HOÀNG HÔN TRẮNG ( Chương IX )

HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯƠNG IX

(Tiếp theo kỳ trước)

Mai Hồng đến bên Hà Trang tươi cười:

-Cô cho em gửi tập giáo án.

-Bài soạn của cô có giúp thêm gì cho em không? – Trang hỏi.

-Rất nhiều. Nghệ thuật khai thác từ ngữ, hình ảnh của cô thật điêu luyện. Em có cảm giác cô đã cần mẫn nhặt nhạnh cái hay, cái đẹp, cái tinh tuý của văn chương, từ chỗ rải rác, tản mạn, góp thành kho báu.

-Cám ơn. Đó là bản chất của công việc dạy văn. Bền bỉ, kiếm tìm, gom nhặt, gạn lọc những hạt bụi vàng rồi kết thành bông hoa rực rỡ, tặng cho bọn trẻ. Gian khổ mà thật hạnh phúc.

-Có lẽ em phải phấn đấu cả đời mới mong được một phần như cô.

-Cô nghĩ, mỗi chúng ta đều phải cố gắng tìm cách làm cho bông hoa của mình mang vẻ đẹp riêng. Chỉ có thể chinh phục được trái tim học trò khi ta tạo được phong cách dạy văn. Bởi thế, em chẳng cần thiết phải như cô, mà phải khác cô và hơn cô chứ.

-Em không quên rằng trước kia em là học trò của cô.

-Nhưng bây giờ ta là đồng nghiệp.

-Trong lớp 12A dạo ấy có nhiều đứa mơ ước trở thành giáo viên dạy văn. Bây giờ mỗi đứa một phương.

-À, cô vừa nhận được thư của Thảo Ly. Hồng có nhớ Thảo Ly không?

-Dạ có.- Mai Hồng tròn xoe mắt ngạc nhiên – Nhưng em nghe nói Thảo Ly vượt biên mà?

-Ừ, nó đang ở California.

-Nó sống thế nào cô?

-Vất vả và buồn.

-Một bài học cho những ai bỏ Tổ quốc.

-Hoàn cảnh của Thảo Ly, cô nghĩ, có thể thông cảm.

Mai Hồng lại tròn xoe mắt ngạc nhiên, nghi ngại, thăm dò:

-Thảo Ly có thường viết thư cho cô không?

-À… có.

-Em phải lên lớp bâygiờ.

Mai Hồng bỏ đi. Hà Trang đến thư viện trường tìm một cuốn sách tra cứu để soạn giảng một bài thơ cổ. Hình ảnh Thảo Ly vương vấn trong tâm trí chị. Một nữ sinh có khuôn mặt đầy đặn, hiền như vầng trăng, nước da trắng mịn, mái tóc đen dày, chấm bờ vai. Thảo Ly học giỏi nhất lớp nhưng ít nói đến khó hiểu, cứ lặng lẽ như có, như không trong cái tập thể lớp 12A dạo ấy.

Một lần, vào dịp sơ kết học kỳ, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm xếp thứ tự danh sách học sinh giỏi để khen thưởng. Hà Trang phân vân giữa hai trường hợp: Mai Hồng học khá đều các môn đồng thời tham gia toàn diện các hoạt động văn nghệ, thể thao, công tác đoàn, nên vai trò của Hồng nổi bật. Thảo Ly lầm lỳ, tham gia các phong trào tập thể một cách bình lặng nhưng kết quả học tập vượt hẳn tất cả học sinh trong lớp và trong khối 12.

Hà Trang quyết định xếp Thảo Ly ở vị trí thứ nhất, sau đó mới đến Mai Hồng và một số học sinh khác. Hôm đó Mai Hồng tỏ ra không vui và có ý lảng tránh cô chủ nhiệm.

Mai Hồng nghĩ cái vị trí số 1 trong danh sách khen thưởng kia lẽ ra là của mình chứ không phải là của Thảo Ly, cái con bé con đại tá nguỵ, học được nhưng kiêu ngầm, chẳng thèm chơi với ai, hờ hững, dửng dưng với tất cả. Quen sống trong nhung lụa, thích thu mình vào vỏ ốc, né tránh mọi va chạm để yên thân. Một lối  sống tiểu tư sản, chủ nghĩa cá nhân. Một kiểu người quá cũ. Vậy mà cô chủ nhiệm đã nâng đỡ Thảo Ly, đứa con của một kẻ có nợ máu với nhân dân.

