Đà Lạt trong ký ức – Lê Khánh Mai

Sẽ nhàm chán, nếu đời người chỉ quẩn quanh hay quá quen thuộc với một vài vùng đất. Riêng Đà Lạt không bao giờ khiến tôi rơi vào trạng thái tâm lý ấy. Tôi thường đến Đà Lạt những lúc muộn phiền, mệt mỏi, cô đơn, hoặc trì trệ về cảm xúc, tư duy. Đà Lạt cũng là nơi tôi nghĩ đến đầu tiên mỗi khi máu giang hồ trỗi dậy.
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Đà Lạt còn hoang sơ lắm, nhưng cái thành phố nhỏ nhắn giấu mình giữa thung lũng và núi cao đã cuốn hút tôi mạnh mẽ. Hình như xứ sở này hợp với tính cách của những người “cực đoan”, thích trải nghiệm sự khác biệt, đã cao, thì cao vời vợi, đã sâu thì sâu hun hút, đã chảy thì chảy cuộn xiết, không chịu dung hòa với những gì nửa vời, nhàn nhạt, phải đạo, vô bản sắc.
Tôi lang thang trên những con dốc vắng, lòng bình yên đến lạ. Khát vọng chinh phục gieo vào tôi nỗi háo hức khi vượt được con dốc này thì con dốc khác lại bất ngờ hiện ra, như gọi mời, như thách thức. Dù mỏi gối chồn chân, song chỉ còn cách duy nhất là tiến về phía trước. Dù không xác định được cái đích đến là đèo cao hay vực thẳm mà bước chân vẫn tung tẩy, miệt mài.
Những ngôi nhà kiến trúc lạ lẫm, thưa vắng bóng người, nép mình dưới rặng thông, phủ lên một màu cổ tích. Tôi đứng lặng bên đường, đợi nàng Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn đi ra từ những ô cửa bí ẩn kia. Và hoa. Bạt ngàn hoa trải ra vô tận, thêu lên triền đồi, ven suối, dệt những đường viền quanh lối nhỏ, xanh biếc, vàng rực, đỏ thắm, tím ngát… dẫn về phía những lâu đài cổ, thấp thoáng bóng dáng nàng công chúa, xiêm y lộng lẫy, vừa ngủ dậy, phảng phất nét thơ ngây, ảo diệu.
Sương mù giăng tấm voan trắng mênh mông trùm lên mặt đất, khiến cho Đà Lạt như một bài thơ được viết bằng thứ ngôn ngữ nhòe mờ, mà người đọc cần có một trí tưởng tượng phong phú và trái tim đa cảm mới thấu hiểu. Đi trong sương mù là đi trong tự do tuyệt đối của nỗi cô đơn. Bởi sương mù đã dựng bức tường thành mềm mại mà kín đáo, che chắn hình dong và ý nghĩ kẻ lữ hành, để một mình độc chiếm một hành tinh mới lạ. Tôi mê đắm cái màn sương dày đặc, trắng xóa bay lượn dưới đáy Thung Lũng Tình Yêu và gọi đó là chốn địa đàng của tình yêu dâng hiến, là cái rốn của địa cầu. Bởi nơi nào tụ hội được tình yêu, nơi đó là trung tâm của vũ trụ.
Thời ấy, từ Nha Trang lên Đà Lạt phải vượt hơn 300 km về phía tỉnh Ninh Thuận, lên đèo Xông Pha (còn gọi là đèo Ngoạn Mục) dài gần 20 km với độ dốc chóng mặt và nhiều khúc cua giật cánh khuỷu rất nguy hiểm. Chiếc xe đò cũ kỹ, ồn ào hợp âm ken két, rin rít, rung lắc vì phụ tùng cũ mòn, quá hạn, tưởng như có thể rời ra bất cứ lúc nào, tính mệnh của hành khách chỉ còn trông cậy vào tay lái lụa của tài xế. Trên chuyến xe kinh hoàng ấy tôi đã mang theo công chúa bé và hoàng tử bé của tôi, vì chúng muốn gặp nàng Bạch Tuyết, Bảy Chú Lùn và nàng công chúa ngủ trong rừng…
Lê Khánh Mai