BÁO HIẾU

BÁO HIẾU

LÊ KHÁNH MAI

2 giờ sáng rằm tháng bảy, tôi chợt giật mình tỉnh giấc, cảm giác chói mắt như có ai rọi đèn vào mình. Choàng dậy thấy ánh trăng ngoài cửa sổ hắt những đốm sáng hình chiếc lá bồ đề lên gối. Tôi mở cửa nhìn trăng lòng rưng rưng nhớ mẹ. 
Những ngày tháng bảy âm lịch cách đây 5 năm mẹ tôi trong cơn nguy kịch. Sau mấy tháng nằm bệnh viện mổ xẻ đau đớn, vật vã, mẹ đã cạn kiệt sức lực. Bác sĩ nói đưa mẹ về nhà, mẹ ăn được gì thì cho mẹ ăn. Nhưng mẹ có ăn được gì nữa đâu. Yến sào chưng lên lấy chút nước nhỏ cho mẹ mà mẹ cũng không thể nuốt nổi, đôi mắt nhắm nghiền. Con cháu, người thân túc trực bên mẹ chuẩn bị tình huống xấu nhất. Tôi chạy đến ông thầy chuyên coi về việc đất đai, mồ mả, tang chế hỏi về tình trạng của mẹ. Ông nói, mẹ không qua được tháng 7 đâu. Bà đi trong tháng này là tốt cho con cháu, về lo báo hiếu đi. Dù đã tiên liệu được tất cả nhưng nước mắt tôi cứ dàn dụa, cảm giác như màn sương trắng tang tóc đang vây chặt mình. Tôi sẽ báo hiếu cho mẹ như thế nào đây, chẳng lẽ chỉ còn mỗi việc cuối cùng là lo hậu sự cho mẹ, đau xót quá. Mẹ vốn là công chức nhà nước, tuổi già mẹ vẫn trông cậy vào đồng lương hưu, sống đạm bạc và tiết kiệm một phần đủ lo cho bản thân trong phút lâm chung. Rút tiền tiết kiệm của mẹ về, mấy chị em tôi ôm nhau khóc. Khi mẹ còn khỏe mẹ vẫn tằn tiện, gói ghém mọi thứ trong đồng lương hưu được nhận từ thời bao cấp. Mỗi lần con cháu mua quà hay thức ăn cho mẹ thì mẹ đều không chịu nhận, nói, lần sau đừng mua gì nữa, mẹ không dùng đâu. Mẹ có lương hưu rồi, đừng lo. Mẹ ở với người chị cả của tôi, lâu lâu lại đến nhà tôi ở vài ngày cho đỡ nhớ con, nhớ cháu. Tôi sống tất bật với công việc, lo toan cho chồng con và cái gia đình nho nhỏ của riêng mình, thỉnh thoảng mới chợt nhớ đến mẹ thì mẹ vẫn khỏe, vẫn tươi cười. Thế mà….Mẹ đã đi xa mãi mãi, giờ đây con biết làm gì để báo hiếu cho mẹ, mẹ ơi!