Nhưng Mai Hồng không còn thời gian để suy nghĩ, oán trách cô giáo. Chiến tranh biên giới nổ ra. Tổ quốc lại một lần nữa đứng trước thử thách nghiêm trọng. Mai Hồng đã cùng nhiều nam nữ thanh niên bỏ dở việc học hành, tình nguyện nhập ngũ.

Trong lễ ra quân, Mai Hồng thay mặt những người đi chiến đấu đọc lá đơn tình nguyện thống thiết tình yêu Tổ  quốc, ngùn ngụt khí thế xung phong. Hà Trang nghèn nghẹn một niềm  xúc cảm xâu xa. Những tình cảm thiêng liêng chìm ẩn  đi bởi cuộc sống thường ngày, bỗng dấy lên, cuộn trào, truyền toả, như làn sóng điện. Đất nước – con người nhẫn nhịn và kiêu hùng, bi thương và ngạo nghễ. Đất nước – thân thể nhức nhối, chất chồng thương tích qua bao trận cuồng phong lịch sử. Tuổi trẻ đã quăng thân vào những cuộc chiến tranh bạo liệt, tàn khốc, đã nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, đã vùi chôn nơi rừng sâu, đất ẩm. Và, bây giờ tuổi trẻ lại lên đường, quăng thân vào một cuộc chiến tranh khác.

Sứ mệnh của con người trên trái đất này là tạo dựng thế giới, chứ không phải là huỷ diệt. Sao con người không thể sống hoà bình?

Ôi những đứa học trò của Trang trong trắng như thiên thần, mà đôi cánh sắp bay vào bão táp.

-Thực lòng cô không muốn có một cuộc chia tay thế này.-Trang rưng rưng nói-Nhưng mái trường, thầy cô, bạn bè, những bài giảng… tất cả không thể neo giữ được khát vọng đi về phía trước của tuổi trẻ. Các em đi nhé. Hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhớ rằng đất nước không chỉ cần người cầm súng, mà rất cần người làm khoa học, kinh tế, văn hoá nghệ thuật, giáo dục. Cô tin cuộc chiến tranh này không thể kéo dài.

-Thưa cô, chúng em cũng hy vọng thế. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, một  vận hội để tuổi trẻ khẳng định mình. Quân đội cũng là trường đại học và chúng em sẽ trưởng thành. – Mai Hồng đáp lời cô giáo một cách rành rọt, tự tin.

-Phải, tuổi trẻ cần làm nên cái gì đó thật phi thường – Trang nắm chặt tay từng đứa học trò thân yêu, từ giây phút này đã trở thành chiến sĩ.

Tạm biệt ngôi trường âm vang tiếng sóng vào những ngày biển động. Tạm biệt hàng phượng vĩ day dứt cháy lúc hè sang. Tạm biệt bạn bè với mối tình chớm nở, thầm lén, chưa một lời hẹn ước. Tạm biệt thầy cô giáo, những con người hiền hậu, ân cần, lặng lẽ gánh trách nhiệm dìu dắt thế hệ trẻ, vượt thời gian. Tạm biệt tất cả. Lên biên giới! Lên biên giới! Đó là tiếng gọi, niềm hối thúc, nỗi mê say không thể gì kìm nén.

Thời gian đầu, Trang không dễ gì quen được sự thiếu vắng những gương mặt học trò. Những khoảng trống câm lặng trên dãy bàn ghế lớp học như những hố sâu buồn bã không gì khoả lấp trong tâm hồn chị. Nỗi buồn ấy không phải là sự trải  nghiệm lần đầu, mà dường như nhắc lại ký ức. Tuổi trẻ của Trang, của những người đồng lứa với chị đã  vụt trôi theo những biến động lớn lao, đã cuốn vào cơn lốc thời cuộc, để rồi tất cả cái thời đẹp nhất của đời người ấy, bỗng như chẳng còn gì là của riêng mình nữa.

Trong số học trò lên biên giới, Mai Hồng để lại trong Trang  ấn tượng tốt đẹp nhất. Một chút gì gần gụi và lý tưởng.

