của cố nhà thơ Trần Mai Ninh “ Ngọn gió Tuy Hoà chuyên cần và phóng khoáng”, anh có dịp khái quát mảnh đất một thời oanh liệt bằng liên hệ với chung quanh: “Thị xã nằm êm đềm dưới nắng – Cầu Đà Rằng như cánh tay chàng lực sĩ” và  “Em duyên dáng như nữ thần trong huyền thoại – Ngàn năm say Nhạn tháp với sông Đà”. Lại chen vào một câu thơ hiện thực rất hay: “Mắt cô gái miền Trung nhìn tím bước người đi”.

Nhìn ra thiên nhiên, cảnh vật, Trần Việt Kỉnh cũng cảm nhận được qui luật muôn đời của tạo hoá và tình người luôn tương sinh, tương cảm,:

Mỏng tang như ngọn cỏ tranh

Bật mầm đứng dậy dẫu đành nhỏ nhoi

Lang thang đi tận cuối trời

Cỏ xuân lại mọc trên đồi quạnh hiu

(Thương)

Vậy, huống chi lòng người trong xa cách, không cô đơn cho được:

Tôi tìm Hà Nội tìm em

Ôi ngày xưa những nỗi niềm của tôi

Gió đưa, lá rụng bên trời

Thu Hà Nội có một người cô đơn

(Tìm)

Mảng thơ viết về Quê hương và Mẹ trong Lửa và Đất là chắt lọc từ niềm vui, nỗi buồn đã qua năm tháng, suy tư của chính nhà thơ. Nó không có tuổi, không có thể gọi tên một cách rạch ròi, như chính biển và bờ, nỗi nhớ và ưu tư:

Sóng biển không có tuổi

Vỗ hoài lên trán đất những vết nhăn

Tôi chú ý đến phần thơ viết về Tình yêu, Tình bạn và Thi ca của Trần Việt Kỉnh. Mảng thơ này, tác giả, ngoài việc bộc lộ cảm xúc và tâm trạng có thật của mình, đã nâng cao và đúc kết thành triết lý, suy nghiệm trong từng quan hệ, cảnh trạng. Ở đó, tính trữ tình đời tư và thế sự hoà quyện vào nhau để gửi gắm, sẻ chia:

Chân lý lắm khi thắng nhưng có lúc thua

Khi kẻ ác mưu mô bày thế trận

Khi cái xấu đã định hình trong vài ba số phận

Nước mắt tôi rơi vì những người lương thiện cô đơn

(Sàn diễn và tác giả)

Tác giả tự hát một lời buồn trước cảnh đáng buồn:

Giữa dòng chảy thời gian và dòng chảy bánh xe

Thơ len lỏi như mạch ngầm bé tí

Đừng nói chi những điều cao xa thế kỷ

Nhìn em bé bán rong, ta hát một lời buồn

(Hát một lời buồn)

Viết bên mộ Nguyễn Du cũng là bài thơ hay trong sự tiếc thương và ngưỡng mộ một thiên tài:

Chiều xanh không có sắc hoa

Chút lòng ngưỡng mộ gọi là tri âm

Ngày vui nối tiếp bao lần

Đến đây gặp lại một phần đau xưa.

Thơ Trần Việt Kỉnh kết hợp được giữa cảm và nghĩ, cụ thể và khái quát, tả và luận. Đó là điều cần có của mọi nhà thơ. Thế nhưng, tạo ra được giá trị cho từng bài thơ không phải là dễ. Ở đấy, lại phải cần có cái tài, cái tâm và quan trọng là vốn văn hoá, mỹ học sâu rộng. Và điều cốt tử là phải xây dựng được tứ thơ hay, độc đáo. Có tứ thơ hay, tự nó sẽ gọi về câu chữ, triết lý một cách tự nhiên, không cần phải làm dáng, cầu kỳ. Công bằng mà nói, các bài thơ tự do của Trần VIệt Kỉnh hay hơn các bài thơ vần điệu ngọt ngào. Bởi ở đó, ý tưởng đã sáng tạo ra cảm xúc và câu chữ tự nhiên theo dòng cảm xúc, tâm trạng. Bỏ vần điệu của thơ cách luật để tạo vần điệu mới trong nội bộ cấu trúc của chính thơ tự do, nhiều khi khó và phải tốn công sức hơn nhiều so với những bài thơ luật

