KIẾP NÀY ANH ĐÃ SỐNG TỐT

Bạn đọc thân mến!

Tháng 6 dương lịch, tức tháng 5 âm lịch hàng năm đã trở thành khoảng thời gian thiêng liêng đối với Lê Khánh Mai. Bởi, vào ngày 16/6/2006 (nhằm ngày 21/5 âm lịch), ngưòi chồng yêu kính của Lê Khánh Mai – anh Trần Việt Kỉnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã ra đi mãi mãi sau một cơn đau tim đột ngột. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp vô cùng đau xót, tiếc thương. Với 57 năm cuộc đời anh đã sống trọn vẹn là ngưòi con, người chồng, người cha đầy tình thương yêu và trách nhiệm; Một người bạn hiền lành, nhiệt tình, chân thật của cộng đồng; Một nhà nghiên cứu tâm huyết, say mê và có nhiều cống hiến trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Đã 5 năm trôi qua, nỗi đau trong Lê Khánh Mai vẫn tươi ròng. Nỗi đau này khẳng định một sự thật: Lê khánh Mai đã vĩnh viễn mất đi người bạn đời yêu thương duy nhất, đã giúp Lê Khánh Mai hiểu thấu cuộc đời hơn.

Đến nay đã có nhiều bài viết nghiên cứu, chân dung, thơ… về con người và sự nghiệp của anh Trần Việt Kỉnh. Gia đình Lê Khánh Mai đang tập hợp để xuất bản một cuốn sách về anh, mong bày tỏ tình cảm trân trọng, nâng niu những tấm lòng của bạn bè, đồng nghiệp, người đời giành cho anh, đồng thời để lại cho con cháu và bạn đọc mai sau.

Trân trọng cám ơn bạn bè trên Web, blog tận tình chia sẻ.

Lê Khánh Mai

KIẾP NÀY ANH ĐÃ SỐNG TỐT

Bài viết của Đạo diễn CAO NGUYÊN

 Nhà nghiên cứu VNDG Trần Việt Kỉnh sinh ngày 1/8/1950, quê xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Khánh Hoà, hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; thành viên Ban biên tập Tạp chí Văn hoá – Thông tin Khánh Hoà. Anh đã đột ngột qua đời ngày 16/6/2006 (nhằm ngày 21 tháng 5, Bính Tuất) hưởng dương 57 tuổi. Tạp chí Văn hoá – Thông tin Khánh Hoà thành kính sẻ chia cùng bạn đọc trang viết về nhà nghiên cứu Trần Việt Kỉnh như một nén tâm hương tưởng niệm và tri ân đối với người đồng chí, đồng nghiệp, người bạn, người anh đã đồng hành cùng Tạp chí trong suốt thời gian qua…

          Buổi sáng nhưng trời thật oi bức, tôi chạy xe một vòng trên đường biển, cảm thấy dễ chịu hơn, cho xe rẽ vào quán cà phê Văn Nghệ, vừa bước chân vào quán đã nhận hung tin: Rạng sang hôm nay, Trần Việt Kỉnh…đi rồi! Bàng hoàng đến lặng người, tôi nhìn đồng hồ như một hành động vô thức: Thứ 6 ngày 16 tháng 6 năm 2006…Anh Kỉnh ơi! Con số 6 định mệnh.

          Tôi quen Anh thật tình cờ. Vào những năm 1990 – 1992, anh đang phụ trách Nhà Văn hoá thành phố Nha Trang và cần tìm người đạo diễn cho chương trình Hội thi Thông tin Cổ động của xã Phước Đồng. Qua giới thiệu của anh Bùi Trường Sơn (đã qua đời) lúc bấy giờ là Giám đốc Nhà Văn hoá tỉnh. Thế Là Trần Việt Kỉnh, Bùi Trường Sơn và tôi vào Phước Đồng. Anh Kỉnh và anh Sơn viết kịch bản tại chỗ, tôi đạo diễn ngẫu hứng và diễn viên là những đưa trẻ mồ côi. Kết quả hội thi, tiết mục được tặng huy chương vàng. Chúng tôi dành hết khoản tiền bồi dưỡng để mua tặng mỗi cháu một bộ đồ mới. Còn chúng tôi, tìm một quán cóc ngồi uống rượu suông và nghe Khánh Ly hát “…Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì… để gió cuốn đi…”. Ngồi lặng im bên nhau để rồi, im lặng đã trở thành tri kỷ.

          Những ngày tháng cùng nhau làm việc ở Ban Biên tập Tạp chí VHTT, tôi có dịp biết nhiều hơn và tâm huyết của Anh dành cho công tác nghiên cứu Văn hoá Dân gian. Người đàn ông cao – to – mạnh mẽ ấy lại có một phong cách làm việc rất lặng lẽ: Từ tác phẩm Thơ ca dân gian Phú Khánh xuất bản năm 1982 đến năm 2006, Anh âm thầm cho ra đời trên 17 công trình nghiên cứu, 50 bài nghiên cứu, tham luận khoa học, thơ, bút ký, truyện ngắn…Anh đã nhận đựơc rất nhiều giải thưởng hàng năm của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và của tỉnh Khánh Hoà. Bài vở trên những chuyên trang của Tạp chí VHTT mời anh tham gia biên tập thì thật yên tâm. Anh cẩn thận, nhiệt tình ghi tất cả những nhận xét chuyên môn của của mình vào các bản thảo…Anh Kỉnh ơi! Từ nay, chúng tôi đã mất đi một điểm tựa…Người thành phố mãi mãi không còn nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông cao to đi cùng một phụ nữ nhỏ nhắn (vợ Anh – nhà thơ Lê Khánh Mai) mỗi buổi sáng, dù mưa hay nắng cùng nhau vào quán cà phê Văn Nghệ…Bạn bè không còn nhìn thấy Anh ngồi tĩnh lặng bên tách cà phê bốc khói…

          Tang lễ của Anh có rất đông bạn bè đưa tiễn. Hình như có 96 vòng hoa…Tôi đã cố gắng nhưng vẫn không kìm được nước mắt khi nghe Lê Khánh Mai nói lời cảm ơn bên phần mộ Anh: “KIẾP NÀY ANH ĐÃ SỐNG TỐT”…Trên đỉnh núi Phước  Đồng, một bóng chim vừa vút bay về phía mặt trời

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Thông tin Khánh Hòa