Nhưng Mai Hồng lại không lên biên giới. Ba tháng sau, Mai Hồng xuất hiện trên sân trường trong bộ quân phục màu lá rừng nghiêm trang và mạnh mẽ như một liệt nữ. Vẫn đôi bím tóc vắt vẻo. Vẫn  nụ cười lạc quan đến háo thắng. Và, đôi mắt trong veo, hồn nhiên một niềm tin, rằng, tuổi trẻ có thể nâng được cả trái đất trên đôi tay của mình.

-Thưa cô, thế là số phận đã không chiều em. Em tha thiết được trực tiếp chiến đấu ở biên giới, thì  người ta lại điều em về một đơn vị thông tin, đóng  tại thành phố biển này. Buồn thật.

-Thôi thì, lên biên giới hay ở lại thành phố, em vẫn là người lính. Đã là người lính thì ở đâu mà chẳng đầy thử thách – Hà Trang động viên Hồng.

-Em vẫn bị hành hạ bởi cảm giác hụt hẫng.

-Rồi sẽ quen. Trước mắt, em nên tận dụng thời gian, hoàn thành chương trình văn  hoá phổ thông.

-Dạ. Em trở về trường xin dự lớp bổ túc văn hoá ban đêm.

-Mọi con đường đều dẫn đến đích cuối cùng. Miễn là phải xác định được cái đích cho mình. – Trang nói.

-Em hiểu. Phải cố  gắng thôi. Không còn cách gì khác.

Và, Mai Hồng cố gắng thật sự.

Lúc bấy giờ tên tuổi Mai Hồng đã được ghi trên bảng vàng danh dự trong phòng truyền thống của nhà trường, được nhắc đến nhiều lần trong các buổi sinh hoạt thanh niên, được lồng vào bài giảng đạo đức của giáo viên, được nêu lên thành một điển hình, một kiểu người mới, vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Mai  Hồng liên tục được mời đến nói chuyện ở các trường phổ thông về quá trình phấn đấu vươn lên của mình, từ một học sinh trở thành chiến sĩ quân đội. Quân phục xanh một màu điềm đạm, quân hàm đỏ chói trên ve áo, và giọng nói sôi nổi, gợi mở tương lai, Mai Hồng đã khiến lớp đàn em cảm phục. Các thầy cô giáo hãnh diện vì có người học trò như Mai Hồng, coi đó là một trong những “sản phẩm” tốt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, một bằng chứng về tính ưu việt của phương châm giáo dục toàn diện.

Được kết nạp Đảng, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tốt nghiệp bổ túc văn hoá trung học, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, rồi trở thành giáo viên dạy văn ở chính ngôi trường mà mình từ giã tuổi học trò, Mai Hồng dường như đã tạo được cái đà để bước lên con đường danh vọng thênh thang.

Những người làm công tác giáo dục sẽ không tránh khỏi sai lầm nếu đánh giá con người qua lý lịch và thành tích. Hai mươi năm dạy học, biết bao lần Hà Trang hạ bút  phê học bạ – bản lý lịch đầu tiên của con người. Ngẫm lại đôi lúc giật mình. Có những học sinh được nhận những lời phê đẹp đẽ, không  ngờ tương lai lại là kẻ tội phạm, đứng trước vành móng ngựa. Đã đành con người không phải là một sản phẩm nhất thành, bất biến, mà là một thực thể luôn luôn vận động, xê dịch. Bởi thế, giáo dục là công việc khó khăn, tế nhị, phải tiến hành ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng bao giờ nhà trường cũng là môi trường cần thiết và cơ bản để hoàn thiện cá nhân, cải tạo xã hội. Nhìn lớp trẻ bước vào đời, nhiều khi Trang buồn bã, thất vọng, tự hỏi: phải chăng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa chưa được chỉ đạo tốt? Và phương pháp giáo dục của ta còn nhiều hạn chế?

Chúng ta đặt ra mẫu người của thời đại, với những tiêu chuẩn về phẩm chất: yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, làm chủ tập thể… rồi soạn ra những bài đạo đức để gò ép con người vào cái mẫu mà ta mong muốn. Một lối giáo dục mang tính hình thức, hời hợt. Trong khi đó, những bài học vỡ lòng về đạo lý làm người, bọn trẻ vẫn mù tịt.

Giờ đây, Mai Hồng, học trò “Cưng” của Hà Trang đã trở thành đồng nghiệp. Chị vừa tự hào, vừa có ý chờ đợi xem “Cái sản phẩm tốt nhất” này sẽ làm được những gì.

