các nhà phê bình viết về Lê Khánh Mai (II)

CÁC NHÀ THƠ, NHÀ VĂN, NHÀ PHÊ BÌNH VIẾT VỀ LÊ KHÁNH MAI (KỲ II)

Tiếp theo kỳ trước

alt

Lê Khánh Mai đọc thơ giao lưu với sinh viên trường Đại học Hồng Đức, nhân Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung do Hội Nhà văn VN tổ chức tại Sầm Sơn Thanh Hóa, tháng 10/2011

NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH CHU THỊ THƠM:            

…Lê Khánh Mai hay ám ảnh đến kiếp sau và cõi tâm linh của con người. Trong chị là trái tim của một người đàn bà có lửa. Lửa được thắp lên trong những trang thơ, trong sự ngậm ngùi và luôn là ranh giới cho nỗi buồn chỉ  được phép trú ngụ thoáng qua. Thời gian trong thơ chị là thời gian của nhận biết và linh cảm chứ không phải là thời gian trật tự tuyến tính. Đây là một trong những bài thơ ám ảnh của Lê Khánh Mai về thời gian qua bức màn tâm linh:

“…Tôi xương thịt hôm nay ngày sau cát bụi / cát bụi nhỏ nhoi khiêng vác linh hồn/ vẫn khao khát được chở che cứu rỗi/ và trên phiến ngực trần của đá/ Tôi ước ao  làm một mảnh xương sườn/ Tôi xương thịt của hôm nay và ngày sau cát bụi/ vẫn day dứt không nguôi câu hỏi/ có bao giờ đá bùng cháy vì tôi?” (Ngày sau).

…Con người luôn khao khát ấy cũng là con người sẵn sàng đón nhận những rủi ro số phận. Với chị, mọi chuyện không quan trọng bằng việc sống cho nỗi nhớ, khát vọng và tình yêu đích thực. Nếu có nỗi đau, thì nỗi đau ấy cũng không được giả tạo. Những khái niệm mơ hồ tuyệt nhiên không có trong thơ Lê Khánh Mai. Đây là một trong những cảm giác ấy của chị: “…Vẫn biết biển tình nông nổi/ ghìm sao ngọn sóng bạc đầu/ vỗ lên mặt trời chói lọi/ để vùi tận đáy đêm sâu/ Mang thân đàn bà phận lá/ nào ai lường hết nẻo tình/ đã đau đến cùng sỏi đá/ thì thôi/ mình thương lấy mình” (Bạn gái).

Bài:Lê khánh Mai, người mang nỗi buồn đẹp…Báo Giáo dục & Thời đại chủ nhật,  số 40 (91-1-2006)

 

NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH TRẦN THỊ THẮNG:

…Thơ Lê Khánh Mai luôn luôn tỉnh táo trong cái say, trong tình yêu và ngay cả khi sinh nở. Chị không muốn thơ mình giống ai đó, hoặc lặp lại thơ của những người đi trước. Chị luôn ở trong tâm thế đau đáu thơ là gì?  Đó là đặc tính trội để khẳng định một Lê Khánh Mai trong nền thơ Việt Nam sau 1975. Người đọc biết đến chị qua những trang truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học, nhưng chị yêu thơ, nghiêng về phía thơ nhiều hơn và chị đã tạo nên một giọng điệu riêng không thể nhầm lẫn với thơ của người khác. Một giọng thơ nữ bộc trực, khỏe khoắn với lối diễn đạt hiện đại : Không thể lựa chọn số phận/ khi sinh ra/ ta cũng như một nửa loài người trên trái đất/ là đàn bà/… Đôi vai oằn bổn phận/ chông chênh đỉnh cô đơn/ áo cơm loay hoay hố thẳm/…Làm người ai cũng có trái tim/ sao trái tim đàn bà đau nhiều đến thế (Bổn phận).

…Lê Khánh Mai là Thạc sĩ Văn học, từng là giáo viên dạy văn, sau chuyển sang làm lãnh đạo Hội: Phó chủ tịch Hội VHNT, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Nha Trang rồi Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa. Học vấn và môi trường hoạt động là tác nhân quan trọng hình thành ý thức nghệ thuật ở chị.

… Dù viết về mảng đề tài gì, với chiều kích không gian, thời gian nào thì cuối cùng thơ Lê Khánh Mai vẫn chủ yếu nhằm đi sâu khám phá thân phận con người bằng hồn thơ đau đáu tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ và niềm tin bất tuyệt ở cuộc đời.

Bài: Lê Khánh Mai đau đáu phận người –  Tạp chí Nha Trang, số 199, tháng 04 năm 2012

 

NHÀ THƠ MINH QUÂN:

… Trong đời sống văn học Khánh Hoà, tính từ 1975 đến nay, Lê Khánh Mai là một trong vài gương mặt thơ nữ xuất hiện sớm nhất và đã ghi được dấu ấn của mình vào tiến trình văn học địa phương…             

… Khác với nhiều nhà thơ nữ thường chú trọng đến mảng thơ tình, Lê Khánh Mai dành nhiều tâm huyết cho mảng thơ thế sự, trong đó thân phận người phụ nữ nổi bật lên như một ám ảnh tâm linh.

