Chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính

Chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính

(PBVH): Dịch giả Hồ Liễu, sinh năm 1987, đang theo học Cao học ngành Văn học Việt Nam, Khoa Văn học và ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM. Chị là một trong những người sớm quan tâm đến việc dịch và phổ biến các lý thuyết nữ quyền vào Việt Nam, góp một tiếng nói kịp thời và hữu ích cho bộ môn phụ nữ học còn non trẻ ở ta và đặc biệt là quá trình giải “các thiết chế phổ biến” đang thống trị nhận thức xã hội.

Trước đây, Phê bình văn học đã giới thiệu bài dịch được nhiều bạn đọc quan tâm của chị (phần 1phần 2). Lần này, được sự đồng ý của chị, Phê bình văn học trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài tiếp theo về chủ nghĩa nữ quyền do chị dịch và giới thiệu. Đây là nguồn tư liệu phong phú, cần thiết, dành cho bất cứ ai quan tâm đến lý thuyết nữ quyền, xã hội học giới tính, phụ nữ học…

*

Chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính*

Judith Lorber

Những chủ nghĩa nữ quyền của thập niên 1960 và 1970 là sự khởi đầu của đợt sóng thứ hai về nữ quyền. Giống như đợt sóng thứ nhất về nữ quyền, vốn tìm kiếm quyền bình đẳng của công dân cho đàn bà ở những xã hội phương Tây, cội rễ của nữ quyền tự do là trong những triết học chính trị thế kỉ mười tám và mười chín vốn đã phát triển ý tưởng về những quyền cá nhân. Nữ quyền tự do hỏi rằng tại sao những quyền của đàn bà không phải là thành phần của những nhân quyền cá nhân này. Nền tảng của nữ quyền của chủ nghĩa Marx là sự phân tích thế kỉ mười chín của Marx về chủ nghĩa tư bản và sự phân công lao động. Nữ quyền của chủ nghĩa Marx biện luận rằng vị thế của đàn bà trong sự phân công tư bản chủ nghĩa về lao động là vô hình. Nữ quyền xã hội chủ nghĩa lồng giới tính vào những cuộc thảo luận thế kỉ hai mươi trên những quan hệ và những bất bình đẳng về giai cấp và chủng tộc sắc tộc. Nữ quyền hậu thuộc địa sử dụng những ý tưởng thế kỉ hai mươi về sự phát triển quốc gia và sự toàn cầu hoá kinh tế và khảo sát những hiệu quả của chúng lên đàn bà.

Từ lúc khởi đầu của đợt sóng thứ hai, mục đích của nữ quyền cải cách giới tính là sự bình đẳng giới (gender equality) – đối xử với đàn bà và đàn ông về mặt pháp lí như nhau, ngay cả trong khi cho rằng họ khác nhau về mặt sinh học. Những chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính biện luận rằng xã hội sử dụng và cường điệu hoá những khác biệt giới tính, đặc biệt trong sự xã hội hoá về trẻ em. Lập luận chính của họ về sự xã hội hoá là rằng nó tạo ra những khác biệt về cá tính và thái độ trong con trai và con gái để chuẩn bị cho chúng sống đời khác nhau – đàn ông như những kẻ môi giới quyền lực, chủ, lao động, lính, người chồng quyết đoán, và người cha chuyên quyền; đàn bà như những kẻ trợ giúp, nhân viên văn phòng, giáo viên, y tá, người mẹ tận tâm, và người vợ phục tùng. Những chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính phê phán về sự bóc lột sức lao động và cảm xúc của đàn bà để phục vụ cho hôn nhân và biện luận rằng sự phân chia lao động theo giới tính khiến đàn bà phụ thuộc vào một người chồng có lương hoặc sự hỗ trợ của nhà nước. Giải pháp chính của họ từng là khuyến khích sự gia nhập của đàn bà vào trong lực lượng lao động hoặc, trong những xứ sở đang phát triển, hỗ trợ cho đàn bà về quyền sở hữu đất và kinh doanh nhỏ. Những giải pháp này cho đàn bà sự độc lập về kinh tế, nhưng không xét tới vấn đề về “ca hai”, tức là trách nhiệm tiếp tục của đàn bà cho việc duy trì nội trợ và chồng và con cái. Vốn đã có sự phân bố bất bình đẳng về công việc tại nhà, những người mẹ làm việc bên ngoài nhà thường xuyên phải làm trò ảo thuật giữa công việc và gia đình. Với những trói buộc thời gian và việc giao phái họ tới những công việc trả lương thấp, bình đẳng giới là một mục đích khó nắm bắt. Những sự bất bình đẳng về chủng tộc sắc tộc càng ngấm ngầm làm sụp đổ mục đích của bình đẳng đối với đàn bà thuộc những nhóm bị thiệt thòi.