Ban đầu là tình thương mến, nể trọng lẫn nhau, sẵn lòng giúp nhau, như chị dìu đỡ em trên khúc đường trắc trở. Nhưng rồi, không hiểu từ lúc nào, giữa họ có một sự  rạn vỡ ngấm ngầm cho đến khi không còn hy vọng cứu  vãn.

Con người không ai hoàn hảo. Chỉ e cái khoảng thiếu hụt trong ta bị khuất lấp bởi quyền uy, danh vọng, bởi  ánh hào quang toả ra từ những tiếng vỗ tay, những lời khen ngợi.

Hà Trang cứ ngờ ngợ, băn khoăn, lẽ nào Mai Hồng là một dạng như thế. Cô học trò đáng yêu ngày xưa. Người từng được Hà Trang ghi bao điểm tốt. Người đã viết những câu thơ đẹp về tình thầy trò, chân thật tận đáy lòng. Giờ đây, người ấy đột nhiên mang một hình hài khác, một vẻ mặt khác. Đầu ngẩng cao ngạo nghễ, nụ cười mãn nguyện ngự trị trên môi. Ngôn ngữ xã luận quá tải trong lời nói, ồn ào, sáo rỗng. Danh từ “đồng chí” bị  lạm dụng tối đa. Những người  trực tiếp giảng dạy Mai Hồng, những giáo viên đầu hai thứ tóc, bậc thầy của thầy, đều được Mai Hồng gọi là “đồng chí” một cách bình đẳng, vô tư.

Vừa chân ướt, chân ráo về trường Mai Hồng đã bộc lộ quan điểm “đổi mới”. Cô muốn cải cách, sắp xếp, xáo trộn lại toàn bộ nề nếp, trật tự, theo cô, đã quá lỗi thời, mòn rỉ của hội đồng giáo dục.

Trong các cuộc họp Mai Hồng cứ toèn toẹt phát biểu nhận xét, đánh giá, đề xuất phương hướng, biện pháp thực hiện, tự do khen ngợi đồng chí này, nêu hạn chế của đồng chí kia. Thậm chí vận dụng lý luận sư phạm, phương châm giáo dục để phê phán.

-Thưa các đồng chí. Nhà trường không chỉ dạy chữ mà cái quan trọng hơn là   phải dạy người. chúng ta đã nhồi nhét cho học sinh quá nhiều kiến thức mà sao nhãng việc giáo dục chúng ý thức cống hiến, trở thành những con người chân chính. Bọn trẻ bây giờ mang nặng tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, xa rời chính trị, lười nhác, kém bản lĩnh… đó là hậu quả không tránh khỏi…

Dõng dạc, nhiệt thành, Mai Hồng say sưa diễn thuyết giữa hội đồng hàng trăm giáo viên.

Không ai phản ứng gì cả. Nghĩ cho cùng, Mai Hồng nói đúng. Giáo viên già im lặng nghe. Họ đã qua cái thời hăng hái, bốc lửa. Thời gian và cuộc sống khổ sở, tủi nhục đã mài mòn nhiệt tình. Tuy vậy, họ không đánh mất mình, vẫn đi vào chiều sâu nghề nghiệp một cách bình tĩnh, sắc sảo hơn. Dạy học, vốn là công việc âm thầm. Không thể đánh giá hết sự cống hiến của người thầy. Cũng như không thể đo được kết quả của giáo dục. Làm thầy có nghĩa là giơ đôi vai ra để nâng đỡ thế hệ trẻ. Và dĩ nhiên là phải hy sinh.

Mai Hồng còn trẻ quá, mới vào nghề, ôm ấp nhiều khát vọng. Nhưng từ lý thuyết đến thực hành là cả một biên giới vô hình. Người từng trải thường rộng lòng. Mấy vị giáo viên già thầm nghĩ, dẫu sao nhiệt tình như Mai Hồng cũng là quí.

Mấy cô giáo trẻ bấm nháy nhau: “Con Hồng nổ quá. Không khéo ế chồng”.

Làm bí thư đoàn trường, Mai Hồng nhiều lần kêu gọi “trẻ hoá thanh niên”.