…Lê Khánh Mai chọn cho mình một lối đi thoạt nhìn có vẻ gai góc, nhưng thực ra lại ẩn chứa nhiều niềm vui của sự khám phá, chinh phục. Sự đổi mới trong tư duy thơ, đem đến cho thơ chị một diện mạo mới mẻ, lấp lánh ánh sáng của trí tuệ. Ở một chừng mực  nhất định, về mặt thi pháp, chị đã có ý thức cách tân đáng kể.

Bài: Phía sau cổ tích – Báo Người Công giáo Việt Nam, Số 14, Thứ 7 tháng 4 năm 2001

NHÀ THƠ NGÔ VĂN PHÚ:

… Tôi đọc kỹ tập Cát Mặn với tấm lòng trân trọng. Lê Khánh Mai làm thơ với sự khiếm tốn sẵn có, nhưng vẫn sống cho thơ với tâm hồn nghiêm túc nhất.

          Chị cẩn trọng trong câu chữ. Chỉ khi nào cảm thấy bị thúc giục mới viết. Bài thơ nào cũng có tứ riêng, cảm xúc đằm. Có những bài có tứ lạ như Chân dung, giãi bày, thiên vị, khát… Có nhiều câu thơ hay, như khi chị viết về chiếc lá:

Dẫu là một kiếp phù sinh

vẫn xanh vật vã hết mình thì thôi.

                                      (Lá)

          Có lẽ Lê Khánh Mai, sống cho đời, cho thơ như thế!

Lời tựa tập thơ Cát mặn của Lê Khánh Mai – NXB Hội nhà văn 2001

 

NHÀ PHÊ BÌNH HOÀNG QUẢNG UYÊN:

….Chị luôn tự hỏi: “Chết vùi đi, hay là thắp lửa?/ Đơn giản vô cùng sao mãi cứ phân vân. (Khát vọng). Chị không trả lời, nhưng rõ ràng là chị thắp lửa – thắp ngọn lửa từ trái tim để mà khai mở những con đường mới cho thơ. Mải miết, dịu êm mà bạo liệt, chị chưa bao giờ bằng lòng với những điều người khác tìm ra, định ra mà phải tự tìm ra con đường của chính mình. Có một cái gì đó tương hợp với điều mà Mác Xen Pruts đã từng triết luận: “Đi tìm cái mới không phải là tìm những miền đất mới mà là nhìn bằng Con Mắt Mới”. Phải, chính vì chị nhìn bằng Con Mắt Mới mà khám phá  ra nhiều điều mới mẻ từ những sự vật, những chuyện “cũ như cổ tích”.

… Lê Khánh Mai là người chuyên tâm nghiên cứu ngôn từ – chuyên tâm đến độ say mê! Điều đó thể hiện rõ trong thơ chị và tôi có thể nói rằng: ngôn ngữ trong thơ chị là một thứ ngôn ngữ chính xác, sáng tạo làm nên thần thái mỗi câu thơ, bài thơ – xét trong địa phận hẹp đó chị cũng đã có sự khai mở riêng của mình

Bài: Lê Khánh Mai khai mở những con đường – Tạp chí Sông Hương, số 162, tháng 8- 2002


NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH INRASA:

…Lê Khánh Mai “mơ”, Lê Khánh Mai “muốn” tung vó, lồng lên, kêu thét lên rằng ta đang sống cuộc sống lặp lại, quá nhàm chán; ta đang thơ cuộc thơ thậm sáo mòn. Ta muốn xoá bỏ và xoá bỏ. Dứt áo ra đi một lần và mãi mãi lối  mòn quen thuộc này, lối  viết cũ kỹ này. Để sống khác đi, viết khác đi. Thế nhưng giữa cuộc đời và cuộc thơ tù mù như thế, Lê Khánh Mai đã không tìm thấy mình đích thực là mình…

…khi chưa thể xông pha vào cuộc đấu tranh chống áp chế và đòi hỏi công bằng cho phái nữ, Lê Khánh Mai đi tìm sự cảm thông. Cảm thông với những sinh phận không được ưu đãi: người dàn bà đi chợ, người đàn bà lặng im như cát, người đàn bà bán rau, người đàn bà gom rác … Cảm thông với cả những người “bạn gái” đang mắc kẹt giữa cuộc văn chương và cuộc sống: “thì thôi mình thương lấy mình”

Có thể nói đây là điểm sáng nhất trong thơ Lê Khánh Mai. Biết chia sẻ với thân phận con người bé nhỏ, với thân phận phụ nữ yếu đuối, với người nữ làm văn chương trong nỗi xô bồ của cuộc sống tốc độ hôm nay.

          Trong cuộc đi tìm sẻ chia và cảm thông đó, qua hơn nửa đời người hành trình thơ, Lê khánh Mai không ít lần bắt gặp những câu/ đoạn/ bài thơ đẹp. Đẹp mà buồn. “Đẹp, buồn và trong suốt như sương”. Không phải không mang yếu tố “bứt phá”, “mới lạ”, đóng góp nhất định vào tiến trình thơ Việt  Nam đương đại.

Bài: Lê Khánh Mai đẹp và buồn – Phần Đồng vọng, tập Giấc mơ hái từ cơn giông, Lê Khánh Mai, NXB Hội Nhà văn 2008

(Còn nữa)