Một chiếc lá tươi xanh- Lê Khánh Mai

MỘT CHIẾC LÁ TƯƠI XANH
LÊ KHÁNH MAI
Chỉ cách nhau một cánh cổng mà bên ngoài và bên trong là hai thế giới trái ngược nhau. Bên ngoài, đường phố nhộn nhịp đông đúc, xe cộ tấp nập, dòng người chen chúc, lạng lách qua nhau để vượt lên. Phía trước có gì lạ mà ai cũng nôn nóng, tranh giành từng xăngtimet đường. Họ vội vã lao đi đâu thế? Đã từng xảy ra nhiều vụ tung xe gây thương tích, chết người ở quãng đường này, nhưng dường như người ta vẫn mê muội giẫm đạp lên nhau để tiến nhanh tới nấm mồ, quên đi sự sống quý giá của mình.
Bên trong cánh cổng là bệnh viện ung bướu với bao cảnh tượng hãi hùng của địa ngục trần gian. Trên khoảng sân trước, dọc các lối đi, rất nhiều bệnh nhân ung thư và người nhà của họ nằm ngồi la liệt bên gốc cây, bãi cỏ, vườn hoa. Xung quanh họ là bếp ga mi ni, xoong chảo, chai lọ, vật dụng sinh hoạt. Một không gian nhếch nhác, thảm hại đến nhói lòng. Nhưng không ai có thể cấm cản hay đuổi họ đi. Bởi vì họ đến đây để tìm cơ hội sống sót với hy vọng mong manh, nhưng bệnh viện đã quá tải. Dù có đến 3 dãy nhà nhiều tầng với nhiều phòng, nhưng mỗi giường bệnh hiện đã phải chứa từ 2 đến 3 bệnh nhân. Phòng nào cũng đông nghẹt. Mọi cử chỉ dù rất nhẹ nhàng, cẩn trọng nhưng khó tránh khỏi va chạm, tuy vậy ai cũng cố gắng giữ im lặng để không làm kinh động những bệnh nhân đang đau đớn, mê sảng.
Lần đầu tiên tôi đến đây chăm sóc người thân mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Mở cánh cửa phòng chờ mổ, tôi bàng hoàng, không tin nổi những gì trông thấy. Có đến hàng trăm người trong đồng phục bệnh nhân và mũ trùm đầu một màu xám trắng lạnh lẽo, với ánh mắt vô hồn như thể tâm trí đã lạc vào xa vắng hư vô, chờ tên mình được xướng lên. Họ co rúm lại, nép sát vào nhau, tri nhận mỗi chỗ ngồi trên mặt đất này là một giới hạn không được phép vượt qua. Kỳ lạ, sao tất cả mọi người đều rất giống nhau? Giống đến nỗi tôi nhìn khắp lượt hồi lâu, soi từng gương mặt vẫn không thể nhận ra người thân của mình. Tất cả bỗng thành xa lạ. Tôi run lên, cảm nhận muôn nghìn mạch máu trong mình biến thành những dòng nước lạnh toát len lỏi khắp cơ thể. Một câu hỏi xoáy lên: Trong số những người sắp lên bàn mổ này, sẽ có bao nhiêu người không thể thoát được lưỡi hái của tử thần?
Đêm, trong phòng bệnh, tôi nghĩ miên man. Tôi nhớ Naôê, nhân vật bác sĩ phẫu thuật trong tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” của nhà văn Nhật Bản Full Watanabe Dzunichi. Ông từng mổ cứu sống nhiều người, nhưng chính ông lại mắc bệnh ung thư xương, mà y học bất lực. Để chế ngự những cơn đau hành hạ, ông phải uống nhiều rượu. Khi biết thời gian sống của mình chỉ còn rất ngắn ngủi, Naôê đã tự vẫn. Trong thư tuyệt mệnh gửi cho người tình, ông viết: “Trên ngưỡng cửa của cái chết, anh học được cách nhìn đúng thực chất của con người, anh đã nhìn ra họ không có lớp sơn bên ngoài. Anh đã vứt bỏ cái chủ nghĩa lý tưởng và niềm tin vào sự công bằng của anh trước đây. Anh đã kiên trì cố gắng, nhìn qua cái vẻ máu me của những con người để nhìn ra cái thiện, cái ác nguyên sơ của họ… Cái chết không biết nghỉ ngơi. Anh không tin rằng anh sẽ hóa thân vào Đức Phật. Anh không tin vào sự bất tử của linh hồn. Sẽ không còn gì hết, thổi một dúm tro bay khỏi lòng bàn tay, thế là hết. Cái chết là như vậy đấy. (Trích chương 22.1).
Đêm, trong phòng bệnh, tôi bị vây bủa bởi những tiếng rên la đau đớn, bị ám ảnh bởi những hình hài tàn tạ, những kiếp sống vật vờ đợi giờ kết thúc. Tôi thấy tôi trong họ, mơ hồ, sương khói, mong manh. Tôi thấy chúng sinh nhỏ bé, bơ vơ, vùng vẫy tuyệt vọng trong một tấm lưới khổng lồ. Tôi cố tìm một cái gì đó có thể giúp mình thoát khỏi trạng thái bất an này, và tôi đã bắt gặp điều kỳ diệu.
Ở một giường bệnh đúng tầm mắt tôi, rất gần, có một người chồng đang chăm sóc vợ. Chị bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã cắt bỏ cả 2 bên. Giờ đây chị đang giằng co quyết liệt với tử thần. Trên người chị chằng chịt những ống nhựa: ống thở, ống truyền thuốc, ống hút dịch, máu, nước tiểu bị ứ đọng trong cơ thể. Dưới gầm giường ngổn ngang lọ thủy tinh đựng các chất đã hút ra, màu đỏ, vàng, trắng đục… Chồng chị, người đàn ông chừng 50 tuổi, cao, gầy nhẵng, má hóp, vẻ nhẫn nại. Anh pha một thau nước ấm, nhúng khăn lau thân thể vợ. Bàn tay anh nhẹ nhàng, thành thạo. Anh bưng bô và các chai lọ đựng chất thải đi đổ, rửa ráy sạch sẽ lại mang chúng về vị trí cũ. Rồi anh ngồi bên thành giường lặng nhìn chị hồi lâu. Chừng như chị đã chìm vào giấc khuya anh mới lấy sách ra đọc. Tôi ngạc nhiên vì thấy anh đêm nào cũng mang kính đọc sách dưới ánh điện tù mù. Anh đọc miệt mài như không hề mệt mỏi. Tôi nhìn thấy cuốn sách đã cũ, khá dày, giấy đen giống như những cuốn sách xuất bản thời đất nước khó khăn. Không hiểu sao tôi cứ tin, đó là cuốn tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng”.
Tôi tưởng tượng anh như một thân cây gầy gò, khô xác, mà cuốn sách anh đang cầm trên tay là chiếc lá xanh tươi, như “Chiếc lá cuối cùng” trong truyện của O’henry. Chiếc lá ấy đang xanh thầm lặng, xanh bền bỉ giữa lằn ranh khắc nghiệt của sự sống và cái chết, thắp lên tình yêu thiết tha cuộc sống và con người.
Phải, chỉ có văn chương nghệ thuật mới cứu rỗi được nỗi khổ đau, tuyệt vọng.
Lê Khánh Mai