-Các bạn thanh niên! Sao các bạn vội già trước tuổi, ủ rũ, trì trệ như những ông cụ. Hãy vứt bỏ đi bộ mặt héo hon để mà vui sống, ham hoạt động, say mê học tập, công tác.

Thế là bắt đầu “chiến dịch trẻ hoá thanh niên” do Mai Hồng khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo. Học sinh phải bớt xén thời gian học tập để lao vào các hoạt động văn nghệ, thể thao, cắm trại, tham quan, hành quân dã ngoại và các trò chơi tập thể. Tất cả giáo viên đều phải tham gia với học sinh để cùng “trẻ hoá”.

Phong trào này lắng xuống, phong trào khác dấy lên. Học sinh bận rộn, quay  cuồng trong các hoạt động không bao giờ  hết: Giữ trật tự đường phố, bảo vệ công viên, trồng cây gây rừng, viết thư thăm bộ đội biên giới, sưu tầm tư liệu về truyền thống Đảng, đoàn, làm báo tường, thu nhặt phế liệu để gây quĩ…

Bộ mặt nhà trường có phần khởi sắc nhờ những hoạt động bề nổi. Nhưng còn chiều sâu? Nhiều người băn khoăn khi thấy phong trào của đoàn lấn át hoạt động chính của nhà trường là dạy và học. Thầy phải dạy bù. Trò không có thời gian ôn bài, đành chống chế. Thời khoá biểu bị đảo tung lên. Chương trình bộ môn bị gián đoạn. Chất lượng văn hoá giảm sút. Chính lúc ấy Mai Hồng phấn khởi ra mặt trước những thành công và đang đúc rút kinh nghiệm chuẩn bị báo cáo ở hội nghị “công tác đoàn trong nhà trường phổ thông”, tổ chức tại một tỉnh miền Trung.

Say sưa với chiến thắng, Mai Hồng không  biết rằng nhiều giáo viên đã bắt đầu phản ứng. Trong Ban Giám hiệu có mâu thuẫn về quan điểm. Hiệu phó chuyên môn ghi nhận những biến chuyển của công tác đoàn, nhưng đề nghị rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại. Hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ thì khen ngợi sáng kiến của Mai Hồng, tự hào về sự xuất hiện nhân tố mới trong hội đồng giáo dục.

Âm thầm mong mỏi thành công của học trò, Hà Trang dự định sẽ góp ý với Mai Hồng một số điểm. Nhưng chị phân vân mãi. Nguyên tắc của chị: Một là không được dập tắt nhiệt tình trong Mai Hồng. Hai là trôn trọng tuyệt  đối cá nhân.

Hôm ấy, Mai Hồng rất vui, sau khi dự hội nghị công tác đoàn trở về, nụ cười bất diệt roi rói trên môi.

-Thành công chứ Mai Hồng.-Hà Trang thân mật hỏi.

-Vâng. Bản báo cáo của em được đánh giá cao cô ạ.

-Chúc mừng em.

-Xa trường có mấy ngày mà em nhớ bọn học trò quá.

-Em là một cô giáo rất yêu người, yêu nghề đấy- Hà Trang mỉm cười thiện ý. Hội nghị đánh giá thế nào về báo cáo của em?

-Một sáng kiến hay, phù hợp với thực tế. Hội nghị nhận định: sức ỳ trong thanh niên hiện nay thật dáng lo ngại. Lực lượng rường cột của nước nhà mà ỳ ra như thế thì còn hy vọng gì ở tương lai. Sáng kiến của em là một trong những biện pháp chống lại sức ỳ đó. Những cỗ máy rỉ phải được tra dầu mở và bắt đầu khởi động.

-Cô hoàn toàn đồng ý với em. Thanh niên học sinh phải sôi nổi, hoạt bát. Nhà trường không phải là nhà tu kín. Nhiệt tình của Hồng trong việc hướng dẫn thanh niên vào các hoạt động không thể phủ nhận. Nhưng… theo cô, em nên nghiên cứu thêm những hình thức hoạt động, nhằm giúp cho  học sinh hứng thú học tập. Giáo dục rất đa dạng. Học sinh cần được giáo dục ý thức tập thể, cộng đồng, song cũng cần biết kiên nhẫn, cô độc trước những bài văn, bài toán.

-Em quan niệm làm gì cũng phải có con người. Mà giá trị con người trước hết là ở phẩm chất rồi mới đến kiến thức. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chủ Tịch đặt chữ “Hồng” trước chữ “Chuyên”.