Nhà văn như ngọn gió thổi chuyên cần qua dốc núi

Đá núi sẽ mòn qua nhiều năm nhưng gió có hay đâu

Cái công việc của hàng nghìn thế kỷ

Ngọn gió đầu nhắn gì cho ngọn gió đến sau

(Không đề II)

Tuy vây, những bài thơ vần luật khi tạo được cách liên tưởng và cảm xúc chân thành, kết hợp với suy nghiệm cá nhân có chiều sâu xã hội thì vẫn neo được trong lòng người đọc. Các bài thơ tình qua trải nghiệm của Trần Việt Kỉnh mang tính tự luận cao: “Tình anh không muốn là đợt sóng – Dội mãi lời than âm ỉ vô bờ – Sẽ có một tình yêu dài theo năm tháng – Nỗi nhớ thương anh dệt mãi thành thơ”. “ Trái chín”           

Hoặc bài Biển và em, cũng thế:

Và em cũng giống như biển kia

Tình yêu giấu sau hàng mi ướt

Giọt nước mắt giận hơn chảy xuống

Như đợt sóng thần tràn qua con đê lớn lòng anh

Nhấn chìm những nhỏ nhen, ích kỷ.

Thơ lục bát và năm chữ trong tập Lửa và Đất cũng tạo được đặc trưng của thể loại, nhưng chưa nâng lên được những phức điệu mới. Bài nào không chú ý đến sự phá và thay thì rơi vào nhẹ và dễ dãi.

          Có thể nói, những gì Trần Việt Kỉnh tổng hợp được trong Lửa và Đất là đáng ghi nhận và trân trọng. Anh là nhà văn hoá chuyên nghiên cứu văn hoá – văn học dân gian. Vì vậy, chất thơ anh hoà quyện được những phẩm chất đáng quí từ cái nền lịch sử – văn hoá – dân gian, giúp anh nhìn nhận và đánh giá sự vật, hiện tượng bằng thơ một cách có chiều sâu, bằng ngôn từ giản dị nhưng hàm chứa ý tình nhân ái mà trong bài Thơ và Năm tháng, anh đã tâm tình:

Tôi rợn ngợp trước ngôn từ to lớn

Bởi nhiều khi mình thấy tự dối lòng

Nên mộc mạc những lời dân dã

Như mẹ ru tôi, thuở trắng trong.

 

Và thơ ơi, đừng bao giờ bất lực

Nỗi buồn  đau đâu phải bạn đồng hành

Tôi gửi theo tình yêu đôi lứa

Những câu thơ mang dáng của chồi xanh.

Như vậy, ước mơ thi ca của Trần Việt Kỉnh vẫn còn ở phía trước, mà Lửa và Đất là bước khởi đầu. Chỉ cần vào khát vọng và nỗ lực không cùng của chính tác giả, khi ấy sẽ  có thơ hay, dù muộn: “Tôi bắt đầu làm thơ, tôi chẳng vội vàng – Khi thơ chín, có nghĩa là lúa chín”. Tôi thêm, phải có tình yêu và sự thúc giục của trái tim yêu và trái tim thơ thì chẳng sợ gì đến màu quả chín, chim én chẳng bay về! Lúc ấy, từ Lửa và Đất sẽ trở thành Màu sứ và Tình yêu, nhà thơ sẽ vẽ lên đó những bức tranh thơ giàu phẩm chất nghệ thuật.

Câu thơ gập ghềnh, câu thơ đứng tuổi

Mong cho thơ và tình yêu em như vườn quả chín

Tuổi bốn mươi anh vẫn làm thơ

Thời gian đi thúc giục bước chân

Chúng ta hy vọng và chờ đợi thành tựu thi ca mới của Trần Việt Kỉnh

 

Tạp chí Sông Hương

        Số 4 -2005

——————————————————————————————–

(1) Trần Việt Kỉnh, Lửa và Đất, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà, 2003