Những chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính xem đàn ông như được thuận lợi trong khu vực của công việc được trả lương, đó là họ thường có những công việc tốt hơn và được trả lương nhiều hơn đàn bà. Về mặt lí thuyết, công việc của đàn ông lẽ ra cho phép họ hỗ trợ vợ và con cái, nhưng khắp thế giới và suốt lịch sử, đàn bà đã chăm sóc con cái và cũng tạo thực phẩm, quần áo, và những nhu yếu vật chất khác như một phần công việc của họ cho gia đình. Khi cuộc cải cách công nghiệp chuyển việc sản xuất hàng hoá ra bên ngoài nhà để đưa vào trong công ti, không chỉ đàn ông, mà cả đàn bà và trẻ em, đều đi ra ngoài để làm việc lãnh lương. Những người đàn ông  nào có thể hỗ trợ gia đình họ toàn là các ông chủ nhà máy và những người đã được hưởng tài sản, và vợ của họ được trông chờ làm bà chủ và người giám sát những tôi tớ việc trong nhà. Đến giữa thế kỉ hai mươi, đàn bà thuộc tầng lớp lao động vẫn còn phải làm trò ảo thuật giữa công việc gia đình và công việc được trả lương để bổ túc cho thu nhập gia đình, còn đàn bà tầng lớp trung lưu, có giáo dục cao đẳng thì tàn tạ trong những khu ngoại ô, họ cảm thấy vô dụng một khi con cái của họ đi trường. Trong 25 năm vừa qua, những người đàn bà này đã ở lại và tái gia nhập lực lượng lao động, thường trong những ngành nghề chuyên nghiệp và quản lí chịu áp lực cao. Tuy nhiên, nơi làm việc không được biến cải để đáp ứng những nhu cầu của “những gia đình lao động” – những hộ gia đình mà cha mẹ là những người cung cấp về kinh tế đồng thời là những người chăm sóc con cái. Chính cấu trúc bị đan chéo về mặt lịch sử này của công việc và gia đình và những vai trò của đàn bà bên trong nó mà những chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính phải đối phó.

Từ một viễn kiến quốc tế, mục đích của bình đẳng giới trong những xứ sở đang phát triển là cho việc giáo dục con gái, chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và đứa con, và những nguồn năng kinh tế cho những người đàn bà đóng góp nặng nề để hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, chính trị nữ quyền giới tính về bình đẳng có thể mắc vào sự chống đối từ những giá trị và những thực hành văn hoá truyền thống vốn ban cho đàn ông quyền lực đối với con gái và vợ họ. Giải pháp của chính đàn bà cho vấn nạn này là cộng đồng tổ chức quanh những vai trò gia đình của họ, là một dạng khác của nữ quyền.

Chính trị của nữ quyền cải cách giới tính đặt căn cứ vào những quan niệm về bình đẳng, sự bóc lột trong nhà và kinh tế về lao động của đàn bà, và kinh tế toàn cầu. Những ý tưởng nữ quyền đang hiện hành trong những hoạt động chính trị quốc gia và quốc tế không nhất thiết được gọi là nữ quyền nhưng quả có mục đích thăng tiến vị thế của đàn bà, đặt những nhu cầu của họ vào trong chương trình chính trị, và thừa nhận rằng “quyền của đàn bà là quyền của con người.”

Hồ Liễu dịch (Sài gòn, ngày 13/3/2013)

*Trích phần hai cuốn “Bất bình đẳng giới: những lí thuyết và chính trị nữ quyền”, Ấn quán Đại học Oxford, 2005
Nguồn: Bản đăng trên http://phebinhvanhoc.com.vn/ đã được sự đồng ý của dịch giả