-Cô không có ý định phản bác quan điểm đó. Trên tinh thần đồng nghiệp, cô trao đổi với em rằng để hoàn thiện cá nhân, cần có nhiều yếu tố. Trong đó, tri thức là một yếu tố thuộc phẩm chất của con người.

-Đáng tiếc, một số giáo viên quá đề cao chuyên môn, coi chuyên môn là thống soái, gạt bỏ những hoạt động mang tính giáo dục khác. Họ là những người đi bằng một chân. Họ bành trướng cá nhân, dựng lên những cái “phông” khá to tát. “Giáo viên giỏi”, “chiến sĩ thi đua”… thực chất là để lôi học trò về nhà, dạy “cua” kiếm tiền.

Mai Hồng nói ào ào như cơn lũ, rồi bỗng im bặt như không có gì để nói nữa. Hà Trang không ngờ sự thể lại xoay sang chiều hướng không vui. Từ thế chủ động và chân tình, chị bị dồn vào thế bị  tấn công, bị bắt quả tang, bị phanh phui, bị lộn trái. Hà Trang đã nhiều năm đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi”, “Chiến sĩ thi đua”, lại thường xuyên có  những “cua” luyện thi đại học ở nhà.

Theo như cách suy luận của Mai Hồng, thì chị cũng là một trong số những người mượn “cái phông to tát” để che đậy cái cá nhân, vụ lợi, đê tiện, chứ chẳng có lương tâm nghề nghiệp gì đâu.

Đau ở chỗ, lời tố cáo cay độc ấy lại phát ra từ miệng của một đứa học trò  bấy lâu chị yêu thương và hy vọng.

Hơn mười lăm năm dạy học, Hà Trang đã trải bao niềm vui, nỗi buồn, bận rộn với những công việc, có tên và không tên, băn khoăn trong bữa ăn, ám ảnh vào giấc ngủ. Chị từng sửa một câu sai trong bài văn của học trò. Luyện chúng đọc diễn cảm một  đoạn thơ. Tra cứu một điển tích điển cố, tìm đến tận nguồn ý nghĩa văn chương. Trắng đêm soạn bài giảng cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Những giây phút xuất thần khi đứng trên bục giảng, trái tim bỗng rung lên như một người nghệ sĩ. Nỗi nhớ học trò cồn cào trong những ngày hè nhức nhối tiếng ve. Niềm xao xuyến khi trống khai trường vang ngân.

Cũng suốt mười lăm năm ấy gia đình, vợ chồng, con cái đã sống khổ, sống sở. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tất cả mọi thứ cần thiết cho một cuộc sống bình thường. Không có một tháng nào mà chị không phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn, đắp đổi. Không có một ngày nào chị không phải tính toán chi ly để tiêu pha dè xẻn trong số tiền lương bèo bọt của hai vợ chồng nhà giáo. Khổ mãi cũng quen, cũng thành chai sạn. Nhưng niềm hy vọng chưa bao giờ tắt. Chị vẫn tin, niềm tin thơ trẻ, rằng một ngày nào đó ngành giáo dục sẽ đổi thay toàn diện. Những nhà lãnh đạo, các cấp có thẩm quyền sẽ nhận thấy văn hoá, giáo dục ở bất cứ nơi nào trên trái đất cũng đều đóng vai trò mở đường và khai sáng. Người thầy giáo sẽ được trả lại vị trí xứng đáng trong xã hội.

Hà Trang kiên tâm chờ đợi. Có lúc mệt mỏi rã rời, nhưng tình yêu mãnh liệt đối với nghề đã vực chị đứng vững trên bục giảng.

Giờ đây chị lại  phải  đương đầu với một thực tế khác, phũ phàng hơn cả sự khổ sở vì miếng cơm, manh áo-Sự phủ nhận của một học trò, một đồng nghiệp. Câu nói chưa rõ do vô tình hay chủ ý của Mai Hồng đã gieo vào chị nỗi mất mát tình cảm, thương tổn danh dự, đổ vỡ niềm tin. Chị bỗng cảm thấy thân phận bạc bẽo của mình đang dần bị đẩy vào quá khứ. Chị như chiếc lá úa vàng trên cây, sắp rụng xuống, nhường chỗ cho những chồi non.

(Còn nữa)